Giới thiệu








QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN 50 NĂM SAO MAI – THẠNH AN
Nguyễn Đức Mạnh

I – GIAI ĐOẠN  1962 – 1975

 Trường Trung học Tư thục Sao Mai

Trường Trung học Tư thục Sao Mai được thành lập năm 1960 theo giấy phép số 1047/GD/HV/NĐ ngày 20/6/1960, do Linh mục Nguyễn Đức Do sáng lập và làm Hiệu trưởng. Hai năm đầu, trường đặt gần nhà thờ trung tâm, cây số 5 kinh D1, có quy mô 02 lớp Đệ Thất với 04 giáo viên.

            Năm 1962 trường chính thức dời ra đầu kinh D, cặp quốc lộ 80, lúc này trường có 07 lớp với 08 giáo viên cơ hữu, thời gian này trường chỉ có Đệ Nhất cấp, tức từ lớp Đệ Thất (lớp 6) đến lớp Đệ Tứ (lớp 9).

Đến năm 1969, trường được mở thêm Đệ Nhị cấp, từ lớp Đệ Tam (lớp 10) đến lớp Đệ Nhất (lớp 12) theo giấy phép số 4998/GD/TN/TT2C ngày 08/7/1969. Quy mô của trường không ngừng phát triển, từ hai lớp Đệ Thất ban đầu đến năm 1969 đã lên tới 13 lớp Đệ Nhất cấp. Sau khi được phép mở Đệ Nhị cấp năm 1969, đến năm 1975 quy mô đã là 26 lớp Đệ Nhất và Đệ Nhị cấp.

Đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên Đệ Nhị cấp, ngoài một số ít cơ hữu, đa số là các giáo viên thỉnh giảng từ  các trường trung học Tân Hiệp, Thốt Nốt, đến các trường Thoại Ngọc Hầu, Chưởng Bỉnh Lễ ở Long Xuyên, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá.


 

            Ngôi trường Sao Mai – Vươn cao giữa nắng gió ThạnhAn

Nuôi dưỡng tài năng, thắp sáng ước mơ bao thế hệ!

 

 II – GIAI ĐOẠN 1975 – 1989

        1 – PTCS Thạnh An (1975 – 1989)

            Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trường Sao Mai là nơi đóng quân tạm thời của Tiểu đoàn Tây Đô để ổn định tình hình an ninh chính trị, các giáo viên của trường Sao Mai cũ sau khi tham dự các khoá “sinh hoạt chính trị dân chủ” 13 ngày do UBND Cách mạng lâm thời huyện Thốt Nốt tổ chức và lớp “Chính trị và nghiệp vụ” 13 ngày do Ty Giáo dục và Thanh niên tổ chức, trở về trường vận động học sinh cũ ra lớp đồng thời tuyển sinh lớp Sáu, lễ khai giảng được tổ chức vào trung tuần tháng 9 năm 1975 với tên trường là “Trường Phổ thông cấp 2 Thạnh An”. Quy mô của trường năm học này là 10 lớp do thầy Đỗ Quang Trung làm Trưởng Ban Điều hành, qua học kỳ 2, thầy Đỗ Quang Trung chuyển đi nơi khác, thầy Nguyễn Thanh Xuân làm Hiệu trưởng, thầy Huỳnh Hiệp Thuận làm Hiệu phó.


 

            Mang tên mới, ngôi trường có hơn 10 năm tuổi vẫn là cái nôi của vùng đất hiếu học

            Năm học 1976 – 1977, trường có quy mô 14 lớp, 664 học sinh, 21 giáo viên, thầy Nguyễn Năng làm Hiệu trưởng, thầy Phan văn Mười, Hiệu phó.

            Đầu năm 1978, thầy Tống Anh Chiến giữ chức vụ Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Đình Phấn làm Hiệu phó.

            Năm 1980, cô Lê Viết Hạnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Đình Phấn và thầy Lê Thành Công làm Hiệu phó.

            Năm 1982, trường đổi tên thành trường Phổ thông cơ sở Thạnh An 1, thầy Nguyễn Đình Phấn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Lê Thành Công, Hiệu phó cấp 2, thầy Hoàng Kim Tiến  Hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất kiêm phụ trách cấp 1 và Mẫu giáo, lúc này trường có quy mô 30 lớp.

            Năm 1986, thầy Phạm Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Hiệu phó thay thầy Lê Thành Công được điều đi làm Hiệu trưởng trường khác.

