Ngày: 25/03/2018
Đọc là một trong bốn kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết ) yêu cầu học sinh phải đạt được trong môn học tiếng Việt, một môn học có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh. Tập đọc là một phân môn có vị trí hết sức quan trọng trong môn tiếng Việt nhất là trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay. Đọc thông viết thạo là một yêu cầu đặt ra với bất cứ học sinh tiểu học nào, ngay từ những ngày đầu tiên đến trường các em đã phải học đọc mặc dù ở giai đoạn này việc đọc của các em mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận diện kí hiệu chữ viết và giải mã bằng âm thanh song đây là một giai đoạn rất quan trọng bởi đó là giai đoạn học sinh phải học để đọc và làm nền tảng cho những giai đoạn tiếp theo, giai đoạn đọc để học. Càng về sau yêu cầu đặt ra trong việc đọc càng được nâng cao, từ việc đọc để hiểu được nội dung văn bản đến việc phát triển kĩ năng đọc diễn cảm. Dạy học tập đọc ở tiểu học là một việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh, nó khẳng định sự cần thiết cho việc hình thành và phát triển một cách có hệ thống và có kế hoạch năng lực đọc cho học sinh. Tuy nhiên việc dạy học tập đọc hiện nay ở tiểu học vẫn còn gặp không ít khó khăn từ cả hai phía học sinh và giáo viên. Đối với học sinh, có nhiều em chưa chưa dạt được yêu cầu đặt ra trong việc phát triển kĩ năng đọc, đối với giáo viên, có nhiều người còn rất lúng túng trong quá trình dạy học và đặc biệt không biết phải làm thế nào để giúp học sinh có được kĩ năng đọc nhất là đọc diễn cảm.
Để nâng cao được hiệu quả dạy học tập đọc yêu cầu đặt ra đối với mỗi giáo viên tiểu học là không chỉ giúp học sinh biết giải mã các kí hiệu chữ viết thành âm thanh mà còn phải giúp học sinh có khả năng nhận thức thông hiểu những gì được đọc. Một trong những kĩ năng quan trọng trong quá trình hình thành kĩ năng đọc cho học sinh đó là kĩ năng ngắt giọng trong khi đọc. Đọc đúng chỗ ngắt giọng không những giúp học sinh hiểu đúng được văn bản mà còn là một trong các yếu tố cơ bản của việc đọc diễn cảm. Trong bài viết này xin được đưa ra một số ví dụ hướng dẫn học sinh lớp 4 đọc đúng chỗ ngắt giọng trong quá trình dạy học tập đọc.
Có hai kiểu ngắt giọng đó là ngắt giọng lôgíc và ngắt giọng biểu cảm. Ngắt giọng lôgic là những chỗ dừng để tách các nhóm từ trong câu, ngắt giọng lôgíc phụ thuộc vào ý nghĩa và quan hệ giữa các từ trong câu. Ngắt giọng biểu cảm đối lập với ngắt giọng lôgíc đó là những chỗ ngừng lâu hơn bình thường hoặc chỗ ngừng không do lôgíc ngữ nghĩa mà do dụng ý của người đọc nhằm tạo ra một ấn tượng về cảm xúc. Sau đây là một số ví dụ minh hoạ và những biện pháp rèn kĩ năng đọc đúng chỗ ngắt giọng cho học sinh lớp 4 trong quá trình dạy học tập đọc.
1.Về kĩ năng ngắt giọng lôgíc
Khi đọc một văn bản nào đó, nếu gặp những dấu câu ta cần phải ngắt, nghỉ đó chính là việc ngắt giọng. Sau dấu chấm xuống dòng phải nghỉ lâu hơn sau dấu chấm, sau dấu chấm lại phải nghỉ lâu hơn sau dấu phẩy. Sau dấu phẩy cũng có lúc lại phải nghỉ khác nhau: Dấu phẩy ngăn cách giữa các vế câu phải nghỉ lâu hơn dấu phẩy sau trạng ngữ, dấu phẩy sau trạng ngữ phải nghỉ lâu hơn dấu phẩy ngăn cách giữa các bộ phận đẳng lập trong câu. Chỗ ngắt giọng phản ánh các quan hệ ngữ pháp, tuy nhiên các quan hệ ngữ pháp có lúc được biểu hiện trên chữ viết có lúc lại không có biểu hiện gì do đó muốn đọc đúng chỗ ngắt giọng ta cần phải nắm được các quan hệ ngữ pháp đó.
Trong thực tế, do không nắm được các quan hệ ngữ pháp, do sự ngắt nhịp theo cảm tính để tạo sự cân bằng về âm thanh hoặc đôi khi do những nhịp điệu của các vần thơ mà dẫn đến việc học sinh đọc sai chỗ ngắt giọng làm ảnh hưởng đến việc hiểu văn bản. Một số lỗi thường gặp ở học sinh khi đọc đó là: Tách một danh từ ra khỏi định ngữ đi kèm, tách động từ hoặc tính từ ra khỏi bổ ngữ đi kèm, tách từ chỉ loại ra khỏi danh từ, tách một từ ra làm đôi, ngắt giọng sau hư từ... Sau đây là một số ví dụ cụ thể:
1.1.Ngắt giọng sai do tách danh từ ra khỏi định ngữ, tách tính từ hoặc động từ ra khỏi bổ ngữ
Khi đọc một số bài văn xuôi có những câu văn dài với cấu trúc ngữ pháp phức tạp học sinh thường ngắt giọng một cách tuỳ tiện làm ảnh hưởng đến nội dung câu văn. Sau đây là một số ví dụ:
- Trăng sáng mùa thu/ vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc...(Trung thu độc lập - TV4 tập 1, tr 66 ).
Trong ví dụ trên, học sinh đã ngắt giọng sai do tách “vằng vặc” ra khỏi “Trăng sáng mùa thu”vì vậy câu văn bị hiểu sai thành: “Trăng sáng mùa thu” là chủ ngữ và vị ngữ là “vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc...”. Do đó cần hướng dẫn học sinh ngắt giọng đúng như sau:
“Trăng sáng mùa thu vằng vặc/ chiếu khắp thành phố, làng mạc...”.
- Bất giác, em lại nhớ đến ba người thợ nhễ nhại mồ hôi/ mà vui vẻ bên tiếng bễ thổi “phì phào”...(Thưa chuyện với mẹ - TV4 tập, tr 86).
Nếu ngắt giọng như trên thì câu văn sẽ bị hiểu sai thành: Cương vừa nhớ đến ba người thợ nhễ nhại mồ hôi và Cương vừa cảm thấy vui vẻ bên tiếng bễ thổi “phì phào”. Do đó cần hướng dẫn học sinh đọc đúng như sau: “Bất giác, em lại nhớ đến ba người thợ nhễ nhại mồ hôi mà vui vẻ/ bên tiếng bễ thổi “phì phào”...
- Chú đậu trên một cành lộc vừng/ ngả dài trên mặt hồ. (Con chuồn chuồn nước -TV4 tập 2, tr 127).
Ở đây học sinh cũng đã sai khi tách “ngả dài” ra khỏi “cành lộc vừng”, do đó câu văn bị hiểu thành: chú chuồn chuồn nằm ngả dài trên mặt hồ chứ không phải cành lộc vừng!? Vì vậy cần hướng dẫn học sinh đọc đúng như sau: “Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài/ trên mặt hồ”.
Khi đọc một số câu thơ, do không chú ý đến quan hệ ngữ pháp mà chỉ chú ý đến sự cân đối về âm thanh mà học sinh đã đọc chỗ ngắt nhịp sai làm sai ý nghĩa của câu thơ. Sau đây là một số ví dụ:
- Những thằng cu/ áo đỏ chạy lon xon.
- Con bò vàng/ ngộ nghĩnh đuổi theo sau. (Chợ tết - TV4 tập 2, tr 38).
Rõ ràng, theo cảm tính mà học sinh đã ngắt nhịp sai khi tách “áo đỏ” ra khỏi “Những thằng cu”, tách “ngộ nghĩnh” ra khỏi “Con bò vàng” làm cho câu thơ bị tách thành 2 câu cụt. Do đó cần hướng dẫn học sinh đọc đúng như sau: “ Những thằng cu áo đỏ/chạy lon xon.” ; “Con bò vàng ngộ nghĩnh/đuổi theo sau.”
Để khắc phục các lỗi trên, khi hướng dẫn học sinh đọc, giáo viên cần lưu ý học sinh cách phân tích quan hệ ngữ pháp giữa các từ trong câu, cần giúp học sinh nắm được quan hệ giữa định ngữ với danh từ, định ngữ bổ nghĩa cho danh từ và chúng liên hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một cụm danh từ. Do đó khi đọc không được ngắt giọng ở những chỗ ngăn cách giữa danh từ với định ngữ đi kèm.
1.2.Ngắt giọng sai do tách từ chỉ loại ra khỏi danh từ, tách một từ ra làm hai
Do không nắm được các quan hệ ngữ pháp giữa các từ trong câu văn mà học sinh cũng dễ đọc sai chỗ ngắt giọng làm cho câu văn trở thành những câu cụt hoặc bị hiểu sai về nghĩa. Sau đây là các ví dụ:
- Nổi bật trên hoa văn/ trống đồng là hình ảnh con người hoà với thiên nhiên. (Trống đồng Đông Sơn - TV 4 tập 2, tr 17)
Do ngắt giọng sai, tách cụm từ “hoa văn trống đồng” làm hai như trên nên câu văn sẽ bị sai về nghĩa bởi vì theo cách ngắt giọng đó thì “nổi bật trên hoa văn” sẽ làm trạng ngữ và “trống đồng” trở thành chủ ngữ. Vì vậy cần hướng dẫn học sinh đọc đúng như sau: “Nổi bật trên hoa văn trống đồng/ là hình ảnh con người hoà với thiên nhiên.”
- Tôi lim dim/ mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ.
Sa Pa quả là một món quà/tặng kì diệu mà thiên nhiên dành cho đất nước ta. (Đường đi Sa Pa - TV4 tập 2, tr 102).
Ở đây, học sinh cũng đã mắc sai lầm khi tách “lim dim mắt”, “quà tặng” ra làm đôi và làm cho câu văn cũng bị sai về nghĩa. Cần đọc đúng là: “Sa Pa quả là một món quà tặng kì diệu/ mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.” , “Tôi lim dim mắt/ ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ.”
- Mặt trời lặn, ánh sáng chiếu/ soi vào bóng tối cửa đền. (Ăng-co-vát - TV4 tập 2, tr 123).
- Mỗi đứa trẻ trung bình/ mỗi ngày cười 400 lần. (Tiếng cười là liều thuốc bổ – TV4 tập 2, tr 153).
Nếu ngắt giọng sai như trên thì ta thấy sẽ có một loại “ánh sáng chiếu” được soi vào bóng tối của cửa đền. Còn ở câu thứ hai do ngắt giọng sai nên “trung bình mỗi ngày”là trạng ngữ đã bị tách làm hai và câu văn bị hiểu thành “trung bình” là định ngữ bổ nghĩa cho “mỗi đắ trẻ”. Do đó cần đọc đúng như sau: “Mặt trời lặn, ánh sáng chiếu soi/ vào bóng tối cửa đền.”.
