Thứ sáu, 03/05/2024 16:22:15
GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRONG TIẾT SINH HOẠT CHỦ NHIỆM

Ngày: 12/03/2013

Một trong những nguyên lí giáo dục cơ bản của đất nước chúng ta là giáo dục con người toàn diện. Nhiệm vụ của hệ thống giáo dục Việt Nam là đào tạo, bồi dưỡng học sinh cả đức lẫn tài. Học sinh đến trường không chỉ để học chữ, hay chỉ để trang bị cho mình vốn tri thức cần thiết cho hành trang nghề nghiệp mai sau mà còn để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, và hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp, tiêu biểu cho con người Việt Nam. Hiểu theo nghĩa truyền thống, học trước tiên là để làm người hay như câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”. Như vậy, nhà trường phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa dạy chữ vừa dạy cách làm người cho học sinh, nghĩa là vừa trang bị cho các em kiến thức để hòa nhập, để mưu sinh, đề tiếp tục học lên bậc cao hơn vừa hình thành nhân cách, đạo đức để các em trở thành người tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển đầy biến động. Tất cả lĩnh vực phát triển như vũ bão và cuộc sống thay đổi nhanh chóng như hiện nay thì có quá nhiều thách thức đòi hỏi học sinh cần đối mặt tích cực và hiệu quả. Từ đó, bên cạnh nhiệm vụ rèn đức luyện tài, việc rèn luyện, bồi dưỡng cho các em kĩ năng đương đầu và vượt qua thử thách trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành giáo dục. Thực tế là nội dung giáo dục kĩ năng sống là một trong năm nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 – 2013 do Bộ Giáo dục phát động theo chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ban hành ngày 20 tháng 07 năm 2008 và từ năm học 2009 – 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa giáo dục kĩ năng sống vào nhiệm vụ năm học.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục giáo dục kĩ năng sống cho học sinh , chỉ giao phó trách nhiệm cho nhà trường là không đủ mà cần có sự phối hợp hiệu quả giữa “Giáo dục nhà trường kết hợp với gia đình và ngoài xã hội”. Trong “ba ngôi giáo dục” này, giáo dục nhà trường đóng vai trò chủ đạo và vai trò của giáo viên chủ nhiệm được coi là một khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến mức độ thành công của việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong nhà trường. Thầy cô chủ nhiệm lớp có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ này vì thầy cô là người hiểu các em nhất, gần gũi với các em nhất trong thời gian các em đến trường học tập. Các em dễ tâm tình chia sẽ với thầy cô chủ nhiệm về những khó khăn mà các em gặp phải. Từ đó giáo viên dễ dàng có những tác động tích cực đến các em cũng như giúp các em điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực, có lợi nhất. Bên cạnh đó, thầy cô chủ nhiệm lớp còn là người được nhà trường giao trách nhiệm trực tiếp tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua các giờ sinh hoạt lớp chủ nhiệm, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tập thể trong đó thường xuyên nhất là giờ sinh hoạt chủ nhiệm lớp.

Mặc dù giáo viên chủ nhiệm và tiết sinh hoạt chủ nhiệm có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, nhưng thực tế hiệu quả giáo dục kĩ năng sống cho các em trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm chưa đạt như mong muốn. Phần lớn các tiết sinh hoạt chủ nhiệm hiện nay chủ yếu được thực hiện dưới hình thức là tổng kết, đánh giá và đề ra phương hướng tuần tới. Hình thức sinh hoạt này dễ gây cho học sinh sự nhàm chán, đặc biệt là gây áp lực về các lỗi mà các em mắc phải trong tuần qua. Vì lẽ đó mà một số em cảm thấy không thích tiết sinh hoạt chủ nhiệm, thậm chí là sợ hãi. Người thầy chủ nhiệm trong quá trình đánh giá ưu khuyết điểm của học sinh trong tuần vừa qua thường chủ quan xem việc vi phạm nội quy và những biểu hiện chưa tốt của học sinh là do các em không cố gắng, đôi khi xem đó là biểu hiện đạo đức không tốt. Biện pháp thường được áp dụng là xử lí kỉ luật, làm tờ tự kiểm và đôi lúc là hạ hạnh kiểm.

Việc người thầy qui chụp hành vi thành đạo đức là hiện tượng không hiếm gặp và tác động của nó là không nhỏ chút nào. Điều này dễ dẫn đến việc học sinh không tin vào thầy cô, bạn bè và có khi là không tin vào bản thân mình. Các em học sinh còn trong độ tuổi cần được dạy dỗ, giáo dục, chia sẽ và thông cảm. Vì vậy, người thầy chủ nhiệm cần lắng nghe các em học sinh trình bày, cần cảm thông và tin tưởng các em trong những trường hợp, hoàn cảnh mà các em phải phạm lỗi. Khi hiểu được các em, giáo viên chủ nhiệm dễ hướng dẫn, tư vấn cho các em sửa chữa lỗi lầm, hướng các em đến các biện pháp giải quyết vần đề tích cực hơn. Các em cần sự hiểu biết và ý thức về những điều nên làm hay không nên làm, cũng như các em cần những biện pháp giải quyết khó khăn một cách hiệu quả và tích cực bởi vì xã hội ngày nay là đầy cạm bẫy, rủi ro, thử thách và không dễ dàng cho tuổi mới lớn. Các em cần sự hướng dẫn và giáo dục của giáo viên chủ nhiệm. Trong tiết sinh hoạt lớp, người thầy chủ nhiệm sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết đó thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên đề sinh động và vui nhộn. Sự sinh động và hứng thứ của việc được tham gia vào các hoạt động có liên quan sẽ giúp học sinh nâng cao ý thức một cách tự nhiên và dễ dàng. Và cũng nhờ vào các hoạt động này cùng với sự tin tưởng và sẽ chia của thầy cô mà các em sẽ có được niềm tin, định hướng và nghị lực để phát triển nhân cách. Có câu “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Hành vi tích cực xuất phát từ sự hiểu biết và ý thức của mỗi con người. Học sinh cần sự hiểu biết và tự ý thức để phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Muốn như vậy, việc giáo duc kĩ năng sống cho học sinh cần được xem trọng, cần được thực hiện trước tiên trong quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh. Chắc chắn rằng, giáo dục kĩ năng sống là yếu tố góp phần tích cực cho sự thành công trong sự nghiệp rèn đức cho học sinh của ngành giáo dục.

Nguyễn Quốc Bảo - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ
Tin liên quan