            Năm 1989, cấp 2 tách khỏi cấp 1, sáp nhập với cấp 3 thành trường Phổ thông cấp 2 – 3 Thạnh An.

                   

2 – PTTH Thạnh An (1979 – 1989)

            Đầu năm học 1979 – 1980 Phân hiệu Thạnh An của trường Phổ thông cấp 3 Thốt Nốt được thành lập do nhu cầu bức xúc của nhân dân địa phương, và sự vận động tích cực của Đảng bộ, chính quyền xã Thạnh An và huyện Thốt Nốt, đặc biệt là sự nhạy bén, nhiệt tình của thầy Nguyễn Đình Kôn, Hiệu trưởng trường Cấp 3 Thốt Nốt. Quy mô ban đầu là 02 lớp 10 với 67 học sinh và 03 giáo viên, thầy Nguyễn Đức Mạnh làm Tổ trưởng phụ trách.

            Năm học 1980 – 1981, cô Nguyễn Thị Sửu được cử làm Tổ trưởng phụ trách Phân hiệu thay thầy Mạnh đi học Quản lý Giáo dục.

            Năm học 1981 – 1982 thầy Nguyễn Duy Linh được điều về làm Hiệu phó phụ trách Phân hiệu Thạnh An.

            Đến năm học 1982 – 1983, trường PTTH Thạnh An được thành lập theo quyết định số 408/QĐ – UBT ngày 02/11/1982 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang do ông Lê Phước Đáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

            Đến năm học 84 – 85 trường được đổi tên thành trường PTTH Thốt Nốt 2, và mang tên này đến 1989.

Năm 1987, thầy Nguyễn Duy Linh được điều động về công tác tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục tỉnh, thầy Nguyễn Đức Mạnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Đoàn Tiến Nghĩa làm Phó Hiệu trưởng.

Trong 10 năm hình thành và phát triển, quy mô của trường tăng lên đến 17 lớp, 661 học sinh và 27 cán bộ, giáo viên; 731 học sinh tốt nghiệp phổ thông.

    

            Những phòng học đầu tiên giữa đồng không mông quạnh

Lịch sử nền giáo dục Thạnh An  đã sang trang mới!

III – GIAI ĐOẠN 1989 – 2009

        1 – THPT Thạnh An (1989 – 2009)

            Năm 1989 – 1990, do yêu cầu sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, trường PTTH Thốt Nốt 2 sáp nhập với cấp 2 của trường PTCS Thạnh An 1 thành trường Phổ thông cấp 2 – 3 Thạnh An, theo quyết định số 328/QĐ. UBT ngày 17/10/1989 do ông Lê Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký. Ban Giám hiệu gồm: thầy Nguyễn Đức Mạnh, Hiệu trưởng; thầy Đoàn Tiến Nghĩa, Hiệu phó cấp 3; thầy Phạm Đình Hưng, Hiệu phó cấp 2.

            

            Phòng ốc khá khang trang nhưng vẫn chưa thôi ngập nước!

Năm học 1992 – 1993, trường đổi tên thành Trường PTTH Thạnh An.

            Đến năm học 1995 – 1996, Trường THPT Bán công Thạnh An được thành lập trên cơ sở tách 04 lớp hệ B và 08 giáo viên của trường. Năm học này trường đổi tên thành THPT Thạnh An.

            Năm 1996, thầy Đoàn Tiến Nghĩa được điều động về làm Phó Trưởng phòng Giáo dục Thốt Nốt.

            Năm 2002, thầy Chu Văn Đỗ được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng.

            Năm học 2003 – 2004, trường mở thêm Phân hiệu Thạnh Quới, với 05 lớp 10, thầy Chu Văn Đỗ phụ trách.

 

            Năm học  2004 – 2005, huyện Vĩnh Thạnh được thành lập, thầy Chu Văn Đỗ được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Thạnh An, cô Ngô Lam Thuần được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách Phân hiệu Thạnh Quới thay thầy Đỗ. Đến năm 2008,  thầy Phạm Văn Phú được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng thay cô Thuần đi học Cao học Quản lý Giáo dục.

Đến năm học 2009 – 2010, trường lại tách cấp 2 thành THCS thị trấn Thạnh An 1, sáp nhập với trường Bán công Thạnh An thành THPT Thạnh An và dời về cơ sở mới là Trường Bán công Thạnh An và Trường Tiểu học thị trấn Thạnh An 1, đến năm học 2010 – 2011 giao cơ sở trường Bán công cũ cho Trường Tiểu học thị trấn Thạnh An 1, trường dời qua địa điểm mới, là địa điểm trường Tiểu học cũ, với 03 dãy lầu mới khang trang.

Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cả về quy mô và chất lượng, trường đạt nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc và nhiều hình thức khen cao như: 03 Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh, thành phố; 01 Cờ thi đua của Chính phủ; 03 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2006.

Với qui mô gần 90 lớp, PTTH Thạnh An vẫn là điểm sáng về chất lượng dạy và học của TP Cần Thơ

           

2 – THPT Bán công Thạnh An (1995 – 2009)

Trường THPT Bán công Thạnh An được thành lập ngày 31 tháng 9 năm 1995 theo quyết định của UBND tỉnh Cần Thơ. Trường được thành lập trong xu thế thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, xây dựng hệ thống các trường ngoài công lập. Trường tọa lạc trên khu đất hình chữ L với diện tích 10. 000m2, đặt tại trung tâm thị trấn Thạnh An, cách quốc lộ 80 khoảng 200m.

Về đội ngũ: khi mới thành lập, trường có 8 cán bộ, giáo viên được tách ra từ trường THPT Thạnh An; trong đó: Ban Giám hiệu gồm thầy Phan Văn Hợi, Hiệu trưởng; thầy Phạm Dương Công, Hiệu phó, có 06 giáo viên.

Trường Bán công thuở ban đầu: cơ sở vật chất khá khiêm tốn nhưng không gian thoáng đãng và luôn lộng gió đồng nội!

Đến năm 2004, huyện Vĩnh Thạnh được thành lập, thầy Phan Văn Hợi được điều động làm Trưởng phòng GDĐT, thầy Chu Văn Đỗ được điều động từ Trường THPT Thạnh An về làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Thanh Tùng được bổ sung làm Hiệu phó cùng thầy Phạm Dương Công,

Về quy mô lớp học: năm đầu tiên, trường có 11 lớp với hơn 300 học sinh thuộc 2 bậc THPT và THCS (khối 6 tuyển sinh năm đầu tiên). Riêng bậc THPT là các em thuộc hệ B của Trường THPT Thạnh An, không đủ điều kiện học hệ công lập.

Về công tác tài chính: do đặc thù của đơn vị thuộc loại hình bán công nên nguồn chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên là học phí của học sinh.

Về cơ sở vật chất: Từ 10 phòng học trong năm đầu mới thành lập đã dần tăng lên 22 phòng, đáp ứng việc bố trí các buổi học chính khóa cũng như tăng tiết và phụ đạo học sinh. Thư viện, thiết bị dần được đầu tư khá đầy đủ. Sân chơi bãi tập tiếp tục được san lấp đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.

14 năm tồn tại của Trường THPT Bán công Thạnh An, đã có 2253 học sinh tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học có chất lượng; 2 giáo viên đạt giải Võ Trường Toản, 4 giáo viên đạt giải Viên phấn trắng, 5 Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 4 giáo viên có bằng thạc sĩ… 

Sau 14 năm hình thành và hoạt động, Trường THPT Bán công Thạnh An đã hoàn thành sứ mệnh của mình – Một sứ mệnh khó khăn nhưng hết sức tự hào, góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho quê hương Vĩnh Thạnh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

IV – GIAI ĐOẠN 2009 – 2012

1 – THCS TT Thạnh An 1

      Trường THCS TT Thạnh An 1 được thành lập theo quyết định số 3267/QĐ – UBND ngày 9 tháng 7 năm 2009 do ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh  ký. Cơ sở phòng học của trường THCS thì ở chỗ cũ, còn trường THPT chuyển đi chỗ khác. Ban Giám hiệu gồm thầy Chu Văn Đỗ, Hiệu trưởng, thầy Phạm Đình Hưng, Hiệu phó Chuyên môn và thầy Phạm Văn Phú, Hiệu phó về CSVC.            

      Khi tách ra, trường có quy mô 36 lớp, gần 1400 HS và 83 CB – GV – CNV. Đến giữa Học kỳ 2 năm học 2010 – 2011, một dãy 12 phòng học mới, một trệt, một lầu được xây dựng và đưa vào sử dụng.

