Ngày: 27/01/2018
Tiếp tục góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung những điều của Luật giáo dục dự kiến trình Quốc hội trong năm 2018, trong đó có vấn đề tăng lương giáo viên lên cao nhất trong thang, bảng lương của các đơn vị sự nghiệp hành chính.
Để vấn đề trên trở thành hiện thực theo nhiều người là quá khó, bởi trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, nợ công tăng cao nếu tăng cao nhất không ngân sách nào có thể kham nổi.
Đề xuất tăng hệ số lương, bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên giáo viên (Ảnh minh họa: laodong.vn) |
Chênh lệch quá lớn giữa người công tác lâu năm và giáo viên mới ra trường
Hiện nay, lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được xếp như sau theo Nghị định 204/2004/NĐCP của Thủ tướng chính phủ về chế độ tiền lương cho công chức – viên chức và hiện nay, theo các thông tư 20, 21, 22, 23/TTLT – BGDĐT – BNV về mã số tiêu chuẩn giáo viên từ mầm non đến phổ thông.
Theo đó, giáo viên mầm non – tiểu học được xếp lương theo hạng với hệ số như sau từ hạng IV (từ 1,86 – 4,06), hạng III (từ 2,1 – 4,89), hạng II (từ 2,34 đến 4,98);
Giáo viên trung học cơ sở được xếp lương với hệ số như sau hạng III (từ 2,1 đến 4,89), hạng II (từ 2,34 đến 4,98), hạng I (từ 4,0 đến 6,2);
Giáo viên trung học phổ thông được xếp như sau hạng III ( từ 2,34 đến 4,98), hạng II (từ 4,0 đến 6,2), hạng I (từ 4,4 đến 6,78).
Ngoài khoản lương trên giáo viên còn được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp thâm niên công tác theo quy định của chính phủ như giáo viên mầm non, tiểu học 35%; trung học cơ sở, trung học phổ thông 30% (trừ giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn có chế độ riêng).
Giáo viên đang công tác tại các trường từ mầm non đến trung học phổ thông đa số hưởng lương hạng III, IV ở tiểu học; hạng II, III ở trung học cơ sở; hạng III ở trung học phổ thông, chỉ có rất ít giáo viên được hưởng ở mức cao hơn.
Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được
|
Việc trả lương như trên theo đánh giá là trả lương chủ yếu theo thâm niên công tác, người càng lớn tuổi không chỉ lương cao, phụ cấp ưu đãi (30% x mức lương hiện lãnh) khá cao và còn lãnh phụ cấp thâm niên cao (% số năm công tác x mức lương hiện lãnh) nên số tiền thực nhận giữa giáo viên công tác lâu năm và giáo viên mới ra trường chênh lệch khá lớn.
Ví dụ cụ thể, một giáo viên mới ra trường nhận công tác ở bậc tiểu học (không phân biệt bằng cấp) sẽ được xếp hạng IV với hệ số lương khởi điểm là 1,86 với mức lương hiện tại thực nhận là 1,86 x 1.300.000 đồng + 1,86 x 1.300.000 đồng x 35% = 3.263.300 đồng x 85% (tập sự) = 2.773.805 đồng, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp,…9,5%, nên tổng tiền thực nhận khoảng 2.510.293, đó là chưa kể các khoản quỹ công đoàn phí, tương trợ, báo…
Trong khi đó, một giáo viên công tác khoảng 35 năm, giả sử được xếp lương ở hạng III thì xếp ở bậc 10 có hệ số lương 4,89, vượt khung 10%, phụ cấp ưu đãi 35%, thâm niên 35% nên tổng thu nhập của giáo viên trên hưởng như sau:
4,89 x 1.300.000 đồng + 4,89 x 1.300.000 đồng x 35% (phụ cấp) + 4,89 x 1.300.000 đồng x 35% (thâm niên)+ 4,98 x 1.300.000 đồng x 10% (vượt khung) = 11.559.600 đồng, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp…9,5%, nên tổng tiền thực nhận khoảng 10.461.000 đồng.
Tác giả đưa ra những phân tích trên không có ý cho rằng giáo viên công tác lâu năm có nhiều gắn bó, không xứng đáng nhận mức lương trên, thậm chí giáo viên trên nhận cao hơn nữa cũng xứng đáng.
Nhưng, mức chênh lệch trên cho thấy rõ ràng lương giáo viên mới ra trường quá thấp (nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh “né” ngành sư phạm).
Bên cạnh công việc như nhau, chưa tính hiệu quả như thế nào cũng cho thấy sự bất hợp lý trong việc trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Đề xuất bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo
Chúng ta thấy rõ ràng lương giáo viên mới ra trường với hệ số lương quá thấp, bên cạnh đó giáo viên công tác lâu năm ngoài mức lương hưởng khá cao còn cộng thêm phụ cấp ưu đãi, thâm niên, vượt khung,…cũng theo lương tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa người mới ra trường và giáo viên công tác lâu năm.
Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây
|
Theo dự thảo Luật giáo dục sửa đổi quy định giáo viên xếp theo thang, bảng lương cao nhất rất khó thành hiện thực nếu chúng ta vẫn giữ cách trả lương, phụ cấp như hiện nay, đó là điều không thể vì ngân sách không kham nổi và chênh lệch lại càng lớn hơn, trả lương chưa tương xứng vị trí việc làm, hiệu quả công việc...
Bản thân là nhà giáo tác giả rất đồng tình ý kiến của dự thảo trên về việc tăng lương nhà giáo, nó góp phần vào việc tạo động lực cho giáo viên yên tâm, cố gắng trong công tác.
Muốn Luật giáo dục trên đi vào cuộc sống tôi mạnh dạn đề xuất khi xếp thang, bảng lương cho giáo viên phải bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và tăng hệ số lương giáo viên ở mức cao thấp nhất có thể là từ 4,0 đến 8,0 (xếp lương giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông như nhau).
Tiêu chuẩn bằng cấp ít nhất có bằng đại học sư phạm chính quy hoặc liên thông, giáo viên chưa đạt chuẩn được nhà nước hỗ trợ kinh phí học tập lần đầu, nếu chưa đạt tự bỏ tiền học hoặc cho tinh giảm biên chế nếu có nguyện vọng.
Lương giáo viên mầm non (tiêu chuẩn bằng cấp cao đẳng sư phạm) phải được xếp cao hơn hoặc có thêm phụ cấp bằng số tiền cụ thể vì giáo viên mầm non rất cực khổ).
Khi tăng như trên thì lương giáo viên lớn tuổi vẫn giữ nguyên, lương giáo viên mới ra trường cũng tăng được một khoảng đáng kể, chênh lệch giữa giáo viên trẻ và giáo viên lâu năm giảm lại, bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu phương án trả lương theo vị trí làm việc, hiệu quả làm việc.
Nếu thực hiện bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo, cộng với việc tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách chắc chắn việc xếp lương giáo viên cao nhất trong thang, bảng lương hành chính sự nghiệp theo dự thảo Luật giáo dục là điều có thể làm được để có thể trình Quốc Hội thông qua trong thời gian sớm nhất.
Làm được điều trên thì lương giáo viên mới ra trường sẽ cải thiện đáng kể, thu nhập giáo viên sẽ được xếp ở mức cao như dự thảo Luật giáo dục, chênh lệch ít lại sẽ thu hút được nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm, sẽ có nhiều giáo viên giỏi, tạo công bằng hơn trong giáo dục, theo đó chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ tăng cao.