tin tức-sự kiện

Sinh hoạt chuyên môn theo NCBH định hướng PTNLHS

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CHUYÊN ĐỀ SINH HOẠT CHUYÊN MÔN

THEO NGHIÊN CỨU BÀI HỌC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu (SHCM theo NCBH) bài học là hoạt động giáo viên (GV) cùng nhau nghiên cứu, học tập từ thực tế việc học của học sinh (HS). Ở đó, giáo viên cùng nhau thiết kế bài học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ bài học. Trên cơ sở đó, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hằng ngày một cách hiệu quả. Để hoạt động SHCM theo NCBH thực sự hiệu quả, các giáo viên cần phải thực hiện tốt các bước hướng dẫn sau đây:

1. Chọn chủ đề bài học

* Bước 1: Phân tích chủ đề

Bước đầu tiên để thiết kế bài học là giáo viên (GV) cần tìm hiểu xem chủ đề bài học được trình bày trong sách giáo khoa như thế nào và cân nhắc xem nên dạy chủ đề đó cho học sinh ra sao.

Tìm ra một chủ đề (vấn đề nghiên cứu)

Để tìm ra được chủ đề GV cần phải xem xét tất cả các bài học có nội dung liên quan đến nhau, có thể cần phải xem các bài trong sách giáo khoa ở các khối lớp khác. Khi đã liệt kê xong các bài học, giáo viên nên vẽ một sơ đồ thể hiện cấu trúc của các bài đó xem chúng liên quan đến nhau như thế nào.

Ví dụ, bài "Tỉnh chúng ta" (Tự nhiên và Xã hội lớp 3)

Tìm ra mục tiêu của chủ đề (mục tiêu chung)

Giáo viên tìm hiểu xem đâu là những điểm trọng tâm (khái niệm, lối tư duy và kiến thức) trong chủ đề đó. Trong đó, GV cần chú ý ngoài việc quan tâm đến kiến thức giáo viên cần phải quan tâm đến tiến trình để HS đạt được những kiến thức và những thông tin thực tế. Các mục tiêu của bài học gồm kiến thức, kỹ năng; năng lực và phẩm chất (ví dụ: có khả năng sử dụng kinh lúp để quan sát; có khả năng thảo luận nhóm để thu thập, phân loại các loại rau,..; có hứng thú tìm hiểu về đặc điểm, cấu tạo của cây cối,....).

Ví dụ, chủ đề "Tỉnh chúng ta" (Tự nhiên và Xã hội lớp 3).

Bảng dưới đây tóm tắt những điều giáo viên muốn học sinh nắm được qua chủ đề này.

Kiến thức:

- Nắm được những đặc điểm chính của ba khu vực khác nhau trong tỉnh Bắc Giang.

- Hiểu chức năng của bưu điện

Năng lực:

- Có khả năng nghiên cứu tài liệu và thảo luận theo nhóm

- Có khả năng quan sát/phỏng vấn để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi

Phẩm chất:

- Quan tâm, hứng thú tìm hiểu và yêu mến quê hương mình

2. Thiết kế bài học

③ Đề ra các mục tiêu bài học (mục tiêu riêng)

Khi nắm rõ các mục tiêu của chủ đề bài học, việc tiếp theo là giáo viên tiến hành thiết kế những công việc phải làm trong mỗi bài học để đạt được các mục tiêu đó trong thời gian đã quy định.

Ví dụ, nếu bốn tiết học có cùng một chủ đề, giáo viên sẽ sử dụng bốn tiết này như thế nào để đạt được mục tiêu của chủ đề? Học sinh nên học gì trong mỗi tiết học?

Ví dụ, chủ đề "Tỉnh chúng ta" (Tự nhiên và Xã hội lớp 3).

Để giúp học sinh đạt được những mục tiêu đó, chúng ta sẽ sắp xếp các mục tiêu bài học của từng bài học như sau:

Tiết 1:

Nắm được những đặc trưng chính của tỉnh Bắc Giang.

Quan tâm, yêu mến tỉnh mình, quê hương mình.

Tiết 2:

Có khả năng tìm hiểu về tỉnh mình dựa trên những tài liệu sẵn có.

Có khả năng làm việc theo nhóm

Tiết 3:

Có khả năng tìm hiểu về tỉnh mình dựa trên những tài liệu sẵn có.

Có khả năng làm việc theo nhóm

Tiết 4:

Trình bày các kết quả tìm được.

Hiểu được những điểm khác nhau giữa ba khu vực trong tỉnh Bắc Giang

Tiết 5:

Lập chương trình thăm quan bưu điện (phỏng vấn nhân viên bưu điện).

Tiết 6:

Thăm quan bưu điện (phỏng vấn nhân viên bưu điện).

Nắm được chức năng chính của bưu điện.

Có hứng thú với nhiều công việc khác nhau.

④ Chuỗi các bài học

Bước tiếp theo GV cần làm là xem xét đến trật tự các bài học. GV cần phải thiết kế một trình tự tốt nhất để học sinh tìm ra các kiến thức. GV có thể cần phải thay đổi trật tự các bài trong sách giáo khoa. Dựa trên sự phân tích của mình rồi vẽ sơ đồ để thể hiện cấu trúc mới của các bài học.

Ví dụ, chủ đề "Tỉnh chúng ta" (Tự nhiên và Xã hội lớp 3).

Bài

Các mục tiêu bài học trong sách giáo viên

Bài học sẽ

dạy minh hoạ

Bài 27-28

Kể tên một số cơ quan hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế của tỉnh (thành phố)

Tiết 2, 3 và 4

Cần có ý thức gắn bó, yêu quê hương

Tiết 1, 2, 3, 4

Bài 29

Kể tên một số hoạt động diễn ra ở bưu điện tỉnh

Tiết 5, 6

Nêu ích lợi của các hoạt động bưu điện, truyền thông, truyền hình, phát thanh trong đời sống

Tiết 5, 6

Bài 30

Kể tên một số hoạt động nông nghiệp của tỉnh (thành phố) nơi các em đang sống

Tiết 2, 3, 4

Nêu lợi ích của hoạt động nông nghiệp

Tiết 2, 3, 4

Bài 31

Kể tên một số hoạt động công nghiệp, thương mại của tỉnh (thành phố) nơi các em đang sống

Tiết 2, 3, 4

Nêu được ích lợi của các hoạt động công nghiệp, thương mại

Tiết 2, 3, 4

Bài 32

Phân biệt sự khác nhau giữa làng quê và đô thị

Tiết 2, 3, 4

Liên hệ với cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân ở địa phương

Tiết 2, 3, 4

* Bước 2: Phân tích tình hình học sinh trên thực tế

Trong khi nghiên cứu chủ đề bài học, GV cần phải phân tích tình hình thực tế học sinh của mình. Các em đã biết những gì về chủ đề này? Các em có mối quan tâm gì hay có thái độ như thế nào đối với chủ đề này? Các em đã có những kỹ năng gì để khám phá ra các kiến thức mới? Các em có thể sử dụng loại đồ dùng học tập nào? Các em có những kỹ năng trình bày nào?

Giáo viên cần phải có một số ý tưởng dự kiến tất cả các câu hỏi này và cần phải tính đến những câu hỏi này khi thiết kế các bài học. Đặc biệt GV cần phải thiết kế bài học càng cụ thể càng tốt. Chủ đề bài học cần phải gắn liền với cuộc sống hàng ngày của HS. Nội dung của bài học cần phản ánh kinh nghiệm và quan tâm của học sinh. Đồng thời những kinh nghiệm và sở thích của các em cần phải được thể hiện trong nội dung của bài học. Ví dụ: khi học sinh học về những công việc trong gia đình thì sự quan sát hoặc cảm nhận của các em đối với gia đình nên được đưa ra chia sẻ trên lớp học và những gì các em nhận ra được qua bài học trên lớp học phải được thể hiện trong thực tế cuộc sống tại nhà (ví dụ: các em phải giúp đỡ bố mẹ, tự gập chăn màn, tự đánh răng,...).

