Thứ sáu, 29/03/2024 16:44:18
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Thưa toàn thể quý thầy cô và các em học sinh thân mến!

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã, đang và sẽ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Người mà với tài năng và đức độ, đã cảm hóa triệu triệu trái tim của nhân loại tiến bộ trên thế giới và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Cuộc đời của Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Thưa toàn thể quý thầy cô và các em học sinh thân mến!

Ngày 19-5 hằng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng, một ngày trọng đại, có nhiều ý nghĩa sâu sắc mang tính thời đại. Trong những ngày tháng 5 này, cả nước đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ Bác, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.

Thưa toàn thể quý thầy cô và các em học sinh thân mến!

Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê nghèo Nam Đàn, Nghệ An giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, với sự áp bức tàn bạo về chính trị, bóc lột nặng nề về kinh tế, nô dịch về văn hóa đã tạo nên sự căm phẫn tột độ của các tầng lớp nhân dân, nhất là của quần chúng nhân dân lao động.

Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, đặt ra yêu cầu Một là, phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; Hai là, xoá bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, chủ yếu là ruộng đất cho nông dân. Trong đó, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi như Phong trào Cần Vương - phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. 

Ngày 05/6/1911 khi mới tròn 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Bác hồ đã tạm biệt quê hương ra đi tìm đường để cứu nước, cứu dân.

Trong bài thơ: Người đi tìm hình của nước, Của Nhà thơ Chế Lan Viên “Ánh sáng và phù sa” - 1960 có đoạn viết:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre


Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.

Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin; bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất mới của thời đại mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga, Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bước chân trở về sau 30 năm bôn ba bắt đầu từ địa đầu núi rừng phía bắc Tổ quốc. 30 năm là một chặng đường dài với biết bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, tư tưởng, từ thân phận nô lệ trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường và sáng tạo. Nhưng điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc là sự trưởng thành đó gắn liền với vận mệnh của đất nước.

'Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi!'...

(Trích trong cuốn Thơ Tố Hữu, Nhà xuất bản Giáo dục - 1998).

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.

Thưa toàn thể quý thầy cô và các em học sinh thân mến!

Chúng ta đang được sống trong Thời đại Hồ Chí Minh - một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta lại càng biết ơn Bác kính yêu và nguyện ra sức phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hoá Việt Nam.

Thưa các thầy cô giáo và các em thân mến!

Trước lúc ra đi, Người đã chủ động viết Di chúc, để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, cho toàn thể bộ đội và những lời căn dặn tâm huyết cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa. Tuy sức khỏe giảm sút, nhưng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nồng cháy một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào, toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và với cách mạng thế giới.

Người vẫn tin “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn” nhưng Bác ra đi vẫn chưa đành với Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu. Mỗi người con Việt Nam luôn cảm nhận được tình cảm sâu đậm trong trái tim Người từ những hình ảnh “đôi dép cao su” đến tình yêu thương vô bờ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ lụa tặng già.

Sự giản dị của Người được nói bằng thơ, có sức mạnh giáo dục lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bác Hồ ơi!, tiếng gọi thiêng liêng không bao giờ tắt, một lời giục giã chúng ta suốt đời học tập và phấn đấu theo phong cách vĩ đại của Người. Bác luôn gần gũi với con người và thiên nhiên. Từ sự dung dị của đời thường đến phong cách vĩ đại của người cộng sản. Bác đã khơi nguồn cảm hứng cho toàn dân quyết dốc lòng, dốc sức giải phóng miền Nam, xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH, tiến tới thống nhất đất nước, vì thế, khát vọng của những đứa con thành đồng Tổ quốc là khát vọng hòa bình.

Miền Nam đang thắng mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm thấy Bác cười.

Chưa có một vị lãnh tụ nào mà quan tâm đến các cháu thiếu niên nhi đồng như Bác. Cả cuộc đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem cả dân tộc, đồng bào là gia đình riêng của mình. Và trong muôn vàn tình cảm yêu thương của Người đối với nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên, nhi đồng. Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đoạn mở đầu, Bác viết: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...". Đoạn kết thúc, Bác lại viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…"

Từ ngày Bác đi xa, lớp trước tiếp lớp sau, lớp này qua lớp khác, các cháu thiếu nhi tiếp tục phấn đấu thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy, noi theo những tấm gương oanh liệt, anh hùng Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc… hàng triệu các cháu trong phong trào nghìn việc tốt đã đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của Người.

Thưa các thầy cô giáo và các em thân mến!

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người. Mỗi thầy cô giáo, viên chức, học sinh của nhà trường hãy cố gắng xứng đáng là một người thầy tốt, là học trò, con cháu của Bác Hồ.

Để làm tốt hơn học tập và làm theo Bác, tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) một cách cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ chính trị, công tác dạy thật tốt, học thật tốt và giáo dục học sinh trở thành những con người tốt, chăm ngoan.

Hai là, áp dụng và nhân rộng những hình ảnh thầy cô giáo luôn quan tâm, gần gũi với học sinh; những thầy cô có cách dạy cho học sinh dễ học, dễ hiểu, tạo sức lan tỏa, khơi dậy được niềm tin, nhiệt huyết và lý tưởng từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi học sinh trong toàn trường.

Ba là, Đội thiếu niên, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục phát hiện và tôn vinh kịp thời các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây” để xây dựng cảnh quan nhà trường luôn sáng – xanh – sạch – đẹp.

Năm là, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt liên đội dưới cờ. Tổ chức lễ kết nạp lớp đội viên mới nhân kỷ niệm 79 năm Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, kính chúc tất cả quý thầy cô giáo, viên chức và học sinh nhà trường luôn vui,  khỏe, dạy tốt, học tốt. Xin mượn lời bài thơ  “Bác ơi” của Tố Hữu nhớ Bác Hồ.

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!"./.

                                                   

Tác giả: Đinh Văn Quyết - HTr Thcsdraybhang
data/18362917689589053428/tintuc/files/05.2020/ph%C3%A1t%20bi%E1%BB%83u%20k%E1%BB%B7%20ni%E1%BB%87m%20130%20n%C4%83m%20sinh%20nh%E1%BA%ADt%20b%C3%A1c.pdf

Xem thêm