Trung tâm giáo dục thường xuyên uận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, được thành lập theo Quyết định số 1965/QĐ.UBT.93 ngày 06 tháng 10 năm 1993 của UBND tỉnh Cần Thơ, là đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, đồng thời chịu sự hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Là đơn vị sự nghiệp có thu, được sử dụng con dấu và tài khoản riêng để giao dịch.
Đến năm 2002 UBND tỉnh Cần Thơ có Quyết định số 3889/QĐ-CT-UB ngày 16/12/2002 bổ sung nhiệm vụ của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Thốt Nốt như sau:
- Dạy kỹ thuật (công nghệ), dạy nghề phổ thông và tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông theo chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo;
- Tổ chức lao động sản xuất và dịch vụ kỹ thuật phục vụ giáo dục đào tạo;
- Nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học về giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông; thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2003, tỉnh Cần thơ được chuyển thành Thành phố trực thuộc trung ương. UBND huyện Thốt Nốt ra Quyết định số 292/QĐ-CT-UB ngày 15/3/2004 về việc thành lập các trường, Trung tâm GDTX trực thuộc Phòng Giáo dục – Đào tạo.
Năm 2005, UBND thành phố Cần Thơ có Quyết định số 4347/QĐ-UBND ngày 26/12/2005 về việc chuyển các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND quận, huyện về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và chỉ đạo trực tiếp.
Năm 2009, UBND thành phố Cần Thơ có Quyết định số 1370/QĐ-UBND ngày 04/5/2009 về việc đổi tên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thốt Nốt thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thốt Nốt .
Trung tâm GDTX Thốt Nốt hoạt động theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên với những nội dung cơ bản sau:
1/. Chức năng
Tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng; bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị kiến thức, đào tạo tay nghề góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
2/. Nhiệm vụ
2.1. Tổ chức dạy nghề phổ thông, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; chuyển giao công nghệ cho cán bộ, nhân dân địa phương;
2.2. Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học ứng dụng, công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân dân địa phương;
2.3. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông;
2.4. Liên kết với các Trường Trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên và được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và chứng chỉ nghề tương ứng với chương trình đã học nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương;
2.5. Tổ chức các hình thức học tập đa dạng, linh hoạt phù hợp với yêu cầu của địa phương và người học như: học tập trung, bán tập trung, ngắn hạn, học buổi tối, vừa làm vừa học, từ xa,…
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Sở giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, Quận Ủy, UBND quận và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các Ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường của quận Thốt Nốt. Bằng sự năng động và sáng tạo của mình, Trung tâm đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động và đã được kết quả sau:
- Công tác BTVH : có 87 lớp với 2246/2614 học viên tốt nghiệp THPT
- Anh văn A,B : 27 lớp với 585/675 học viên được cấp chứng chỉ
- Tin học A,B : 32 lớp với 986/1034 học viên được cấp chứng chỉ
- Phổ cập bậc THPT : 1345/2317 học xong lớp 12; có 968 tốt nghiệp THPT
- Liên kết đào tạo:
+ Trung cấp nghề (vừa học văn hóa vừa học nghề): thực hiện từ năm 2008-2009 có 12 lớp 312/420 học viên được cấp bằng tốt nghiệp.
+ Trung cấp chuyên nghiệp:
· Sư phạm: 418 giáo viên
· Kế toán: 747
· Trung cấp chính trị: 150
· Trung cấp Luật: 132
· Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục: 58
+ Cao đẳng: Sư phạm: 611
+ Đại học từ xa :
· Cử nhân tiểu học: 720
· Cử nhân kế toán: 100
· Cử nhân kinh tế luật: 150
Ngoài ra còn tổ chức được 02 lớp bồi dưỡng kế toán trưởng cho các trường trong quận với 64 học viên.
Những kết quả gặt hái được trong thời gian qua, Trung tâm đã được trao tặng nhiều Bằng khen và danh hiệu thi đua cho tập thể và cá nhân: 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 12 Bằng khen của Bộ Giáo dục – Đào tạo, 34 Bằng khen của UBND Tỉnh, thành phố và nhiều giấy khen khác; 03 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Trung tâm đạt danh hiệu thi đua tập thể lao động xuất sắc và nhận cờ thi đua 13 năm.
Tác giả: Đỗ Hữu Quý