* Bước 3: Thiết kế các cách tiếp cận dạy học thích hợp

Ở trên, giáo viên đã hoàn thành bước phân tích chủ đề các bài học và đã có được những ý tưởng rõ ràng về mục tiêu của mỗi bài học. Bước tiếp theo là GV thiết kế cách tiếp cận dạy học thích hợp cho mỗi bài. Thông thường thì các bài học bao gồm các vấn đề mà giáo viên cung cấp cho học sinh, và học sinh tiến hành các hoạt động để giải quyết các vấn đề đó. Nếu đưa ra được những vấn đề hay thì học sinh sẽ hào hứng hơn với chủ đề bài học và đào sâu suy nghĩ hơn. Học sinh sẽ tìm kiếm các cách giải quyết, sử dụng các kiến thức đã biết của mình và kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, một khi các em tìm ra được các giải quyết, các em có thể dần dần xây dựng nên được các kiến thức có hệ thống (kiến thức mới + kiến thức đã biết).

Vậy thế nào là một vấn đề hay? Một vấn đề hay có một số đặc điểm sau đây:

- Qua quá trình giải quyết vấn đề, học sinh sẽ có khả năng hiểu được các ý chính của bài học/chủ đề bài học.

- Vấn đề phải liên quan mật thiết đến cuộc sống hoặc kinh nghiệm có trước của học sinh.

- Vấn đề phải hấp dẫn thú vị đối với các em học sinh.

- Vấn đề phải có nhiều giải pháp hợp lý chấp nhận được. Nếu vấn đề chỉ có một giải pháp thôi thì tư duy của các em không thể mở rộng được và các em không thể học hỏi được lẫn nhau.

- Vấn đề cần có tính thách thức (nhiệm vụ nâng cao) không nên quá dễ, nếu vẫn đề dễ giải quyết thì học sinh sẽ không cần phải suy nghĩ động não và khó mà thảo luận nhóm.

- Vấn đề không nên quá khó. Nếu học sinh không có manh mối nào để suy nghĩ, việc phỏng đoán của các em sẽ bị hạn chế và các em sẽ không còn cảm thấy hào hứng suy nghĩ nữa.

- Vấn đề cần phải đơn giản, xoáy vào một điểm.

- Một vấn đề hay phải gợi mở học sinh thắc mắc “tại sao?”.

Giả sử ta đã có được một ý tưởng cho một vấn đề hay thì GV nên lập kế hoạch bài học như thế nào để sử dụng vấn đề đó. Sau đây là một tiến trình cơ bản:

Tại sao? HS nhận ra vấn đề (thắc mắc).

Bởi vì, tại vì… HS suy đoán các cách giải quyết vấn đề (trả lời).

Có phải không? HS đưa ra các cách giải quyết vấn đề (băn khoăn).

Hãy thử xem! HS tìm các cách giải quyết vấn đề và tìm ra kết quả.

Đúng rồi! HS khẳng định các cách tốt nhất.

Nhiệm vụ của GV là hỗ trợ để học sinh được trải nghiệm tiến trình đã nhắc đến ở trên bằng những hướng dẫn thích hợp. Tuy nhiên, không phải tất cả các bài học đều bao gồm tất cả các bước trên. Ví dụ: bước “Có phải không?” là bước mà HS tìm kiếm cách giải quyết vấn đề, bước này có thể rất khó đối với các em học sinh lớp nhỏ. Thay vào đó, GV có thể phải chuẩn bị một thí nghiệm hoặc các hoạt động quan sát phù hợp để giải quyết vấn đề.

Sau đó, Gv nên tạo đồ dùng dạy, đồ dùng cho học sinh phù hợp nhất với vấn đề. Chuẩn bị đồ dùng cẩn thận là rất quan trọng bởi vì đồ dùng tốt và phù hợp có thể kích thích việc học tập của các em rất mạnh. Ngược lại, đồ dùng không phù hợp có thể làm các em lúng túng và cản trở các em tiếp tục học tập. Do đó GV cần tạo ra các đồ dùng dạy – học thích hợp.

Như vậy, GV đã đề cập đến các khía cạnh của quá trình tiếp cận dạy học:

  • Giáo viên nên chuẩn bị vấn đề gì?
  • Nên giới thiệu những hoạt động nào?
  • Nên sử dụng đồ dùng dạy học gì?
  • Tiến trình bài học nên như thế nào?

