Chủ nhật, 22/12/2024 19:19:41
Hệ thống năng lực dạy học tích hợp cần hình thành cho sinh viên sư phạm

Ngày: 16/12/2015

Yêu cầu đặt ra đối với chương trình, SGK mới là phải có sự thay đổi. Điểm thay đổi quan trọng nhất trong lần đổi mới này đó là học sinh phổ thông sẽ chuyển từ học đơn môn sang học tích hợp liên môn.

Số lượng môn học sẽ giảm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ tăng lên nhưng kiến thức phải được tổng hợp tốt hơn. Đó là phương pháp dạy học tích hợp, liên môn mà các nước có nền giáo dục phát triên đang thực hiện.

Dạy học theo các chủ đề tích hợp không những giảm tải cho giáo viên trong việc dạy các kiên thức liên môn trong môn học của mình mà còn có tác dụng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm cho giáo viên, góp phần phát triển đội ngũ giáo viên có đủ năng lực dạy học kiến thức liên môn, tích hợp.

Năng lực chung và riêng trong dạy học tích hợp

Khẳng định quan điểm dạy học tích hợp là một định hướng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, là một bước chuyển từ cách tiếp cận nội dung giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm đào tạo con người có tri thức mới, năng động, sáng tạo khi giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, thạc sĩ Trần Thị Gái - khoa Sinh học, Trường ĐH Vinh - đã đưa ra hệ thống năng lực dạy học tích hợp cần hình thành cho sinh viên sư phạm.

Theo đó, về những năng lực chung, theo hướng đào tạo các năng lực, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp hành động có hiệu quả trong các hoạt động nghề nghiệp.

Mục đích đào tạo là hình thành và phát triển các năng lực của những người giáo viên trong tương lai trên cơ sở một nền tảng kiến thức, kĩ năng vững chắc cần thiết.

Chương trình tập trung vào việc hình thành ở sinh viên các phẩm chất chính trị đạo đức và năng lực nghề nghiệp cơ bản sau đây của người giáo viên, với mỗi năng lực sẽ có các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể:

Phẩm chất chính trị, đạo đức: Phẩm chất, chính trị; trách nhiệm công dân; đạo đức, lối sống, tác phong nhà giáo.

Năng lực nghề nghiệp gồm: Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục. Năng lực dạy học: Kiến thức, kỹ năng các khoa học liên môn, bổ trợ, nền tảng; kiến thức, kỹ năng môn học sẽ dạy ở phổ thông; năng lực phát triển chương trình; năng lực xây dựng và thực hiện kê hoạch dạy học sinh học; năng lực đánh giá kêt quả học tập của học sinh; năng lực giải quyêt các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học.

Năng lực giáo dục gồm: Năng lực xây dựng và thực hiện kê hoạch giáo dục; năng lực đánh giá kêt quả giáo dục học sinh; năng lực tư vấn tham vấn cho học sinh.

Năng lực hoạt động xã hội gồm: Năng lực tham gia các hoạt động xã hội; năng lực vận động người khác tham gia các hoạt động xã hội; năng lực tổ chức các hoạt động xã hội.

Năng lực phát triển nghề nghiệp: Năng lực tự đánh giá; năng lực tự học tập và bồi dưỡng; năng lực NCKH; năng lực ngoại ngữ và ứng dụng CNTT (ICT).

Ngoài các nhóm năng lực trên ,để có thể dạy học tích hợp các giáo viên tương lai còn cần có các năng lực: Năng lực chuyên môn sâu, có kiến thức liên ngành rộng và một sự hiểu biết văn hóa, xã hội sâu rộng;

Năng lực hiểu biết về dạy học tích hợp (vốn kiến thức về dạy học tích hợp); năng lực lựa chọn chủ đề, nội dung tích hợp; năng lực lựa chọn và sử dụng các PPDH theo hướng tích hợp; năng lực thiết kế dạy học theo hướng tích hợp; năng lực tổ chức dạy học tích hợp; năng lực kiểm tra, đánh giá học sinh trong dạy học tích hợp.

Cần thiết thay đổi chương trình đào tạo để hình thành năng lực dạy học tích hợp

Thạc sĩ Trần Thị Gái đã tiến hành khảo sát từ 95 sinh viên, có tới 85% sinh viên cho rằng việc thay đổi chương trình đào tạo để hình thành năng lực dạy học tích hợp là rất cần thiết để giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy hiệu quả chương trình mới ở phổ thông.

Số sinh viên còn lại thấy không thực sự cần thiết phải thay đổi với nhiều lí do được đưa ra, tuy nhiên chủ yếu những sinh viên này đều không định hướng là ra trường sẽ trở thành giáo viên mà làm các công việc thuộc các lĩnh vực khác nên không chú trọng đến những vấn đề về đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

Thạc sĩ Trần Thị Gái cũng tiến hành khảo sát từ giáo viên Lý, Hóa, Sinh trên địa bàn thành phố Vinh với 98 giáo viên trường THCS và 130 giáo viên trường THPT về các phương án nâng cao chất lượng dạy học tích hợp.

Bên cạnh các phương án như thay đổi chương trình, SGK, thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh, cung cấp tài liệu và bồi dưỡng giáo viên, có đến 65% số giáo viên đồng tình với phương án nên thay đổi chương trình đào tạo tại trường sư phạm vì cho rằng sinh viên tốt nghiệp sẽ là lực lượng tham gia vào sự đổi mới dạy và học mạnh mẽ ở trường phổ thông.

Hải Bình

Hải Bình
Tin liên quan