Tin tức : Tin tức - Sự kiện
Hơn 40 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ nghèo
27/02/2018
Đến trước cửa nhà cô Son, đã nghe tiếng ê a đánh vần của những đứa trẻ với gương mặt ngây thơ. Thấy người lạ, cô Son bảo: “Em chờ cô chút, để dạy xong cho tụi nhỏ về rồi cô tiếp chuyện”.
Trong lúc này, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Trần Thị Thắm (ngụ khu vực 3). “Con tôi sắp vào lớp 1 rồi, định cho nó đi học thêm nhưng nhà nghèo. Hay tin có lớp học miễn phí của cô Son nên tôi đưa đến đây. Cháu học cũng hơn nửa năm và đã biết đọc, viết, tính toán”, chị Thắm bày tỏ.
Lớp học tan, cô Son ngồi vào bàn và chấm bài cho các em nhỏ. Cô giáo 71 tuổi tâm sự: “Mấy đứa con tôi kêu nghỉ ngơi đi chứ già rồi. Nhưng nghỉ thì buồn lắm. Có tụi nhỏ ê a hằng ngày vui nhà vui cửa, với lại dạy tụi nó cũng đỡ nhớ nghề”.
Qua lời kể, sau khi lấy chồng, cô Son cùng chồng về Ô Môn sinh sống. Những năm 70 thế kỷ trước, cô Son là giáo viên dạy lớp 1. Sau giải phóng, cô giảng dạy tại một trường ở quê rồi kế đến là lớp bình dân học vụ cho nhiều người già không biết chữ. Thời điểm ấy, tuy dạy học trong trường nhưng cô Son vẫn tranh thủ dạy buổi tối cho các em nhỏ và hoàn toàn miễn phí. Sau khi nghỉ hưu, cô mở lớp học miễn phí tại nhà. Đến nay, cô Son dạy học cho mấy đứa trẻ nghèo đã ngót 40 năm.
Mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ bảy, lớp học bắt đầu từ 7-10h. Riêng chủ nhật, cô Son dành thời gian đi chùa. Lớp học có khoảng 40 em, đa phần là những trẻ từ 5 đến 6 tuổi chậm biết đọc, biết viết, tính toán, hay trẻ trí nhớ kém và là con em của lao động nghèo ở địa phương.
Bà Võ Thị Hoa (64 tuổi, ngụ khu vực 4, phường Châu Văn Liêm) nhìn nhận: “Tôi có 2 đứa cháu nội lên 5 tuổi, cũng học tại lớp cô Son. Do nghèo, cha mẹ tụi nó đi làm suốt, cũng không có tiền cho con đi mẫu giáo. Vì vậy khi nghe được lớp cô Son dạy học miễn phí, tôi đưa cháu đến đây liền. Sau 3 tháng, 2 đứa đánh vần được rồi”.
Cô Son dạy học trẻ em nghèo ở địa phương. |
Cô Son đặc biệt chú ý đến trường hợp của em Trần Thị T.N. (ngụ khu vực 2). Em N. năm nay 14 tuổi nhưng nhìn như đứa trẻ lên 8 do em hay lơ ngơ, trí nhớ kém. “Cha mẹ có đưa N. đến trường học, rồi xuống Cần Thơ học trong trường năng khiếu nhưng em này chậm nhận biết mặt chữ. Sau đó, họ tìm đến tôi và nhờ kèm cặp cháu N. giùm”. Sau giờ học, N. ở lại lớp rồi tự viết, đánh vần từng chữ, sau đó trả bài cho cô giáo.
Một thời gian dài chỉ bảo, đến nay, N. biết ghép vần và đọc thành câu. Ngoài dạy chữ, cô Son còn dạy các em thái độ, ứng xử hằng ngày như: gặp người lớn phải lễ phép cúi chào, đi học về thưa thầy, cô, cha, mẹ và đặc biệt không được trộm cắp.
Ông Võ Ngọc Tuấn, Trưởng khu vực 3 nhận xét: “Cô Son tuy đã về hưu nhưng năm nào cũng mở lớp dạy cho trẻ em nghèo tại địa phương. Địa phương cũng quan tâm những trường hợp mà cô Son dạy bằng cách tặng tập vở để trẻ học đến nơi đến chốn”. Nhờ lớp học này mà nhiều trẻ nhiều năm trước bước ra từ đây giờ đã thành tài và trở về ủng hộ vật chất cho cô Son.
“Có đứa gửi tiền về cho tôi mua bàn ghế, có đứa góp tiền mua sách vở cho mấy em học sinh nghèo ở đây, đáng quý lắm”, cô Son bộc bạch.
Các tin khác
- NGÀY HỘI TIẾNG ANH CỦA HỌC SINH TRƯỜNG TIỂU HỌC HƯƠNG LÂM (21/04/2018)
- CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO NGÀY HỘI TIẾNG ANH (20/04/2018)
- Bài văn viết về bố đạt điểm 10 của cô bé lớp 5 (11/04/2018)
- ‘Thời điểm vàng’ xây tư duy khoa học cho trẻ (11/04/2018)
- Học sinh nghèo trả lại gần 25 triệu cho người đánh mất (11/04/2018)
- CÔNG TRÌNH THANH NIÊN NHÂN NGÀY 26/3/2018. (26/03/2018)
- Nâng bước học sinh nghèo đến trường (23/03/2018)
- Côi cút đến trường (23/03/2018)
- Những cách đơn giản khuyến khích trẻ bảo vệ môi trường (23/03/2018)
- KỈ NIỆM 108 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ MÙNG 8/3/2018 (08/03/2018)
Danh mục tin
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang online:
Hôm nay:
Tổng lượng truy cập: