TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

Tin từ đơn vị khác

Thành công từ chơi mà học

Hai hệ thống giáo dục Nhật Bản và Phần Lan có một điểm chung là đều coi trọng phát triển song song thể lực và trí lực học sinh - đặc biệt đều có cách thức khai thác tối đa khả năng tiếp thu của học sinh thông qua hoạt động vui chơi…

Khuyến khích học cách “thăng bằng”

Tại nhà, học sinh Nhật Bản phải cân bằng giữa mong muốn truyền thống của gia đình với cuộc sống hiện đại. Trong lớp học, trẻ phải cân bằng giữa kiến thức cổ và hiện đại, như máy tính với chữ tượng hình. Tuy nhiên vào giờ nghỉ giải lao, trẻ được cân bằng theo đúng nghĩa đen trên những chiếc xe đạp 1 bánh. Thông qua tự học cách thăng bằng, trẻ học được nhiều điều.

Hầu hết các trường tiểu học trên cả nước Nhật có giá để xe đạp 1 bánh cho trẻ em đi trên sân trường trong giờ nghỉ giải lao. Bộ Giáo dục, trong khuyến cáo định hướng phát triển thể chất, khuyến khích các trường cấp xe đạp 1 bánh, cà kheo bằng tre, vòng (để lắc phần bụng) và các thiết bị khác nhằm giúp học sinh học cách giữ thăng bằng và tăng cường thể lực.

Hiệp hội Xổ số Nhật Bản, tổ chức đại diện của các công ty xổ số quốc gia, thường xuyên tài trợ tiền cho các trường mua xe đạp 1 bánh. Năm ngoái, Hiệp hội này đã hỗ trợ tiền mua 2.000 xe đạp 1 bánh cho các trường công lập trên cả nước. Hàng năm có hẳn Giải vô địch xe đạp 1 bánh quốc gia dành cho học sinh tiểu học toàn quốc.

Khi chuông báo giờ giải lao tại Trường Tiểu học Kyuden, quận Setagaya, Tokyo, trẻ chạy ùa ra giá treo hơn 80 chiếc xe đạp 1 bánh và đạp ra sân trường. Một số học sinh chỉ mới tập đi, bám tay vào thanh đỡ hoặc bám vai các bạn khác. Nhiều em đã đạp thành thạo đi khá nhanh trong sân trường. Một cặp nữ sinh đạp quay tròn, nắm tay nhau và giữ thăng bằng hoàn hảo. Một số nữ sinh điều khiển tốt cả những chiếc xe 1 bánh cao gần 1,4 mét. Những em điều khiển thành thạo nhất – hầu hết là nữ - là thành viên một câu lạc bộ ngoại khoá, tập cho một buổi trình diễn hàng năm. Các em tự lo bơm hơi và treo xe lên giá cẩn thận khi tập xong.

Không em nào đội mũ bảo hiểm hoặc đeo miếng bảo vệ đầu gối, người lớn để các em tự chơi mà không cần có mặt để giám sát. Một nữ nhân viên của trường, cô Kumiko Hatanaka, cho biết, trong 3 năm làm việc tại trường, cô chỉ chăm sóc y tế cho 1 hoặc 2 em bị thương do đạp xe 1 bánh.

Hình ảnh những em bé còn rất nhỏ tuổi đã tự biết xúc cơm ăn hoặc ngồi yên một chỗ và giữ trật tự khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến tại Nhật Bản.

Nền giáo dục tại Nhật Bản chủ trương dạy trẻ tuân thủ các quy định và làm những điều cần thiết kể cả khi trẻ không thích, chẳng hạn như khuyến khích trẻ ăn nhiều rau trong mỗi bữa ăn dù trẻ thích ăn thịt. Điều này được cho rằng sẽ tạo nên nhận thức xã hội và trách nhiệm cho trẻ em từ những độ tuổi còn rất nhỏ.

Học mà vui

Vui chơi sáng tạo là mục tiêu hàng đầu của bậc học mầm non tại Phần Lan. Ngay năm cuối mầm non, còn gọi là tiền tiểu học, chương trình cũng không chính thức dạy toán, đọc hoặc viết.

Ngay hướng dẫn chính thức của ngành Giáo dục cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong giáo dục tiền tiểu học là “học mà vui”, tăng năng lực ngôn ngữ và giao tiếp. Hướng dẫn cũng nhấn mạnh tới hoạt động thể chất (ít nhất 90 phút chơi ngoài trời mỗi ngày).

Tuy nhiên khuyến khích “chơi” không có nghĩa là bỏ mặc trẻ chơi tự phát mà đòi hỏi trách nhiệm và nghiệp vụ sư phạm cao của giáo viên. Tại Trường Mầm non Franzenia có 44 nhân viên trực tiếp làm việc với trẻ em, trong đó 16 người là giáo viên mầm non (có ít nhất bằng tốt nghiệp chương trình sư phạm chuyên ngành 3 năm), 28 người chăm sóc trẻ (có bằng nghề chương trình 2 năm).

Tỉ lệ giáo viên/trẻ là 1/4 đối với trẻ dưới 3 tuổi và 1/7 với trẻ lớn hơn. Cho trẻ chơi không phải là “canh chừng” hay “chơi cùng trẻ” mà phải đánh giá từng trẻ trong quá trình chơi. Trong quá trình trẻ chơi, một giáo viên lặng lẽ quan sát từng trẻ và ghi chép vào một cuốn sổ các tiêu chí đánh giá như mức độ vận động, mức độ tương tác… Công việc đánh giá tỉ mẩn và kiên nhẫn này nhằm đưa ra cách thức hiệu quả nhất trong việc giáo dục trẻ. Ví dụ khi trẻ chơi bán đồ hàng, nhận thức về giá trị đồng tiền của trẻ ra sao, khả năng so sánh mệnh giá tiền của trẻ thế nào… - tất cả được ghi chép để có cách thức truyền dạy bổ sung cho trẻ một cách hiệu quả nhất.

Không có thời khóa biểu cố định cho mỗi ngày. Thay vì lịch hàng ngày, trường mẫu giáo sử dụng những bảng biểu theo tuần chỉ đánh dấu những hoạt động quan trọng mỗi ngày như: Thứ Hai sẽ có dã ngoại, chơi bóng, chạy; thứ Ba chỉ dành cho tập hát và vui chơi…

Theo các chuyên gia thì khi trẻ em chơi là lúc chúng đang phát triển ngôn ngữ, kiến thức toán học và cả kĩ năng giao tiếp cộng đồng. Dù ngắn hạn hay dài hạn, vui chơi vẫn có lợi cho trẻ về nhiều mặt, đặc biệt là sự phát triển nhận thức, cảm xúc và thể chất… Khi được tham gia vào những trò chơi hợp lứa tuổi, mong muốn học hỏi của trẻ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Chương trình giáo dục mầm non Phần Lan không quy định cấm dạy kiến thức văn hoá như dạy chữ và dạy đọc mà kĩ năng này được lồng ghép một cách khéo léo vào hoạt động vui chơi và được trẻ hứng thú tiếp nhận như nhu cầu tự thân. Trẻ em Phần Lan được học chữ thông qua những hoạt động như vỗ tay theo nhịp bảng chữ cái vào mỗi sáng. Đây là một cách học hữu hiệu thông qua việc xây dựng nhận thức về âm vị (khả năng nhận biết âm thanh không thông qua chữ viết) – một khả năng được coi là nền tảng tối quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ trong tương lai.

 

Tác giả: demo

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT