TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

Tin từ đơn vị khác

Bảy cách xây dựng thói quen làm bài tập về nhà tốt cho con

Bảy cách xây dựng thói quen làm bài tập về nhà tốt cho con

Phụ huynh nên sắp xếp một góc học tập và thời gian làm bài về nhà cố định hàng ngày, không làm giúp, không chỉ trích lỗi của con.

Bài tập về nhà không chỉ giúp con ôn luyện kiến thức môn học ở trường mà còn là một trong những cách tốt để con nâng cao trách nhiệm. Nó cũng giúp con học cách độc lập, quản lý quỹ thời gian cho những bài tập dài hạn hay cách hoàn thành công việc gọn gàng. Đây đều là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Bài tập về nhà ít nhiều sẽ khiến con gặp khó khăn nhưng với một chút giúp đỡ từ bạn, chúng có thể hoàn thiện dần để có kinh nghiệm học tập tích cực. Tạp chí Parents gợi ý bảy cách giúp bạn xây dựng cho con thói quen làm bài tập về nhà.

1. Góc học tập cố định

Bạn nên sắp xếp một góc học tập cố định cho con ở nhà, nơi con thường xuyên hoàn thành bài tập được giao. Vị trí này cần đủ ánh sáng, yên tĩnh, không bị TV làm xao lãng, không có tiếng ồn ào từ cuộc chơi đùa của những đứa trẻ khác, không có người nói chuyện qua điện thoại. Điều này giúp con tập trung hơn.

2. Thời gian làm bài tập về nhà hàng ngày

Có những đứa trẻ sẽ làm tốt nhất nếu được giải quyết bài tập ngay sau khi trở về nhà từ trường vào buổi chiều. Một số khác lại thích dành thời gian sau giờ học ở trường để thư giãn, vui chơi và sẽ làm bài tập về nhà vào buổi tối. Và cũng có những trẻ làm tốt nhất khi chúng nhận được lời hứa hẹn như "Con chỉ được xem hoạt hình sau khi hoàn tất bài tập về nhà".

Là phụ huynh, bạn cần nắm bắt được thời gian phù hợp nhất với con để giúp chúng có thói quen làm bài tập về nhà vào khoảng thời gian nhất định hàng ngày.

3. Để trẻ góp tiếng nói trong việc thiết lập các nguyên tắc

Khi sắp xếp vị trí ngồi học ở nhà và thời gian làm bài cho con, bạn phải giải thích và hỏi ý kiến của con để chắc chắn rằng cả hai cùng đồng ý về thời gian và địa điểm đã đặt ra. Điều này có thể loại bỏ một số bất đồng liên quan đến bài tập về nhà giữa bạn và chúng.

4. Quan sát thói quen làm bài tập về nhà của con

Con có bị mắc kẹt ở một bài tập nào đó hay có dễ dàng bị phân tâm không? Liệu con có hiểu những hướng dẫn có sẵn hay không? Con có bị gián đoạn bởi TV, điện thoại hay các cuộc trò chuyện với thành viên khác trong gia đình không? Nếu có, bạn phải suy nghĩ lại cách sắp xếp vị trí, thời gian làm bài tập về nhà, thảo luận với giáo viên về những khó khăn con gặp phải trong quá trình hoàn thành bài.

5. Đừng làm bài tập về nhà cho con

Việc bạn giúp con tập trung, dạy cách tiếp cận, phân chia công việc là hoàn toàn tốt, nhưng bạn cần chắc chắn rằng con sẽ tự làm công việc của chúng. Có thể đôi khi bạn cần giải thích rõ các hướng dẫn của bài tập. Trường hợp đó, hãy để con tự suy nghĩ trước khi đề nghị giúp đỡ.

6. Đưa ra những phản hồi tích cực

Hãy xem qua bài tập về nhà và khen những gì con làm đúng. Nếu bạn tìm thấy lỗi, đừng chỉ trích. Hãy xem kỹ lại bài con làm và cố gắng xác định phần kiến thức gặp khó khăn để tìm cách khắc phục.

7. Giữ liên lạc với giáo viên của con

Nếu con đang gặp vấn đề với bài tập về nhà, chẳng hạn khó hiểu yêu cầu của bài tập, cách hoàn thành, hay thấy bài tập quá dễ, hãy cho giáo viên biết. Giáo viên có thể điều chỉnh bài tập sao cho đồng bộ và phù hợp hơn với khả năng của con.

Sưu tầm.

Tác giả: Son Nguyen

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT