Ngày: 16/03/2015
CÂU CHUYỆN DỰ THI GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM GIỎI
CẤP TỈNH VÒNG III
Họ và tên: Nguyễn Thị Kim Dung
Ngày sinh: 09/7/1973
Giáo viên trường TH Hoàng An – Hiệp Hòa –
Bắc Giang
Kính thưa: - Ban Giám Khảo!
- Thưa các vị
đại biểu!
- Cùng toàn
thể các đồng chí đồng nghiệp thân mến!
Hôm nay tôi vô cùng vinh dự được đến với cuộc thi, và
tôi có mang theo một kỷ niệm
như một lời tâm
sự. Một kỷ niệm đã theo tôi suốt những năm tháng dạy học mà mỗi khi nghĩ về nó
tôi lại nhớ đến em, cô học trò nhỏ làng vạn chài ngày ấy.
Đã 18 năm trôi qua, năm 1997, tôi ra
trường được 4 năm. Do sự phân công của tổ chức, tôi về công tác tại trường TH Hợp Thịnh. Sau khi
nghỉ chế độ con nhỏ đến hết gần nửa học kỳ I,tôi mới về nhận lớp 1 tại khu lẻ
Ninh Tào, một làng quê ven sông Cầu. Quãng đường từ nhà tới lớp khá xa, chừng
13 km. Đường ngày ấy rất khó đi, mưa thì trơn, lầy lội, nắng thì bụi. Phương
tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cũ kỹ. Hơn nữa, con tôi còn bé xíu, mới được
hơn 4 tháng. Chồng tôi bộ đội xa nhà. Có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và chán
nản trước những khó khăn đó!
Thời gian đầu nhận lớp, tôi có phần bỡ
ngỡ. Các em còn quá nhỏ. Tôi chưa từng dạy lớp 1 nên kinh nghiệm chưa có, phải
làm quen, dỗ dành vì các em cũng lần đầu đến lớp.
Tuần đầu tiên trôi qua. Sáng nào cũng vậy,vào
lớp rất lâu rồi, có khi hết cả gần tiết học mới thấy em đến lớp. Em tên là
Bình, tôi còn nhớ rõ. Lúc đầu tôi cũng không để ý lắm vì đang dở bài nên nhanh
chóng cho em vào chỗ để ổn định lớp học mà không hỏi han gì thêm. Sang đến tuần
thứ hai, tuần thứ ba vẫn vậy, em vẫn đến lớp muộn, thậm chí có hôm em còn nghỉ
học không xin phép. Tôi bắt đầu thấy khó chịu, bực mình vì đã vài lần nhắc nhở
mà không thấy em tiến bộ. Sáng đó, khi học gần xong tiết học vần, em xin vào
lớp. Tôi bực quá, lần này tôi quát to và cứ thế em òa khóc nức nở. Thoáng chút
bối rối, tôi chạnh lòng khi nhìn em như vậy. Lúc này, tôi dịu giọng hỏi em
nhưng em vẫn nghẹn ngào không nói. Rồi một học sinh trong lớp nhanh nhảu trả
lời thay bạn:
-
Thưa
cô nhà bạn xa lắm!
-
Thưa
cô, bạn không có nhà đâu ạ!
-
Thưa
cô, nhà bạn ở trên thuyền, ở dưới sông!
-
Thưa
cô, không có ai đưa bạn đi học đâu ạ!....
Cứ thế các em nhao
nhao nói, khiến nỗi tức giận trong tôi dịu đi ngay, thay vào đó là một cảm xúc
khó tả. Tôi lấy lại bình tĩnh và cho em vào lớp để tiếp tục bài giảng.
Giờ ra chơi hôm đó, tôi ngồi lại với
em, ân cần hỏi thăm và mới biết rõ về hoàn cảnh gia đình em. Thật là tội
nghiệp!
Em kể, bố mẹ em đều là dân vạn chài
đến với nhau và lại tiếp tục cuộc đời sông nước, lênh đênh nay đây mai đó theo
dòng nước, theo những cuộc mưu sinh. Nhà của em là một con thuyền nhỏ. Bố mẹ
em mải lo kiếm sống nên không mấy khuyến khích việc đi học của con. Nhưng vì em
thích học, ham học và thèm được đến trường như các bạn nên em chấp nhận tự đi
học một mình. Thời gian này, khúc sông gần lớp học vắng cá tôm nên bố mẹ em
phải ngược thuyền về mạn Phổ Yên, Thái Nguyên, cách trường khá xa. Bởi vậy, dù
rất cố gắng em cũng không thể đến trường đúng giờ được. Tôi lặng đi theo lời kể
ngây thơ, ríu rít của em.
Thứ hai tuần sau, chiều họp hội đồng,
nhà xa, tôi ở lại và quyết định sẽ đưa em về nhà, phần vì thương em, phần vì tò
mò muốn biết gia cảnh của em, của những người lênh đênh sông nước mà trước kia
tôi chưa từng biết đến. Đi dọc theo triền đê, hai cô trò trên chiếc xe đạp. Em
líu lo đằng sau, dường như như vui lắm. Trước thái độ ân cần của tôi, em cởi mở
hơn rất nhiều, dường như em đã quên đi câu chuyện buổi sáng. Còn tôi, không thể
diễn tả nổi cảm xúc của mình, càng đi càng thấy lòng dạ rối bời, xa quá! Mình
người lớn, đạp xe mà còn thấy quãng đường dài đến thế! Vậy mà đôi bàn chân bé
xíu, non nớt của cô bé lớp 1 phải băng qua mỗi ngày. Tôi bỗng thấy đoạn đường
em đi học dường như xa xôi, vất vả hơn nhiều so với quãng đường tôi đi dạy. Chợt
thấy xấu hổ trước em, trào dâng trong tôi là sự cảm phục, yêu thương và cảm
thấy có lỗi với em vô cùng vì sự vô tâm của tôi thời gian qua. Tôi nghĩ và thấy
cay cay nơi khóe mắt! chừng phải đến gần 4km, bỗng em reo lên: Nhà đây rồi cô
ơi! Nhìn xuống là một chiếc thuyền đang neo đậu. Tôi theo em xuống thuyền, sững
người khi bước vào nơi mà em gọi là nhà. Góc nhà, một cụ già đang nằm vì ốm.
Hai em nhỏ của Bình đang chơi đùa với quả bóng. Con thuyền cũ kĩ, chẳng có vật
gì đáng giá. Bố mẹ em nhìn lam lũ, vất vả và tôi được biết họ đều thất học qua
lời kể của họ. Vì cuộc sống quá khó khăn nên họ cũng không nghĩ nhiều tới việc
học của con, còn hai đứa em của Bình nữa. Bình thích học thì cứ đi vậy thôi,
hôm nào xa quá, em đành phải nghỉ, không ai đưa đón em cả. Tôi đã trò chuyện
với họ rất nhiều và nhận thấy, trong sâu thẳm, họ rất yêu thương con. Biết điều
đó, tôi thẳng thắn đề nghị họ, sau mỗi ngày mưu sinh, họ xuôi con thuyền về nơi
Bình theo học để sáng ra em đỡ vất vả vả tới lớp sớm hơn. Họ đã khóc và nhận
lời dù biết rằng ngày hôm sau họ sẽ phải đi xa hơn, xa hơn để con được gần hơn.
Sau buổi gặp gỡ với gia đình em hôm
đó, em ít nghỉ học hơn, đi học đúng giờ hơn và trút bỏ được vẻ mặt hớt hải, lo
lắng, sợ sệt. Em hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh hòa nhập với các bạn cùng lớp,
trẻ con mà! Tôi vui lắm! Thấy phấn chấn, hào hứng hơn trong công việc và quan
trọng mỗi khi nghĩ tới nghị lực của Bình, tôi thấy quên đi nỗi vất vả của mình,
quãng đường tới lớp của tôi bỗng gần đến lạ! Tôi khắc phục mọi giá để tới lớp
đúng giờ, bởi ở đó có 31 học sinh đang ngóng chờ tôi!
Thời gian qua đi thật nhanh, mới đó đã
18 năm, song mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn nhớ mãi về em, về nghị lực phi thường
của cô trò nhỏ làng vạn chài ngày ấy!
Cũng từ kỷ niệm này đã đánh thức trong
tôi trách nhiệm, lương tâm của một người giáo viên chủ nhiệm. Một bài học đã
theo tôi suốt cuộc đời dạy học khiến tôi thường gần gũi các em học sinh hơn.
Tôi quan tâm nhiều hơn tới hoàn cảnh của học sinh, cảm thông và chia sẻ nhiều
hơn với các em. Và thực sự trong thâm tâm, tôi luôn mong muốn mình thực sự là
người mẹ thứ hai của các em khi ở trường.
Mới gần đây thôi, một lần tình cờ tôi
đi chợ, gặp lại em. Tôi không tài nào nhớ nổi, nhưng em ngờ ngợ và nhận ra tôi.
Em reo lên vui sướng! Em kể đã có gia đình, chồng con, em đang làm ở một công
ty may trong huyện. Rồi gia đình em, nhờ sự giúp đỡ của địa phương đã có một
ngôi nhà đúng nghĩa không còn lênh đênh sông nước nữa…Em tíu tít kể trong niềm
hân hoan và rồi như nghẹn lại: Cô ơi, cho đến giờ, rất nhiều lần em trở lại
đoạn đường ấy, triền đê ấy, có lần bằng xe máy, có lần bằng cả ô tô nhưng em
không sao tìm lại được cái cảm giác ngồi sau xe đạp của cô buổi trưa hôm đấy,
hôm cô đưa em về nhà. Đó cũng là lý do vì sao ngày hôm nay em vẫn nhận ra cô!
Nghe em nói, tôi thấy mình cay cay nơi khóe mắt!!!