Thứ năm, 25/04/2024 22:14:50
Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong văn học Việt Nam

Ngày: 05/12/2016

Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong văn học Việt Nam Từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975. Không phải ngẫu nhiên mà văn học hiện đại Việt Nam có một khối lượng tác phẩm lớn dành riêng cho đề tài người lính và chiến tranh. Bởi lẽ hình ảnh người lính và chiến tranh đã trở thành đề tài lớn, hình tượng trung tâm trong thơ ca Cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhân kỷ niệm 71 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015) và 26 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2015), trường THPT Thác Bà trân trọng giới thiệu bài viết “Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong văn học Việt Nam Từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975” của nhà giáo Vũ Thị Minh.
Quân đội ta - Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được Đảng và Bác Hồ kính yêu dìu dắt, giáo dục mà ngày càng lớn mạnh theo chiều dài của lịch sử dân tộc và đã thực sự trở thành một quân đội anh hùng, tiên phong, trung với nước, hiếu với dân.
Anh bộ đội - người chiến sĩ - anh giải phóng quân..., nhiều tên gọi khác nhau, song tất cả chỉ là một: “Anh bộ đội Cụ Hồ”.  Anh bộ đội Cụ Hồ - Cái tên bình dị thân thương mà rất đỗi tự hào, là sự kết tinh tất cả những tinh hoa của thời đại và được hun đúc trong suốt bốn ngàn năm lịch sử cuả dân tộc. Anh bộ đội cụ Hồ, từ nhân dân mà ra và lớn lên dưới ánh sáng của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại . Trải qua cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta cùng với nhân dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Đống Đa và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ không chỉ niềm tự hào của dân tộc mà đã trở thành biểu tượng vô cùng thiêng liêng và cao cả của mỗi tâm hồn Việt Nam.
Em chờ anh không nghĩ đến thời gian
Trước vẫn tưởng hai năm rồi họp mặt
Bây giờ đây nước nhà còn chia cắt
Em chờ anh không kể Bắc hay Nam….
            Giản dị, chân thành, mộc mạc, những câu thơ trên của Tế Hanh đã đi cùng năm tháng, gợi nỗi niềm tha thiết về những cuộc chia li, những lời hẹn thề không phai bạc của những người vợ nhớ chồng, người yêu nhớ người yêu trong suốt trường kì cả dân tộc Việt Nam kiên cường chống giặc ngoại xâm. Bền bỉ , dẻo dai, có thể nói rằng, thơ ca đã đã đi cùng lịch sử dân tộc. Ðây là thể loại phát triển thành cao trào mạnh hơn cả với nhiều thành tựu nổi bật.Truyền thống yêu thơ của dân tộc và đặc điểm lịch sử cụ thể của chín năm kháng chiến đã quyết định thực tế ấy. Thơ ca tiếp tục gắn bó với đời sống buồn vui, lúc hạnh phúc cũng như khi gian lao, vất vả của con người Việt Nam. Nhà phê bình Hoài Thanh đã có nhận xét xác đáng: Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ... Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu.(Nói chuyện thơ kháng chiến).
           Trong thế kỉ XX, ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, trong vòng 30 nam phải đương đầu với hai sen đầm quốc tế hùng mạnh Pháp và Mĩ. Để chiến thắng kẻ thù, không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta sẵn sàng chấp nhận hi sinh tất cả vì chân lí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, một cách thật tự nhiên, hình ảnh người lính trở thành một hình ảnh nổi bật nhất trong thơ ca. Và cũng thật tự nhiên, hình ảnh người lính là biểu tượng cho vẻ đẹp cao cả, là biểu tượng về một dân tộc bền gan vững chí trước thử thách sống còn. Dường như, thơ ca đã cùng người lính ra trận, thơ ca góp phần động viên, khích lệ họ vượt qua gian khổ chiến thắng kẻ thù. Và hơn nửa thế kỉ trôi qua, từ những ngày đầu trường kì chống Pháp đến nay, việc khám phá vẻ đẹp của người lính là niềm thôi thúc với nhiều người cầm bút. Mỗi thời mỗi nhà thơ, bằng cách riêng của mình đều cố thể hiện vẻ đẹp của người lính cụ Hồ.
          Sau cách mạng Tháng Tám 1945, đội ngũ các nhà thơ Việt Nam xuất hiện một loạt cây bút trẻ. Bên cạnh những nhà thơ sáng tác trước Cách mạng, những thi sĩ của phong trào Thơ mới, chúng ta thấy sự xuất hiện của Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Quang Dũng…Nét độc đáo của văn học là đội ngũ viết về người lính phần lớn là người lính. Vì thế, thơ viết về người lính cũng là viết về chính mình, đồng đội mình. Điều ngỡ như đơn giản ấy lại là ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành cảm xúc và cấu trúc trong thi pháp thơ. Hình tượng người lính vẫn mang những nét xác thực trong đời sống chiến đấu, vừa tái hiện trong cảm hứng nghệ thuật đầy chất sử thi và lãng mạn.Những thi phẩm xuất sắc về người lính cũng chính là những tác phẩm được tạo nên trên cơ sở kết hợp đến mức nhuần nhuyễn giữa hai thứ “vật liệu”nghệ thuật này.
Những năm đầu nhân dân ta vùng lên kháng chiến, như một lẽ tất nhiên, người lính – anh bộ đội được mọi người chú ý. Họ nhanh chóng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hi vọng của cả dân tộc. Tố Hữu đã nói hộ tình cảm của nhân dân đối với anh vệ quốc quân:
Anh vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế.
Sinh ra ở một đất nước nông nghiệp, họ vốn là những người nông dân mặc áo lính.Vì Tổ quốc, họ đành tạm biệt bến nước sân đình, nương dâu, bãi mía, ra đi chiến đấu.Quê hương anh nước mặn đồng chua/ làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. Bởi vậy, trong thời chống Pháp, vẻ đẹp người lính thường gắn bó với vẻ đẹp bình dị, bộc lộ rõ nguồn gốc nông dân, nếp sống, tính cách nông dân trong tư thế, tác phong:
Tôi nhích lại gần anh
Người bạn đường anh dũng
Anh chiến sĩ hiền lành
Tì tay trên mũi súng
Thậm chí, chất nông dân ấy thật đẹp đẽ, gần gũi trong thẳm sâu nỗi nhớ của những người vợ một cách chân thành:
Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt.
Cái chất nông dân thuần phác mới đáng quý làm sao, và chính nó sẽ tạo nên sức mạnh để anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ chiến thắng kẻ thù. Những câu thơ ngắn không chút màu mè. Những câu thơ chân thực về họ, ngẫm lại là những câu thơ đủ sức vượt thời gian. Nhớ của Hồng Nguyên cũng là một bài thơ như thế:
 
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mười bài
Lòng vẵn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm đao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giết giặc
Rõ ràng đây là những câu thơ khác với giọng điệu ru, mơ thời Thơ Mới. Nó cũng khác xa với màu sắc ước lệ trong thơ ca cổ điển:
Áo chàng đỏ tựa ráng nắng
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
Thơ ca kháng chiến đã xác lập một tư duy nghệ thuật mới. Nhà thơ không thi vị hoá hiện thực như thơ ca lãng mạn, không hướng tới những vùng đất siêu hình mà nỗ lực đưa thơ tiến vào đời sống. Ngôn ngữ thơ ca sau năm 1945 là ngôn ngữ đậm chất đời, cái tôi nhà thơ hoà quyện chặt chẽ với cái ta rộng lớn.Vì thế, âm hưởng của thơ ca chống Pháp và thơ ca kháng chiến có nét khoẻ khoắn, tràn đầy niềm lạc quan. Với ý thức “cái đẹp chính là cuộc sống” (Secnưsepxki), bút pháp hiện thực được nhiều nhà thơ sử dụng và đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Tuy nhiên tả thực là không có nghĩa có gì ghi nấy mà đó tả thực đã thông qua sự chắt lọc kĩ càng. Một trong những bài thơ tiêu biểu của bút pháp này là Đồng Chí của Chính Hữu. Những người lính từ những vùng quê khác nhau đã cùng nhau chung một chiến hào đánh giặc, giữa họ đã nảy sinh một tình cảm chưa từng có trong thơ đó là tình đồng chí. Trên nền chiến tranh khốc liệt, trên những thiếu thốn khó khăn những người lính vẫn khoác vai bên nhau chờ giặc trong tư thế chủ động. Bài thơ khép lại bằng một câu thơ thật lãng mạn: Đầu súng trăng treo. Đây là câu thơ có ý nghĩa của một biểu tượng lớn về vẻ đẹp vô song của người lính và chiến tranh cách mạng.
Trong cuộc chiến đấu một mất một còn không cân sức này, anh bộ đội là người trực tiếp chịu biết bao nhiêu hi sinh, gian khổ. Nửa thế kỉ sau, đọc lại những vần thơ này, ta không khỏi bồi hồi xúc động, thầm thán phục sức chịu đựng phi thường của những người nông dân mặc áo lính.
Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi…
Miệng cười buốt giá
Chân không giày…
Chống chọi với gian lao, thử thách, những người lính buổi đầu kháng Pháp ngời sáng với vẻ đẹp lãng mạn. Những con người này giúp các nhà thơ làm nên những câu thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn.
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phơi bạc màu áo hào hoa
Bởi vậy, chúng ta không thể nói rằng, những người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng là những vần thơ cường điệu hóa về một binh đoàn huyền thoại:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Lãng mạn và bi tráng, hai nét bút đã tạc nên hình ảnh của một đoàn binh kiêu dũng và hào hoa ra đi từ đất kinh kì. Với họ, cái chết có nghĩa lí gì khi họ đã xác định dược: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Những chàng trai Hà thành vừa rời ghế nhà trường đã ngời lên vẻ đẹp người lính trên tuyến đầu Tổ quốc sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Trong đời ai cũng biết, cái chết nặng tựa Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng. Người lính trong thơ Quang Dũng đã nhận thức sâu sắc về lẽ tử sinh. Bằng tình yêu đồng đội, bằng sự gắn kết cuộc đời mình với đời lính Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng lên một tượng đài bi tráng về những người anh hùng vệ quốc vô danh. Cái phong khí lãng mạn, cái hào hoa trong tính cách của họ đã làm cho hình ảnh người lính hiện lên thật hơn, đẹp hơn. Nó đâu chỉ là cái “mộng rớt”, “buồn rớt” tiểu tư sản nào sót trong thơ như có thời ta đã nghĩ về khúc ca bi tráng này.
            Trong những năm tháng gian lao ấy, những anh vệ quốc quân đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vào sinh ra tử. Tình đồng đội, tình đồng chí lại càng keo sơn, gắn bó.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
 Trang thơ những ngày tháng năm này cũng không ít bài thơ gợi lên được nét sinh hoạt đời thường thật hồn nhiên:
Kì hộ lưng nhau
Ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
- Đằng nớ vợ chưa?
- Đằng nớ ?
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu
Trong phút đối mặt với thử thách, khó khăn, các nhà thơ dù không nhiều nhưng đã cố gắng tái hiện lại đời sống tình cảm phong phú bên trong của người lính. Đó là nỗi nhớ chân thành trên chặng đường hành quân
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Hay là một thoáng đa tình của anh lính trẻ: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Trong cuộc chiến đấu khốc liệt này, đương nhiên khó tránh khỏi mất mát, hi sinh. Nên viết về kháng chiến, nhiều nhà thơ không ngại viết về mất mát hi sinh. Song những mất mát này lại biến thành sức mạnh để tiêu diệt kẻ thù:
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung
Nhưng điều quan trọng ở chỗ, người lính hiểu rằng chiến thắng nào mà chẳng có hi sinh. Âm hưởng lạc quan, vì thế là âm hưởng chủ đạo.   
                                          Anh đi bộ đội sao trên mũ
                                         Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
                                          Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
                                          Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm
Khi viết về người lính các nhà thơ có ý thức miêu tả mối quan hệ quân dân “cá nước” vì mối quan hệ này là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh của bộ đội ta.Với nhân dân, người lính là những người con ưu tú, là vẻ đẹp của thời đại. Còn với người lính nhân dân là nơi che chở, bao bọc, yêu thương:
Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về
Trong cuộc kháng chiến này, hình ảnh người lính đã hòa làm một với hình ảnh của dân tộc, của đất nước:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Để cho Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rủ bùn đứng dậy sáng lòa.
Để đất nước có được tầm vóc cao đẹp ấy, biết bao chiến sĩ đã không ngần ngại gian khổ, hi sinh tạo nên chiến công chân động đại cầu.
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai,
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão…
Cái dữ dội của trận chiến càng làm nổi rõ thêm hình ảnh lồng lộng của anh bộ đội cụ Hồ. ở anh kết tinh cao độ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
        Thơ chống Pháp đã xây dựng thành công hình ảnh người lính. Năm tháng trôi qua nhưng những bài thơ ưu tú viết về người lính trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này vẫn còn sống mãi trong văn học Việt Nam. Hình ảnh người lính buổi đầu kháng Pháp như một bằng chứng trong chặng đường đi lên phía trước của dân tộc. 
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)  
          Dân tộc Việt Nam kết thúc cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn khi miền Nam thân yêu còn oằn mình dưới gót giày xâm lược của đế quốc Mĩ. Các anh lại lên đường vào với miền Nam, bước vào một cuộc trường chinh mới...
