Ngày: 11/05/2017
Là cha mẹ ai cũng muốn chuẩn bị những gì tốt nhất cho con mình khi bước vào năm học mới, nhất là với các con bước vào lớp 1- bắt đầu `` sự nghiệp’’ học hành
1. Chuẩn bị cho con về mặt tâm lý
Các con khi bước vào lớp 1 sẽ thấy nhiểu điều khác lạ so với những gì đã biết trước đó. Cha mẹ cần chuẩn bị về mặt tâm lý cho con trước những thay đổi này. Thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm (Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận xét ``trẻ vào lớp 1 là bước ngoặt của cả con và cha mẹ. Ngày đầu tiên đi học sẽ là dấu ấn trong tâm thức của trẻ cho đến khi trưởng thành’’ (Xem [1]).
Một trong những cách đó là giúp cho con biết được trường tiểu học con sẽ vào học. Có thể bằng việc cho con đi qua cổng trường và giới thiệu cho con về ngôi trường đó. Hãy chỉ cho con thấy các anh chị các lớp trước đang hớn hở đến trường hoặc ríu rít với bạn bè, cha mẹ khi giờ tan học. hãy cho con biết con sắp trở thành một ``sinh viên lớp 1’’ như thế!
Ảnh 1: Ngày đầu đến trường của các bé (nguồn ở [6])
TS. Vũ Thu Hương, Khoa GDTH-Trường ĐHSP Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên về vấn đề này như sau (xem [1]):
``Cha mẹ chỉ cần cho con đến trường tiểu học để làm quen với trường mới, có bàn, có ghế, có bảng, có phấn, có cô giáo, và việc học hành sẽ khác với mầm non rất nhiều. Ví dụ con vào lớp phải xếp hàng, ở lớp con sẽ phải ngồi một chỗ, không được chạy đi chạy lại, con không được thưa cô, mách cô nhiều như hồi còn học ở mầm non... Cha mẹ nên làm những việc này để chuẩn bị tâm lý cho con".
Hãy bắt đầu kể cho con nghe những câu chuyện của cha mẹ về tuổi học trò, những ngày đầu đến trường. Các con chắc rất quan tâm đến những câu chuyện đó và sẽ có nhiều câu hỏi cho cha mẹ về những gì các con sắp được trải nghiệm. Hãy giúp con hiểu được rằng, sắp tới con không chỉ đến lớp để chơi nữa mà con sẽ vừa được chơi nhưng con sẽ được học đọc, học viết, học làm tính, được học về năm điều Bác Hồ dạy,…Hãy cho con thấy được rằng, con vào lớp 1 để con sẽ đọc được thư ông/bà, cha.mẹ, bạn bè viết cho con, con có thể viết thư cho bạn bè, cho những người thân, biết được những điều cần thiết cho cuộc sống.
Cha mẹ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho con tâm lý là con sẽ có thêm những bạn bè mới ngoài những bạn bè con đã biết khi học ở mẫu giáo. Kinh nghiệm cho thấy đối với các bé việc phải chia tay một số người bạn ở mẫu giáo là một ``cú sốc’’ lớn. Cha mẹ nên tìm hiểu xem ở lớp mẫu giáo của con mình sẽ có những bạn nào sẽ tiếp tục học với con mình, bạn nào sẽ chuyển học trường khác để lúc nào đó cho con biết, giúp con hiểu được con sẽ có thêm bạn mới ngoài những bạn con đang có.
Ảnh 2: Con bị sốc khi vào lớp 1 (Nguồn ở [8])
2. Chuẩn bị cho con chỗ học tập riêng, quần áo, sách vở và đồ dùng học tập
Hãy nghiêm túc suy nghĩ đến điều này và sắp xếp cho con một chỗ `riêng’ của con. Hãy bàn kế hoạch với con để con thấy con là người được tham gia vào việc chuẩn bị cho chỗ học tập riêng của mình. Hãy nói cho con biết ý định của cha mẹ về vị trí chỗ học tập của con, thảo luận với con về những đồ dùng con sẽ cần. Cha mẹ cố gắng chọn một chỗ thoáng mát, có nhiều ánh sáng, thuận lợi cho con để làm chỗ học tập cho con. Hãy thảo luận với con rồi đưa con đi chọn mua những đồ dùng như bàn ghế, đèn, sách cho con. Hãy tạo cho con suy nghĩ rằng bây giờ con đã có chỗ học tập riêng của mình, nơi con có thể để sách vở, bút,… theo ý của mình. Đó là thế giới riêng của con, nơi con có thể ngồi để xem lại bài vở đã học, chuẩn bị cho buỏi học hôm sau, nơi con sẽ dán thời khóa biểu riêng của mình như các anh/chị,…
Hiện nay phần lớn các trường đều có đồng phục cho học sinh. Cha mẹ nên tìm hiểu về việc này và chuẩn bị cho con mình những bộ quần áo mới, đồng phục khi chuẩn bị vào lớp 1. Hãy chọn cho con những bộ quần áo, giày dép sao cho con có thể thỏa mái trong sinh hoạt học tập. mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, cảm thấy tự tin khi đến lớp.
Lưu ý là, việc chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập, sách vở, quần áo,… cho con cũng cần có sự trao đổi với những người có kinh nghiệm như giáo viên để tránh sự lãng phí không cần thiết. Tiến sĩ VũThu Hương cũng cho rằng: "Về đồ dùng học tập thì cha mẹ nên nghe theo những lời khuyên của giáo viên. Vì chỉ có cô giáo mới biết cần phải mua cái gì cho con và sử dụng như thế nào , để tránh mua quá nhiều và không nên để con cảm thấy thừa thãi, con sẽ không trân trọng các món đồ dùng và sức lao động mà mọi người bỏ ra”.
Ảnh 3: Một chỗ học tập riêng cho con? Rất nên! (Nguồn ở [7])
3. Không nên cho con học thêm trước khi vào lớp 1
Mặc dù, đã có chỉ đạo từ cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này nhưng tại một số nơi vẫn có tình trạng cha mẹ tìm cách cho con đi học đọc, học viết trước khi vào lớp 1. Đó là điều không nên!
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học-Bộ Giáo dục và Đào tạo TS. Phạm Ngọc Định khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề này đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo: “Cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 giống như bắt chín ép, rất phản khoa học. Nhất là khi giáo viên dạy không chu đáo, trẻ có thể ngồi sai tư thế, viết sai, sau này sửa rất khó. Việc này cũng khiến trẻ dễ gặp phải những khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Hơn nữa, vì học trước chương trình, trẻ sẽ không còn sự háo hức, dẫn tới tâm lý chủ quan khi thấy kiến thức cũ và càng về sau càng đuối…”
Cũng bàn về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, Khoa GDTH-Trường ĐHSP Hà Nội nhận định (xem thêm ở [1])
“Mỗi tuần, trên cả nước các cháu bé sẽ học chung nhau một bài. Do vậy, con học trước có nghĩa là con sẽ phải học lại. Mà con học trước thì con sẽ chán, sẽ phá phách.
Trong [1] các chuyên gia về tâm lý cũng khuyên rằng thay vì lo cho con học chữ trước, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện thể chất và tâm lý cho bé. Cho bé làm quen với trường mới, với sách vở, rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó... để bé tự tin vào lớp 1.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con mình học trước sẽ có cơ hội nhiều hơn so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng thực tế không phải như vậy. PGS TS. Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của nhà Toán học nổi tiếng thế giới Ngô Bảo Châu khi nói về kinh nghiệm chăm lo cho con lúc còn nhỏ bày tỏ (xem thêm ở [5])
“Bản thân tôi (PGS TS. Trần Lưu Vân Hiền) hoàn toàn không ủng hộ phương pháp cho trẻ học kiến thức trước khi vào tiểu học vì như thế là quá sớm và chẳng khác nào "thúc quả chín ép”. Có thể với cách làm như thế, nhiều em sẽ biết trước một số thứ so với các bạn đồng trang lứa nhưng sự học không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình phấn đấu lâu dài. Nền tảng vẫn là cái quan trọng nhất nên đừng nóng vội rồi vô tình làm hỏng cả tương lai sau này của con em mình.’’
Chuyên viên tham vấn tâm lý, Thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) có những phân tích rất đáng để suy nghĩ (xem [4]):
`` Trong trào lưu cho trẻ học trước khi vào lớp 1 hiện nay, nhiều cha mẹ đã không cân nhắc kỹ, bắt con học sớm … dẫn đến kết quả là: trẻ chủ quan, chán học. 4-5 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh, thời điểm này trẻ chưa đủ trưởng thành để ngồi yên một chỗ quá lâu, tay trẻ chưa đủ khéo để uốn cây bút viết chữ theo ý muốn. Cho trẻ đến lớp luyện viết chữ và tập đọc trước khi vào lớp 1, vô tình chúng ta đã “đánh cắp” tuổi thơ của con. Không những thế, bị ép học sớm có thể gây tổn hại tâm lý cho trẻ. Phụ huynh cho trẻ học trước là làm khó cho chính con mình, làm khó cho giáo viên.’’
Theo Thạc sỹ Thúy, cách tốt nhất để giúp con tự tin vào lớp 1 là ``dạy con học hàng ngày qua các trò chơi, hãy lắng nghe và dành nhiều thời gian hơn cho con.’’
Mong rằng các ý kiến của các chuyên gia tâm lý, giáo dục sẽ được các bậc cha mẹ thấu hiểu, đừng vì nóng vội mà vô tình làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con mình!
4. Trường ``điểm’’, trường ``xịn’’ cho con, có phải ưu tiên hàng đầu?
Hiện nay, một trào lưu xuất hiện, nhất là ở các thành phố lớn là việc cha mẹ tìm mọi cách để cho con mình vào bằng được lớp 1 một trường tiểu học cho là ``điểm’’, cho là ``xịn’’. Hệ lụy không chỉ tạo ra một dư luận xã hội không tốt về vấn đề chạy trường chạy lớp, mà kéo theo là bao vất vả cho con trẻ khi phải học trường xa nhà, sĩ số học sinh/lớp đông…
Theo một số chuyên gia thì khi chọn trường tiểu học cho con bố mẹ không nên quá đặt nặng về tiếng tăm hay các danh hiệu của trường, mà nên quan tâm đến các yếu tố khác như phù hợp với điều kiện gia đình (chẳng hạn như về mức học phí, điều kiện bán trú...), thuận lợi cho việc đưa đón, có không gian thoáng đãng...
"Việc quan tâm đến sự phát triển tối ưu của trẻ, tìm cho con trường tốt là rất cần thiết, nhưng môi trường học tập chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển của trẻ, nhất là các bé tuổi vỡ lòng" (xem thêm ở [9]).
Mong rằng các ý kiến trên của các chuyên gia sẽ là những kinh nghiệm tốt cho mỗi bậc cha mẹ tham khảo khi mùa tựu trường lại sắp đến.