Ngày: 25/03/2018
Đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tăng tuổi hưu nhận được rất nhiều ý kiến phản đối từ những người lao động, công nhân, kể cả cán bộ công chức, viên chức trong mọi miền đất nước.
Theo nhiều người đánh giá đây là một đề xuất có tính lợi ích nhóm, vì đề xuất trên theo đánh giá chỉ có lợi cho một số người mong muốn tiếp tục “bám ghế” lãnh đạo, tham quyền cố vị, mong muốn vơ vét thêm,… kìm hãm cơ hội tìm việc làm của giới trẻ, kìm hãm sự phát triển của đất nước do bộ máy ì ạch, trì trệ, nặng nề.
Nếu được bình chọn chắc có lẽ nhiều người lao động chọn đề xuất trên đạt giải “mâm xôi vàng”, hay nhiều ý kiến cho rằng nếu đề xuất được thông qua sẽ là một “thảm họa” không chỉ ngành giáo dục mà ở hầu hết các ngành, nghề khác.
Ảnh minh họa trên baobacgiang.com.vn |
Bài viết "Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên “hy sinh” ngay trên bục giảng?" chỉ trong vòng một ngày được đăng tải đã nhận trên 10.000 lượt thích, chia sẻ và gần 100 bình luận đồng tình với ý kiến tác giả phản đối đề xuất tăng tuổi hưu.
Điều đó cho thấy vấn đề tăng tuổi hưu là vấn đề nhạy cảm khó có thể nhận được cảm thông hay đồng tình từ dư luận trong cả nước.
Tác giả xin trích lược một vài bình luận của độc giả:
Độc giả Hương bình luận:
“Đối với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy thì nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đã là quá sức đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy rồi.
Nếu tăng tuổi hưu thì sẽ kéo theo chất lượng giảng dạy không còn đảm bảo.
Bởi ở tuổi đó giáo viên trực tiếp giảng dạy không còn đủ sức, trí, và lực để làm việc nữa.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu xem xét đối với từng ngành nghề. Đặc biệt là giáo viên để có kế hoạch sửa đổi phù hợp”.
“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng
|
Đồng ý kiến độc giả Đỗ Cao Trí, Lê Quý Linhbình luận: “Không riêng gì giáo viên đâu, các ngành khác cũng thế.
Qua tuổi 55 thì thể lực và trí lực cũng giảm rất nhiều (cả nam lẫn nữ) chỉ có kinh nghiệm trong công tác thôi chứ năng động, sáng tạo thì giảm nhiều (ý kiến cá nhân tôi thôi nhé).
Đó là chưa kể trong lĩnh vực hành chính mỗi thời kỳ có nhiều biến động về chính sách, pháp luật do đó những ông, bà công chức chuyên môn đã đến tuổi ấy còn khả năng nắm bắt được chính sách, pháp luật mới không mà tham mưu cho lãnh đạo quản lý, điều hành địa phương.
Rất mong các nhà quản lý tham vấn nhiều kênh thông tin để đưa ra pháp luật cho phù hợp”.
“Ở đây bạn Nhật Khoa mới nói riêng ở lĩnh vực giáo dục.
Tôi thấy còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng như thế tuổi càng cao năng suất lao động càng giảm như công nhân làm nông nghiệp chẳng hạn mang vác cầy cuốc, cầy gặt, tuổi cao làm sao bằng tuổi trẻ.
Ngành may dệt cũng thế làm sao nhanh chân nhanh tay được khi tuổi đã cao.
Tôi thấy chỉ có một số thích tuổi cao còn muốn làm có khi "Phấn đấu đến hơi thở cuối cùng "Đó là "Lãnh Đạo" có người thông báo dăm lần bẩy lượt cho nghỉ hưu mà cứ cãi chày cãi cối.
Chắc mấy ông làm chính sách biết cả. Còn mấy ông so sánh nước nọ nước kia thì hãy xem lại việc so sánh đó nó khập khễnh đến mức nào.
Nước người ta làm việc chủ yếu bằng máy móc thu nhập cao vời vợi, nước mình làm nuôi thân chưa xong, số người dư dặt được mấy chục %.
Do đó tôi đề nghị hãy cẩn trọng đưa ra chính sách mới vì nó va chạm tới cả triệu người, đừng để chính sách chưa ban hành đã dừng”.
Đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn cho quỹ hưu trí
|
Độc giả Táo lhh nêu:
“Xã hội ta đang thừa lao động, trong khi đó người lớn tuổi vẫn tìm mọi cách giữ ghế mà không quan tâm đến một lực lượng lớn lao động trẻ đang thất nghiệp thì hành động này không được nhân văn cho lắm nếu không nói là vô nhân đạo.
Hãy nhường chỗ cho người lao động trẻ. Hỡi những bậc đáng kính”.
Độc giả Trần Văn Thanh thì chua chát hơn:
“Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động chân tay, giáo viên trực tiếp dạy học là một việc làm vô nhân đạo!!!”
Độc giả Lê Thị Hậu bình luận:
“Bài viết rất hay và sâu sắc! Các lãnh đạo hãy đặt mình vào vị trí làm việc của cấp dưới để thấu hiểu cho các thầy cô đứng lớp. Nên giữ nguyên tuổi hưu thì tốt hơn về mọi mặt ạ!”.
Độc giả tên Thành nêu:
“Tôi công tác mới có 16 năm trong ngành giáo dục mà đã chịu không nổi, tóc bạc gần hết, chỉ mong về hưu.
Vậy mà các bác đòi tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, tôi chắc không sống nổi đến tuổi đó mà cống hiến đâu ạ.
Mong các bác nghiên cứu kĩ lại cho giáo viên chúng tôi được nhờ”.
Độc giả có tên Hatbuihong thì nhận định:
“Nếu nhà nước chọn phương án tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội, trong thời điểm này, là một điều vô lý, bởi những lí do sau:
Ước tính khoảng trên 65% công nhân, viên chức trong độ tuổi 30 đến 60, sinh ra trước 1990 và lớn lên trong những năm chiến tranh ác liệt và tiếp theo là thời gian đất nước bị cấm vận kéo dài, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn trong số họ, ngày nhỏ bị suy dinh dưỡng hoặc mang nhiều bệnh tật.
Tăng tuổi nghĩ hưu tức là bắt những người cao tuổi, sức khỏe yếu, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ do bố trí sai chuyên môn hoặc đào tạo không chính quy làm việc.
Còn hàng vạn người lao động trẻ có tuổi đời từ 21 đến 30, có bằng cấp đã qua đào tạo đang bị thất nghiệp.
Đội ngũ giáo viên cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó. Mặt khác, do tính đặc thù của công việc, nên công việc giáo viên khá căng thẳng vì luôn xúc với con người.
Lại được nhà nước giao khoán công việc đến từng tuần và trong từng giờ lao động. Vì thế càng không nên tăng tuổi nghỉ hưu cho giáo viên trực tiếp giảng dạy”.
Nói về vấn đề giáo viên đau ốm, bệnh tật độc giả Nguyễn Ngọc nêu:
“Tôi thấy ở huyện tôi vừa qua có một số giáo viên chưa đến 55 tuổi chưa được nghỉ hưu đã bị ung thư phổi.
Có những giáo viên bị bệnh nặng xin nghỉ không được cuối cùng họ đã ra đi mãi mãi.
Biết bao nhiêu năm cống hiến cho ngành cuối cùng hai bàn tay trắng về cõi vĩnh hằng. Thật buồn!”
Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng?
|
Giáo viên Nguyễn Duy Thiện nhận định:
“Tôi là giáo viên Tiểu học, Vợ tôi là giáo viên Mẫu giáo. Tôi rất tâm đắc bài viết này. Tuổi 50 là hết hơi rồi, hết dạy nổi các em nhảy múa rồi!!!
Đuối lắm rồi, Quý ông có trách nhiệm sao không khảo sát thực tế giáo viên Dạy lớp rồi hả quyết định có Tăng tuổi hưu hay không?
Tăng tuổi hưu, không chết trên bục giảng thì cũng quỵ trên bục giảng thôi, quý ông cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định !!!”