Trong thơ ca, ta gặp hình ảnh những đoàn quân ra đi: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Đó là những đoàn quân Nam tiến. Đó là sự tiếp nối lòng yêu nước - dòng máu yêu nước chảy trong mỗi con người, hành trang quý báu cho từng thế hệ trong cuộc chiến chưa thể ngừng với giặc ngoại xâm. Nhà thơ Thanh Thảo khái quát về con đường ra trận trong bài thơ Dấu chân qua trảng cỏ: “Cuộc đời trải ngút mắt ta/ Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường”. Con đường ấy, những người lính ròng rã “Hai mươi năm/ mưa, nắng, đêm, ngày/ Hành quân không mỏi” (Đường ra mặt trận - Chính Hữu).
Vẫn là các anh bộ đội áo nâu chống Pháp trước kia, và hôm nay các anh lại tiếp tục lăn lộn trên chiến trường với kẻ thù mới: tàn bạo, hung ác hơn, vũ khí tối tân, hiện đại hơn. Buổi đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ những năm 60, trang bị vẫn còn rất thô sơ, nhưng tư thế của các anh hiện lên thật hiên ngang, bất khuất:
                                      “Hỡi người anh giải phóng quân
                                        Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường
                                        Vẫn đôi dép lội chiến trường
                                        Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy”
                                                                                                                                         (Tiếng hát xuân sang - Tố Hữu)
          Anh giải phóng quân hôm nay vẫn là anh chiến sĩ hôm qua, đầu trần, chân đất bình dị, nhưng cao lớn hơn, trưởng thành hơn:
                                        “Anh đi xuôi ngược tung hoành
                                        Bước dài như sóng lay thành chuyển non
                                        Mái chèo một chiếc thuyền con
                                       Mà sông nước dậy, sóng cồn đại dương”
                                                                                                                               (Tiếng hát xuân sang - Tố Hữu)
          Có lẽ càng trong lúc khó khăn, thiếu thốn, gian khổ thì tình cảm con người lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ và vĩnh hằng. Tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí đã vượt qua gian nan thử thách, đã vượt qua mưa bom bão đạn trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. họ tự nguyện lái xe với niềm yêu đời, yêu con đường ra trận biết bao.
                                             “ Xe không kính không phải vì xe không có kính
                                                Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”
          Trước mắt họ là những con đường chiến tranh đầy khói lửa khốc liệt, ấy vậy mà họ vẫn đặt niềm tin, vẫn vui vẻ tiếp bước, vẫn mang tới cho người người đọc cảm giác “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Tiếng gọi đồng chí thân thương như làm ấm lòng người chiến sỹ trong những đêm mưa rừng đầy rét mướt ấy. Niềm tin yêu cuộc sống chính là sự động viên họ bước tiếp trên con đường đang đi bảo vệ niềm độc lập tự do của Tổ Quốc.
                                “ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
                                 Chỉ cần trong xe có một trái tim”
  
          
Chúng ta vẫn còn vang vọng đâu đây lời nói của người anh hùng Nguyễn Viết Xuân “ Nhắm thẳng quân thù mà bắn” như lời hiệu triệu cả thế hệ, cả dân tộc. Trong cuộc kháng chiến khó khăn và khắc nghiệt ấy, những người lính vẫn mang trong mình cái nhìn lạc quan, lãng mạn, tự hào, tự tạo cho mình những niềm vui, những khoảng trời riêng của những người lính như để giảm bớt khó khăn, thiếu thốn. Cái khoảng trời riêng của những người lính ấy dường như là nỗi nhớ âm thầm kín đáo. Mặc dù là những người lính ấy gan dạ, sắt đá, vững vàng nhưng họ không phải những người khổng lồ không tim, xuyên qua vẻ oai hùng gan dạ bề ngoài của những người lính là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khao khát yêu thương. Để rồi có những giây phút nào đó, trong những khó khăn vất vả của kháng chiến, tâm hồn của những người lính vẫn mở, vẫn khắc khoải về một hình bóng còn in sâu trong nỗi nhớ.
