Ngày: 17/11/2016
Cứ đến tháng 11 hàng năm tất cả mọi người đều hướng về ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11. Để chào mừng ngày 20/11, trường TH Đoan Bái số 1 đã phát động thi đua hội giảng, các thầy cô đã có nhiều tiết hội giảng rất hay và có nhiều sự sáng tạo trong bài dạy của mình. Trong đó phải nói đến tiết hội giảng môn Khoa học bài “Nước có những tính chất gì?” theo phương pháp bàn tay nặn bột do cô Nguyễn Thị Quế Anh thực hiện.
Khi bước vào lớp học chúng tôi được sự chào đón rất nhiệt tình của các em học sinh lớp 4A. Chủ tịch hội đồng tự quản lớp lên giới thiệu và điều khiển lớp một cách nhuần nhuyễn. Học sinh rất tập chung vào bài học. Khi bước vào bài học, giáo viên đưa ra một chai nước lọc và 01 cái bút, giáo viên đặt chiếc bút đằng sau chai nước lọc và hỏi: Các em nhìn thấy gì sau chai nước không? Học sinh cảm thấy rất tò mò, các em đặt ra các câu hỏi tại sao lại có thể nhìn thấy chiếc bút đằng sau chai nước? Tại sao khi nghiêng chai nước thì nước trong chai cũng nghiêng theo. Tôi thấy các em rất mạnh dạn, hào hứng khi đưa ra các câu hỏi trao đổi và đã giải quyết được những thắc mắc rất thú vị trước đó.
Học sinh tự nêu những dự đoán của mình về tính chất ban đầu của nước và để giải quyết những dự đoán đó có đúng hay không thì các em đã được hoạt động qua các thí nghiệm về nước mà các nhóm đã chuẩn bị với các dụ cụ đơn giản như: Chai nước lọc, tấm bìa, lọ thủy tinh, bông, xốp, muối, cát... Mỗi một lần thí nghiệm là học sinh phát hiện ra được những điều thú vị và từ đó biết được những dự đoán của mình về tính chất của nước có chính xác hay không?
Nhìn những khuôn mặt ngây thơ đáng yêu của các em trước những câu hỏi ngộ nghĩnh và đôi chút lúng túng khi làm thí nghiệm lòng tôi cảm thấy rất tâm đắc với phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột này. Phương pháp này đã tạo cho học sinh tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học, qua đó giúp học sinh mạnh dạn, tự tin, phát huy được những năng lực của mình, đồng thời rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết.