Thứ hai, 23/12/2024 19:27:52
Xin đừng quản lý giáo viên như học sinh tiểu học

Ngày: 27/01/2018

Xin đừng quản lý giáo viên như học sinh tiểu học

Dạy suốt ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, thứ Bảy thao giảng dự giờ.

Tuần họp tổ, tuần họp chuyên môn cấp, tuần họp hội đồng đôi khi họp chi bộ, tổ chức giao lưu, tham gia một số hoạt động ngoài giờ...

Giáo viên tiểu học đang xoay như chong chóng suốt tuần, hỏi còn thời gian nào cho thầy cô bổ sung kiến thức và nghiên cứu bài giảng?

Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học hiện nay là 23 tiết/tuần.

Thế nhưng các trường tiểu học vẫn thích quản lý giáo viên bằng giờ hành chính nên hầu như trường nào cũng phân lịch dạy cho các thầy cô rải đều vào các ngày trong tuần.

Dạy cả tuần, họp hành liên miên, giáo viên còn thời gian nào để đầu tư chuyên môn? (Ảnh minh họa: TTXVN)

Vì phân tiết rải đều nên chuyện giáo viên ngồi chơi chờ thời khóa biểu xảy ra thường xuyên.

Chẳng hạn giáo viên dạy tiết 1 nghỉ tiết 2, dạy tiết 3, nghỉ tiết 4. Hay dạy tiết 1 nghỉ tiết 2, 3 rồi mới dạy tiết 4.

Thậm chí có giáo viên chỉ lên trường dạy một tiết rồi về, dù thế họ cũng mất đứt một buổi vô cùng lãng phí.

Thời gian giáo viên ngồi đợi đến tiết dạy của mình cũng chẳng thể làm được gì ngoài việc túm tụm lại ngồi nói chuyện hoặc lên mạng lướt facebook.

Tư tưởng quản giáo viên bằng giờ hành chính còn thể hiện ở việc thứ Bảy nào giáo viên cũng buộc phải có mặt trên trường.

Có tuần không thao giảng dự giờ, không họp hội đồng sư phạm thì thầy cô cũng buộc phải có mặt để họp tổ chuyên môn.

Có ai khổ như giáo viên tiểu học không?

 

Mà nội dung họp tổ cũng chỉ là nhận xét tình hình dạy và học tuần qua, nêu biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém, nhận xét tiết dạy dự giờ (nếu có).

Với những nội dung như thế, giáo viên có thể tranh thủ họp bất kì lúc nào như 30 phút giờ ra chơi hay nán lại họp sau giờ ra về khoảng 1 tiếng hoặc có mạng thông tin trực tuyến có thể trao đổi trực tiếp với nhau qua email...

Thế nhưng do không tin tưởng giáo viên, do thích quản bằng giờ giấc, trường nào cũng giám sát việc họp tổ xem tổ triển khai những gì mà chẳng cần quan tâm đến chất lượng công việc mà các tổ thể hiện hiệu quả hay không.

Có trường còn đưa ra quy định họp tổ phải đảm bảo thời gian ít nhất từ 4 tiếng trở lên mới được nghỉ.

Khổ nỗi, công việc tổ chuyên môn tháng nào cũng họp 2 lần nên nếu như không có công văn mới để triển khai thì những công việc như nhận xét tình hình dạy và học tuần qua, biện pháp giúp đỡ, bồi dưỡng học sinh, kế hoạch 2 tuần tới…cứ được lặp lại hết lần họp này đến lần họp khác.

Vậy nên họp tổ dài nhất cũng chỉ tiếng đồng hồ là triển khai xong. Nhưng dù xong rồi vẫn phải ngồi đến giờ quy định 11 giờ mới được nghỉ.

Thời gian nào dành cho bài dạy?

Giáo viên dạy lâu năm nên việc soạn bài trước khi lên lớp cũng đỡ áp lực.

Họp hành liên miên, thời gian đâu mà soạn với giảng, nghĩ gì đến chỉ đạo?

 

Thế nhưng sắp đến chương trình thay sách chắc chắn sẽ có nhiều buổi tập huấn, thầy cô phải có sự đầu tư nghiên cứu bài thì mới mong lên lớp dạy tốt.

Cả tuần đi dạy, thứ Bảy lo hội họp, tối về còn biết bao việc nhà.

Vậy nên giáo viên sẽ nghiên cứu và soạn bài vào lúc nào?

Người ta nói nhiều đến việc đổi mới cách làm việc, giảm áp lực hội họp nhưng trong các trường học hiện nay chuyện này chỉ có nói mà không có làm.

Trong khi chỉ cần nắm chất lượng giáo dục từng lớp, đánh giá hiệu quả công việc của tổ chuyên môn xem tiến triển ra sao (đừng quan tâm họ họp lúc nào mà hãy nhìn họ làm những gì) thì hầu như các trường vẫn thích quản giáo viên bằng giờ hành chính, vẫn quy định phải họp thế nào?

Họp bao lâu? Họ vẫn thích tổ chức nhiều cuộc họp kéo lê kéo dài suốt cả buổi (nhưng nếu gom lại nội dung chính cũng chỉ triển khai khoảng tiếng đồng hồ là xong).

Bởi thế, giáo viên luôn quay cuồng với biết bao công việc mà chẳng còn thời gian để nạp kiến thức nói gì đến nghỉ ngơi, thư giãn?

c1huonglam2
Tin liên quan