Chủ nhật, 22/12/2024 19:49:15
8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi của học sinh phổ thông

Ngày: 04/02/2017

Ngày 17/1 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT  phối hợp với Ngân hàng Thế giới khởi động dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”. 

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 80 triệu USD trong đó nguồn vốn vay của Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA)- Ngân hàng Thế giới là 77 triệu USD, nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3 triệu USD.

Tại hội nghị, GS.Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. 

Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT, ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp.

Dự kiến lớp 10 có 11 môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Lớp 11-12 học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.

Chương trình mới cũng cho phép học sinh có thể học các môn học mình yêu thích ở trường khác nếu như nhà trường không tổ chức được lớp học riêng.

Kết quả học tập tại trường khác vẫn được nhà trường công nhận và ghi vào học bạ.

Chương trình mới xác định 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi của học sinh

GS.Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: “Mục tiêu giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.”

ể thực hiện mục tiêu này, giáo dục phổ thông cần “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”.

Như vậy, Nghị quyết 88 đã xác định những yêu cầu cần đạt được về phẩm chất, năng lực của học sinh.

Do đó, hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học công nghệ và xã hội, bản sắc văn hóa Việt Nam và những giá trị phổ quát của nhân loại, quyền của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

 

GS.Nguyễn Minh Thuyết cho biết, giáo dục phổ thông cần hình thành, phát triển ở học sinh 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi.

8 phẩm chất chính là: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm.

Ví dụ, khoan dung không phải chỉ là biết tha thứ mà còn là biết tôn trọng sự khác biệt; tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm tài sản, tiền bạc cá nhân, mà còn là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên,... để bảo đảm phát triển bền vững.

Dũng cảm không chỉ là gan góc trong chiến đấu mà còn là dũng cảm trong nhận thức, tức là có tư duy phản biện, và dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải”, GS.Nguyễn Minh Thuyết nói. 

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng xã định 8 năng lực cốt lõi nêu trong hướng chương trình tổng thể là những năng lực mà bất kỳ người nào cũng cần có để sống và làm việc.

Trong đó 3 năng lực chung mà môn học và hoạt động giáo dục nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho học sinh, gồm: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác và năng lực sáng tạo.

Năng lực tự chủ được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với bản thân.

Năng lực hợp tác được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với người khác. Năng lực sáng tạo được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với công việc.

Nhóm thứ hai là những năng lực đặc thù do một hoặc một vài môn học kiến tạo thành, bao gồm: năng lực sử dụng ngôn ngữ (gắn với các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ), năng lực thẩm mỹ (gắn với các môn Nghệ thuật), năng lực tính toán (gắn với Toán và các môn khoa học tự nhiên), năng lực tin học và năng lực thể chất.

 

Thùy Linh
Tin liên quan