      Năm học 2011 – 2012, huyện Vĩnh Thạnh thành lập trường THCS Thạnh Tiến, trên cơ sở ghép học sinh của trường THCS Thạnh Thắng 1, đã được xóa bỏ, với các HS thuộc địa bàn xã Thạnh Tiến, xã Thạnh An, cùng 06 giáo viên của trường THCS TT Thạnh An 1.

       Sau đó thầy Nguyễn Hữu Minh cũng được điều động làm Phó Hiệu trưởng trường THCS TT Thạnh An.

      Đầu năm học 2012 – 2013, thêm 10 phòng mới được đưa vào sử dụng. Còn khu phòng tiền chế phía sau, trường THPT Thạnh An đã xin tháo dỡ 5 phòng để làm phòng tạm cho việc bồi dưỡng, phụ đạo HS. Nền đất trống sau khi dỡ phòng thì được san bằng, để làm sân bãi tập TDTT cho học sinh.

      Năm học này, trường có 31 lớp, với gần 1100 HS. Số CB – GV – CNV là 77 người.

      Qua 3 năm học, trường có 148 Học sinh giỏi huyện, 131 Học sinh giỏi TP; 37 Giáo viên giỏi trường, 10 Giáo viên giỏi huyện, 02 Giáo viên giỏi TP.

      Những dãy phòng học mới  được xây dựng trên nền đất của trường Sao Mai ngày xưa

      2 – THPT Thạnh An

Trường THPT Thạnh An được thành lập theo Quyết định số 2819/UBND ngày24/9/2009 của UBND thành phố Cần Thơ do ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP ký; trường được thành lập trên cơ sở nhập cấp 3 của Trường THPT Thạnh An với Trường THPT Bán công Thạnh An, quy mô của trường là 70 lớp với 3042 học sinh và 165 cán bộ, giáo viên, nhân viên, Ban Giám hiệu gồm: thầy Nguyễn Đức Mạnh, Hiệu trưởng; các Phó Hiệu trưởng là thầy Phạm Dương Công, thầy Nguyễn Thanh Tùng và cô Ngô Lam Thuần.

Đến tháng 01/2010, thầy Phạm Đức Quyền được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu lúc này có 05 người. Năm học 2010 – 2011, Phân hiệu Thạnh Quới được tách thành trường THPT Vĩnh Thạnh, trên cơ sở chuyển 18 lớp thuộc Phân hiệu và 38 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường THPT Thạnh An, cô Ngô Lam Thuần được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Cao Đức Thịnh, giáo viên Toán, làm Phó Hiệu trưởng.  

Quy mô của trường giảm từ 70 lớp, 3042 học sinh năm 2009 – 2010 xưống  còn 2069 học sinh năm 2010 – 2011 và 54 lớp 2011 học sinh năm 2012 – 2013, do tách Phân hiệu và quy mô cấp 2 giảm.

Đặc biệt năm học 2011 – 2012 theo chủ trương của ngành Giáo dục, trường mở thêm 02 lớp 10 phổ cập với 72 học sinh, đến năm học 2012 – 2013 tuyển thêm 03 lớp 10 phổ cập với 92 học sinh.

Trong 03 năm học của giai đoạn này, trường có 51 GVDG cấp trường, 03 GVDG cấp TP; 01 tiến sĩ, 16 thạc sĩ;  2131 học sinh tốt nghiệp THPT, 85 Học sinh giỏi cấp thành phố, 01 Học sinh giỏi khu vực, 05 học sinh đi du học Nhật Bản theo chương trình Đông Du và 05 học sinh đang chờ đi Nhật du học. Trường luôn đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”,Được UBND TP Cần Thơ tặng 07 Bằng khen, Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen năm 2012, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2011, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen  các năm 2010, 2011, 2012.

 

Lễ khai giảng năm học 2012 – 2013. Tuổi trẻ Thạnh An tự hào được học tập rèn luyện dưới mái trường đã ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng của xứ sở suốt 50 năm qua!

Ngày 23/03/2013 - 10:43:39
Tác giả: Nguyễn Đức Mạnh 

Văn bản mới nhất
Cuộc thi Giới thiệu Thư viện trường bằng Tiếng Anh
Tiết mục tham gia giao lưu "Nhảy hiện đại học sinh THPT lần thứ 1 - Năm 2019" thành phố Cần Thơ
MÌNH CÙNG NHAU ĐÓNG BĂNG - K12 THPT Thạnh An (2015-2018)

Website đơn vị

Lịch thi & Kiếm tra