Tin tức : Giáo dục bốn phương
Phần Lan: Tuyệt đối tin trẻ
23/09/2014
Trong quyển sách “Thế giới có thể học hỏi điều gì từ nền giáo dục Phần Lan”, GS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan, đã chỉ ra rằng giáo dục Phần Lan dựa trên triết lý niềm tin - yếu tố tạo ra chính sách, phương pháp dạy học rất đặc trưng.
Tin mỗi trẻ em đều có khả năng riêng
Triết lý cơ bản của nền giáo dục Phần Lan là niềm tin vào khả năng của con người. Những người làm chính sách giáo dục của Phần Lan tin rằng bất kỳ ai cũng mang trong mình những giá trị có thể đóng góp cho xã hội. Mục đích của giáo dục, không phải là đưa con người vào một khung khổ, mà là giúp học viên phát hiện và phát huy tố chất vốn có của bản thân. Do đó trường học là nơi rất bình đẳng, mọi học sinh đều hưởng những cơ hội ngang nhau, để trẻ tự do phát triển cá tính, nguyện vọng và tài năng.
Nhiều ý kiến chỉ trích nền giáo dục theo triết lý bình đẳng dẫn tới tâm lý cào bằng, triệt tiêu tài năng và không thể áp dụng trên thực tế. Các nhà làm chính sách giáo dục cũ còn quan niệm rằng tài năng trong xã hội phân bố không đồng đều. GS Pasi Sahlberg chứng minh điều này khi chỉ vào kết quả của hệ thống giáo dục cũ tại Phần Lan: Sau bảy năm giáo dục bắt buộc hệ phổ thông, chỉ một số ít trẻ em có thể học tiếp lên bậc trung học hoặc các trường công dân do hội đồng thành phố lập nên. Còn lại sẽ phải rời giảng đường.
Dạy để học chứ không phải để thi
Trong hệ thống giáo dục mới, bài kiểm tra - công cụ trước nay được dùng để đánh giá lại quá trình giảng dạy của thầy và đong đo kết quả của trò - đã trở nên vô dụng và bị bãi bỏ. Trẻ em Phần Lan không bị chấm điểm bài làm trước khi học xong lớp 5, càng không phải thi cử nặng nề trước năm 18 tuổi.
Người dân ở đây quan niệm nhà trường là nơi đào tạo ra các công dân tốt cho một xã hội dân chủ chứ không phải để khoe thành tích hay luyện ra những con rối chỉ để cung cấp cho cuộc cạnh tranh khốc liệt ngoài thị trường lao động. Do đó môi trường học tập tại Phần Lan nhìn chung thoải mái hơn so với nhiều nước và tránh tối đa áp lực điểm số.
Bên cạnh đó, chính sách giáo dục Phần Lan cũng tin rằng mỗi nhà trường đều có phương pháp phù hợp riêng và mỗi giáo viên cũng có cách riêng để dạy học trò của mình một cách tốt nhất. Thế nên chính sách giáo dục không khắt khe về mặt quy định nội dung, phương pháp hay áp đặt yêu cầu ngặt nghèo với thầy, cô giáo. Thay vào đó, Quốc hội thiết lập những nguyên tắc cơ bản của chính sách giáo dục. Nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp kinh phí cho các trường học và thông qua Bộ Giáo dục ban hành những chính sách về giáo dục. Ban Giáo dục Quốc gia tổ chức vạch ra chương trình giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cung cấp các dịch vụ liên quan. Nhìn chung, cũng như vai trò của giáo viên đối với học sinh, vai trò của nhà nước đối với ngành giáo dục là hướng dẫn và hỗ trợ hơn là cai quản.
Không ở lại lớp nhưng cũng không ngồi nhầm lớp
Phần Lan cho rằng mỗi học sinh bị rơi rụng trong quá trình học sẽ là tổn thất đối với xã hội. Trước đây, tình trạng lưu ban khá phổ biến do học sinh không đủ điều kiện ở một môn nào đó. Học lại một lớp đồng nghĩa với việc mất đi một năm để bù đắp cho những khiếm khuyết có thể khắc phục trong thời gian ngắn hơn hẳn. Do đó giáo dục Phần Lan có một nguyên tắc nữa là “không ai bị bỏ lại phía sau” nhưng cũng không được để bị ngồi nhầm lớp.
Bí quyết để khắc phục khó khăn nơi người học là phát hiện và giải quyết vấn đề khó khăn của trẻ từ sớm. Người làm chính sách giáo dục Phần Lan hiểu rằng học sinh không chỉ ngồi trong lớp học mà còn chịu tác động từ cuộc sống bên ngoài như gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh… Vậy nên giáo dục Phần Lan không đứng riêng một mình mà liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực khác.
Theo đó, mọi học sinh được hưởng dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý để phát triển toàn diện. Ở trường các em được ăn bữa trưa miễn phí, không phải đóng học phí và hưởng các dịch vụ phúc lợi khác. Các bậc cha mẹ cũng được nhà trường quan tâm, tư vấn cách thức chăm sóc, phương pháp giáo dục, giúp con vượt qua khó khăn ở nhà. Điều này giúp xóa bỏ đáng kể các khác biệt xuất phát từ bên ngoài nhà trường, để mọi người đi học đều có xuất phát điểm gần như nhau. Hạn chế tư tưởng ganh ghét và đố kỵ hay phân biệt giai tầng xã hội xuất hiện trong đầu trẻ khi trẻ chưa đủ nhận thức.
