Ngày: 11/12/2016
Sinh ra và lớn lên tại miền quê ven biển thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Hạ (sinh năm 1990) gắn liền với sóng gió, nắng chói chang và mùi mặn nồng của biển cả.
Sau khi tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2012, anh được cô giáo cho biết Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang tuyển hai giáo viên tiểu học cho Trường Sa.
Tự nguyện xung phong ra dạy học ở đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa bởi thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ (quê Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) mong muốn mang tri thức đến với học sinh vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
|
|
Gặp thầy Hạ trong Chương trình chia sẻ cùng thầy cô 2016 vừa qua do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về câu chuyện tình nguyện dạy học ở đảo xa của thầy.
"Từ lúc còn là sinh viên, em đã mơ ước được mang tri thức, sức trẻ đến với học sinh vùng xa, biên giới, hải đảo. Nghe tin tuyển giáo viên ra công tác tại Trường Sa, em không ngần ngại viết đơn tình nguyện", Hạ kể lại.
Để được ra Trường Sa dạy học, chàng trai trẻ đã phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều, thầy Hạ kể:
“Lúc đầu, bố mẹ buồn nhưng dần dần cũng an tâm, ủng hộ và động viên tôi đi, điều này làm tôi rất vui. Mỗi năm dù chỉ được về thăm nhà một lần nhưng giờ ngoài đảo đã có điện, có sóng điện thoại nên tôi thường xuyên gọi điện về nhà”.
|
Tâm sự về lý do chọn Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc làm đích đến, thầy Hạ chia sẻ:
“Cuộc đời là những chuyến đi và tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất để thực hiện chuyến đi cuộc đời đó. Đi để trải nghiệm, để cống hiến tuổi thanh xuân, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tới những miền đất còn nhiều khó khăn trên mọi miền Tổ quốc”.
Khi công tác trên đảo thì giống như bao ngư dân trên đảo Sinh Tồn, thầy Hạ phải tự trồng rau, nuôi gà vịt, đánh bắt hải sản để đảm bảo cuộc sống.
Cả đảo có 9 học sinh lớp 1, lớp 2, mầm non, ghép chung một lớp. Thầy giáo trẻ phải vừa làm thầy, vừa là bạn, cùng học trò khắc phục khó khăn.
Chính vì vậy, thầy Hạ phải nỗ lực từng ngày, sáng tạo và linh hoạt đối với từng đối tượng học sinh. Nếu học trò trong đất liền học Toán bằng que tính thì trò ngoài đảo làm quen những con số qua vỏ sò.
Nhận thấy học sinh vùng đảo bị thiếu môi trường cộng đồng bởi nơi đây chẳng có gì ngoài nước biển, san hô và một vài loài cây đặc thù, nên trong các tiết dạy, thầy giáo trẻ này luôn lồng ghép kiến thức về kỹ năng sống, tình yêu quê hương đất nước, biển đảo...
Gian nan, khắc nghiệt là thế nhưng khi được hỏi về động lực để trụ lại tại Trường Sa, thầy Hạ bộc bạch:
“Gắn bó với hòn đảo Sinh Tồn, ngày ngày nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng của các em học sinh, sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của mọi người trên đảo, khó ai có thể nản lòng.
Thật sự, tôi muốn gắn bó lâu dài ở Trường Sa, rất muốn nghe những đứa trẻ ở đây đọc chữ, đánh vần trong sóng biển”.