Tin từ đơn vị khác
QUY ĐỊNH
Quy tắc ứng xử, văn hóa công sở của CB-GV-CNV
trường TH Ngọc Sơn
A. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG QUY TẮC ỨNG XỬ
Căn cứ vào thông tư 06/2019/TT-BGD&ĐT ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Căn cứ vào công văn số 437/SGDĐT-CNTT ngày 06/5/2019 của Sở GD&ĐT Tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện thông tư 06/2019/TT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Căn cứ vào công văn số 330/PGD&ĐT ngày 17/5/2019 về việc thực hiện thông tư 06/2019/TT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ giáo dục đạo đức kỹ năng sống cho học sinh trường TH Ngọc Sơn.
B. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Quy tắc ứng xử quy định tại Quyết định này áp dụng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh đang công tác, học tập tại trường TH Ngọc Sơn
2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ngoài việc thực hiện Quy tắc ứng xử của trường TH Ngọc Sơn tại văn bản này còn phải thực hiện nghiêm túc Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 và quy định về đạo đức nhà giáo tại quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ GD-ĐT.
Điều 2: Quan hệ ứng xử của người học
1- Đối với bản thân người học.
2- Đối với bạn bè.
3- Đối với nhà giáo, cán bộ quản lí, nhân viên, người lao động trong nhà trường.
4- Đối với khách đến làm việc.
5- Đối với gia đình.
6- Đối với môi trường
7- Đối với cộng đồng xã hội
Điều 3: Quan hệ ứng xử của nhà giáo, CBQL, nhân viên, người lao động thuộc nhà trường bao gồm
1- Đối với bản thân
2 - Đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.
3- Đối với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp.
4 - Đối với cơ quan trường học khác.
5- Đối với người thân trong gia đình.
6- Đối với cha mẹ người học.
7- Đối với khách đến làm việc, các tổ chức khác và người nước ngoài.
8- Đối với môi trường
9- Đối với cộng đồng xã hội.
C. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Phần 1. Quan hệ ứng xử của người học
Điều 1. Ứng xử với bản thân người học
- Thực hiện tốt nội quy lớp học đã được tập thể lớp xây dựng.
- Khi thầy, cô bước vào lớp, cả lớp đứng dậy nghiêm trang chào thầy, cô.
- Không làm các cử chỉ như: vò đầu, gãi tai, ngoáy mũi, quay ngang, ngửa, phát ngôn tùy tiện, nói leo, nhoài người, gục đầu, nghịch bút, bắn giấy, viết vẽ lên bàn, tường...
- Không sử dụng phương tiện liên lạc cá nhân như: máy nghe nhạc, điện thoại…
- Không mang đồ ăn, thức uống vào lớp học làm mất vệ sinh và ảnh hưởng người khác.
- Ứng xử khi cần mượn, trả đồ dùng học tập đảm bảo thái độ nghiêm túc, lời nói nhẹ nhàng và bảo quản tốt, không làm ảnh hưởng tới giờ học.
- Ứng xử khi trao đổi, thảo luận nội dung bài giảng đảm bảo thái độ cầu thị, tôn trọng ý kiến người khác, không gay gắt chê bai, mỉa mai ý kiến khác với ý kiến bản thân.
- Ứng xử trước khi kết thúc giờ học đảm bảo tôn trọng thầy/cô giáo:
+ Không nôn nóng gấp sách vở, rời chỗ ngồi, tắt đèn, quạt điện, đóng cửa để ra chơi, ra về.
+ Cả lớp phải đứng dậy chào thầy/cô khi hết giờ thầy cô cho nghỉ.
+ Đảm bảo trật tự không xô đẩy, leo trèo lên bàn ghế, giữ vệ sinh chung.
- Ứng xử khi bản thân bị ốm đau đột xuất đảm bảo kín đáo, tế nhị, hạn chế làm ảnh hưởng đến mọi người; đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và tránh lây lan bệnh cho người khác.
Điều 2. Ứng xử giữa học sinh với học sinh
1. Ứng xử trong xưng hô: Đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng, không cầu kỳ, kiểu cách; không gọi nhau, xưng hô bằng những từ chỉ dành để gọi những người tôn kính như ông, bà, cha, mẹ..., không gọi tên gắn với tên cha, mẹ, những khiếm khuyết ngoại hình hoặc đặc điểm cá biệt về tính nết…
2. Ứng xử trong chào hỏi, giới thiệu, bắt tay nhau: Đảm bảo thân mật, trong sáng, không thô thiển, cục cằn, không làm ầm ĩ ảnh hưởng đến người xung quanh.
3. Ứng xử trong khi thăm hỏi, giúp đỡ bạn bè: Đảm bảo chân thành, tế nhị, không che giấu khuyết điểm của nhau, không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc người hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ bạn khi cần nhiệt tình, tự nguyện, hoàn thành công việc giúp đỡ; khi chúc mừng bạn đảm bảo vui vẻ, thân tình.
4. Ứng xử trong đối thoại, nói chuyện, trao đổi với bạn bè: Đảm bảo chân thành, thẳng thắn, cởi mở, ôn tồn, không cãi vã, chê bai, dè bỉu, xúc phạm, khua chân múa tay, nói tục, chửi thề, khạc nhổ... Biết lắng nghe tích cực và phản hồi mang tính xây dựng khi thảo luận, tranh luận. Các bạn trong lớp, trường cần
phải xưng hô bạn với bạn, cậu với tớ.
5. Ứng xử trong quan hệ với bạn khác giới: Đảm bảo tôn trọng, lịch sự, thân thiện, trong sáng, nhã nhặn, không sấn sổ, săn đón, điệu bộ quá trớn.
6. Ứng xử trong học tập: Đảm bảo nghiêm túc, trung thực không vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử.
Điều 3. Ứng xử giữa học sinh với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong nhà trường
3.1. Ứng xử giữa học sinh với giáo viên, cán bộ quản lý
1. Ứng xử trong chào hỏi, xưng hô, giới thiệu với thầy/cô giáo: Phải đảm bảo kính trọng, lịch sự, rõ ràng, ngắn gọn, đủ câu từ; không thô lỗ, cộc lốc, không rụt rè, không sử dụng các động tác cơ thể gây phản cảm như thè lưỡi, giơ tay, búng tay, đấm lưng nhau, trố mắt, hô to, hò hét, kéo dài giọng, chỉ trỏ, bình phẩm...
2. Trong học tập: người học được phát huy chính kiến, bày tỏ quan điểm phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập. Đảm bảo nghiêm túc, trung thực không vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử.
3. Khi hỏi, trả lời: Phải đảm bảo trật tự trên dưới, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có thưa gửi, cảm ơn.
4. Khi mắc lỗi, làm phiền thầy/cô giáo: Đảm bảo thái độ văn minh, tế nhị, chân thành, xin lỗi đúng lúc.
5. Khi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của bản thân với thầy/cô giáo và ngược lại: Đảm bảo chân tình, giản dị, cởi mở, thân mật, tôn trọng bí mật cá nhân, không khách sáo, cầu kỳ, giễu cợt.
3.2. Ứng xử giữa học sinh với cán bộ văn phòng, bảo vệ
1. Ứng xử trong chào hỏi, xưng hô: Phải kính trọng, nghiêm túc, lịch sự, rõ ràng; không thô lỗ, cộc lốc, không rụt rè, không giễu cợt.
2. Khi đối thoại, trao đổi, hỏi, trả lời: Phải đảm bảo trật tự trên dưới, nghiêm túc, lịch sự, chân thành, thẳng thắn, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có thưa gửi, cảm ơn.
Điều 4. Ứng xử giữa học sinh với khách đến làm việc
1. Khi nhà trường có khách đến thăm, làm việc với nhà trường: Phải chào hỏi lễ phép, lịch sự, kính trọng; không thô lỗ, rụt rè, không bàn tán xì xào.