Những trở ngại phát sinh trong quá trình học, ví dụ như các học sinh chậm hiểu, thích đùa nghịch, ham chơi hơn ham học… được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Một phương pháp đơn giản thường gặp là cho giáo viên kèm trực tiếp, đồng thời trò chuyện, tâm sự với các em học sinh yếu kém. Trong giờ giảng, ngoài giáo viên chính sẽ có thêm một người nữa làm nhiệm vụ hỗ trợ riêng cho những học sinh nào gặp khó khăn với môn học đó.
Học sinh gặp khó khăn đặc biệt trong học tập, tâm lý, thể chất… cũng có thể được chuyển sang học các khóa đặc biệt, với kiểu bán thời gian hoặc toàn thời gian, được cung cấp bởi nhà trường hoặc một tổ chức khác. Việc theo học khóa đặc biệt cần phải có giấy xác nhận của chuyên gia về tâm lý, y tế hoặc phúc lợi xã hội và nhất thiết phải được trao đổi với phụ huynh. Các khóa giáo dục đặc biệt này khác với lớp học thêm ở mục đích giúp học sinh khắc phục các vấn đề trong việc học chứ không phải để luyện thi. Thời khóa biểu của mỗi học sinh đều được sắp xếp đặc biệt cho phù hợp với riêng từng em đó.
Nền giáo dục phá cách nhưng rất hiệu quả
Đối với nhiều quốc gia, giảng đường là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực có sức cạnh tranh cao trong thị trường. Học sinh khi ra trường phải đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế để tồn tại và phát triển sự nghiệp. Nhưng điểm yếu của phương châm giáo dục hướng thị trường là bỏ quên vấn đề bất bình đẳng về cơ hội. Hệ quả là những trường học tốt nhất thường dành cho những đối tượng giàu nhất. Theo tạp chí Forbes, 45,6% sinh viên Harvard (Mỹ) xuất thân từ gia đình có thu nhập hằng năm trên 200.000 USD, tức nằm trong nhóm 3,8% các hộ có thu nhập cao nhất nước Mỹ.
Một quan niệm khác cũng đang phổ biến tại nhiều nước đó là cần kiểm tra, thi cử để đánh giá chất lượng học sinh. Nhưng Phần Lan là trường hợp cá biệt. Học sinh dù được hướng nghiệp rất tốt nhưng không bao giờ đến lớp với tâm thế phải cạnh tranh khốc liệt để có việc sau khi ra trường.
Trẻ em Phần Lan được gạt bỏ đi áp lực điểm số, hưởng thụ nền giáo dục thoải mái hàng đầu thế giới. Trang The Conversation cho biết trẻ em Phần Lan 9-11 tuổi chỉ ở trường trong khoảng 640 giờ mỗi năm, ít hơn đáng kể so với trẻ em Anh (899 giờ), Pháp (847 giờ) hoặc Nhật (800 giờ).
Nhìn có vẻ Phần Lan đang đi ngược xu thế chung nhưng học sinh Phần Lan thể hiện thành tích đáng nể. Chẳng hạn, học sinh Phần Lan đạt hạng sáu ở môn toán, hạng nhì môn khoa học, hạng ba môn đọc trong kỳ thi PISA 2009. Nhìn sang Mỹ, thứ hạng của học sinh trong các môn trên lần lượt là 30, 23 và 17.
Các tin khác
- PTE Academic - Lựa chọn mới dành cho người thi chứng chỉ tiếng (23/09/2014)
- Giáo dục Pháp: Sau phổ thông, đủ đi làm (23/09/2014)
- Triết lý giáo dục Việt Nam: Học để làm quan! (23/09/2014)
- ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GD về kỳ thi chung quốc gia (23/09/2014)
- Nhật Bản: “Giáo dục đạo đức” là cốt lõi (23/09/2014)
- Mỹ: Giáo dục sống nhờ triết lý “tự do” (23/09/2014)
danh mục tin
Website
- Tiểu Học Thạnh Hòa
- Tiểu Học Thạnh Hòa 1
- Tiểu Học Thuận An
- Tiểu Học Thuận An 1
- Tiểu Học Thuận Hưng 2
- Tiểu Học Thuận Hưng 3
- Tiểu Học Thốt Nốt 1
- Tiểu Học Thốt Nốt 2
- Tiểu Học Thốt Nốt 3
- Tiểu Học Thới Thuận 1
- Tiểu Học Thới Thuận 2
- Tiểu Học Thới Thuận 3
- Tiểu Học Trung Kiên 1
- Tiểu Học Trung Kiên 2
- Tiểu Học Trung Kiên 3
- Tiểu Học Trung Nhứt 1
- Tiểu Học Trung Nhứt 2
- Tiểu Học Tân Hưng
- Tiểu Học Tân Lộc 1
- Tiểu Học Tân Lộc 2
- Tiểu Học Tân Lộc 3
- Tiểu Học Tân Lộc 4