Tin tức : Công đoàn
Lớp học thêm của thầy
23/09/2014
Thầy là một giáo viên Văn giỏi nức tiếng tại một trường cấp 3 ở vùng sâu xa. Trong bài giảng, thầy mang đến cho học trò không chỉ là kiến thức, điểm số mà hơn hết thầy truyền cho học sinh tinh thần ham học tập, khám phá. Mấy năm trước, trong căn nhà mái tôn lợp tạm bợ - nơi người vợ đặt chiếc máy may sửa quần áo với ít hàng tạp hóa kiếm sống, thầy dành một góc nhỏ bên giá sách để dạy thêm. Lúc sáng sớm tinh mơ hay buổi tối, lớp học nhỏ chỉ hai dãy bàn văng vẳng tiếng thầy trò giảng và học bài. Thiếu cách quản lý phù hợp cho việc dạy thêm học thêm không chỉ gây tổn thương cho nhà giáo có tâm huyết mà còn cản trở nhu cầu "tầm sư học đạo" của học trò. Tiền đóng học ít ỏi, chỉ vài ngàn đồng một buổi. Ước mơ đặt chân vào giảng đường của nhiều học trò nghèo nhờ vậy thành hiện thực. Cuộc sống của thầy cũng thoái mái hơn, không đơn thuần là chuyện đồng ra đồng vào so với khoản lương giáo viên eo hẹp mà hơn hết thầy được thăng hoa thật sự trong bài giảng của mình - những điều mà ở giờ học chính khóa không phải lúc nào cũng làm được khi thầy trò cùng bị “trói” theo khung chương trình, giáo án. Nhưng rồi, thầy đóng cửa lớp học khi nghẹn ngào đọc tin một số đồng nghiệp của mình dạy thêm tại nhà bị ập vào bắt như bắt trộm, lập biên bản sai phạm ngay trước mặt học trò. Học trò thắc mắc "Sao thầy không dạy tụi con?", thầy lắc đầu mà ruột gan rối bời. Vợ thức khuya hơn để nhận sửa quần áo, cô con gái nhỏ bớt đi hộp sữa… gia đình thầy đã quen với cuộc sống chật vật. Chỉ thương đám học trò, thầy nghỉ dạy, các em phải chuẩn bị tinh thần nghỉ hè là lên thành phố đi luyện cấp tốc. “Bỏ gần tìm xa”, gia đình các em phải tất tả tìm chỗ trọ, việc ăn ở cho con, thêm nỗi lo con lên phố xa lạ với biết bao cạm bẫy không biết có học hành được hay không. Các em phải gửi gắm việc học cho các lò luyện thi, ở những hội trường chen chúc hàng trăm học sinh, nghe đọc bằng loa để chép bài. Ở đó tìm đâu ra tiếng giảng bài tận tâm can, những lời dặn dò chân tình của thầy ở góc học nhỏ. Giáo viên giỏi dạy học ở quê vốn đã rất thiếu môi trường thể hiện năng lực. Ở nơi đây, chỉ những học sinh có khát vọng học tập mới tìm đến lớp học thêm để theo đuổi ước mơ của mình. Dạy những học trò này là cơ hội để người thầy được dốc “vốn liếng” của mình. Cơ hội này của thầy bị “bóp nghẹt” đồng nghĩa học trò mất đi cơ hội tầm sư học đạo. Còn gì đau đớn hơn khi có năng lực nhưng thiếu môi trường thể hiện? Nhất là với nghề giáo, nghề mà xã hội luôn đòi hỏi phải sáng tạo, phải trau dồi, học hỏi không ngừng. Việc cấm dạy thêm, học thêm thiếu đi cách quản lý phù hợp như "bóng ma" ám ảnh và gây tổn thương cho những nhà giáo thật sự có tâm huyết, có khát vọng và tự trọng. Đây là một sự thiệt thòi cho cả thầy lẫn trò. Và cũng chẳng nghề nào như nghề giáo, khó để sống với đồng lương của mình đã đành, lại chẳng dễ để có thể sống bằng chính khả năng, bằng cái nghiệp của mình.