Chủ nhật, 22/12/2024 20:35:25
Trường không trả bài thi học kỳ khiến phụ huynh và học sinh nghi ngờ, bức xúc

Ngày: 25/04/2017

Trường không trả bài thi học kỳ khiến phụ huynh và học sinh nghi ngờ, bức xúc

SÔNG TRÀ

07:47 23/04/17

(GDVN) - Cách làm tùy tiện về chấm, trả bài của một số giáo viên cho thấy ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, mức độ quan tâm đến học trò của họ chưa tốt...

LTS: Thầy giáo Sông Trà phản ánh tình trạng một số nhà trường và giáo viên không trả bài kiểm tra các môn học trừ Ngữ văn khiến nhiều phụ huynh và học sinh nghi ngờ về tính chính xác của kết quả thi.

Theo thầy Sông Trà, việc này thể hiện sự tùy tiện và thiếu quan tâm của giáo viên, nhà trường đối với vấn đề học tập của học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Do đặc thù bộ môn nên chỉ có Phân phối chương trình của môn Ngữ văn ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông là có quy định tiết trả bài từ 1 tiết trở lên, còn các môn văn hóa khác thì giao quyền tự chủ trả bài kiểm tra định kỳ (15 phút, 1 tiết, thi học kỳ) cho giáo viên bộ môn. 

Để có sự thống nhất, đồng bộ trong việc chấm, trả bài kiểm tra, thi học kỳ ở các bộ môn văn hóa, nhiều địa phương, nhà trường, các tổ, nhóm chuyên môn có quy định cụ thể về thời gian trả bài cho học sinh. 

Việc chấm, trả bài kiểm tra, học kỳ kịp thời, đúng tiến độ của nhà trường, giáo viên không chỉ góp phần công khai, minh bạch hóa kết quả điểm số mà còn giúp các em thêm phấn chấn, tự tin, cố gắng, nỗ lực trong học tập. 

Công tác chấm thi cần đảm bảo chính xác, minh bạch. (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

Công đoạn chấm, trả bài lâu nay đều do giáo viên từng bộ môn đảm trách, mà trong quá trình chấm, ghi điểm (do số lượng bài nhiều, các em trình bày, viết chữ, số cẩu thả, thiếu rõ ràng, mắt thầy cô giáo lại mờ, kém hoặc vì những nguyên nhân khác), nhiều giáo viên không tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn. 

Ngay cả việc chấm thi tuyển sinh vào 10, chấm thi trung học phổ thông quốc gia, có cả một quy trình nghiêm ngặt, mỗi bài thi của thí sinh có ít nhất 2 giám khảo đánh giá, thẩm định độc lập và thống nhất, thế mà sau khi công bố kết quả vẫn có những sai sót phải tổ chức phúc khảo, chấm lại cho thí sinh. 

Vì vậy, khi trả bài kiểm tra, bài thi học kỳ vừa đánh giá được ưu, nhược của học sinh vừa giúp giáo viên điều chỉnh sai sót, nhầm lẫn của mình qua việc các em tự kiểm tra, coi lại bài, cách ghi điểm ở thầy cô giáo.

Có thể nói, nhiều địa phương, nhà trường, giáo viên thực hiện khá tốt công đoạn chấm, trả bài, công khai kết quả điểm cho học sinh. 

 

Giáo viên Ngữ văn than học sinh chép văn mẫu quá nhiều khi làm bài ở nhà

 

Các bậc phụ huynh rất đồng tình và hài lòng về việc làm cụ thể, rõ ràng ấy của nhà trường, thầy, cô giáo. 

Tuy nhiên, trong thực tế lâu nay, vẫn còn nhiều trường học, giáo viên thiếu quan tâm, làm chưa tốt công đoạn này, nhất là các bài thi học kỳ không bao giờ phát, trả cho học sinh xem, coi lại khiến nhiều phụ huynh nghi ngờ, búc xúc. 

Chị P.T.L.H, ở phường Trần Phú (thành phố Quảng Ngãi), có con gái đang học lớp 9 tại trường trung học cơ sở Nguyễn Nghiêm (thành phố Quảng Ngãi) cho biết: 

Tôi và nhiều phụ huynh có con em học tập ở đây rất không đồng tình về việc nhà trường, giáo viên chỉ có đọc điểm mà không phát, trả bài kiểm tra học kì các môn văn hóa cho tất cả học sinh. 

Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh từ lớp 6 đến giờ, phụ huynh chúng tôi từng ý kiến nhiều lần nhưng giáo viên, nhà trường giữ nguyên quan điểm của mình, chỉ cho phép học sinh, phụ huynh xem lại bài thi khi có đơn phúc khảo. 

Cách đây gần 2 năm, tôi từng phản ánh việc này đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, đồng chí Giám đốc đã ghi nhận học sinh để tránh nghi ngờ và sai sót.

Song, hiện nay, chuyện đó vẫn chưa đến đâu, tôi thấy nản quá”. 

Thậm chí, có một số giáo viên cả học kỳ, cả năm học, không hề phát bài kiểm tra nào cho học sinh, cuối kỳ.

Cuối năm, các em mới biết mình được bao nhiêu điểm qua phần đọc nhanh của thầy, cô giáo, sau vô số lần tập thể lớp kiến nghị, đòi hỏi. 

 

Vì sao đề thi có sai sót?

 

Cách làm tùy tiện về chấm, trả bài của một số giáo viên cho thấy ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, mức độ quan tâm đến học trò của họ chưa tốt và sự quản lý, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở của nhà trường, tổ chuyên môn còn lỏng lẻo, chểnh mảng, đáng lo ngại. 

Chấm, trả bài kiểm tra, thi học kỳ chỉ là một khâu nhỏ trong chuỗi quá trình quản lý, giáo dục của nhà trường, thầy cô giáo nhưng lại có ý nghĩa lớn về tạo động lực học tập cho các em, về trách nhiệm, tính minh bạch, công khai của các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo đối với chất lượng đào tạo, quyền lợi chính đáng của học sinh và phụ huynh. 

Không trả bài kiểm tra, bài thi học kỳ cho học sinh, phụ huynh và các em nghi ngờ, bức xúc, lên tiếng là đúng rồi. 

Một việc quá nhỏ, quá dễ, tại sao nhiều nhà trường, giáo viên vẫn cố chấp, bảo thủ đến thế? 

Thậm chí có trường còn ra sức biện hộ: “Các bài thi tuyển sinh vào 10, trung học phổ thông quốc gia, đại học lâu nay Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có công khai, phát, trả cho thí sinh đâu mà bắt chúng tôi làm”. 

Biện hộ kiểu đó thì phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội càng thêm hoài nghi, thiếu tin tưởng vào nhà trường, giáo viên mà thôi.

Sông Trà
c1donglo2
Tin liên quan