Anh giải phóng quân khi vào trận tung hoành, cái đường cầu vồng lửa đạn và máu vẽ lên trên bầu trời màu sắc bi hùng, tạo nên một bức tranh hài hòa: “ Anh “Đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mĩ”, để có sự hoàn chỉnh một bức chân dung anh hùng thời đại đẹp tươi: “...mà vẫn một màu bình dị sáng trong”. Cho đến lúc hi sinh, anh đã làm nên “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ” (Lê Anh Xuân). Đó là tư thế con người Việt Nam của thế kỉ XX. Đó là hình ảnh những ngọn đèn đứng gác trong đêm “Soi cho ta đi/ đánh trận trường kì” - “Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt” (Chính Hữu). Đó là hình ảnh của người con gái trong câu chuyện trên đường hành quân: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Cứu cho con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy làn bom...” (Khoảng trời – hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó còn là hình ảnh cô thanh niên xung phong trên những mặt đường đầy bom nổ chậm: “Em đóng cọc cài quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để” (Phạm Tiến Duật).
        Có thể nói, Các anh, các chị chính là linh hồn dân tộc, là sức mạnh của sông núi quê hương. Tố Hữu đã ví các anh là những “Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”. Các anh là con của nhân dân, bình dị, khiêm tốn, gần gũi nhưng vĩ đại - cái vĩ đại của một thế hệ anh hùng. Tâm hồn và khí phách của các anh không chỉ làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu” mà còn làm cho cả nhân loại sửng sốt, thán phục. Đế quốc Mĩ thì kinh hoàng bởi một chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc! 30/4/1975, đế quốc Mĩ cút khỏi Việt Nam. Non sông thu về một mối. Cả dân tộc ca khúc khải hoàn. Lịch sử mãi mãi ghi khắc hình ảnh vĩ đại và công ơn trời biển của các anh - Anh bộ đội cụ Hồ.
  
Cả dân tộc tôn vinh các anh, thế giới nghiêng mình trước các anh, nhân dân đời đời ghi nhớ, ca ngợi các anh...
Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thơ ca trước hết là những hình ảnh chân thực của đời sống, của cuộc chiến tranh vệ quốc và chiến tranh giải phóng đất nước. Qua cảm nhận của chính những người trong cuộc, qua các nhà thơ - chiến sĩ, họ hiện lên trong thơ với vẻ đẹp vừa bình dị vừa hết sức phi thường, vừa cá thể, lại vừa mang tầm khái quát lớn lao. Họ là biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp thời đại, biểu tượng của tình yêu đất nước nồng nàn:
                         Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
                   Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
                       Ôi! Tổ quốc nếu cần ta sẽ chết
              Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông
                                                                    (Sao chiến thắng - Chế Lan Viên)
            Vâng! Các anh đã ngã xuống, đã hiến dâng máu thịt của mình cho non song đất nước nhưng điệu hồn các anh đã hóa thành dáng hình xứ sở, cái chết của các anh đã trở thành bất tử, hình bóng các anh còn in sâu trong lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam.
          Có thể nói văn học cách mạng đã tạo nên bức tượng đài hoàn chỉnh về hình tượng anh bộ đội cụ Hồ với lý tưởng thiêng liêng cao cả “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Ngày nay khi chiến tranh đã lùi xa, chúng ta không còn phải đối mặt với nhiệm vụ ấy nhưng cần phải đặt cho mình những lý tưởng sống cho đẹp để xứng đáng với những hi sinh, những cống hiến của các anh cho đất nước Việt Nam, sẵn sàng lắng nghe khi Tổ quốc gọi tên mình.  Nghĩ về Anh - những con người sẵn sàng ngã xuống để đổi lấy sự bình yên cho đất nước, ta không thể không nhớ đến những vần thơ nồng nàn, tha thiết một niềm yêu Tổ Quốc, một thái độ trách nhiệm với non sông:
Em ơi em, đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời.
Thơ ca viết về các anh là vô cùng. Việc điểm lại một số hình ảnh thơ tiêu biểu trong bài viết này,  không nhằm ngoài mục đích tái hiện lại một phần nhỏ hình ảnh anh bộ đội qua hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mĩ. Giữa cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của hiện tại, chúng ta càng nhớ, càng biết ơn các anh - anh bộ đội cụ Hồ, người con yêu trong lòng của các thế hệ  nhân dân Việt Nam!
Để ôn lại 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015) và 26 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2015), tôi mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay hãy phát huy truyền thống cao đẹp của Anh bộ đội cụ Hồ để học tập, lao động, chiến đấu và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Đồng thời hãy làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, dẫu biết rằng không có gì bù đắp nổi những hy sinh mất mát của bộ đội ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, song một hành động đẹp, một nghĩa cử đẹp dù là nhỏ của mỗi chúng ta cũng đã xoa dịu được phần nào nỗi đau thương mất của thế hệ cha ông ta đã đánh đổi để giành lấy bầu trời bình yên như ngày hôm nay. /. 
THCS Hùng Sơn
Tin liên quan