Chủ nhật, 22/12/2024 14:00:44
Nghề giáo bây giờ là một nghề...của những người kiên cường và dũng cảm

Ngày: 13/04/2018

Qua các sự việc gây xôn xao dư luận về nghề giáo trong thời gian vừa qua, trong đó có các vụ bạo hành xâm phạm thân thể, nhân phẩm giáo viên như vụ phụ huynh dùng lời nói ép cô giáo trẻ phải quỳ gối ở Long An; vụ phụ huynh xông vào trường ép cô giáo quỳ xin lỗi và hành hung cô giáo đang mang thai dẫn đến dọa sẩy thai ở Nghệ An; hay vụ thầy giáo bị học sinh đâm trọng thương khi ra khỏi trường ở Quảng Bình, học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre,…

Đó thật sự là một bức tranh đầy đắng cay, tủi nhục và chua xót cho nghề giáo là nghề mà cả xã hội coi là nghề cao quý nhất trong các nghề thì giờ đây đã trở thành nghề nguy hiểm nhất trong tất cả các nghề.

Nghề giáo bây giờ là một nghề đặc biệt "nguy hiểm" (Ảnh minh họa: TTXVN).

Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh và có cả vụ các giáo viên dùng các hình phạt “kinh khủng” đối với học sinh như “phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng”, “giáo viên bắt học sinh liếm bàn”, “giáo viên phạt học sinh ăn ớt”, hay các bảo mẫu hành hạ tàn nhẫn đối với các trẻ em…

Các hành động trên đã xảy ra đã để lại nhiều tiếng “xấu” cho ngành giáo dục, các giáo viên trên đã bị xử lý thích đáng.

Có người bị cho thôi việc, có người bị khởi tố để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Nhưng đó cũng chỉ là một phần trong bức tranh về giáo dục vẫn còn đó rất nhiều giáo viên hết lòng về nghề, luôn phấn đấu vươn lên, vượt mọi khó khăn để mang lại kiến thức, tri thức cho học sinh và nhân loại, có rất nhiều nhà giáo tâm huyết đã ngã xuống vì nghề, nghiệp, nhiều giáo viên xứng đáng được tôn trọng và tôn vinh.

Nhưng trong việc giảng dạy và giáo dục, đôi khi vì tình yêu thương học sinh vì mong muốn học sinh tiến bộ, mong học sinh trở thành người tốt nên có khi người giáo viên đã dùng lời nói hay thước kẻ đánh nhẹ để dạy dỗ học sinh.

Nhưng chính sự yêu thương, bao che quá đáng từ phía phụ huynh dẫn đến những lần phụ huynh bạo hành giáo viên ngay trên bục giảng hay trên đường tới trường.

Giáo dục và cách hành xử của chúng ta

 

Hiểm họa luôn rình rập từ mọi phía

Phải nhìn nhận một cách rất thật rằng nghề giáo bây giờ chứa đựng quá nhiều nguy hiểm, có thể nói là một trong các nghề nguy hiểm trong tất cả các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Không có bất kỳ ngành nghề nào như nghề giáo khi mà giáo viên mỗi ngày đến lớp là mang theo một tâm trạng lo sợ, lo lắng.

Không chỉ chịu đựng những áp lực “khủng khiếp” về thành tích mà lãnh đạo áp đặt, giáo viên không còn cách nào khác phải “chạy đua” theo những điều giả tạo, ảo tưởng, phi lý về những con số “trên trời” như 100% lên lớp thẳng, chất  lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%,….

Giáo viên luôn lo sợ mình phải làm mọi cách để đạt được những con số trên, nếu giáo viên không đạt thì xem như không hoàn thành nhiệm vụ, có thể bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào.

Giáo viên dù biết là trái lương tâm, đạo lý, hay chạy theo thành tích cũng phải theo...vì làm gì có con đường nào khác.

Bên cạnh những áp lực trên, hàng ngày giáo viên phải dạy cả trăm học sinh, coi như cũng gián tiếp giao tiếp hàng trăm phụ huynh thì khó tránh khỏi những câu nói, những hành động ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên.

