TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

Tin từ đơn vị khác

Câu chuyện cô bé lớp 9 dạy chúng ta lòng tự trọng từ văn hóa xếp hàng

Xếp hàng là một nét văn hóa thể hiện sự tôn trọng người khác và sự giáo dục của bản thân. Đất nước càng văn minh, phát triển thì xếp hàng là một thói quen giống như hít thở vậy và việc chen ngang là một hành động rất không bình thường.

Xếp hàng, Văn hóa, sống đẹp,

Xếp hàng là một nét văn hóa. (Ảnh: Internet)

Sáng thứ bảy 30/12 vừa rồi, tôi tranh thủ đi làm thẻ căn cước công dân và được chứng kiến nét đẹp ứng xử của người dân ở buổi làm việc cuối cùng năm 2017.

“Trời se lạnh, song tôi thấy căn phòng nhỏ trong trụ sở công an một quận vùng ven TP.HCM hôm ấy bỗng ấm áp hẳn lên. Cảm động hơn khi người khởi động “lò sưởi” ấy lại là một cô bé tuổi đời còn rất nhỏ”.

Có lẽ nhiều người cũng giống như tôi bận công việc vào ngày thường và chọn ngày cuối tuần để đi làm giấy tờ tùy thân, nên chưa đến 8h mà phòng chờ ở trụ sở công an quận đã khá đông người.


 

Đang lần lượt mời từng người dân làm thủ tục nhập thông tin cá nhân thì anh công an cáo lỗi do có việc đột xuất và xin phép ra ngoài, rồi nhờ một đồng nghiệp đến giúp tiếp tục công việc. 

Người đồng nghiệp này sau khi mời hết những người có nhu cầu làm thẻ căn cước công dân trong xấp sổ hộ khẩu mà cán bộ tiếp dân trước đó đang làm đã lấy tiếp chồng sổ khác để gọi tên. 

Nhưng, đáng lẽ phải lật ngược chồng sổ hộ khẩu từ dưới lên (người dân đặt theo thứ tự ai đến sớm để ở dưới, ai đến sau đặt lên trên), anh công an này lại cầm quyển sổ trên cùng trước và gọi tên một em gái mà tôi đoán đang là học sinh lớp 9 nhờ bộ đồng phục học sinh em đang mặc.

Tôi tưởng em học sinh này sẽ hớn hở lên làm thủ tục ngay để đỡ mất thời gian chờ đợi, ai ngờ em lại đính chính: “Dạ cháu đến sau cùng ạ. Những quyển sổ xếp ở dưới là của các cô bác vào trước chú ạ!”. 

Nghe em nói vậy, những người đang ngồi chờ đều công nhận cô bé nói đúng về thứ tự xếp sổ, nhưng họ đều muốn “đặc cách” cho cô bé này được làm thủ tục trước, xem như là phần thưởng dành cho văn hóa xếp hàng của cô bé.

Ngay sau đó, tôi lại bất ngờ khi cô học trò nhỏ đã cảm ơn và lễ phép từ chối sự ưu tiên ấy. Em nói ai cũng có việc bận hết, nên đảm bảo công bằng là điều cần nhất. Em còn chỉ về hướng một phụ nữ đang có thai và gợi ý cần ưu tiên cho người sắp làm mẹ ấy. 

Thế rồi không hẹn mà gặp, nhiều người trong phòng đều đồng ý, đã đề đạt ý kiến với anh công an rằng không cần theo thứ tự nữa, cứ giải quyết cho phụ nữ có thai trước, người lớn tuổi và học sinh trước, cánh đàn ông, nhất là thanh niên, xin… bao chót. “Ý dân là ý trời”, anh cán bộ đã làm theo với nụ cười thật tươi.

Bắt chuyện với em, tôi biết em tên Nguyễn Thị Kim N., đang học ở một trường THCS tại Thủ Đức, TP.HCM, nhân được nghỉ học hai tiết đầu đã đón xe buýt đến đây làm căn cước công dân. Ứng xử của em đã kịp để lại bài học sâu sắc về lòng tự trọng cho những người có mặt hôm ấy.

Trời se lạnh, song tôi thấy căn phòng nhỏ trong trụ sở công an một quận vùng ven TP.HCM hôm ấy bỗng ấm áp hẳn lên. Cảm động hơn khi người khởi động “lò sưởi” ấy lại là một cô bé tuổi đời còn rất nhỏ. 

Chợt nghĩ, dẫu rằng đây đó vẫn còn rất nhiều những hình ảnh chưa đẹp trong cuộc sống hằng ngày, song cái tốt vốn là bản chất của người Việt, chỉ cần được đánh thức là sự tử tế lại lan tỏa, như cách cô bé ấy đã làm được bằng sự trung thực của mình.

Một lần, lúc chờ đổ xăng, tôi thấy vì quá đông khách nên chị nhân viên định bán cho một thanh niên vừa dắt xe vào do không nhớ đến lượt ai, nhưng anh đã từ chối và nhờ chị giải quyết cho những người đến trước.

Mới đây, khi xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị, tôi cũng chứng kiến cô gái trẻ đã nhường vị trí của mình cho một chị dắt theo con nhỏ đứng ngay sau lưng. Những sự nhường nhịn đó quả thật làm lòng người ấm áp.

Tác giả: c1maidinh1

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT