Thứ hai, 23/12/2024 11:26:40
Bài thu hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bài thu hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Người luôn chăm lo giáo dục và rèn luyện cho cán bộ Đảng viên và mọi người dân về phẩm chất đạo đức cách mạng. Người là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”. Người luôn luôn vận động mọi người dân chúng ta thi đua thực hành tiết kiệm để xây dựng tổ quốc!

Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất mà để dần dần nâng cao mức sống của bồ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”

- Theo lời dạy của Bác Hồ, chúng ta phải hiểu rằng: Tiết kiệm không có nghĩa là không chi tiêu, nhịn ăn, nhịn mặc. Tiết kiệm là sử dụng các nguồn lực và chi tiêu một cách hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không hoang phí.

Người dân Việt Nam đã có truyền thống tốt đẹp về cần cù, chịu thương, chịu khó và tiết kiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao 4 đức tính tốt đẹp “Cần, kiệm, liêm, chính” để thầy rằng “kiệm” đã trở thành 1 trong 4 đức tính tốt đẹp của con người, dù là khi đất nước còn khó khăn hay khi đất nước đã phồn thịnh. “Cần” và “Kiệm” phải đi đôi với nhau. Cần mà không kiệm thì làm chứng nào, xào chừng ấy. Kiệm mà không cần thì không tăng thên, không phát triển được.

Nền kinh tế nước ta qua 20 năm đổi mới đã có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta vẫn là một nước nghèo, đời sống một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đảm bảo đời sống người dân thì nền kinh tế của nước ta cần được phát triển. Muốn xây dựng và phát triển kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn thì chúng ta phải vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa thực hành tiết kiệm để tăng thêm tích luỹ cho nền kinh tế quốc gia cũng như kinh tế gia đình. Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm có một ý nghĩa to lớn nhằm góp phần tích luỹ để thúc đẩy và phát triển sản xuất.

Ông cha ta có câu: “Miệng ăn núi lở”, ý nói: Nếu một người có một núi của cải mà chỉ biết sử dụng, không lo làm ăn, không biết tiết kiệm đề bù đắp, tăng thêm thì dần dần cũng dẫn đến đói nghèo.

Đặc biệt, hiện nay tiết kiệm đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Luật chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành cho thấy vai trò to lớn của vấn đề TK, tiết kiệm được coi là quốc sách.

Chúng ta có thể thực hành tiết kiệm ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ gia đình đến cộng đồng, xã hội. Bất kể lĩnh vực nào cũng có thể thực hành tiết kiệm được.

Để thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng ta phải:

  • Tự rà soát trong sản xuất, tiêu dùng của gia đình, cộng đồng, nơi mình sinh sống có những việc gì cần chưa tiết kiệm, lãng phí, để thay đổi, cải tiến sao cho tiết kiệm, hiệu quả.
  • Tiết kiệm sức lao động: Tổ chức sắp xếp công việc cho khéo để có những việc trước kia phải dùng nhiều người nay chỉ ít người hơn nhưng vẫn đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả; phân công lao động phù hợp cho các thành viên trong gia đình.
  • Tiết kiệm thời gian: Xây dựng tác phong làm việc đúng giờ cho bản thân và các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng; không lãng phí thời gian lao động vào những việc không có ích; trong sinh hoạt hội, sinh hoạt cộng đồng không để người này chờ người kia gây lãng phí thời gian của nhau…
  • Tiết kiệm tiền, của: Có kế hoạch, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư cho sản xuất, trước khi mua sắm, tiêu dùng: thực hành tiết kiệm trước khi đâu tư, trước khi tiêu dùng.
  • Tiết kiệm năng lực: như điện, nước, xăng, dầu, củi… Tạo thói quen “Ra tắt vào bật” các thiết bị điện. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm (từ 18 giờ đến 22 giờ hàng ngày).
  • Tiết kiệm việc ma chay, cưới xin: Thực hiện tổ chức ma chay hoặc cưới xin theo nếp sống mới. Hình thức tổ chức đám cưới có thể tiết kiệm được tiền mà ở địa phương đang thực hiện, là tổ chức cưới tập thể, tổ chức tiệc ngọt, hoặc chỉ tổ chức ăn uống liên hoan trong họ hàng nội ngoại thân tộc. Trong cưới xin, ma chay chúng ta cần tránh những thủ tục lạc hậu, tránh đua đòi dẫn đến tiêu tiền một cách
  • lãng phí, mang nợ nần, thiệt hại kinh tế gia đình và gây tốn kém cho người khác. Chúng ta phải ủng hộ và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương của cấp uỷ, chính quyền địa phương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức ma chay, cưới xin.

Thấm nhuần đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh bản thân tôi đang làm việc tại trường tiểu học Mai Đình số 1. Tôi luôn luôn tự nhủ mình phải sống và rèn luyện cho bản thân mình theo tấm gương sáng của Hồ Chí Minh. Luôn xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ thi đua thực hành tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, biết tiết kiệm để có hiệu quả có chất lượng cao . Không đi muộn về sớm, không lé tránh “dễ làm, khó bỏ” hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Luôn luôn học hỏi sáng tạo trong công việc. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Vận động mọi người thi đua thực hiện tốt mọi nôi quy, quy chế của ngành giáo dục và nhà trường đề ra.

                                                                      Nguyễn Thị Bích Thu

             Một tấm gương tiêu biểu tôi sưu tầm được :

          GS Đặng Văn Soa- Nhà khoa học giàu tâm huyết

 (HNM) - GS Đặng Văn Soa cho biết: "Tôi ước mơ Hà Nội có một trường đại học đa ngành đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như Trường Đại học thủ đô Tokyo của Nhật Bản, mô hình này sẽ là điểm nhấn cho giáo dục Thủ đô và cho cả nước… Đó là lý do đầu năm 2014 tôi chính thức về đầu quân cho Trường CĐSP Hà Nội (nay là Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - PV) và tham gia vào dự án này".

 

Hành trình nghiên cứu và sự thành công

 

GS-TS Đặng Văn Soa sinh năm 1962 trong một gia đình nghèo, có nhiều đời làm nhà giáo tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tốt nghiệp cấp III đỗ đầu với tấm bằng giỏi, Đặng Văn Soa lựa chọn và thi vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

 

 

GS Đặng Văn Soa giảng bài tại Đại học Hoàng gia Thái Lan.

 

Năm 1983 tốt nghiệp, Đặng Văn Soa trở thành giảng viên trường đại học. Từ đây, ông chọn con đường đi sâu vào nghiên cứu về chuyên ngành Lý thuyết trường và Hạt cơ bản, vốn là lĩnh vực nghiên cứu rất khó, nhất là trong điều kiện của Việt Nam khi đó. Đầu năm 1996, ông bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sĩ "Sự chuyển hóa của Photon thành các hạt nhẹ trong trường điện từ ngoài". Những kết quả khoa học của luận án được đăng trên nhiều tạp chí quốc tế có uy tín...

 

Đặng Văn Soa kiên trì theo đuổi con đường nghiên cứu, tập trung vào các đề tài có tính thời sự của khoa học quốc tế nhưng rất "gai góc" như: Sóng hấp dẫn, mô hình chuẩn mở rộng (lý thuyết thống nhất tương tác), vi phạm CP mạnh - vật lý Axion, vật lý Neutrino, vật lý Hisggs và gần đây là vật chất tối và năng lượng tối, nghiên cứu về không gian mở rộng thêm chiều. Ông vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cơ bản cấp quốc gia giai đoạn 2013-2015, mang tên: "Hiện tượng luận của hạt vô hướng trong các mô hình thống nhất". Kết quả của đề tài là 6 bài báo quốc tế với 4 bài báo trong hệ thống ISI, trong đó có 2 bài đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu của Mỹ là Phys.Rev D (một bài đã qua phản biện).

 

Được sự giúp đỡ của bạn bè trong nước và quốc tế, bằng niềm đam mê, sự nỗ lực phi thường của bản thân, nghiêm túc và sáng tạo trong nghiên cứu, ở lĩnh vực nào Đặng Văn Soa cũng thu được những kết quả khoa học có giá trị, được đồng nghiệp đánh giá cao. Kết quả nghiên cứu khoa học của ông được công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trên thế giới như: Phys.Rev. D,. Phys.Lett.B, Nucl.Phys, Eur.Phys.C, JHEP… với độ trích dẫn quốc tế cao. Từ những kết quả nghiên cứu, ông tích cực tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, từ đây một chân trời khoa học rộng mở. Đặng Văn Soa được giới khoa học quốc tế quan tâm và liên tục nhận được nhiều học bổng nghiên cứu ở nước ngoài, được các trung tâm khoa học có uy tín và các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Trung tâm Vật lý quốc tế ICTP, Trường Khoa học quốc tế SISA (Italia), Viện Nghiên cứu hạt nhân Châu Âu CERN (Thụy Sĩ), Viện Năng lượng cao KEK, Viện Yukawa, các trường đại học Kyoto, Tokyo, Chuo, Aichi, Kobe (Nhật Bản), Đại học Hoàng gia Thái Lan… mời cộng tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ông đã tham gia và báo cáo khoa học ở nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Năm 2009, ông là Trưởng ban Tổ chức của hội thảo quốc tế "Vật lý vị" tổ chức tại Việt Nam có hơn 60 đoàn khoa học quốc tế tham dự.

 

Bên cạnh việc tham gia giảng dạy và nghiên cứu, ông còn hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với chất lượng cao. Bằng mối quan hệ quốc tế rộng rãi, ông giới thiệu nhiều sinh viên trẻ xuất sắc của Việt Nam đến các trung tâm khoa học lớn trên thế giới để đào tạo đại học và sau đại học. Năm 2002, Đặng Văn Soa được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư khi ông còn đang công tác ở Nhật Bản. Năm 2007, ông được phong hàm Giáo sư và trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam năm đó.