Tất cả những ý tưởng này được tóm tắt lại trong mẫu kế hoạch bài học. Có rất nhiều mẫu kế hoạch bài học khác nhau và trang sau đây sẽ giới thiệu một ví dụ mẫu kế hoạch bài học.

Ví dụ về mẫu Kế hoạch bài học

Kế hoạch bài học cho môn

Tên giáo viên:

1. Tên chủ đề

2. Phân tích chủ đề

Giải thích về phần phân tích chủ đề

3. Tình hình học sinh

Kinh nghiệm mà học sinh đã có, kiến thức, hứng thú đối với chủ đề, khả năng học tập, không khí lớp học…

4. Các mục tiêu của chủ đề

Các mục tiêu có thể bao gồm:

Hiểu biết về tài liệu

Lối tư duy,

Các kỹ năng quan sát hoặc diễn đạt

Hứng thú, động cơ học tập

5. Kế hoạch dạy học cho chủ đề (tổng cộng ……… tiết)

Ý tưởng chung về cấu trúc các bài học trong Chủ đề này.

Tiết

Các mục tiêu

Các hoạt động học tập chính

6. Kế hoạch dạy học cho tiết học này (Tiết học )

(1) Mục tiêu bài học

(2) Chuẩn bị

(3) Tiến trình bài học

Thời gian

Các hoạt động học tập của học sinh

Hỗ trợ của giáo viên

Bước 4: Kiểm tra các kế hoạch bài học trước khi tiến hành giờ học

Sau khi hoàn tất một kế hoạch bài học, GV cần kiểm tra xem kế hoạch bài học đó có lấy học sinh làm trung tâm hay không. Để làm được điều này, GV cần lưu ý một số điểm dưới đây. Lưu ý là các kế hoạch bài học không nhất thiết phải có đủ tất cả các điểm này. Gv nên kiểm tra các kế hoạch bài học mình đã xây dựng cùng với các đồng nghiệp.

Những điểm cần lưu ý để kiểm tra bài học "Lấy học sinh làm trung tâm":

- Giáo viên có thể giải thích rõ ràng các mục tiêu của chủ đề bài học và bài học có liên quan với chủ đề đó như thế nào (Cấu trúc của một bài học được xem xét kỹ lưỡng theo hướng học sinh có thể liên hệ kiến thức mới trong bài với kiến thức các em đã biết hay kinh nghiệm mà các em đã trải qua.)

- Nội dung của bài học phải có liên hệ chặt chẽ với những kinh nghiệm hàng ngày của học sinh.

- “Vấn đề” của bài học phải bắt nguồn từ hứng thú, quan tâm hoặc thắc mắc của học sinh.

- Cho học sinh có đủ thời gian để suy nghĩ cá nhân và/ hoặc trong nhóm.

- Tổ chức các hoạt động cho học sinh thực sự được thực hành hoặc làm thí nghiệm.

- Tổ chức các hoạt động theo nhóm hoặc hoạt động chia sẻ cho học sinh.

- Giáo viên chuẩn bị để giải đáp những phản ứng và các câu hỏi của HS.

- Các ý kiến, câu hỏi, tìm tòi và các lỗi học sinh mắc phải có thể được sử dụng trong tiến trình bài học này.

3. Tiến hành dạy học

Bước 5: Tiến hành bài học

Sau khi xây dựng kế hoạch bài học, GV tiến hành triển khai các kế hoạch đó trên lớp học. Giáo viên cần tiến hành bài học một cách linh hoạt hơn dựa trên những tình huống diễn ra trên lớp học. Giáo viên không cần phải bám sát các kế hoạch bài học một cách cứng nhắc. Kế hoạch bài học chỉ là ý tưởng dự kiến và chỉ để giáo viên tham khảo trong khi tiến hành bài học.

Khi GV tiến hành bài học, có một số điểm quan trọng cần chú ý.

- Lắng nghe các ý kiến, phát biểu của học sinh

Để giúp học sinh biết cách chăm chú lắng nghe người khác, nhất thiết giáo viên phải là người biết lắng nghe những ý kiến của HS một cách cẩn thận, qua đó phân tích thông tin để hiểu ý kiến của từng em.

