Thứ hai, 23/12/2024 15:21:35
Giáo viên thể dục đang được hưởng một lúc nhiều chế độ, quyền lợi khác nhau

Ngày: 27/01/2018

Giáo viên thể dục đang được hưởng một lúc nhiều chế độ, quyền lợi khác nhau

Từ lâu, trong ngành giáo dục vẫn truyền nhau câu nói vui “Dạy toán, học văn, ăn thể dục” để phản ánh thực tế các hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Bởi vì giáo viên dạy toán có phần nhàn hơn khi giảng dạy, học sinh học văn thì đỡ căng thẳng hơn các môn khác bởi thực tế văn chương vẫn thiên về cảm nhận của người học.

Còn, giáo viên dạy thể dục thường “ăn” hơn bởi ngoài việc hưởng các chế độ hiện hành thì giáo viên thể dục còn nhiều chế độ khác như chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục hàng năm.

Trong khi, áp lực về công việc, về thành tích lại không nhiều so với giáo viên dạy các môn văn hóa khác.

Giáo viên dạy thể dục (Ảnh minh họa: thcs-dhai.phongdien.thuathienhue.edu.vn).

Theo Quyết định số: 51/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân kí thì tại Điều 3, 4 của Quyết định đã nêu rõ các chế độ giáo viên thể dục thể thao trong các nhà trường được hưởng các chế độ như sau:

Điều 3. Chế độ bồi dưỡng

Chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 01% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành.

Chế độ bồi dưỡng bằng tiền không áp dụng đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Điều 4. Chế độ trang phục

1. Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 02 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 02 đôi giầy thể thao/năm, 04 đôi tất thể thao/năm, 04 áo thể thao ngắn tay/năm.

2. Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 01 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 01 đôi giày thể thao/năm, 02 đôi tất thể thao/năm, 02 áo thể thao ngắn tay/năm.

Trang phục thể thao do Việt Nam sản xuất, phù hợp với khí hậu từng vùng, miền.

Chế độ bồi dưỡng đối với giáo viên chuyên trách môn thể dục

 

Căn cứ vào số tiết quy định hàng tuần hiện nay của giáo viên (tiểu học 23 tiết; trung học cơ sở 19 tiết; trung học phổ thông 17 tiết) và mức lương tối thiểu hiện nay là 1.310.000 đồng thì giáo viên thể dục các cấp học này được hưởng tiền bồi dưỡng ngoài trời hàng tuần tương ứng là: 301.000 đồng; 248.900 đồng; 222.700 đồng (nếu dạy đủ tiết).

Điều này cũng đồng nghĩa mỗi tháng giáo viên thể dục có thêm nguồn thu trên dưới 1.000.000 đồng so với các giáo viên dạy các môn khác.

Và, nếu là giáo viên thể dục thể thao chuyên trách thì mỗi năm được hưởng chế độ hiện hành về quần, áo, giày, tất khoảng 2 triệu đồng.

Như vậy, mỗi năm, giáo viên thể dục thể thao được hưởng chế độ, lương cao hơn giáo viên dạy các môn văn hóa khác khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Đó là chưa kể việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng hay hàng năm các địa phương đều tổ chức các phong trào thể dục thể thao khác. Tất cả các phong trào này, giáo viên thể dục đều được chi trả tiền huấn luyện đầy đủ.

Trong khi, giáo viên dạy các môn văn hóa hàng năm cũng ôn thi học sinh giỏi các môn văn hóa hàng nửa năm trời, dù thời gian lâu hơn, vất vả hơn nhiều nhưng lại không hề có một chế độ nào.

Phần lớn các giáo viên các trường ôn học sinh giỏi hiện nay không được đơn vị chi trả chế độ, chỉ khi nào học sinh có giải mới được nhà trường thưởng một số tiền tượng trưng cho có.

Nếu nói giáo viên thể dục dạy ngoài trời vất vả thì cũng đúng nhưng e là chưa thuyết phục. Bởi vì các trường học từ cấp tiểu học trở lên đến đại học đều bố trí môn thể dục học vào 2 tiết đầu (buổi sáng) và 2 tiết cuối (buổi chiều) rất ít trường bố trí vào các tiết 3-4 của buổi sáng và tiết 2-3 của buổi chiều.

Vì thế, mỗi ngày giáo viên thể dục chỉ dạy ngoài trời vào thời điểm thời tiết mát mẻ. Buổi sáng trời nắng thì đã nghỉ, buổi chiều khi trời mát mới tập. Những ngày mưa thì cho học sinh nghỉ học. Vậy nên, khi bước vào mùa mưa là giáo viên thể dục nghỉ dài dài.

Còn đối với nhiều trường hiện nay có nhà tập đa năng thì học sinh chỉ học thể dục trong nhà. Vì vậy, nếu không tập trong nhà thì tập ở sân trường cũng toàn cây xanh che bóng mát thì nói gì đến chuyện nắng nôi, vất vả.

Chế độ bồi dưỡng, chế độ trang phục đối với giáo viên thể dục thể thao

 

Trong giảng dạy thì mỗi học kì thường chỉ học 1 môn thể dục như: Nhảy cao, nhảy xa, chạy, xà, bóng chuyền, cầu lông…nên giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh mấy buổi đầu về những kĩ năng cơ bản.

Khi học sinh đã thuộc hoặc quen với việc học thì phần lớn giáo viên thể dục giao cho các em cán sự lớp điều khiển lớp tập. Giáo viên chỉ ngồi giám sát việc tập luyện của học sinh.

Khi kiểm tra thì không phải chấm bài chỉ ngồi quan sát học sinh thi là chấm. Khi vào điểm thì cũng rất đơn giản chỉ đánh 2 chữ “Đ” (đạt) và “CĐ” (chưa đạt) nên chỉ cần nhìn danh sách lớp có những em chưa đạt điền vào trước, sau đó cứ vậy mà viết vào không lo sai sót.

Còn thực hiện phần vào điểm điện tử chỉ điền 2 em học sinh có 2 loại tương ứng, sau đó thực hiện lệnh coppy là dán được cả lớp. Chính vì thế, thời gian làm điểm chỉ phải mất vài phút cho 1 lớp, nhanh hơn rất nhiều so với các môn học khác mà rất ít khi sai sót.

Người viết bài này không có ý định so sánh sự thiệt hơn giữa giáo viên thể dục thể thao với giáo viên dạy các môn văn hóa. Bởi, khi ban hành Quyết định thì Chính phủ đã được các cơ quan chức năng tham mưu kĩ lưỡng.

Tuy nhiên, việc cùng một trường công tác với nhau mà thực hiện 2 chế độ cho giáo viên như vậy rõ ràng tạo nên những bất cập và chưa bình đẳng về quyền lợi.

Trong thực tế giảng dạy, điều mà ai cũng nhìn thấy một sự thật hiển nhiên là giáo viên thể dục thể thao đang nhàn nhã hơn rất nhiều giáo viên dạy các môn văn hóa.

Kể cả khi giảng dạy, soạn giáo án, sự đầu tư công sức về phương pháp, khi chấm bài, vào điểm…Bất cập này đã tồn tại mấy chục năm qua ở ngành giáo dục.

c1huonglam2
Tin liên quan