 

Trăn trở với sự phát triển giáo dục Thủ đô

 

Chúng tôi đến thăm GS-TS Đặng Văn Soa nhân dịp Trường Đại học Thủ đô (ĐHTĐ) Hà Nội (nơi GS đang giữ cương vị Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Khoa Vật lý), vừa được công bố thành lập. Qua trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu được những suy nghĩ cũng như tâm huyết, trăn trở của vị giáo sư về khoa học và giáo dục nước nhà và cũng hiểu vì sao GS Đặng Văn Soa đang có vị trí thuận lợi ở một trường đại học trọng điểm của ngành giáo dục lại chuyển về một trường "địa phương": Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

 

Theo GS Đặng Văn Soa, Trường ĐHTĐ Hà Nội được thành lập là tin vui, là niềm tự hào về sự trưởng thành của cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường và cũng là ước mơ của người dân Hà Nội, có một trường đại học đa ngành chất lượng cao. Giờ đây ước mơ lớn đã trở thành hiện thực, đó chính là tin vui đặc biệt với ngôi trường này. Nói về sự phấn đấu của cá nhân mình, GS Đặng Văn Soa ngập ngừng và kiệm lời, nhưng khi nói về Trường ĐHTĐ Hà Nội, ông tỏ ra cởi mở. Chúng tôi nhận ra đó là tấm lòng của nhà khoa học với nền giáo dục nước nhà và với Hà Nội.

 

Theo GS Đặng Văn Soa, nền giáo dục nước nhà những năm qua không ngừng phát triển, tuy nhiên còn nhiều bất cập, trong đó, hệ thống các trường đại học phát triển rất nhanh, nhưng thực sự chưa mạnh về nội lực, chưa phải là "máy cái" đủ sức tạo ra "nguồn nhân lực chất lượng cao", đáp ứng cho sự phát triển mọi mặt của đất nước và nhu cầu xã hội, nhất là chưa thể hội nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế. Điều này được thể hiện rõ trong sự phân hạng đại học thế giới, Việt Nam chưa có trường đại học nào được đứng tốp 500. Thậm chí một số ngành đào tạo ở Việt Nam, khi ra nước ngoài phải đào tạo lại.

 

GS Đặng Văn Soa cho biết: Trong nhiều đợt công tác tại Nhật Bản, tôi được mời đến báo cáo khoa học tại Trường Đại học thủ đô Tokyo (Tokyo Metropolitan University - TMU). Đây là trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng thủ đô Tokyo với khoảng hơn 13 triệu dân. TMU rất có uy tín ở Nhật Bản và quốc tế, quy tụ khoảng gần 300 giáo sư, đứng đầu ở tất cả lĩnh vực nghiên cứu quan trọng. Về nước, tôi ước mơ ở Hà Nội có một trường đại học như thế làm điểm nhấn cho giáo dục Thủ đô và cho cả nước. Qua trao đổi với bạn bè, tôi được biết Hà Nội đang có dự án xây dựng đại học đa ngành, đó là lý do vì sao mà đầu năm 2014 tôi chính thức về đầu quân cho Trường CĐSP Hà Nội và tham gia vào dự án này.

 

Theo GS Đặng Văn Soa, với bề dày lịch sử hơn 56 năm, luôn luôn là cơ sở đào tạo uy tín bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, được sự quan tâm mọi mặt của các cấp lãnh đạo thành phố, trong tương lai Trường ĐHTĐ Hà Nội sẽ phát triển rất nhanh thành trường đại học đa ngành, đồng thời là nơi thu hút và đào tạo nhân tài của Thủ đô và cả nước. 

 

Qua câu chuyện với GS Đặng Văn Soa, chúng tôi được biết ông rất bận rộn với công tác nghiên cứu và giảng dạy, nhưng vẫn quan tâm đến hệ thống quản lý đại học. Ngoài đội ngũ giảng viên chất lượng cao, theo ông, đội ngũ quản lý và hệ thống quản trị đại học phải thực sự chuyên nghiệp. Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay GS Đặng Văn Soa đã tham gia vào quản lý đại học với các vị trí công tác khác nhau. Từ chủ nhiệm bộ môn, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban đào tạo với nước ngoài và hiện nay là Chủ nhiệm Khoa Vật lý Trường ĐHTĐ Hà Nội, kiêm Bí thư chi bộ. Từ 2009 đến nay, GS Đặng Văn Soa còn là Ủy viên thường trực, Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư ngành vật lý Việt Nam.

 

Ở bất cứ cương vị công tác nào, trong vai trò nhà giáo - nhà khoa học hay quản lý, GS Đặng Văn Soa cũng hết mình cho sự nghiệp chung.

                                                                                      NGUYỄN THỊ BÍCH THU

                                                                                     Sưu tầm

Tác giả: c1maidinh1

Xem thêm