TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

Tin từ đơn vị khác

KỶ NIỆM 128 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2018)

TÂM HUYẾT CỦA BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ 

 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và cuộc đời đấu tranh vĩ đại của mình, Người luôn coi “con người” là vốn quý nhất, là yếu tố quyết định của sự nghiệp cách mạng. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn câu nói trên để chỉ ra tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục. Qua những bức thư Bác gửi giáo viên, học sinh, lời dạy của Bác đã thấm sâu vào lớp lớp thế hệ trẻ; là nguồn cổ vũ, gửi gắm trọn niềm tin của Người vào thế hệ trẻ. Những bức thư Bác viết đã trở thành chân lý của thời đại.

Trong thư gửi cho các học sinh vào tháng 9/1945: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. (Ảnh tư liệu)

“Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công bao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để giành độc lập cho nước nhà”. Trong ảnh: Bác Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. ( Ảnh tư liệu)

Thư Bác gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng vào ngày 31/10/1955: “Trong năm học vừa qua, từ khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các thầy giáo và cán bộ đã cố gắng nhiều. Các cháu học trò đã có những tiến bộ khá. Nhà trường đông đúc vui vẻ. Đó là một thành tích đáng mừng. Nhưng đó mới là bước đầu”. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học sinh miền núi tại Hà Nội, tháng 11 năm 1955. (Ảnh tư liệu)

“Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến. Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”. Trong ảnh: Đại biểu học sinh Trường TH Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

“Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân”. (Ảnh tư liệu)

Bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục vào ngày 15/10/1968. “Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng”. Trong ảnh: Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. (Ảnh tư liệu)

“Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”. Trong ảnh: Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng, phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1958. (Ảnh tư liệu)

“Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn.” “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Trong ảnh: Người nói chuyện với các học viên trường Nghệ thuật sân khấu trung ương. (Ảnh tư liệu)

“Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới”. Trong ảnh: Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (tháng 3-1961). (Ảnh tư liệu)

Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau. Trong ảnh: Bác Hồ trò chuyện với học sinh Trường thiếu nhi rẻo cao khu tự trị Việt Bắc,1960 (Ảnh tư liệu)./.

(Hà NhungTổng hợp từ nguồn Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG)

Tác giả: HÀ NHUNG

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT