Giới thiệu

1.Cuộc đời và sự nghiệp nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt.

 






 
 Hoàng Quốc Việt (1905-1992) là nhà cách mạng, chính trị gia, nguyên Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. 


    Ông tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1905, tại Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay là phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Ông tham gia các phong trào cách mạng từ năm 1925, cùng hoạt động với Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Năm 1925, học năm thứ ba Trường Kĩ nghệ Thực hành ở Hải Phòng, tham gia phong trào bãi khoá và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, Hoàng Quốc Việt lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội rồi về làm ở mỏ Mạo Khê (Quảng Yên) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng). Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Năm 1929 ông được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật. 
    Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ông vào Nam Kỳ và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng bị Pháp bắt và xử tù chung thân cùng với Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... nhưng đến năm 1936 thì được trả tự do. ông trở về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí của mình khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ. 
    Năm 1937, ông được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1938, do bị chính quyền trục xuất khỏi Hà Nội, Hoàng Quốc Việt về hoạt động ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm 1941, ông tham dự Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh chủ trì, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương. Ông tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám, sau đó được cử vào Nam công tác. Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), Hoàng Quốc Việt lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận-Mặt trận, và giữ cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. 
    Năm 1960, ông trở thành Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung. Tháng 12 năm 1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), Đại biểu Quốc hội từ khóa V-VIII. 
     Ông mất ngày 25 tháng 12 năm 1992, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng cùng nhiều huân chương khác. Tên ông được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt cho đường kéo dài từ đường Bưởi (dốc Bưởi) đến đường Phạm Văn Đồng. Tại thành phố Bắc Ninh cũng có một công viên và tượng đài Hoàng Quốc Việt để tưởng niệm ông.

2. Đồng chí Hoàng Quốc Việt và việc thành lập trung đội Cứu quốc quân II
        Sau khi đàn áp trung đội Cứu quốc quân I và phong trào cách mạng Bắc Sơn, thực dân Pháp chuyển lực lượng xuống khủng bố phong trào cách mạng Võ Nhai. Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo khu căn cứ cách mạng Võ Nhai chủ trương tổ chức lực lượng tự vệ làm nòng cốt cho nhân dân chống địch khủng bố. Ðồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Ðảng được phân công ở lại, đã quán triệt cho Ðảng bộ Võ Nhai về đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và tổ chức lực lượng chống địch khủng bố. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, ngày 15-9-1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập, gồm 36 cán bộ, chiến sĩ (có ba nữ), biên chế năm tiểu đội.Trung đội trưởng của Trung đội cứu quốc quân II là đồng chí Chu Văn Tấn.  Ðồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Ðảng công nhận, trao lá cờ đỏ sao vàng và giao nhiệm vụ cho Trung đội.

Lễ thành lập trung đội Cứu quốc quân II tại rừng Khuôn Mánh thôn Ngọc Mỹ, 
xã Tràng Xá ngày 15/9/1941

Bác Nguyễn Văn Tiệu - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy huyện Võ Nhai ôn lại
cho các em học sinh trường THPT Hoàng Quốc Việt (14/9/2011)
về sự thành lập trung đội Cứu quốc quân II

3. Trường THPT Hoàng Quốc Việt
    Trong 5 năm qua, nhà trường đã có những bước phát triển, lớn mạnh về tổ chức bộ máy, về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất và đặc biệt là chất lượng giáo dục đào tạo. 
    Trước những năm học 2005-2006, các em học sinh bậc THPT thuộc 5 xã phía nam huyện Võ Nhai phải vượt qua bao khó khăn từ điều kiện kinh tế đến việc phải đi ra trung tâm huyện để học, từ nhà đến trường có em phải đi hơn 30km. Nhiều em đã không vượt qua được khó khăn, phải bỏ dở việc học hành, nên thực hiện nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho nhân dân ở 5 xã phía nam huyện còn rất khó khăn. Năm học 2005-2006, Thầy Hà Văn Luyện – Hiệu trưởng trường THPT Võ Nhai đã tham mưu đề nghị với Huyện ủy, UBND huyện, với Sở GD&ĐT Thái Nguyên và được đồng ý lập phân hiệu của trường THPT Võ Nhai gồm 4 lớp 10, tuyển học sinh thuộc 5 xã phía nam Huyện học tại trường THCS Tràng Xá, thầy giáo Hà Văn Siên – Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Nhai được giao nhiệm vụ quản lý phân hiệu này. Đây là cơ sở ban đầu để thành lập trường THPT mới trên địa bàn 5 xã phía Nam huyện.
    Với sự tham mưu, xây dựng đề án, đề nghị thành lập trường THPT ở phía Nam huyện Võ Nhai của Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Võ Nhai đối với UBND Tỉnh, sự phối hợp tốt với Sở GD&ĐT Thái Nguyên, nên cách đây 5 năm, ngày 13/6/2006 trường THPT Hoàng Quốc Việt được UBND Tỉnh Thái Nguyên ra quyết định thành lập.
Ngày 01/8/2006 UBND tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm thầy giáo Nguyễn Đức Thịnh-Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú làm Hiệu trưởng nhà trường, Sở GD&ĐT ra quyết định điều động 07 thầy, cô giáo từ trường THPT Võ Nhai vào công tác và tuyển dụng thêm các thầy cô giáo mới. Năm học đầu tiên của nhà trường với 23 thầy cô giáo, 04 nhân viên hành chính, bảo vệ và 456 em học sinh ở 6 lớp 10 và 4 lớp 11 thuộc 5 xã phía nam huyện Võ Nhai. Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, của UBND huyện Võ Nhai, sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền xã Tràng Xá, sự tạo điều kiện của trường THCS Tràng Xá, nên ngày 04/9/2006 đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập trường và lễ khai giảng năm học đầu tiên của nhà trường tại trường THCS Tràng Xá.
       Mặc dù trường có quyết định thành lập, đã có đội ngũ các thầy cô giáo, có các em học sinh nhưng cơ sở vật chất nhà trường từ bàn ghế đến lớp học chưa có, đất xây dựng trường lúc đó mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, thầy và trò có nhiều khó khăn: Chi bộ, BGH, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hành chính nhà trường cùng làm việc trong căn phòng 20m2; các thầy cô giáo chủ yếu từ huyện khác đến, được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của chính quyền, nhân dân xã Tràng Xá, của trường THCS Tràng Xá các thầy cô giáo đã được ở nhờ nhà công vụ trường THCS Tràng Xá, căn nhà chính và nhà bếp cũ của bác Nguyễn Hữu Ưa – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá, Nhà văn hóa xóm Làng Đèn, phòng điều trị Trạm y tế xã Tràng Xá, phòng phòng việc của trường Mầm non Tràng Xá; rồi đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều... Năm học đầu tiên với cơ sở vật chất chung với trường THCS Tràng Xá, dù có rất nhiều khó khăn bộn bề nhưng hoạt động của trường vẫn hoàn thành theo kế hoạch. Kết quả bước đầu còn khiêm tốn: trong số 25 CBGV, NV nhà trường có 01 cô giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 11 thầy cô đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; trong số 456 học sinh có 59 học sinh đạt danh hiệu HSTT, 01 học sinh giỏi toàn diện, 02 học sinh giỏi cấp tỉnh; Đoàn trường xếp loại xuất sắc được Tỉnh đoàn khen tặng.
Các thầy cô giáo ngày đầu thành lập phân hiệu trường THPT Hoàng Quốc Việt
chụp hình lưu niệm cùng với lãnh đạo sở tại Trường THCS Tràng Xá, Võ Nhai năm 2006.
        Năm học 2007-2008. trường vẫn tiếp tục hoạt động với cơ sở vật chất chung trường THCS Tràng xá, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường là 42 đồng chí, 3 khối lớp với 676 học sinh. Các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và các em học sinh nhà trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tổ chức và tham gia các hoạt động giáo dục, đạt kết quả đã đạt được những thành tích khởi sắc: trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 03 thầy cô giáo được công nhận là GVDG cấp tỉnh, 10 CSTĐ cấp cơ sở, 22 lao động tiên tiến, 108 học sinh tiên tiến, 6 học sinh giỏi toàn diện, 36 học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhất bóng chuyền nam trong Ngày hội văn hoá – TT các dân tộc huyện Võ Nhai, 08 học sinh đỗ đại học, 02 học sinh đạt huy chương đồng tại HKPĐ toàn quốc và nhiều thành tích khác. Nhưng nhà trường còn trăn trở với tỷ lệ tốt nghiệp THPT còn thấp là 59%. Đồng thời, cơ sở vật chất của nhà trường bắt đầu được đầu tư xây dựng trên địa điểm đã quy hoạch.
Năm học 2008-2009, năm học thứ ba của nhà trường vẫn tiếp tục học chung cơ sở vật chất với trường THCS Tràng Xá, hoạt động giáo dục của nhà trường đã ổn định, chất lượng giáo dục được nâng lên, đội ngũ các thầy cô giáo có chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được khẳng định. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường là 48, học sinh cả 3 khối lớp là 691 em.Trường tiếp tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, có 20 học sinh đỗ đại học, 20 học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều danh hiệu cao trong hoạt động chuyên môn, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương, ở ngành mà thầy và trò nhà trường đạt được.
Đến tháng 5 năm 2009, trường được chuyển sang địa điểm hiện nay với 1 nhà 3 tầng 15 phòng dành cho học tập, làm việc và tiếp tục được đầu tư xây dựng giai đoạn II với 1 nhà hiệu bộ, 1 nhà 3 tầng.
       Năm học 2009-2010, năm học đầu tiên nhà trường có cơ sở vật chất riêng, khó khăn đã được phần nào vơi bớt. Vì vậy hoạt động của nhà trường đã được triển khai thực hiên có kết quả cao hơn, cụ thể trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, Đoàn trường được Trung ương đoàn tặng Bằng khen, Chi bộ đạt Chi bộ Trong sạch vững mạnh tiêu biểu, có 06 thầy cô giáo đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 11 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có 28 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1, 21 học sinh giỏi cấp tỉnh, 9 học sinh giỏi toàn diện, 156 học sinh tiên tiến, tỷ lệ tốt nghiệp là 78,24%.
      Năm học 2010-2011, nhà trường có 49 cán bộ giáo viên, nhân viên và 739 học sinh ở 3 khối lớp. Cơ sở vật chất nhà trường đã tương đối đầy đủ với 2 nhà lớp học 3 tầng, 1 nhà hiệu bộ, khuôn viên nhà trường đã đầu tư xây dựng khang trang, có 2 nhà công vụ với 18 phòng dành cho hơn 30 thầy cô ở, 2 nhà nội trú học sinh với 70 học sinh ở nội trú. Chất lượng giáo dục, thành tích của nhà trường ngày càng được nâng lên. Năm học này trường tiếp tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được UBND tỉnh tặng bằng khen, có 09 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 04 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chi bộ tiếp tục được công nhận là Chi bộ Trong sạch vững mạnh tiêu biểu, có 41 học sinh giỏi cấp tỉnh, 11 học sinh giỏi toàn diện, có 1 học sinh tham gia đoàn học sinh của Sở GD&ĐT thi Giai điệu tuổi hồng cấp toàn quốc, góp phần đưa đoàn Thái Nguyên đạt giải nhất, 35 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1, tỷ lệ tốt nghiệp là 87,9%.
      5 năm hoạt động, trải qua bao khó khăn nhưng nhà trường đã dần tạo lập được uy tín trong hoạt động giáo dục của mình, được nhân dân địa phương tin cậy khi con em mình được học tập tại trường, được chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT ghi nhận. Sự thành công đó là do sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ giáo viên nhà trường, của các em học sinh nhà trường.
      Trong đó tiêu biểu thầy giáo Nguyễn Đức Thịnh – nguyên là Hiệu trưởng nhà trường, người đã có vai trò quan trọng nhất trong việc đưa nhà trường dần ổn định và phát triển trong 5 năm vừa qua, thầy là là tấm gương sáng về lối sống và  sự tận tụy vì công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu, thầy đã tích cực tham mưu với địa phương, với Sở GD&ĐT để hoàn thiện cơ sở vật chất, quy mô cho nhà trường, thầy luôn quan tâm động viên các thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thầy cô giáo, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Các thầy cô giáo cũng đã không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực nghiệp vụ chuyên môn, tiêu biểu như cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Hảo, Hoàng Tú Hằng, thầy Nguyễn Toàn Thắng, Trần Văn Hải... Về phía các em học sinh cũng đã có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện góp phần nâng cao thành tích cho nhà trường, tiêu biểu như em Nguyễn Kim Huệ, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Đình Luân, Bùi Tuấn Kiên, Hà Nam Anh ... 
      Năm học 2011-2012 , nhà trường có 52 cán bộ giáo viên, nhân viên và 750 em học sinh dưới sự lãnh đạo của thầy hiệu trưởng Lê Hải Thanh, với cơ sở vật chất đã tương đối đầy đủ; với tiền đề tốt đẹp, thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu đưa nhà trường tiếp tục vững bước phát triển.  
Khuôn viên nhà trường năm học 2011 – 2012

Văn bản mới nhất
Tự hào Việt Nam - Rừng Khuôn Mánh
Múa 'Âm vang Tây Nguyên'
Ngày hội đến trường
Niềm vui ngày khai trường

Thăm dò ý kiến

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu đổi mới thi cử. Theo bạn, nên:

Tổ chức riêng 2 kỳ thi Quốc gia: thi tốt nghiệp và thi đại học
Chi tiết
Tổ chức 1 kỳ thi Quốc gia, vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học
Chi tiết
Xét công nhận tốt nghiệp, tổ chức 1 kỳ thi tuyển sinh đại học
Chi tiết
Khác
Chi tiết