Tiếp ý trên, độc giả nguyen thị kim chi nêu:
“Tôi không đồng tình với quan điểm trên chút nào. Tuổi 55 mắt phải đeo kính, tay viết không chuẩn, giọng đọc không ra hơi, tai có khi cần máy trọ thính lấy đâu sức lực mà dạy.
Tội thế hệ học trò. Rất rất mong sự xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.”
Ở các ngành nghề khác đọc giả Ai cũng khổ, motketoan là một kỹ sư nông nghiệp và một kế toán than thở:
“Tôi là 1 kĩ sư nông nghiệp, vì thực địa nhiều trên đồng ruộng nước quanh năm, tôi đang mắc bệnh nghề nghiệp về xương khớp mãn tính, không đồng tình việc tăng tuổi hưu, bất kể ngành nào.”
“Không riêng ngành giáo dục, đề nghị các ngành khác cũng không tăng tuổi hưu, tôi không trụ nổi đến tuổi đó, đang cảm thấy mình già nhanh khủng khiếp, còn phải đem sổ sách về nhà làm, con số nhức đầu tới tuổi 62 tôi làm gì còn minh mẫn để tính toán?”
Bàn về sự cồng kềnh, bất hợp của bộ máy Bảo hiểm xã hội độc giả Nguyễn Hữu Xuân Lộc nêu:
“Vấn đề ở chỗ là quản lý quỹ bảo hiểm như thế nào chứ không thể thiếu là tăng thu như vậy được.
Hiện nay việc xây dựng trụ sở bảo hiểm rất hoành tráng, mỗi huyện bao nhiêu người mà xây 20 tỷ đồng, trụ sở tỉnh xây dựng hàng trăm tỷ đồng, thử hỏi tính cho cả nước này quỹ nào chịu nổi, bên cạnh đó lương của ngành này cũng cao và chi tiêu sự nghiệp quá lớn, vấn đề căn cơ là siết chặt quản lý quỹ tinh gọn bộ máy”.
Tuổi về hưu - Giáo sư ở Cộng hòa Liên bang Đức nghỉ hưu thế nào?
|
Độc giả Công Thắng bình luận:
“Sẽ có bao nhiêu thanh niên, bao nhiêu tài năng trẻ thất nghiệp để các cụ ngồi thêm ở ghế cán bộ viên chức để tiếp tục sáng vác ô đi tối vác về và hưởng lương cao.
Những người đang đề ra và ủng hộ chính sách này chắc đang bước sang tuổi lục tuần.
Xin đừng kìm hãm sự phát triển của đất nước nữa, trên sáu mươi, ai còn khỏe có thể đi làm thêm nếu chuyên môn giỏi, còn công nhân lao động thì đã quá mệt mỏi.
Các giáo sư tiến sĩ có khả năng cứ tiếp tục nghiên cứu đóng góp có ai cấm đâu. Xin đừng vi lí do bảo hiểm xã hội để tăng tuổi hưu nữa. Nên tìm phương án khác thì hơn".
Bạn mai nguyên gửi gắm tâm tư cho Tổng liên đoàn Lao động, Chính phủ:
“Không riêng gì giáo viên đâu. Ngành xây dựng dân dụng và xây dựng giao thông còn khổ hơn nhiều.
Khi đến 60-62 tuổi còn sức lao động leo trên những giàn giáo của nhà cao tầng, rồi đà giáo của những trụ, mố cầu nữa không.
Khi đó tay bưng hòn đá hộc hay xô vữa còn chưa nổi nói gì đến các thao tác kỹ thuật với những công việc nặng nhọc.
Tôi mong Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hãy nhìn nhận một cách thấu đáo để đề xuất với Chính phủ đưa ra các giải pháp hợp lý, bảo vệ người lao động”.
Tác giả xin chân thành cảm ơn các bình luận, đóng góp của độc giả, tác giả xin phép được sử dụng các bình luận của độc giả làm tư liệu cho bài viết.
Tác giả rất mong nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp để mong được tìm được tiếng nói chung gửi gắm nguyện vọng, mong muốn chính đáng của người lao động đến các cấp lãnh đạo quan tâm xem xét, giải quyết cho phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay mong Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu kỹ lợi, hại và tìm phương án khác căn cơ và hiệu quả hơn tăng tuổi hưu!