Chủ nhật, 22/12/2024 12:32:45
Rối bời đổi mới giáo dục

Ngày: 26/04/2018

Rối bời đổi mới giáo dục

Trước thềm năm học mới 2016-2017, dư luận cả nước xôn xao việc tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 và thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về đánh giá học tập của học sinh (HS) tiểu học, cũng như áp dụng mô hình giáo dục tiểu học mới (VNEN). Khoan nói về VNEN, bài viết này xin được phân tích về hai vụ việc đầu để chỉ ra những bất cập cần khắc phục.

Tiến thoái lưỡng nan

Từ năm 2014, khi Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi quốc gia THPT “2 trong 1” (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ), việc tuyển sinh ĐH-CĐ luôn phát sinh nhiều sự cố phức tạp. Năm 2014 là sự bất hợp lý trong cách tổ chức các hội đồng thi và cách thức lựa chọn môn thi, dẫn đến sự chồng chéo về hồ sơ tốt nghiệp THPT với hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ. Năm 2015 là sự rối loạn về thay đổi nguyện vọng chọn trường, với hiện tượng “rút ra nộp vào” liên tục các hồ sơ dự tuyển. Và năm nay 2016 là vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh của các trường bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Phải chăng sự thiếu hụt chỉ tiêu trong năm nay là biểu hiện của chất lượng thí sinh dự tuyển đã tăng lên theo quy luật “giảm số lượng để tăng chất lượng”? Nếu xem xét đề thi và đáp án của tất cả các môn thi thì câu trả lời là không phải vậy!

Chính cái ranh giới máy móc để phân biệt đối tượng dự thi “chỉ cần tốt nghiệp THPT” với đối tượng “muốn được tuyển vào ĐH-CĐ”, kèm theo đó là quy định cứng nhắc về số nguyện vọng được chọn (mỗi thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường được chọn tối đa 2 ngành) đã tạo ra số lượng “thí sinh ảo” quá nhiều, khiến cho số thực sự đủ điểm đậu bị sút giảm so với các kỳ tuyển sinh trước đây. Thêm nữa, việc các trường phải hạ thấp điểm chuẩn để cố đạt chỉ tiêu lại càng chứng tỏ chất lượng thí sinh trúng tuyển năm nay giảm hẳn.

Kỳ thi quốc gia THPT “2 trong 1” phát sinh nhiều sự cố, bất cập Ảnh: TẤN THẠNH
Kỳ thi quốc gia THPT “2 trong 1” phát sinh nhiều sự cố, bất cập Ảnh: TẤN THẠNH

Những vấn đề và sự cố phát sinh đó là cái giá phải trả của kỳ thi “2 trong 1” để thay cho 2 kỳ thi quốc gia riêng biệt với những hệ lụy tiêu cực khác. Hơn nữa, chất lượng và giá trị của việc tuyển sinh qua kỳ thi “2 trong 1” chẳng những không tốt hơn mà trái lại còn kém so với việc tuyển sinh qua kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ tiến hành sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD-ĐT sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp để khắc phục những vấn đề và sự cố nêu trên. Tuy nhiên, nếu “rút kinh nghiệm” để tìm thêm cách mới nhằm tiếp tục cải tiến kỳ thi “2 trong 1” thì “cách mới” ấy sẽ làm phát sinh vấn đề mới, tức là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, như thực tiễn 3 năm qua đã chứng minh. Trở lại với 2 kỳ thi quốc gia như trước cũng không ổn vì khi ấy, những hệ lụy tiêu cực cũ lại hồi sinh. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này cho thấy việc cải tiến một kỳ thi quốc gia không hề đơn giản, không thể thực hiện bằng những ý tưởng chủ quan của cơ quan hữu trách để áp đặt cho xã hội thực hiện.

“Con nít làm sao đánh giá… con nít!”

Thông tư 30 được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28-8-2014. Sau 2 năm thực hiện, giáo viên và cha mẹ HS không nhận thấy tác dụng tích cực của sự đổi mới đánh giá theo thông tư này, trong khi nhiều rắc rối, bất cập phát sinh. Từ đó, dư luận chung ở nhà trường là muốn từ bỏ tinh thần thông tư này để trở về với cách đánh giá truyền thống.

Vậy nguyên nhân vụ việc này xuất phát từ đâu?

 

Khoa học giáo dục định nghĩa “đánh giá” là đo lường những giá trị (hay thành quả) đạt được của HS theo mục tiêu của quá trình giáo dục do giáo viên thực hiện. Không hiểu như vậy, Thông tư 30 đưa ra quan niệm “đánh giá” là “nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học”. Quan niệm như vậy là sai lầm về chức năng của đánh giá (không phải “nhận xét” mà phải là “đo lường”) và không chính xác về mục tiêu đánh giá (tách rời “rèn luyện”, “hình thành và phát triển năng lực”, “phẩm chất” ra khỏi “kết quả học tập”). Từ quan niệm bất cập và mơ hồ như vậy, thông tư đã biến mục đích thành tác dụng của việc đánh giá (“giúp giáo viên”, “giúp HS”, “giúp cha mẹ HS”…). Do đó, văn bản này đã lẫn lộn chủ thể đánh giá (giáo viên) với đối tượng được đánh giá (HS) và người đồng thụ hưởng kết quả đánh giá (cha mẹ HS); biến tất cả thành “đồng tác giả” của công trình đánh giá, mà nói như một phụ huynh: “Con nít làm sao đánh giá… con nít!”. Với sự lẫn lộn đó, việc đánh giá không thể tiến hành có chất lượng được.

Trong khi đó, vì không hiểu chức năng đo lường, lại lẫn lộn chủ thế với đối tượng đánh giá, Thông tư 30 biến hoạt động đánh giá giáo dục thành việc theo dõi của giáo viên đối với mọi hành vi và biểu hiện của HS; đồng thời là việc HS theo dõi và phán xét nhau theo cảm tính của các em. Chính vì vậy, thông tư đã yêu cầu “giáo viên ghi những nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” và “không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên”(!). Với quy định như vậy, Thông tư 30 vô hiệu hóa “đánh giá thường xuyên” chứ không phải là đổi mới hoạt động đó.

Riêng về “đánh giá định kỳ kết quả học tập cuối học kỳ và cuối năm học”, thông tư đã chỉ đạo đúng khi yêu cầu giáo viên chấm bài theo thang điểm 10. Nhưng đó chính là cách đánh giá theo truyền thống cũ, nếu muốn đổi mới thì giáo viên phải có quyền thiết kế công cụ đánh giá theo định tính hay định lượng như đã nêu ở trên.

Với một thông tư như thế, dĩ nhiên giáo viên và cha mẹ HS không thể chấp nhận, buộc Bộ GD-ĐT phải sửa đổi thông tư này. Văn bản sửa đổi đã sửa chữa đúng hướng một số sai lầm và bất cập của Thông tư 30, như: bỏ việc ghi chép của giáo viên vào “sổ theo dõi chất lượng giáo dục”; quy định đánh giá học sinh theo các mức A-B-C thay cho việc “ghi chép” đó; tăng thêm bài kiểm tra toán và kiểm tra tiếng Việt giữa học kỳ cho lớp 4 và lớp 5, cho phép giáo viên được quyền chủ động hoàn toàn trong việc đánh giá học sinh… Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ dừng lại ở việc sửa sai để phục hồi hoạt động đánh giá của giáo viên tiểu học.

Trái nguyên lý khoa học

Những vấn đề tồn tại và các sự cố phát sinh trong việc tuyển sinh ĐH-CĐ và thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT từ năm 2014 đến nay cùng xuất phát từ một nguyên nhân: được tiến hành bằng các biện pháp hành chính thay vì dựa theo nguyên lý khoa học giáo dục, cụ thể là các nguyên lý của bộ môn “đo lường và đánh giá” (measurement and evaluation).

Khoa học đã chỉ ra rằng mọi quá trình giáo dục (hay chương trình học) đều bao gồm 4 yếu tố cơ bản có quan hệ tương tác với nhau là mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. Do vậy, muốn đổi mới 1 trong 4 yếu tố đó thì phải đổi mới đồng bộ nó với 3 yếu tố kia. Khi chương trình THPT chưa đổi mới, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi quốc gia THPT “2 trong 1”, tức là đổi mới yếu tố “đánh giá” trong lúc mục tiêu, nội dung và phương pháp vẫn như cũ là trái với nguyên lý khoa học. Tương tự, trong khi chương trình giáo dục tiểu học chưa đổi mới mà lại dùng Thông tư 30 để đổi mới đánh giá học tập của HS tiểu học cũng là đi ngược với nguyên lý khoa học.

Khoa học cũng vạch rõ rằng: đánh giá phải nhất quán với mục tiêu; nghĩa là chỉ đánh giá các mục tiêu đã xác định, không được phép đánh giá những gì ngoài mục tiêu đã có. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đánh giá các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, còn kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì mới đo lường những năng lực thí sinh trong mục tiêu tuyển sinh của các trường này. Mỗi kỳ thi có mục tiêu riêng của nó, vì thế việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” là trái với nguyên lý khoa học, khiến cho mục tiêu THPT không được đánh giá đầy đủ và mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ cũng không được đo lường chính xác, lại làm nảy sinh nhiều vấn đề và sự cố khác.

Cũng như vậy, Thông tư 30 không hề biết đến mục tiêu giáo dục tiểu học là gì nên đã thất bại hoàn toàn.

c1huonglam2
Tin liên quan