- Tìm hiểu mối quan hệ giữa các ý kiến của học sinh

Sau khi lắng nghe cẩn thận ý kiến của từng em học sinh, GV phải tìm xem giữa các ý kiến đó có mối quan hệ với nhau như thế nào. Tìm hiểu xem ý kiến có liên quan như thế nào đến bối cảnh lớp học là một điều rất quan trọng nhằm giúp ý kiến đó trở nên có giá trị.

- Tìm hiểu nguyên nhân học sinh mắc lỗi

Khi học sinh mắc lỗi, tuyệt đối GV không trách mắng và cũng không được áp đặt câu trả lời đúng. Điều quan trọng hơn là GV hãy tìm ra nguyên nhân khiến các em mắc những lỗi đó và tìm cách hướng dẫn các em một cách rõ ràng để tránh cho học sinh mắc những lỗi tương tự.

- Tạo môi trường học tập thoải mái

Lớp học là nơi học sinh có những thử nghiệm khác nhau và từ đó hình thành kiến thức cũng như phát triển các kỹ năng, năng lực và phẩm chất của mình. Do vậy, trong giờ học, học sinh cần trình bày ý kiến, quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Ngay cả khi những ý kiến đó là sai thì giáo viên cũng chấp nhận, bởi vì học sinh luôn học được những điều mới mẻ từ những lỗi mình mắc phải. Giáo viên phải luôn khuyến khích học sinh trình bày ý kiến một cách thẳng thắn từ đó mới biết cách hướng dẫn các em. Để làm được điều này, GV phải nỗ lực tạo môi trường học tập tốt cho mọi học sinh trong lớp học.

- Tầm quan trọng của khả năng cải tiến bổ sung

Khả năng cải tiến bổ sung nghĩa là khả năng kịp thời nắm được những thông tin cần thiết và sử dụng những thông tin đó để có những hành động tiếp sau. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc mức độ hiểu bài của từng cá nhân học sinh tại thời điểm nhất định và có thể đoán trước được tình hình học tập của từng học sinh. Tuy GV đã chuẩn bị kế hoạch bài học trước khi lên lớp, nhưng một giờ học thực tế thường không giống với kế hoạch như đã chuẩn bị. Khi tiến hành bài học, GV phải liên tục điều chỉnh kế hoạch bài học và đưa ra những quyết định kịp thời tùy thuộc vào tình hình học tập của học sinh. Do vậy, GV phải tham gia nhiều vào dự giờ và phân tích bài học để có đủ kinh nghiệm và năng lực nắm bắt được tình hình học tập của từng học sinh ngay tại chỗ.

4. Phân tích bài học

Bước 6: Phân tích phản hồi về bài học minh họa

Việc suy ngẫm là việc làm hết sức quan trọng để xem xét lại tình hình thực tế của lớp học và rút ra những thông tin cần thiết cho việc tiến hành những bài học tiếp theo. Chính vì vậy, bước này được gọi là phân tích bài học. Quan điểm của giáo viên về học sinh và tình hình học tập của các em là những vấn đề cơ bản của giáo dục.

Hơn nữa, hoạt động phân tích, phản hồi này sẽ làm bộc lộ những khác biệt còn tồn tại giữa tiến trình bài học thực tế và kế hoạch bài học được thiết kế trước đấy. Sau đó, GV sẽ có thể vạch kế hoạch bài học dựa trên cơ sở dự đoán xem học sinh sẽ phản ứng như thế nào trên thực tế. Giáo viên sẽ có thể chuẩn bị thêm nhiều phương án đáp lại học sinh. Đây là một trong những năng lực chuyên môn quan trọng của Gv. Bằng cách tích luỹ kinh nghiệm như thế này, dần dần người GV có thể phát triển khả năng thực tế hơn trong việc biên soạn kế hoạch cho các bài học về sau.

Ngoài ra, trao đổi về các vấn đề trong thực tế sẽ dẫn GV tới chỗ suy nghĩ về việc phải làm gì nhằm đối phó với những vấn đề đó và cần suy ngẫm xem có thể khắc phục các vấn đề đó như thế nào trong tương lai. Đây là một phần quan trọng của phân tích, phản hồi xét từ khía cạnh sau khi vạch kế hoạch.

Việc nhìn nhận lại bài học là rất quan trọng: nó làm cho kết cấu vô hình của bài học trở thành hữu hình. Vì dụ khi dự giờ quan sát thấy một em học sinh đã cất biến quyển vở của mình đi. Một kết cấu tiềm ẩn nào đó của bài học được bộc lộ trong quá trình dự giờ. Điều này có thể được thể hiện rõ trong quan hệ tương tác giữa giáo viên với các học sinh, qua ngôn từ và phi ngôn từ.

Dưới đây là những đặc điểm chính của việc suy ngẫm:

- Tập trung vào tình hình học tập của học sinh

Giáo viên cần phải thảo luận về bài học dựa trên tình hình học tập của học sinh. Khi phân tích bài học, giáo viên cố gắng hình dung xem em này đang nghĩ gì, em kia đang trải qua điều gì và em khác đang cảm thấy điều gì trong giờ học. Làm được điều này thì GV sẽ có thể nhận ra được thực tế học tập của học sinh - vấn đề cơ bản của giáo dục.

- Trao đổi ý kiến giữa những người dự giờ

Giáo viên trao đổi càng nhiều ý kiến thì càng nhận ra được thực tế học tập của học sinh rõ ràng hơn. Vì thế, các GV khi tham gia vào phân tích bài học cần đẩy mạnh giao tiếp và thảo luận giữa những người dự giờ càng nhiều càng tốt vì qua đó có thể học được nhiều điều và nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời giáo viên sẽ có được một số điều sau đây:

+ Nhận ra thái độ đối với học sinh và quan điểm về HS của GV

Việc phân tích bài học sẽ giúp giáo viên nhận ra thực tế còn thiếu hiểu biết về học sinh của bản thân và cũng cho GV một cơ hội quan trọng để xem xét lại quan điểm của mình về học sinh. Mỗi người GV có thể cải thiện việc dạy học của mình thông qua hoạt động liên tục như vậy.

+ Thiết lập một chương trình thực sự: “chương trình dựa trên việc học tập”

Tất cả sách giáo khoa, sách giáo viên và kế hoạch bài học tham khảo thường không hoàn toàn phản ánh được những nhu cầu thực sự của học sinh, những tình huống học tập thực sự và cần phải được điều chỉnh, cải tiến. Việc phân tích cung cấp cho GV rất nhiều thông tin cần thiết để điều chỉnh những kế hoạch sẵn có cho phù hợp với những tình huống học tập thực tế của học sinh.

+ Thu thập những thông tin cần thiết để cải tiến bổ sung

Giáo viên dạy học sinh hàng ngày và liên tục chuẩn bị nhiều kế hoạch bài học. Khi chuẩn bị kế hoạch bài học, Gv thường gặp khó khăn vì không có ý tưởng rõ ràng về việc dạy như thế nào. Điều này chủ yếu là do GV thiếu kiến thức về nội dung giảng dạy và hiểu biết về học sinh. Tuy nhiên, hoạt động phân tích bài học thường xuyên liên tục sẽ giúp cho GV một hình ảnh rõ ràng về học sinh và việc học tập của các em. Hình ảnh này sẽ là một nguồn thông tin quan trọng giúp mỗi GV tiến hành các hoạt động dạy học hàng ngày.

5. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bài học

Bước 7: Điều chỉnh bổ sung

Sau khi phân tích bài học các nhóm GV sẽ cùng thảo luận, điều chỉnh bổ sung, cải tiến kế hoạch bài học cho hoàn thiện. Điều này rất quan trọng bởi vì sẽ giúp cho giáo viên có một kế hoạch hoàn chỉnh. Trong trường hợp tất cả giáo viên cảm thấy kế hoạch bài học chưa thể hoàn thiện thì tiếp tục nghiên cứu để tiến hành để dạy ở các lớp khác cho hoàn thiện hơn.

Bước 8: Viết báo cáo chuyên đề

Cuối cùng giáo viên viết báo cáo vạch ra những gì học được liên quan đến chủ đề nghiên cứu và mục tiêu của họ trong giảng dạy.

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường