Ngày: 23/12/2017
- Năm 1979 cải cách giáo dục lần thứ 3, cả nước thống nhất học sách cải cách, duy chỉ có Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục học sách của GS. Hồ Ngọc Đại (ngôi trường do chính giáo sư sáng lập).
- Năm 1986, nhận thấy có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
- Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
- Năm 2006 ngành giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại bằng qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". Giáo sư đi Lào Cai vận động chính quyền địa phương đưa sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục vào dạy.
- Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.
- Năm 2013 Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
- Năm 2016 có 48 tỉnh tham gia. Bộ GD&ĐT, Vụ Giáo dục tiểu học đã thường xuyên có chỉ đạo các Sở, các địa phương về việc triển khai dạy Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.
- Trước các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và ý kiến dư luận, đầu năm 2017 Bộ GD&ĐT giao cho Viện Khoa học Giáo dục chủ trì tiến hành khảo sát, đánh giá về sách tiếng Việt công nghệ giáo dục, thành lập các đoàn khảo sát ở 5 tỉnh để lấy ý kiến từ 4 kênh: các nhà chỉ đạo chuyên môn Sở, Phòng; giáo viên dạy lớp 1; phụ huynh và kiểm tra học sinh lớp 1.
- Sau khi nghe báo cáo của các đoàn khảo sát, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
- Ngày 12, 13/5/2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã họp để đánh giá tài liệu này.
GS Hồ Ngọc Đại đặt ra ba mục tiêu cho tài liệu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù. Đọc thông viết thạo nghĩa là "nghe được, nhắc lại được, viết ra được và đọc được".
Giáo sư chia sẻ: "Chuyên môn của tôi là tâm lý giáo dục, không phải là ngôn ngữ học nên ban đầu tôi có nhờ một số cộng sự về ngôn ngữ biên soạn sách. Vì sách chưa đạt yêu cầu nên cuối cùng tôi phải tự biên soạn lấy". "Học theo phương pháp của tôi, học sinh có thể đọc được một phút 60 chữ trong khi phương pháp hiện thời là một phút 25 chữ mà học sinh vẫn không học nổi, non một nửa số em lưu ban".
1. Điều kiện tiên quyết
- Nội dung của Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.
- Việc đưa Tài liệu Tiếng Việt 1 vào nhà trường sử dụng như sách giáo khoa có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hay không thì không nằm trong phạm vi đánh giá của Hội đồng thẩm định tài liệu này.
2. Thể hiện mục tiêu của chương trình
a. Ưu điểm
Tài liệu Tiếng Việt 1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học.
b. Hạn chế
- Mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy học sinh có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.
- Tài liệu cũng chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu.
3. Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập
a. Ưu điểm
-Vận dụng định hướng học qua thực hành, giúp học sinh hiểu khái niệm và có kỹ năng ngôn ngữ. Thông qua "chuỗi việc làm" trên lớp theo yêu cầu “thầy thiết kế, trò thi công” để học sinh tự hình thành kiến thức và rèn luyện kỹ năng đọc và viết.
- Tài liệu Tiếng Việt 1 giúp học sinh nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng. Phương pháp “"ập mẫu" và "dùng mẫu" để học sinh tự lập ra các vần mới, tiếng mới có những hiệu quả nhất định.
- Tài liệu đã đưa những câu trọn vẹn ngay trong phần đầu của tập 1, giúp học sinh sớm có cơ hội luyện đọc câu (tuy nhiên đôi khi không được tự nhiên). - Một số hoạt động, chẳng hạn thao tác phân tích tiếng bằng tay, có phần khơi gợi được hứng thú của học sinh.
- Tuần 0 thực sự có ý nghĩa trong việc giúp học sinh làm quen với những quy ước và thao tác căn bản ban đầu, giúp quá trình của học sinh diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả.
b. Hạn chế
- Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh có thể hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và hứng thú của học sinh. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu.
- Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ.
Hiện nay ngay cả khi dạy học ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của Tài liệu Tiếng Việt 1 cũng ít khi được sử dụng.
- Quan điểm "chân không về nghĩa" không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp.
- Việc sử dụng phương tiện dạy học chưa được quan tâm đúng mức.
- Việc kiểm tra, đánh giá tập trung chủ yếu vào kỹ năng đọc thành tiếng và viết chính tả của học sinh….
Với những kết luận của Hội đồng Quốc gia, Tài liệu đã phải chỉnh lý mà theo một thành viên trong Hội đồng thì cũng phải chỉnh lý nhiều. Sau 38 năm đưa vào nhà trường, bây giờ Tài liệu mới được đánh giá từ một Hội đồng Quốc gia do Bộ GD&ĐT thành lập.
Theo nguồn tin đáng tin cậy (từ NXBGD) thì ngày 20/7/2017 bộ phận làm Tài liệu mới nhận được những ý kiến của Hội đồng Quốc gia và từ 20/7/2017 đến 30/8/2017 phải làm các công việc:
- Sửa bản thảo và thay đổi khoảng 60 - 70 trang trên tổng số khoảng hơn 200 trang (chưa kịp có con số chính xác - chỉ theo trí nhớ của người cung cấp).
- Biên tập Tài liệu mới theo quy trình làm sách và chuyển cho Hội đồng.
- In Tài liệu và chuyển cho Hội đồng.
- Cuối cùng là in sách phục vụ năm học mới.
Chính vì vậy, với thói quen mua sách lớp 1 cho con, phụ huynh thường mua trong hè nên khá nhiều phụ huynh đã không biết nên mua sách đã in trước cuối tháng 8/2017.
Đây chính là lý do mà trong lớp học sinh sử dụng rất nhiều tài liệu chưa chỉnh lý nên nhiều giáo viên kêu "oải quá". Có giáo viên yêu cầu học sinh đọc thấy lạ mới đối chiếu tài liệu thì cô và trò dùng 2 tài liệu khác nhau.
Với số trang thay đổi nhiều như thế, phụ huynh chắc chắn lại một lần nữa mua sách đã chỉnh lý cho con để cô khỏi vất vả và mất thời gian ở mỗi tiết dạy.