Ngày: 12/10/2016
"Công tác chủ nhiệm có vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh".
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập của học sinh
Đó là nhận định của cô Nguyễn Thị Hường – Giáo viên Trường TH Đông Lỗ số 2 - Hiệp Hòa - Bắc Giang.
Là một giáo viên đã có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Hường đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này ở bậc TH cô nói thêm:
"Giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ góp phần đưa phong trào học tập đi vào nề nếp và hình thành nhân cách cho học sinh, làm thay đổi hành vi, và xác lập hành vi đạo đức chuẩn mực cho các em".
Nắm chắc mọi hoạt động của lớp
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần tạo uy tín đối với phụ huynh và các em học sinh theo phương châm “nói đi đôi với làm”. Ví dụ, khi phát động phong trào làm báo tường chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cũng như một học sinh của lớp, đó là viết bài gửi về Ban báo chí của lớp theo thời gian quy định, sau đó cũng tham gia xét duyệt và làm báo với học sinh.
Theo cô Hường, trước hết người giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt kỹ tình hình hoạt động của lớp và từng học sinh trong các năm học trước từ giáo viên chủ nhiệm cũ, giáo viên Tổng phụ trách, Hội đồng tự quản, bạn bè trong lớp và cả phần tự bạch của mỗi học sinh.
Tiếp đến, là làm công tác biên chế lớp – chia tập thể lớp thành các ban. Mỗi ban có số lượng học sinh tương đối đồng đều, sắp xếp chỗ ngồi sao cho hợp lý để học sinh học tốt, giúp học sinh trung bình, yếu. Cử trưởng ban, phó ban cho mỗi ban để theo dõi chặt chẽ về tình hình học tập, đạo đức của từng thành viên trong của ban mình.
Xây dựng hội đồng tự quản lớp gương mẫu về đạo đức, học giỏi, khá, chăm ngoan, có năng lực trong công tác quản lý lớp và tình thần trách nhiệm cao với tập thể, được tập thể tín nhiệm.
Sau đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban. Hình thành và phân công nhiệm vụ cụ thể phù hợp cho từng thành viên trong Ban. Tuy nhiên, cần thường xuyên kiểm tra cách làm việc của các em.
“Đặc biệt, tôi chọn một vài học sinh có học lực tốt, trung thực làm cộng tác viên. Các em này không nằm trong ban cán sự lớp. Hằng ngày, tôi liên lạc với các em học sinh đó để hỏi thăm tình hình học tập, nề nếp của lớp và yêu cầu các em thông báo sự việc bất thường xảy ra trong những buổi tôi không có mặt ở trường để giải quyết kịp thời. Còn ban cán sự lớp làm thì lần sau thì sợ học sinh không ngoan sẽ ghét, gây gổ…” - Cô Hường trao đổi.
Cần có tâm huyết và hy sinh nhiều mặt
Cũng theo cô Hường, giáo viên làm chủ nhiệm lớp phải có sự hy sinh về thời gian cũng như công sức cho lớp. Chẳng hạn như khi các em học sinh tập văn nghệ, thì giáo viên chủ nhiệm nên có mặt để động viên các em. Sự có mặt của giáo viên chủ nhiệm chắc chắn đem lại hiệu quả cao hơn.
Hoặc trong khi tập thể dục giữa giờ và múa hát tập thể 15 phút ra chơi, giáo viên chủ nhiệm cũng nên đến với các em để thấy được em nào nghiêm túc, em nào không nghiêm túc để góp ý sửa sai cho các em
Việc này giúp các em thêm yêu trường, lớp các thầy cô giáo và nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của năm học cuối cấp này” – Cô Hường chia sẻ.
Ngoài ra, phải thường xuyên lắng nghe những ý kiến nhận xét từ Ban Giám hiệu, Tổng phụ trách Đội và đặc biệt là những nhận xét của giáo viên bộ môn về tình hình học tập, nề nếp của lớp để biết rõ hơn những học sinh nào ít chăm học, chưa ngoan. Các thầy cô, giáo dạy bộ môn đã góp phần làm nề nếp lớp tốt hơn và đem lại chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, theo cô Hường, một điều không thể thiếu được đối với giáo viên chủ nhiệm là: Cần tìm hiểu sâu sát hoàn cảnh gia đình của học sinh. Sự gần gũi của giáo viên chủ nhiệm đối với các em là rất quan trọng, nhất là đối với những học sinh cá biệt.
Với những học sinh này, có thể đã từng bị thầy, cô quở trách nên đôi khi rất bất mãn khi phải nghe thêm những lời không vui tai ấy. Vì vậy, kinh nghiệm của tôi là, chỉ ra một số điểm yếu mà các em đã từng mắc phải và phân tích cho những học sinh đó thấy tác hại của những biểu hiện bước đầu mà nếu không nhanh chóng khắc phục thì lâu dài sẽ trở thành bản chất khó thay đổi.
Từ đó tôi định hướng cho em rèn luyện đạo đức và học tập tốt. Nếu em đó tiến bộ dù nhỏ thôi tôi cũng khen ngợi để các em có tinh thần vươn lên trong học tập và các phong trào khác”