Giáo viên khi đến trường và ra về không biết mình bị hành hung lúc nào, luôn làm việc với đầu óc căng thẳng, tâm trạng lo lắng, hoang mang.

Nên có thể nói nghề giáo là một nghề nguy hiểm nhất, giáo viên không biết mình bị chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc hay bị xúc phạm thân thể danh dự, nhân phẩm, thân thể lúc nào.

Cho dù nếu có bị thì giáo viên chỉ biết cắn răng chịu đựng, chỉ biết kêu trời và coi như đó là số phận chứ biết rằng không ai bảo vệ, bênh vực cho mình.

Nếu có thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng chỉ là giải quyết hậu quả khi sự việc đã xong xuôi, mà “nước xa không tránh được lửa gần” giáo viên đành phải cam chịu, chấp nhận sự thật đắng cay trên.

Nguy hiểm của nghề giáo từ phía học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường và chính áp lực thành tích quá lớn mà ngành áp đặt.

Những phụ huynh “bá đạo”

 

Ai bảo vệ nhà giáo?

Ngành giáo dục cụ thể cơ quan chủ quản là Bộ giáo dục và đào tạo hiện nay chỉ có thể lên tiếng ở mức kêu hộ nhà giáo, phản đối các hành vi ứng xử không đúng mực với thầy cô chứ không đủ thẩm quyền để giải quyết dứt điểm.

Gần đây vụ 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồngở Đắk Lắk, hay vụ hàng ngàn giáo viên ở  Nghệ An, Hà Tĩnh,…sẽ còn bao nhiêu giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng tiếp theo?.

Lãnh đạo ngành, dù có cố gắng, thì cũng không thể làm gì hơn bởi thẩm quyền tuyển dụng không phải của mình. Phía nội vụ, chính quyền nắm giữ quyền này, và ngành giáo dục chỉ có mỗi quyền là ...sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, khi sự việc xảy ra thì các thầy cô giáo luôn là người thiệt thòi, có trường hợp học sinh ngỗ ngược đánh lại giáo viên ngay trên lớp, giáo viên do thiếu kiềm chế xô xát lại cuối cùng học sinh chỉ bị cảnh cáo còn giáo viên bị buộc thôi việc.

Giáo viên luôn là người thiệt thòi đầu tiên, giáo viên gắn với hình ảnh cao quý nhất trong tất cả các nghề, giáo viên không phải thần thánh hay phật sống mà trong hàng triệu sự việc giáo viên phải luôn mềm dẻo, kiên nhẫn, kiên trì,…kể cả bị hành hung từ phía giáo viên và học sinh.

Có thể nói giáo viên phải “quỳ mọp” trước mọi yêu cầu của lãnh đạo, phụ huynh,…kể cả yêu cầu đó là phi lý, trái luật,…

Khi có sự việc hay biến cố xảy ra một mình giáo viên phải chịu.

Ai sẽ là người bảo vệ giáo viên khi sự cố xảy ra đây?

Thầy bị đánh, cô phải quỳ... chuyện gì đang xảy ra?

 

Tình trạng bạo hành tinh thần và thể xác giáo viên khi nào mới không còn đây?.

Muốn nghề giáo mãi là nghề cao quý trong tất cả các nghề, muốn cả xã hội nhìn nhận, tôn trọng thầy cô giáo nhất thiết phải đưa vào Luật phải xử lý hình sự thật nặng tay với các trường hợp xúc phạm thân thể kể cả danh dự nhân, phẩm thầy cô giáo…

Bên cạnh đó, cũng phải dần dần loại bỏ thẳng tay các giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, không yêu nghề.

Các địa phương phải thành lập các trường giáo dưỡng có đầy đủ công cụ pháp lý, tình yêu thương để có thể giáo dục, giúp đỡ các em học sinh được coi là “cá biệt” trở thành những người tốt trong tương lai.

Đó cũng là cách góp phần để giáo viên trở lại là nghề cao quý và quan trọng để đưa nghề giáo thoát khỏi nghề nguy hiểm nhất trong tất cả các nghề.

BÙI NAM
Bùi Nam
Tin liên quan