2. Khi giao tiếp với khách: Phải văn minh lịch sự, luôn thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói khiêm tốn, vui vẻ, cởi mở, bình tĩnh trong mọi tình huống. Luôn tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của khách đến trường.
Điều 5. Ứng xử với gia đình
- Ứng xử trong xưng hô, mời, gọi đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình.
- Ứng xử trong khi đi, về; lúc ăn uống đảm bảo lễ phép, có chào mời thưa gửi, xin phép.
- Đi đâu phải có sự đồng ý của cha, mẹ mới được đi, nếu tham gia công việc của trường, lớp cha mẹ không đồng ý phải giải thích với thái độ đúng mực, không cáu gắt tỏ thái độ coi thường…
- Khi được hỏi phải trả lời lễ phép, nhẹ nhàng, rõ ràng.
- Không khích bác, công kích, lên án ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi.
- Ứng xử khi có khách đến nhà đảm bảo chào hỏi lễ phép, tiếp khách chân tình, cởi mở lắng nghe.
- Không nói chen vào hay đứng cạnh khi bố, mẹ nói chuyện với khách khi không được phép; Hoặc nói lớn tiếng, chửi mắng, nói xấu ở ngoài khi cha, mẹ đang tiếp khách…
- Ứng xử trong công việc gia đình đảm bảo làm việc được giao, chăm chỉ, vừa sức, không đôi co, cãi cọ, cau có khi bị nhắc nhở.
Điều 6. Ứng xử của học sinh với môi trường
6.1. Đối với môi trường giáo dục
* Có ý thức giữ gìn, bảo quản cơ sở vật chất của nhà trường
Không đập phá đồ dùng, bàn ghế, không viết, vẽ bậy ra bàn ghế, tường của trường, lớp. Khi sử dụng đồ dùng của nhà trường trong học tập, thực hành phải cẩn thận, giữ gìn và đảm bảo thực hiện đúng, không làm hỏng đồ dùng.
6.2. Đối với môi trường tự nhiên
- Giữ gìn trật tự vệ sinh lớp học, nơi ở, công cộng.
- Bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên: bảo vệ nguồn nước, các giống loài động thực vật…
- Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường: trồng cây dọn vệ sinh.
- Phê phán các hành vi làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 7. Đối với cộng đồng xã hội
7.1. Đối với nhân dân, láng giềng nơi cư trú
- Ứng xử trong giao tiếp đảm bảo lễ phép; ân cần giúp đỡ, hỏi thăm, chia sẻ chân tình, không cãi cọ, xích mích, trả thù.
- Ứng xử trong sinh hoạt đảm bảo tôn trọng sự yên tĩnh chung, không gây mất trật tự an ninh, không gây ồn ào, mất vệ sinh chung.
7.2. Ở nơi công cộng
* Ứng xử ở nhà trường khi tham gia sinh hoạt chung đảm bảo:
- Đi học, tham gia các buổi tập trung, họp đội, ngoại khóa phải đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, không hò hét, hô gọi nhau ầm ĩ, đồng phục đúng theo quy định của trường, của giáo viên.
- Ở nơi công cộng đảm bảo nếp sống văn minh, không xô đẩy, chen lấn, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi.
- Không đi, đứng, leo trèo, ngồi lên lan can, bàn học, không bẻ cành, hái lá…Có ý thức giữ gìn cở sở vật chất, cây xanh của nhà trường…
- Đến trường trang phục phải đúng qui định: không mặc áo không cổ, quần áo ở nhà hay quá ngắn, có hình thù kì quái, câu chữ phản cảm, mất thẩm mĩ của học đường…, không nhuộm tóc khác màu đen, không trang điểm loè lẹt, tóc phải gọn gàng, học sinh nam không được để tóc dài, đầu tóc phản cảm như cạo trọc, hớt tóc để bườm, đeo khuyên tai…
* Ứng xử khi có mặt trong khu vực công cộng như đường phố, công viên, bến xe,
- Cử chỉ, hành động lịch thiệp.
- Biết nói xin lỗi khi làm phiền và cảm ơn khi được giúp đỡ.
- Không làm ồn ào, ngó nghiêng, chỉ trỏ, bình phẩm xấu người khác.
- Khi muốn hỏi đường phải dừng và xuống xe, gỡ khăn che mặt, cởi kính râm
* Ứng xử khi đến các cơ quan, công sở để giao dịch, liên hệ công việc đảm bảo:
- Thái độ lễ phép, lịch sự, thẳng thắn, mạch lạc.
- Không luồn cúi, gây mất trật tự, đi lại phải nhẹ nhàng, không hút thuốc…
- Nhã nhặn khi hỏi và cảm ơn khi được phục vụ.
7.3. Đối với thực hiện an toàn giao thông
- Ứng xử “Văn hoá giao thông” cần đạt các tiêu chí cơ bản sau:
+ Hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật, tự giác và chấp hành nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ.
+ Khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; tôn trọng nhường nhịn, giúp đỡ người khác.
+ Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông; chấp hành qui định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.
- Khi tham gia giao thông cần thể hiện được sự văn hoá của mình:
+ Khi tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường, làn đường; tuân thủ qui định về tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu; dừng đỗ đúng qui định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
+ Chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
+ Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cả khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên đường.
+ Thực hiện các qui định, nội qui tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng.
7.4. Các hành vi học sinh không được làm
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
- Gian lận trong học tập kiểm tra, thi cử.
- Đánh nhau gây rối trật tự an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
- Làm việc riêng, sử dụng điện thoại di động trong giờ học và sinh hoạt.
- Hút thuốc, uống rượu bia, đánh bài. Tàng trữ, sử dụng ma tuý, hung khí, chất nổ, chất độc...
- Lưu hành, sử dụng văn hoá phẩm độc hại, đồi truỵ, tham gia tệ nạn xã hội.
- Học sinh đi xe máy. Học sinh đi xe đạp trong sân trường, ăn quà vặt trong thời gian học tập ở trường, tụ tập trước cổng trường.
- Phá hoại tài sản của nhà trường (bàn ghế, cây cối...). Lãng phí điện, nước, quạt, đèn….
Phần 2. Quan hệ ứng xử của nhà giáo, CBQL, nhân viên, người lao động thuộc nhà trường bao gồm
Điều 1. Ứng xử với bản thân
1- Nắm vững pháp luật, thông thạo nghiệp vụ Sư phạm, bản lĩnh vững vàng, động cơ trong sáng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, kỷ cương của Ngành; không đi muộn, về sớm, không làm việc riêng, không tự ý bỏ lớp, bỏ vị trí công tác trong giờ làm việc.
3- Sắp xếp, bài trí phòng làm việc một cách khoa học, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.
4- Tác phong, trang phục
Mặc trang phục gọn gàng, chỉnh tề phù hợp với môi trường sư phạm.
+ Đối với nam
- Mặc áo sơ mi trắng, thắt cavat các ngày lễ khai giảng, hội nghị CBVC, Đại hội Công đoàn, lễ tổng kết và các ngày lễ khác theo quy định của nhà trường.
+ Đối với nữ
Trang phục phù hợp với truyền thống Việt Nam và nghề sư phạm.
- Mặc áo dài các ngày các ngày lễ: khai giảng, hội nghị CBVC, Đại hội Công đoàn, lễ tổng kết và các ngày lễ khác theo quy định của nhà trường (trừ trường hợp có thai hoặc có con nhỏ dưới 12 tháng).
5- Khi ngồi làm việc, hội họp, hội nghị luôn giữ tư thế ngay ngắn
6- Hết giờ làm việc, trước khi ra về phải kiểm tra, tắt điện bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị.
Điều 2. Ứng xử với học sinh
1. Tôn trọng nhân cách của học sinh, mềm mỏng nhưng cương quyết, triệt để khi xử lý các vi phạm của học sinh.
2. Đảm bảo giữ mối liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn; tổ trưởng chuyên môn; phụ huynh học sinh và các tổ chức trong nhà trường.
3. Thực hiện nghiêm túc Điều lệ trường TH ban hành theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
4. Không trù dập học sinh.
5. Ứng xử thân thiện, hòa nhã, không phân biệt đối xử, tôn trọng ý kiến cá nhân, đối xử công bằng. Tùy từng đối tượng học sinh mà có cách ứng xử riêng.
6. Luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo. Luôn đặt tình thương và trách nhiệm lên hàng đầu.
7. Biết lắng nghe và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Điều 3. Ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp
1- Ứng xử với cấp trên
1.1- Các chỉ đạo, mệnh lệnh, hướng dẫn, nhiệm vụ được phân công phải chấp hành nghiêm túc, đúng thời gian. Thường xuyên báo cáo, phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
1.2- Trung thực, thẳng thắn trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên, bảo vệ uy tín, danh dự cho cấp trên. Không được lợi dụng việc góp ý, phê bình hoặc đơn thư nặc danh, mạo danh làm tổn hại uy tín của cấp trên.
1.3- Khi gặp cấp trên, người lớn tuổi phải chào hỏi nghiêm túc, lịch sự.
2- Ứng xử với cấp dưới
2.1- Hướng dẫn cấp dưới triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
2.2- Gương mẫu cho cấp dưới học tập, noi theo về mọi mặt. Nắm vững tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cấp dưới; chân thành động viên, thông cảm, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong công việc và cuộc sống của cấp dưới.
2.3- Không cửa quyền, hách dịch, quan liêu, trù dập, xa dời cấp dưới.
3- Ứng xử với đồng nghiệp
3.1- Coi đồng nghiệp như người thân trong gia đình, chia sẻ khó khăn trong công tác và cuộc sống.
3.2- Khiêm tốn, tôn trọng, chân thành, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp.
3.3- Luôn có thái độ cầu thị, thẳng thắn, chân thành tham gia góp ý trong công việc, cuộc sống; Không suồng sã, nói tục trong sinh hoạt, giao tiếp.
3.4- Hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Ứng xử với cơ quan, trường học khác
- Xây dựng vững chắc mối quan hệ giữa nhà trường với CMHS; giữa GVCN với CMHS.
- Tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của chính quyền; các đoàn thể, nhân dân ở địa phương đối với xây dựng CSVC và giáo dục học sinh.
- Tổ chức cho giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
- Tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức, công ty, cá nhân…trên địa bàn nhằm tranh thủ sự đóng góp, hỗ trợ của họ cho tiến trình xây dựng và phát triển nhà trường đạt được mục tiêu chiến lược.
Điều 5. Ứng xử với người thân trong gia đình
1- Có trách nhiệm giáo dục, thuyết phục, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không vi phạm Pháp luật.
2- Thực hiện tốt đời sống văn hoá mới nơi cư trú. Xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc, hoà thuận.
3- Không để người thân trong gia đình lợi dụng vị trí công tác của mình để làm trái quy định. Không được tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.
4- Sống có trách nhiệm với gia đình.
Điều 6. Ứng xử với cha mẹ người học
Trong mối quan hệ này, giáo viên cần:
- Hãy là người bạn đồng hành cùng phụ huynh hướng đến mục tiêu chung. Lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng khi bàn về giáo dục học sinh. Nếu cần có thể đề xuất những biện pháp giáo dục để phụ huynh ứng dụng trong dạy dỗ con cái, tránh được việc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
- Thiết lập đường dây thông tin thông qua các phương tiện hiện có để kịp thời thông báo cho nhau những biểu hiện đáng lưu ý trong HS
- Ngoài sự gặp gỡ qua các cuộc họp phụ huynh được tổ chức định kỳ, GV nên chủ động thăm gia đình phụ huynh HS. Việc làm này không chỉ thắt chặt mối quan hệ thân tình mà còn gián tiếp cho HS thấy sự phối hợp giữa thầy cô và bố mẹ các em.
- Đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc con em cá biệt, cần tế nhị trong giao tiếp.
-Tránh chê bai quá mức HS trước phụ huynh khiến họ nản lòng không muốn cho con em đến trường.
Điều 7. Ứng xử với khách đến làm việc, các tổ chức khác và người nước ngoài
1- Văn minh, lịch sự khi giao tiếp; luôn thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói khiêm tốn nhẹ nhàng, vui vẻ, bình tĩnh trong mọi tình huống. Không to tiếng, hách dịch không nói tục hoặc có thái độ gây căng thẳng, bức xúc cho người đến giao dịch; Không cung cấp các thông tin của nhà trường, của CBVC cho người khác biết (trừ trường hợp được Hiệu trưởng chỉ thị).
2- Công tâm, tận tụy khi thi hành công vụ; không móc ngoặc, thông đồng, tiếp tay làm trái các quy định để vụ lợi.
3- Nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc.
4- Thấu hiểu, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho người đến giao dịch.
5- Tôn trọng lắng nghe và tiêp thu ý kiến đóng góp của người đến giao dịch và học sinh. Trong khi thi hành công vụ, nếu phải để các cá nhân đến làm việc phải chờ đợi thì phải giải thích rõ lí do.
6- Thực hiện đúng quy định của Nhà nước, của Ngành về quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
7- Giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác, lợi ích quốc gia.
Điều 8. Ứng xử của học sinh với môi trường
8.1. Đối với môi trường giáo dục
1- Ứng xử trong hội họp, sinh hoạt tập thể
1.1- Phải nắm được nội dung, chủ đề cuộc họp, hội thảo, hội nghị; chủ động chuẩn bị tài liệu và ý kiến phát biểu. Có mặt trước giờ quy định ít nhất 05 phút để ổn định chỗ ngồi và tuân thủ quy định của Ban tổ chức điều hành cuộc họp, hội nghị, hội thảo.
1.2- Trong khi họp
- Tắt điện thoại di động hoặc để ở chế độ rung, không làm ảnh hưởng đến người khác.
- Giữ trật tự, tập trung theo dõi, nghe, ghi chép các nội dung cần thiết; không nói chuyện và làm việc riêng, không bỏ về trước khi kết thúc cuộc họp, không ra vào, đi lại tuỳ tiện trong phòng họp. Phát biểu ý kiến theo điều hành của Chủ toạ hoặc Ban tổ chức; không làm việc riêng hoặc nói chuyện riêng trong cuộc họp, không trao đổi, thảo luận riêng…
2. Ứng xử trong giao tiếp qua điện thoại, Internet
2.1. Sử dụng tiết kiệm, chỉ sử dụng điện thoại vào đúng mục đích công việc chung của cơ quan, đơn vị. Không dùng vào việc riêng.
2.2. Khi gọi: Phải chuẩn bị trước nội dung (ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng), âm lượng đủ nghe. Xưng hô phù hợp.
2.3. Khi nghe: Cần có lời chào hỏi, xưng tên, chức danh, bộ phận làm việc của mình. Nếu người gọi cần gặp người khác thì chuyển điện thoại hoặc hướng dẫn người gọi liên hệ đến đúng người, đúng địa chỉ.
2.4. Sử dụng Intenet: Thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng Internet của nhà trường. Không di chuyển, xoá thư điện tử tại các hộp thư: tại tổ chuyên môn và các hộp thư dùng chung.
3. Những việc cán bộ giáo viên, nhân viên không được làm
- Có hành vi làm sai lệch hồ sơ học sinh, thông tin kết quả học tập và rèn luyện của học sinh sai sự thật. Lợi dụng chức trách, quyền hạn của mình làm mất đoàn kết nội bộ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, làm giảm sút uy tín của nhà trường. Cản trở, can thiệp trái quy định vào quá trình thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền
- Hút thuốc lá trong trường học .
- Uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc. Ngoài giờ làm việc không uống rượu, bia say bê tha, không làm chủ được bản thân.
- Các hành vị gây phiền hà, sách nhiễu, nhận các lợi ích bất hợp pháp từ người đến giao dịch, công tác.
- Đánh bạc và tham gia các tệ nạn xã hội, các hoạt động giải trí không lành mạnh.
8.2. Đối với môi trường tự nhiên
- Giữ gìn trật tự vệ sinh trường học, nơi ở, công cộng.
- Bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên: bảo vệ nguồn nước, các giống loài động thực vật..
- Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường: trồng cây dọn vệ sinh
- Phê phán các hành vi làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 9. Ứng xử với cộng đồng xã hội
a. Ứng xử với nhân dân nơi cư trú
1- Gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trường chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương. Chịu sự giám sát của tổ chức Đảng, Chính quyền, Đoàn thể và nhân dân nơi cư trú.
2- Kính trọng, lễ phép với người già, người lớn tuổi. cư xử đúng mực với mọi người. Tương trợ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, sống có tình nghĩa với hàng xóm, láng giềng.
3- Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú. Không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.
b . Ứng xử nơi công cộng, đông người
1- Thực hiện nếp sống văn hoá, quy tắc, quy định hơi công cộng.
2- Giữ gìn trật tự xã hội và vệ sinh nơi công cộng. Kịp thời thông báo cho cơ quan đơn vị, tổ chức có thẩm quyền các thông tin, các hành vi vi phạm pháp luật;
3- Không có hành vi hoặc làm những việc trái với thuần phong mỹ tục. Luôn tự giác giữ gìn phẩm chất của nhà giáo.
c. Ứng xử trong quan hệ tôn giáo, dân tộc
- Không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, các tà giáo, tôn trọng tín ngưỡng nhưng không tham gia tuyên truyền tôn giáo trong và ngoài nhà trường.
- Tôn trọng tập quán của các dân tộc, không kì thị dân tộc, có lời nói, việc làm phù hợp nhằm xây dựng khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
C .TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 1. Tổ chức thực hiện
1- Hiệu trưởng chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức thuộc quyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy tắc này.
2- Phối hợp với Công đoàn trong việc tuyên truyền, phổ biến, theo dõi, đánh giá xếp loại công chức hàng năm.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quy định này được thông qua và áp dụng thực hiện từ ngày 20/8/2019.
Trong trường hợp có sự thay đổi theo các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Quy định này sẽ được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp, mọi sự thay đổi được ban lãnh đạo của trường thông qua và Hiệu trưởng quyết định thực hiện./.
Nơi nhận: - Phòng GD&ĐT; - Lưu VT. |
HIỆU TRƯỞNG
Phạm Thị Hoàn |
Phòng GD&ĐT duyệt
- BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC
- BÀI TUYÊN TRUYỀN BỆNH BẠCH HẦU VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyên đề của chi bộ trường Tiểu học Ngọc Sơn
- Ngày chủ nhật xanh
- Biển đảo quê hương tôi
- TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI (1/6/2020) Ở KHU NGỌC TÂN
- Giờ ra chơi đến với thư viện ngoài trời
- Danh mục sách giáo khoa lớp 1, năm học 2020-2021
- chung tay tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid – 19
- NHỮNG HOẠT ĐỘNG Ở ĐIỂM TRƯỜNG NGỌC TÂN TRONG DỊP CAO ĐIỂM PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19
- Khi thầy cô là chiến sĩ
- Chung tay tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh covid-19
- Phòng dịch, chống dịch nhưng không sợ dịch
- ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID - 19, CHUẨN BỊ ĐÓN HỌC SINH TRỞ LẠI TRƯỜNG
- CÁC EM NGHỈ NHƯNG THẦY CÔ KHÔNG NGHỈ
- KHU LẺ NGỌC TÂN TÍCH CỰC THAM GIA PHÒNG CHỐNG COVID-19
- Công tác phòng dịch
- Cán bộ GV, NV trường tiểu học Ngọc Sơn Thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch nCov
- Biện pháp phòng ngừa vỉut Corona
- Sơ kết học kỳ I