Ngày: 10/05/2017
TRƯỜNG TIỂU HỌC THỊ TRẤN THẮNG, HIỆP HÒA VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CHO HỌC SINH NĂM 2017
Giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng cho học sinh là một nhiệm vụ được trường tiểu học thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa đặc biệt quan tâm. Tiếp tục thực hiện chỉ thị 03- Bộ Chính trị về “ Đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm học 2016-2017 Chi bộ - BGH trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào “Em yêu lịch sử Việt Nam” giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng cho các em học sinh nhà trường về lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ( 15.5.1941 – 15.5.2017) và 127 năm ngày sinh nhật Bác (19.5.1890 – 19.5.2017), sáng ngày thứ bảy, ngày 06.5.2017 trường tiểu học thị trấn Thắng đã tổ chức chương trình "Hành trình trải nghiệm- Chúng em với lich sử dân tộc” tại khu di tích Lăng Bác- Bảo tàng quân đội- Làng gốm Bát tràng và Đền Đô để các em hiểu hơn về truyền thống lịch sử dân tộc.
Tham dự chương trình "Hành trình trải nghiệm- Chúng em với lich sử dân tộc” có sự hiện diện của các quý vị đại biểu, khách quý:
- Đ/c: Ngô Thị Kim Dung – Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường
- Đ/c: Ngô Thị Kim Dung – Phó bí thư chi bộ - Phó Hiệu trưởng nhà trường
- 23 giáo viên và 76 PHHS cùng 416 em học sinh các khối lớp.
5h30 phút đòan xuất phát và đến Lăng Bác lúc 7h10, sau khi làm thủ tục đoàn đã vào Lăng thăm Bác cũng như quần thể di tích quanh Lăng. Mọi người trong đoàn, đặc biệt là các em học sinh được biết lịch sử xây dựng Lăng cũng như Khu quần thể di tích này đã trở thành khu tưởng niệm quan trọng liên quan đến 15 năm sống và làm việc của Chủ tich Hồ Chí Minh từ tháng 12 năm 1954 đến tháng 9 năm 1969. Tại đây, cả đoàn còn đi tham quan Phủ chủ tịch, ao cá, giàn cây leo, vườn cây ăn quả, Bảo tàng Hồ Chí Minh, đặc biệt là nhà sàn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng cho lối sống giản dị, khiêm tốn, mềm mỏng và sự dâng hiến cho Tổ quốc và nhân dân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại, xứng đáng với sự tôn vinh của tổ chức UNESCO: Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội, được thành lập ngày 17/7/1956. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, tài liệu khoa học bổ trợ, phim tư liệu, sa bàn phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 04 bảo vật quốc gia, gồm: (Máy bay MIC 21 số hiệu 4324; Máy bay MIC 21 số hiệu 5121, Tấm Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh; Xe tăng T54B số hiệu 843).Trong khuôn viên Bảo tàng có di tích Cột cờ Hà Nội với kiến trúc độc đáo, được xếp hạng di tích kiến trúc lịch sử quốc gia năm 1990.
Buổi trưa, đoàn di chuyển về dùng cơm tại làng gốm Bát Tràng, sau đó học sinh và các thành viên trong đoàn được trải nghiệm về lịch sử làng gốm cũng như quá trình tạo ra sản phẩm gốm. Các em được trải nghiệm để tự mình quay bàn chế tác gốm, tô vẽ sản phẩm gốm theo ý thich qua đó rèn cho các em tính tỉ mỉ, yêu lao động.
Cuối cùng đoàn di chuyển về tham quan và dâng hương tại Đền Đô. Tại đây, toàn đoàn đã được tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử triều Lý suốt hơn 200 năm trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Có thể nói, Chương trình "Hành trình trải nghiệm- Chúng em với lich sử dân tộc” do trường Tiểu học Thị trấn Thắng tổ chức đã giúp các em học sinh hiểu thêm về các di tích, các dữ kiện lịch sử cũng như truyền thống lịch sử dân tộc; thắp sáng lên trong trái tim các em ngọn lửa thiêng liêng, ấm áp, mong muốn được tiếp nối truyền thống cách mạng, không ngừng học tập và rèn luyện để xứng đáng là đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Cũng trong chuyến đi này, mỗi giáo viên chúng tôi cũng học tập ở Bác tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời để phục vụ tốt hơn cho quá trình dạy học, ươm mầm cho tương lai đất nước.
Sau đây là một số hình ảnh ghi lại trong chương trình về nguồn:
Người viết
Đặng Văn Doanh