Khi đọc một số câu thơ có vần điệu học sinh cũng sẽ dễ đọc ngắt nhịp sai theo cảm tính bởi những vần điệu của những câu thơ đó lam cho câu thơ mất đi ý nghĩa thực. Sau đây là một số ví dụ:
- Chuyện ngày xưa đã có bờ/ tre xanh. (Tre Việt Nam - TV4 tập 1, tr 41).
- Anh chàng/ Gà Trống tinh nhanh lõi đời. (Gà Trống và Cáo - TV4 tập 1, tr 51).
- Hái triệu vì/ sao xuống cùng.
Đúc thành ông/ mặt trời mới.
Mãi mãi không/ còn mùa đông.
Trong ruột không/ còn thuốc nổ. (Nếu chúng mình có phép lạ - TV4 tập 1, tr 76).
- Qua bao/ nhiêu ngọn gió.
Trên những/ cánh đồng hoa.
Loá màu/ trắng hoa mơ.
Mùi hoa/ huệ ngạt ngào. (Tuổi ngựa - TV4 tập 1, tr 149)
Ở các câu trên, học sinh đã ngắt nhịp sai do tách các từ “bờ tre xanh”, “Anh chàng Gà Trống”, “vì sao”, “ông mặt trời”, “không còn”, “bao nhiêu”, “những cánh đồng”, “màu trắng”, “hoa huệ” thành hai từ làm cho các câu đó trở thành những câu không có nghĩa. Do đó cần giúp các em đọc đúng như sau:
- Chuyện ngày xưa/ đã có bờ tre xanh.
- Anh chàng Gà Trống/ tinh nhanh lõi đời.
- Hái triệu vì sao/ xuống cùng.
Đúc thành/ ông mặt trời mới.
Mãi mãi không còn/ mùa đông.
Trong ruột không còn/ thuốc nổ.
- Qua bao nhiêu/ ngọn gió.
Trên/ những cánh đồng hoa.
Loá/ màu trắng hoa mơ.
Mùi hoa huệ/ ngạt ngào.
Để khắc phục những lỗi trên, cần chú ý học sinh ngoài việc nắm được các quan hệ ngữ pháp giữa các từ trong câu còn cần phải có thói quen không đọc các câu thơ theo một nhịp điệu nhất định mà phải thường xuyên thay đổi nhịp điệu tuỳ vào các quan hệ giữa các từ trong câu đó. Đặc biệt cần phải giúp học sinh hiểu được không thể tách một từ ra làm hai một cách tuỳ tiện như trên.
1.3.Ngắt giọng sau hư từ
Khi đọc một số câu thơ do chỉ chú ý đến việc cân đối âm thanh mà không chú ý đến nghĩa của các từ trong câu nên học sinh thường đọc sai, ngắt nhịp sau hư từ ở các câu thơ đó. Sau đây là các một số dụ:
- Bây giờ mẹ lại/ lần giường tập đi. (Mẹ ốm - TV4 tập 1, tr 10).
- Vừa nhân hậu lại/ tuyệt vời sâu xa.
Người ngay thì/ được phật tiên độ trì.
Con sông chảy có/ rặng dừa nghiêng soi.
Vừa độ lượng lại/ đa tình đa mang.
Chăm làm thì được/ áo cơm cửa nhà. (Truyện cổ nước mình - TV4 tập 1, tr19).
Trong các câu trên, học sinh đã ngắt nhịp sai do tách hư từ vốn có quan hệ rất chặt chẽ với bộ phận đi theo sau nó làm câu thơ trở nên rất khó nghe. Do đó cần hướng dẫn học sinh đọc đúng các câu thơ trên như sau:
- Bây giờ/ mẹ lại lần giường tập đi.
- Vừa nhân hậu/ lại tuyệt vời sâu xa.
Người ngay/ thì được phật tiên độ trì.
Con sông chảy/ có rặng dừa nghiêng soi.
Vừa độ lượng/ lại đa tình đa mang.
Chăm làm/ thì được áo cơm cửa nhà.
Để khắc phục các lỗi trên, giáo viên cần cho học sinh nắm được quan hệ chặt chẽ giữa hư từ với bộ phận đi kèm theo sau nó. Từ đó giúp học sinh có thói quen đọc liền hư từ với bộ phận đi kèm.
2. Về kĩ năng ngắt giọng biểu cảm
Bên cạnh việc dạy cho học sinh nắm được kĩ năng ngắt giọng lôgíc, giáo viên còn cần phải dạy cho học sinh biết ngắt giọng biểu cảm, đó là một phương tiện tác động đến người nghe giúp cho người nghe thấy được giá trị nghệ thuật của tác phẩm, cảm nhận được tác phẩm đó hay hơn. Nếu như ngắt giọng lôgic thiên về trí tuệ thì ngắt giọng biểu cảm lại thiên về cảm xúc. Đó là những chỗ ngừng, chỗ lắng, sự im lặng...có tác dụng truyền cảm, tập trung sự chú ý đối với người nghe góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao hơn cho văn bản. Sau đây là một số ví dụ:
- Khi đọc câu thơ cuối trong bài thơ “Mẹ ốm” (TV4 tập 1, tr 10) giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách ngắt nhịp như sau: “Mẹ/ là đất nước tháng ngày của con.”.
Rõ ràng với cách ngắt nhịp như trên sẽ giúp cho người nghe thấy hết được tình cảm yêu thương sâu sắc của tác giả đối với người mẹ đã từng vất vả nuôi con khôn lớn thành người.
- Cũng cần chú ý học sinh, trong một số trường hợp có thể cần phải phá vỡ các quan hệ ngữ pháp để tạo ra một cách ngắt nhịp đem đến cho người nghe sự nhẹ nhàng êm ái trong giai điệu của những vần thơ chứa đầy chất nhạc. Chẳng hạn như khi đọc một số câu trong bài “Bè xuôi sông La” (TV4 tập 2, tr 27) giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc ngắt nhịp như sau: “Sông La/ ơi sông La”. Với cách ngắt nhịp trên sẽ gây được cảm xúc mạnh mẽ hơn đối với người nghe, câu thơ trở nên mượt mà hơn với ự ngân dài tha thiết của từ “ơi”. Hay: “Bè đi/ chiều thì thầm”, “Gỗ/ lượn đàn thong thả”. Đây cũng là cách ngắt nhịp có hiệu quả nhất, nó làm cho câu thơ sống động hơn với nhiều đối tượng được miêu tả với nhiều hoạt động mà cũng không hạn chế thời gian bè đi vào buổi chiều, lại tạo được một sự kết hợp bất thường “chiều thì thầm” làm cho thời gian như được nhân hoá cất lên thành lời.
Đọc đúng chỗ ngắt giọng và ngắt giọng hay là mục đích của việc dạy học tập đọc, đó cũng là một trong những phương tiện để phát triển ngôn ngữ tiếp nhận cho học sinh. Việc đọc đúng chỗ ngắt giọng còn là một yếu tố quan trọng trong việc đọc diễn cảm, là cơ sở đầu tiên giúp học sinh cảm thụ các tác phẩm văn học. Do đó yêu cầu đặt ra đối với mỗi giáo viên là phải giúp học sinh nắm được cách ngắt, nghỉ trong khi đọc để giúp người nghe hiểu được văn bản một cách chính xác và hay nhất. Trên đây là một số ví dụ về những lỗi mà học sinh thường gặp khi ngắt giọng và cách hướng dẫn học sinh khắc phục những lỗi đó. Để giúp học sinh khắc phục được điều đó không phải là việc làm đơn giản, tuy nhiên nếu nhiệt tình và có phương pháp chắc chắn mỗi giáo viên sẽ giúp được học sinh có một kĩ năng đọc diễn cảm tốt hơn. Hi vọng sẽ nhận được sự trao đổi của các bạn đồng nghiệp về vấn đề này.