Thứ hai, 06/05/2024 06:10:20
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔN NGỮ VĂN CHO HỌC SINH VÙNG SÂU VÙNG XA

Ngày: 12/03/2013

MỘT SỐ BIỆN PHÁP

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔN NGỮ VĂN

CHO HỌC SINH VÙNG SÂU VÙNG XA

Lê Văn Tùng - Tổ trưởng - Trường THPT Thới Lai

I/ ĐẶT VẤN ĐỀ

Văn học vốn là một môn học có đặc thù riêng. Bằng những hình tượng và ngôn từ phong phú sinh động của mình, nó cung cấp cho người đọc những kiến thức về cuộc sống cũng như những điều bí ẩn trong tâm hồn con người, khơi gợi lên một thế giới kỳ ảo, huyền diệu và lung linh sắc màu bởi vẻ đẹp nhân văn trong mỗi sự vật, hiện tượng trong tác phẩm. Từ đó, nó tác động tới tâm tư, tình cảm và góp phần quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách cho con người. Chính vì lẽ đó nên môn văn là môn ít có vẻ khô khan so với một số môn khoa học tự nhiên như toán, lí, hóa… trong chương trình phổ thông. Hơn nữa, tuổi trẻ là lứa tuổi giàu cảm xúc, dễ rung động trước cái đẹp nếu được thầy cô dẫn dắt, hướng dẫn thì sự yêu thích cái CHÂN – THIỆN – MỸ ( Những giá trị mà văn học đang hàm chứa ) nhất định sẽ tăng lên, giúp các em học tốt hơn.

II/ THỰC TRẠNG

Tuy nhiên, việc dạy và học văn hiện nay ở trường phổ thông lại là vấn đề đáng suy nghĩ. Môn Ngữ văn không được đón nhận nồng nhiệt như các môn khoa học khác. Học sinh thờ ơ với những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Số phận nhân vật, tiếng nói tâm tình của tác giả ít gây được sự đồng cảm với học sinh.

Riêng trường THPT Thới Lai, một trường thuộc huyện, xa thành phố, chất lượng đầu vào không thi tuyển mà chỉ xét tuyển. Học sinh đầu tư nhiều vào các môn tự nhiên, ít có điều kiện đọc sách báo, thông tin xã hội ít tiếp xúc… Vì vậy, môn Văn đối với các em, học như một cực hình, đa số các em học để đối phó với kiểm tra, thi cử. Thậm chí rất nhiều em không chịu học bài. Bài giảng tuần này, tuần sau đã quên hoặc chỉ nhớ loáng thoáng. Khi cho đề về nhà làm thì lên mạng chép vào, cho làm dàn ý thì không biết cách diễn đạt thành bài văn hoàn chỉnh.

Giáo viên của trường cũng đã áp dụng rất nhiều phương pháp đổi mới, nhưng “lực bất tòng tâm”. Một khi các em không chịu học bài thì cũng đành chịu.

Từ những sự việc trên, chúng tôi mạn phép đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học Văn cho học sinh vùng sâu vùng xa, giúp các em học tốt hơn trong thi cử.

II/ GIẢI PHÁP

1. Thường xuyên kiểm tra việc học bài cũ cho học sinh

Việc làm này được thưc hiện vào 10 – 15 phút đầu tiết học, có thể gọi từ 2, 3 đến 4 em và mạnh dạn cho đến điểm 10, không cần thiết đủ cột kiểm tra miệng là ngừng không gọi trả bài nữa, một số em có thể gọi 5 hoặc 6 lần/ học kỳ ( đây là những em thường xuyên không thuộc bài hoặc trả bài chỉ đạt điểm 4, 5 ), điểm nào lớn nhất thì lấy. Những em không thuộc bài tạm thời cho điểm kém và hẹn hôm sau ( ngày bất kỳ ) sẽ trả bài lại.

Thỉnh thoảng nhắc các em : “Một, hai tuần nữa sẽ có kiểm tra 15 phút” nhưng không qui định cụ thể ngày nào. Việc làm này tạo cho học sinh tâm thế sẽ bị giáo viên kiểm tra bất cứ lúc nào khi đến lớp, buộc các em phải học bài trước ở nhà ( Mưa lâu thấm đất ), nếu không muốn bị điểm kém ( kiểm tra 15 phút có 3 cột vẫn có thể kiểm 4 – 5 lần – điểm nào lớn lấy ).

2. Luôn bao quát học sinh trong giờ dạy

Khi cho học sinh đọc bài, quan sát xem các em có dò bài theo không, thường các em hay lợi dụng giáo viên chú tâm vào bài đọc mà làm việc riêng như ngủ gục

( với nhiều tư thế khác nhau để qua mặt giáo viên ), xếp hình, thậm chí nhiều em bấm điện thoại…

Đặt câu hỏi và gọi nhiều đối tượng trả lời, chú trọng nhiều đến những em yếu kém.

3. Kết hợp phương pháp dạy học hiện đại với dạy học truyền thống

Đổi mới không phải là xóa bỏ toàn bộ cái cũ mà trên cơ sở là phát huy những cái tích cực trên nền tảng đó cho phù hợp với xu thế hiện đại. Đổi mới phương pháp dạy học ( đặc biệt là với môn Văn ) phải là sự kế thừa có chọn lọc các phương pháp dạy học truyền thống kết hợp các phương pháp dạy học hiện đại. Trong đó, thuyết trình cũng là một khâu rất cần thiết.

Thuyết trình trong dẫn dắt, gợi mở, trong bình giảng ý nghĩa các chi tiết, hình ảnh độc đáo… Một lời giảng bình đẹp, sâu sắc có thể theo các em đi suốt cuộc đời, có tác dụng bồi đắp tâm hồn, hướng thiện, tạo sức cuốn hút cho một giờ học văn. Có thể nói, khă năng thuyết trình thể hiện năng lực của người dạy văn. Có điều cần chú ý đến thời lượng nên dừng ở mức độ nào.

Với học sinh yếu kém ( vùng sâu vùng xa rất nhiều, đa số tập trung vào lớp cơ bản ), tiếp thu chậm, không có khả năng diễn đạt, không biết phân tích những ý chính mà giáo viên tổng hợp thì cũng cần phải đọc - chép. Điều này cần sự linh động của giáo viên, phần nào cần và phần nào không cần đọc để bảo đảm số tiết theo phân phối chương trình.

4. Kỹ năng viết phần mở bài

Cho học sinh tiếp cận một số bài mẫu, nhận thức cách viết và tìm cho mình một cách viết thích hợp. Trong quá trình học văn bản, các em đã học thuộc lòng Hoàn cảnh sáng tác, Ý nghĩa văn bản hay chủ đề, tóm tắt nội dung tác phẩm … Sẵn ưu thế này, hướng dẫn các em viết một mở bài hoàn chỉnh :

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm ( 1 câu ).

- Hoàn cảnh sáng tác(dài quá như “Tây Tiến” thì tóm gọn lại từ 2 đến 3 câu ).

- Nêu chủ đề, tóm tắt nội dung.

- Chép đoạn thơ, bài thơ, dẫn ý kiến, nhận định, đặc điểm nhân vật…

- Nêu thao tác nghị luận.

Ví dụ :

Đề : Phân tích hình tượng người lính trong “Tây Tiến” của Quang Dũng.

“Tây Tiến” là một trong những bài thơ hay của Quang Dũng, được sáng tác tại Phù Lưu Chanh năm 1948 khi Quang Dũng được chuyển sang đơn vị khác. Bài thơ là cả một nỗi nhớ. Tác giả nhớ về cuộc sống gian khổ, nhớ những đêm liên hoan, về cái âm u hoang dã của núi rừng. Đặc biệt , đó là nỗi nhớ về người lính Tây Tiến.

5. Giữ mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò

Một số giáo viên khi bước vào lớp có nhiều học sinh yếu kém, học sinh cá biệt trong lòng đã cảm thấy không vui, gọi 3 em lên trả bài, 1 em lắp bắp, 2 em không thuộc, lập tức chửi cho một chặp 10 – 15 phút, đôi khi nhiều hơn nữa rồi bắt đầu dạy. Gương mặt khi ấy, không ai bảo cũng trở nên “hình sự”, hậm hực, những điều muốn nói, những dự tính đều tan theo mây khói… Đó là điều tối kỵ trong một giờ giảng văn. Giờ học căng thẳng quá sẽ làm học sinh khó tập trung, không tiếp thu được bài giảng, dẫn đến không hiểu bài. Để giảm áp lực, giáo viên nên nhẹ nhàng bỏ qua những việc mà mình hình như đã lường trước được. Giận mà cười, nói thiệt như nói chơi, cố gắng tạo trên môi các em nụ cười hồn nhiên, cởi mở. Sự thân thiện giữa thầy và trò được nâng cao khi học sinh luôn nhìn thấy dáng đi khoan thai và nụ cười luôn nở trên môi thầy cùng những câu chuyện kể xen lời giảng, những câu pha trò ý nhị. Làm vậy, các em sẽ dễ nhập tâm vào nhân vật, tác phẩm hơn.

6. Tạo nhiều cơ hội để học sinh gỡ điểm

Giáo viên ưu tiên cho học sinh yếu kém phát biểu trong giờ Luyện tập. Với những câu tương đối khó, trả lời được, có thể cho các em điểm 10 và nói “Hôm qua, em không thuộc bài bị điểm 0, hôm nay trả lời tốt, đúng ra em đạt điểm 10, nhưng thầy sẽ xóa điểm 0 sửa lại điểm 8

Ngoài ra, giáo viên cũng nên dành nhiều thời gian cho việc củng cố bài học. Đừng xem nhẹ khâu này. Học sinh có hiểu bài, nhớ bài hay không một phần là nhờ nó. Rất nhiều giáo viên đã không tận dụng hết hoặc thường bỏ qua công đoạn này, nhưng nó lại rất quan trọng. Cho các em xếp tập sách lại, trên bảng chỉ còn những ý chính, giáo viên đặt câu hỏi, gợi ý, học sinh trả lời đúng cho điểm, có thể sửa điểm kém hay cộng thêm vào điểm của các em +1, +2, +3… và hỏi các em không hiểu chỗ nào giáo viên sẽ giảng lại. Làm vậy, học sinh sẽ cố lắng nghe, cố nhớ, cố ghi để cuối giờ trả lời. Vô hình trung giáo viên đã giúp các em hiểu bài, thuộc bài ngay trong giờ học.

III/ KIẾN NGHỊ

Để có thể làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của một giáo viên Văn tôi cũng xin kiến nghị với nhà trường :

- Cần quan tâm nhiều hơn nữa với môn Văn như các môn tự nhiên khác vì nó đòi hỏi sự tư duy, kỹ năng làm bài chứ không đơn thuần là thuộc bài, “vẽ hươu vẽ vượn” trong bài cũng có điểm như nhiều người đã nghĩ.

- Duy trì giờ Tự chọn cho các khối lớp để giáo viên có nhiều thời gian rèn luyện cách viết một bài làm văn cho các em.

IV/ KẾT LUẬN

Văn học là một khoa học vì nó đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy lô-gich mà văn học còn là một nghệ thuật. Người giáo viên dạy văn không chỉ là một người nghiên cứu khoa học mà còn là một nghệ sĩ. Hơn lúc nào hết, giáo viên phải truyền cho học sinh mình ngọn lửa của cuộc sống, của lòng yêu nghề, sưởi ấm những trái tim bé bỏng, cùng học sinh mình buồn vui, yêu ghét với thế giới văn học, giúp học sinh thoát khỏi vùng trũng của kiến thức, vượt qua tâm thế chán nãn, sợ sệt hoặc ghét môn Văn.

Trên đây là một vài suy nghĩ là một vài suy nghĩ về biện pháp cải thiện việc học văn của tôi. Dù đơn giản nhưng đôi khi mình dễ bỏ qua, chỉ chú trọng đến những phương pháp lý tưởng hóa việc dạy và học. Đừng quên,với học sinh vùng sâu, vùng xa hiểu và viết được một bài văn không phải là chuyện dễ dàng.

Lê Văn Tùng, Tổ trưởng tổ Ngữ văn
Tin liên quan