Chủ nhật, 22/12/2024 18:26:58
Những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Văn

Ngày: 23/09/2014

au hơn một năm thực hiện đổi mới phương pháp dạy dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường phổ thông, đối với môn Ngữ Văn hay môn khác đều đem lại hiệu quả nhất định. Nếu được đầu tư cẩn thận phương pháp này sẽ tạo hứng thú cho học sinh, lôi cuốn sự chú ý của học sinh, đặc biệt khi giảng những nội dung có minh họa bằng tranh ảnh, âm thanh, sơ đồ...khi cần tái hiện lại khung cảnh làng quê Việt Nam trong những năm 1930-1945, điều này rất bổ ích và cần thiết vì với một tiết dạy bình thường khó có thể thực hiện được..

- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng dùng giáo án điện tử làm phương tiện dạy học môn Ngữ Văn sẽ làm hạn chế hiệu quả vì môn Ngữ Văn hấp dẫn người đọc bởi tính hình tượng và tính gợi hình gợi cảm của nó, cho nên máy móc sẽ thiếu độ rung cảm của tâm hồn thì tiết dạy khó thành công..

- Có ý kiến cho rằng sử dụng giáo án điện tử không làm rõ được đổi mới phương pháp, bởi lạm dụng máy chiếu sẽ không gợi được trí tưởng tượng của học sinh, giờ học sẽ rời rạc xơ cứng học sinh không cảm thụ được nét đẹp của văn chương.

Từ những ý kiến trên tôi nhận thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy có mặt tích cực cũng như cũng có mặt hạn chế:

1/Những thuận lợi và cái được ở những tiết dạy:

* Khi soạn giảng giáo án điện tử vào một số tiết học:

a/ Dạy bài Tây Tiến của Quang Dũng ta có thể tìm những tư liệu những hình ảnh để minh họa dốc khúc khuỷu , dốc thăm thẳm hay ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống, câu thơ giàu giá trị tạo hình khắc họa một đoạn đường gian khổ hành quân..

Để chuẩn bị cho một bài giảng bằng giáo án điện tử, tôi đã phải dành khá nhiều thời gian công sức và đầu tư, vận dụng các thế mạnh của công nghệ để thổi một luồng gió mới vào không khí lớp học. Đầu tiên là đọc kĩ những kiến thức chuẩn của bài giảng này , nội dung cơ bản cần phải cho học sinh nắm vững kiến thức và có khả năng vận dụng kiến thức như thế nào , sau đó phát họa bằng ý tưởng và tìm tòi sáng tạo những gì để dẫn dắt học sinh.

Ví dụ : Sông Mã gầm lên khúc độc hành là câu thơ thấm đẫm một tinh thần bi tráng, cái chết hào hùng và tráng lệ… Tôi tìm tòi bài hát Tây Tiến đã được phổ nhạc, học sinh nghe và cảm nhận được chất hùng tráng của bài thơ, và cũng cảm nhận được chất bi tráng khi ta lồng vào bài hát “Hồn tử sĩ” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Tôi chọn nhiều hình ảnh : đoàn vệ quốc quân những năm chống Pháp, những khung cảnh núi rừng vừa hoang du dữ dội , vừa mênh mang mờ ảo...và đã ghép lại tự làm thành những Video Clip để minh họa cho bài giảng khoảng 3 phút, hiệu quả đạt được rất tốt..với dụng cụ trực quan này tái hiện lại hình ảnh người lính vệ quốc đoàn - một thời gian khổ và hào hùng và sẽ khắc đậm cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng của bài thơ.

b/ Dạy bài “Tiếng đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo đây là bài mới và cũng khá khó trong chương trình 12 cả 2 ban Cơ bản và Nâng cao đều là tiết dạy chính thức. Bài thơ viết theo phong cách tượng trưng siêu thực, cả bài là cả một hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng : từ “áo choàng bê bết đỏ” “giọt nước mắt vầng trăng – long lanh trong đáy giếng” tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy...Tôi đã sưu tầm nhiều hình ảnh về Lor-ca , những hình ảnh được khơi gợi từ bài thơ, rồi cả âm thanh li-la li-la và hoa tím Tử Đinh Hương dịu nhẹ, tôi chọn lọc và ghép lại thành một video clip tôi tự tạo + lồng ghép vào bài hát “Tiếng đàn ghi-ta của Lor-ca, khoảng 3 phút ...và sau khi xem xong, tôi sẽ đặt câu hỏi :

* Các em cho biết hệ thống hình ảnh được nhắc đến trong khổ thơ ? Qua hình ảnh được nhắc đến trong khổ thơ đầu giúp em liên tưởng gì về đất nước Tây Ban Nha ?

* Với hệ thống hình ảnh cụ thể được xem qua đoạn băng học sinh sẽ dễ dàng nhận ra: áo choàng đỏ đẫm máu vừa gợi tả cho màu áo các hiệp sĩ mặc khi đấu bò và những trận đấu bò là nét đẹp của văn hóa Tây Ban Nha - từ đó nhận ra ý nghĩa tượng trưng những trận đấu bò đẫm máu tượng trưng cho khung cảnh chính trị của nước Tây Ban Nha thời bấy giờ, nào là chuỗi âm thanh qua bài thơ người nghệ sĩ với cây đàn đang hát những bài ca khát vọng...

Và tôi nhận ra rằng nhờ sự hổ trợ của công nghệ: có hình ảnh + âm thanh + màu sắc + tư liệu về đất nước Tây Ban Nha thời bấy giờ đã hổ trợ cho giờ học thành công vì phong cách nghệ thuật của Thanh Thảo là tác giả khéo léo đưa các hình ảnh gây ấn tượng để chúng tự kể mọi điều với người đọc, những hình ảnh tưởng chừng như rời rạc nhưng chúng liên kết với nhau rất chặt tự nó trở thành một biểu tượng gợi nhiều ý nghĩa phong phú...

Bản lĩnh và năng lực của người giáo viên là làm sao từ một bài khó hiểu thành một bài dễ hiểu và học sinh tiếp thu bài bằng sự say mê tìm tòi chứ không thụ động mệt mõi..

c/ Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là dòng sông thương nhớ của đời người, nó còn chất chứa cả một tình yêu thiên thu ông mang theo mình từ thuở trai trẻ đến ngày tóc bạc trần gian..Bài học này có nhiều phương tiện thuận lợi để dạy học: sách giáo khoa + sách giáo viên + sưu tầm tranh ảnh, bài viết về Huế - về sông Hương nếu soạn giảng bằng powerpoint sẽ rất tốt nó sẽ rất trực quan và sinh động , hình ảnh về Huế + về dòng sông Hương + âm nhạc Huế sẽ tăng thêm hiệu quả của văn chương..Nói giống như Nguyễn Tuân, ta vận dụng các tri thức của ngành nghệ thuật khác nhau để tăng thêm hiệu quả của văn chương...học sinh sẽ nhìn thấy qua màn hình dòng sông “sáng xanh trưa vàng chiều tím” và sẽ cảm nhận được chất thơ của Huế, thấy được bề dày văn hóa Huế, và nét riêng của tâm hồn Huế.

d/ Để dạy bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử nếu dùng nhiều tư liệu về Hàn Mặc Tử, về xứ Huế, về Vĩ Dạ, được nghe đọc diễn cảm, được nghe cả bài hát ấy đã được phổ nhạc cũng làm tăng thêm hiệu quả thẩm mĩ..Cảnh vườn thôn Vĩ tươi sáng trong nắng mai, đến cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo, và hình bóng khách đường xa và chốn sương khói mông lung, cảnh chìm trong mộng ảo để dẫn đến cảm xúc nghiêng về mơ tưởng và hoài nghi..và việc giảng dạy qua giáo án điện tử hổ trợ thêm để giờ dạy thành công và tạo được chất văn chương để cuối cùng hướng học sinh về chủ đề Về phương diện sức khỏe giảng dạy bằng giáo án điện tử sẽ giúp giáo viên tránh được bụi phấn và các căn bệnh khác của nghề nghiệp.

- Những giờ học về các tác gia, tác phẩm đã được khẳng định với thời gian , nếu giáo viên cho học sinh những chuyên đề về phân chia 4 nhóm học sinh tự soạn và trình bày bằng những buổi thuyết trình và thuyết trình bằng máy, các em đã làm bằng tất cả sự phấn khởi tìm tòi và say mê, qua những giờ học như thế hiệu quả tăng lên rất nhiều..Hoặc những giờ Tiếng Việt : đối thoại trong giao tiếp, ngôn ngữ văn chương khác ngôn ngữ sinh hoạt ở điểm nào, phong cách ngôn ngữ khoa học ra sao được trực tiếp tai nghe mắt thấy trên màn hình sẽ giúp học sinh hiểu bài rất nhanh và cả lớp sẽ cùng làm việc chứ không còn thụ động ở phía thầy giảng trò chép như trước..

Đối với phân môn Tiếng Việt và Tập làm văn dạy giáo án điện tử rất thuận tiện, những tiết học luyện tập , trả bài, tổng kết kiến thức phải sử dụng bản phụ thì sử dụng giáo án điện tử sẽ bớt đi công chuẩn bị bản phụ..Hơn nữa phông chữ có đủ màu sắc, giúp cho giáo viên nhấn mạnh nội dung nào, mà không cần dùng đến phấn màu

Rõ ràng, hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới bằng giáo án điện tử không thể phủ nhận..Tuy nhiên công nghệ thông tin không thể thay thế được ngưòi thầy, nó chỉ giúp giáo viên thay đổi để mỗi giờ học không đơn điệu, không dạy chay..nhưng nếu lạm dụng thì học sinh sẽ mất đi khả năng cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương.

Nếu lạm dụng công nghệ thông tin, nhất là phô diễn kĩ năng tin học, những kĩ xảo không cần thiết sẽ làm cho học sinh mải mê với hình thức mà không nắm được nội dung bài học..Qua thực tế dự giờ thể nghiệm của các đồng nghiệp, tôi thấy cũng có khá nhiều bất cập:

2/Những điều bất cập trong soạn giảng bằng giáo án điện tử:

Qua thực tế dự giờ thể nghiệm của các đồng nghiệp,và cũng chính từ bản thân, tôi thấy cũng có khá nhiều bất cập:

Thứ nhất: văn chương hấp dẫn người đọc bởi tính hình tượng, tính gợi cảm của nó, nhưng khi sử dụng giáo án điện tử, phần lớn giáo viên hầu như bị phụ thuộc hoàn toàn vào màn hình máy tính, tiết học thì sinh động nhưng chữ chạy nhanh quá, chúng em không ghi bài kịp. Học sinh cắm cúi ghi chép vì sợ cô giáo chuyển sang slide khác, cuối cùng dẫn đến một tiết học rời rạc; học sinh không cảm nhận được nét đặc sắc của văn bản...

Thứ hai: Khi soạn giáo án điện tử, giáo viên biên soạn thường không phân định rạch ròi giữa nội dung giảng và nội dung cần ghi chép. Giáo viên cứ chiếu kiến thức ngồn ngộn lên màn hình mà không có dẫn dắt khơi gợi cho học sinh nắm bắt kiến thức, điều này dẫn đến tình trạng học sinh mải miết ghi mà không có chút nhận thức về giá trị tác phẩm...

Thứ ba: có nhiều giáo viên quá tham lam và lạm dụng công nghệ thông tin, đưa quá nhiều hiệu ứng, tranh ảnh không đúng lúc, trang trí màu sắc lòe loẹt dẫn đến sự chi phối sự chú ý của học sinh trong tiết học..hình ảnh cứ đưa vào thật nhiều, mà quên mất trọng tâm bài giảng cần khai thác những gì, khiến cho giờ dạy biến thành giờ triển lãm ảnh..không phát huy được óc quan sát và sự tưởng tượng, thiếu sự tư duy để cảm nhận được vẻ đẹp, cái hay, cái tình, cái hồn của văn chương.

Thứ tư : việc giảng dạy giáo án điện tử cũng là con dao 2 lưỡi, nếu lạm dụng quá học sinh bị cuốn hút vào âm thanh sống động mà quên nội dung chính của bài..Vì thế, trong tiết học giáo viên nên kết hợp cả phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống: ngoài việc dùng các hình ảnh, đoạn phim ngắn để minh họa nên cho học sinh thảo luận, kể chuyện, tự nhận xét và phát biểu ‎ kiến của mình các em sẽ tiếp thu nhanh bài học..

Thứ năm: Nên cho học sinh tiệm cận từ các cấp học, máy móc chỉ là phương tiện giúp cho bài giảng hay hơn, sinh động hơn song nó không phải là tất cả..Hiệu quả tiết học vẫn tập trung vào vai trò của người thầy..Người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn phải biết dẫn dắt học sinh tham gia tích cực vào bài giảng như thế nào và kết quả là phải xem học sinh lĩnh hội được tri thức bao nhiêu máy móc chỉ là phương tiện, chỉ có phương pháp giảng dạy làm sao đạt hiệu quả mới là cần thiết.Để giờ dạy bằng giáo án điện tử đạt hiệu quả, ta phải các khâu : soạn bài – trình chiếu – và hướng dẫn học sinh ghi chép:

Đưa vào minh họa các đoạn phim là cần thiết nhưng phải làm sao cho học sinh cảm nhận được từ tác phẩm văn học đã được dựng thành phim chứ không phải trên màn hình đó chính là nhân vật Chí Phèo ngoài đời..ví dụ đưa đoạn phim miêu tả tâm trạng Chí Phèo lúc nhìn đến ăn bát cháo hành xong khoảng 3 phút rồi cho học sinh thảo luận nhận xét xem diễn biến tâm trạng nhân vật đã có những biến đổi như thế nào ? Và nâng cao vấn đề khi đặt câu hỏi “Hình ảnh bát cháo hành có ‎ nghĩa như thế nào với cuộc đời Chí Phèo?”

Thường thì thầy giỏi sẽ đào tạo được nhiều trò giỏi, nhưng một thực trạng cho thấy giáo viên văn hiện nay ngại không chịu học hỏi, vẫn còn số đông người chưa biết sử dụng máy tính, dù họ có nhiều thời gian, máy vi tính hiện nay trang bị hầu như đầy đủ ở các trường ,nhưng ngại khó ngại khổ và không chịu học hỏi, lí lẽ rằng dạy văn qua máy sẽ làm hạn chế cảm xúc nhưng chính bản thân họ giảng dạy bằng phương pháp truyền thống cũng có tí cảm xúc nào đâu, giờ học vẫn tẻ nhạt đơn điệu, nội dung bài không khơi sâu, phương pháp vẫn cứ đơn điệu, năm học nào cũng hỏi câu hỏi ấy , , bài dạy vẫn thế..đa số chỉ bám vào sách giáo khoa, không có thời gian mở rộng kiến thức.Một giờ dạy giỏi không phải là giờ thuyết giảng và phô diễn kiến thức, giáo viên dành nói từ đầu đến cuối, mà phải là sự dẫn dắt khéo léo, hệ thống câu hỏi phải phát huy trí tuệ học sinh, tạo ra tình huống có vấn đề để học sinh tranh luận, sau giờ học học sinh nắm vững kiến thức và có khả năng vận dụng kiến thức là giờ dạy tốt.

*Những kinh nghiệm :

Khi thiết kế bài giảng Power Point cần bảo đảm được tính hệ thống, tính mạch lạc, tính chính xác và hướng đến các hoạt động phát huy tính tích cực của học sinh, nên làm cho học sinh được bộc lộ suy nghĩ của mình qua giờ học..Sự trình diễn đừng quá cầu kì phô diễn mà phải chú ý mục tiêu đặt ra từ bài học.

Tuy nhiên, không phải bài nào ta cũng dạy qua máy, cần có sự chọn , không nên chạy theo phong trào mà không nghĩ đến tính hiệu quả. Khâu chuẩn bị bài cũng phải chu đáo và luôn tìm tòi sáng tạo, phương pháp có thay đổi ,có phong phú bài dạy mới có kết quả tốt, và luôn tâm niệm một điều: “Máy móc chỉ là phương tiện, chỉ có phương pháp giảng dạy làm sao đạt hiệu quả mới là cần thiết”.

Với khoảng thời gian 28 năm trên bục giảng, có thể đó là một thời gian dài của một đời người, thời gian cũng dài cho sự trải nghiệm từ chương trình cũ, đến chương trình cải cách, đến bây giờ là chương trình phân ban, có nhiều bài nặng nề những cũng có rất nhiều bài hay, mới mẻ nhất là những tác phẩm viết sau năm 1975 các nhà văn đã đặt ra nhiều vấn đề gai góc phức tạp trong cuộc sống, tôi đã nghiên cứu tìm tòi bằng tất cả cái tâm và sự say mê nghề nghiệp, nếu không tận tụy với nghề thì sẽ không cập nhật được kiến thức với thời cuộc. Tôi rất thích câu nói nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: “Có cái hôm qua nó đúng nhưng hôm nay nó đã lỗi thời vì sự vật không đứng yên” cho nên mỗi giáo viên cũng phải luôn luôn làm mới kiến thức của mình...

Để có một giờ dạy tốt dù bằng cách nào, phương pháp nào cũng rất cần cái tâm và tài của người thầy....

demo
Tin liên quan