Giới thiệu

Giới thiệu về Trường Tiểu học Thuận Hưng 2

Trường Tiểu học Thuận Hưng 2, tiền thân là Trường Tân Quới A, tọa lạc tại Cầu Ông Mõng thuộc ấp Tân Quới xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ (nay là khu vực Tân Phú phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ); được xây cất từ năm 1965. Lúc mới hình thành trường chỉ có 3 phòng học, 3 giáo viên, 3 lớp, từ l đến lớp 3, số học sinh hàng năm có từ 30 đến 40. Học sinh khi học xong lớp 3 muốn học lớp 4, 5 phải đi học ở trường tiểu học Cộng đồng Thuận Hưng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), Trường sáp nhập thêm 3 điểm nữa là các điểm Ngã Ba, Ngã Cái (thuộc ấp Tân An) và điểm cầu sắt Thơm Rơm (ấp Tân Quới) để thành lập Trường Cấp 1 Thuận Hưng 2. Với 11 phòng học, 15 cán bộ, giáo viên và hơn 200 học sinh, giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Đến năm 1979 trường phát triển thành trường Phổ thông Cơ sở Thuận Hưng 2, giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 9. Từ đó số học sinh cũng phát triển theo từng năm học; với nguồn lực xã hội hóa trường xây dựng thêm 12 phòng học bán kiên cố và cây lá, số học sinh của trường hàng năm trên 700 học sinh. Nhìn chung trường đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của trẻ em trong khu vực trường phụ trách. Đến năm 1989, thực hiện chủ trương tách cấp 1 và cấp 2 thành hai cấp học riêng; từ đó trường có tên Trường Tiểu học Thuận Hưng 2 cho đến nay. Ban đầu mới thành lập Trường Tiểu học Thuận Hưng 2 có 9 điểm trường, có 68 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 1300 học sinh và là một trường có quy mô lớn nhất trong các trường tiểu học của huyện Thốt Nốt lúc bấy giờ.

Đến năm 2000, trường được chia thành 2 trường, gồm Trường Tiểu học Thuận Hưng 2 và Tiểu học Thuận Hưng 4. Lúc này trường còn lại 4 điểm trường với 14 phòng học, trên 400 học sinh, 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đến năm 2006 trường được ngành đưa vào kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, và hàng năm trường không ngừng phát triển thêm cơ sở vật chất và xây dựng tập trung về điểm Trung Tâm với diện tích trên 7600m2.

Hiện nay, trường có một cơ ngơi khá khang trang, bề thế với 30 phòng học (14 phòng kiên cố và 16 phòng bán kiên cố). Với 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 439 học sinh/ 17 lớp; 100% học sinh của trường được học 2 buổi/ ngày. Được UBND thành phố Cần Thơ kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm học 2010-2011.

Trong những năm qua, Trường Tiểu học Thuận Hưng 2 đã từng bước khẳng định được uy tín, chất lượng của trường trong các hoạt động giáo dục. Trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên tương đối đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ. Hằng năm, trường đều có giáo viên tham gia các Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận và cấp thành phố và đều đạt được kết quả khả quan. Đến nay Trường có 3 Nhà giáo Ưu tú, nhiều giáo viên được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua thành phố, nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Trong nhiều năm qua trường đều có học sinh đạt giải cao ở các phong trào của quận và thành phố; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm luôn đạt 100%; chất lượng đại trà luôn ổn định, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đạt 99,5% - 100% hàng năm. Với sự cố gắng của tập thể nhà trường, Trường Tiểu học Thuận Hưng 2 đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đạt Tập thể Lao động Tiên tiến (năm học 2006-2007); Tập thể lao động xuất sắc (năm học 2007-2008 và 2008-2009); Tập thể lao động xuất sắc năm học 2010-2011 đến nay và năm học 2015-2016, được UBND thành phố tặng Bằng khen.

Đến nay, trường có 20 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 100% có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 94,4% có trình độ trên chuẩn. Trường có tổ chức Chi bộ Đảng gồm 17 đảng viên, chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu, giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo trong toàn bộ hoạt động của trường. Các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học, Hội chữ thập đỏ đều hoạt động tích cực, góp phần cùng nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm.

Trường luôn xác định, trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, giáo dục giữ một vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy, cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp  bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trường đặc biệt quan tâm đến công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục theo Thông tư số 67/2011/TT-BGDĐT ngày 30/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học; Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT, ngày 23/11/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông, dục thường xuyên; Công văn số 8987/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Công văn số 46/KTKĐCLGD-KĐPT ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về việc xác định yêu cầu, gợi ý tìm minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học và trường trung học; để không ngừng đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường đã xác định tự đánh giá chất lượng giáo dục trong Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ tạo bước chuyển biến lớn về chất lượng giáo dục của trường. Vì nếu trường tự đánh giá chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn và tiêu chí  được quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhà trường mới có thể xác định được hiện trạng, những điểm mạnh, điểm yếu, xác định được kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục theo từng tiêu chí. Từ đó, nhà trường cam kết, từng bước phấn đấu thực hiện các biện pháp cải tiến chất lượng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục đích của tự đánh giá để trường tự xem xét, tự kiểm tra, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và các biện pháp thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của  trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý và xã hội về thực trạng giáo dục; để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, để từ đó không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường.