Thứ bảy, 20/04/2024 13:49:16

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG PTTH CỜ ĐỎ - TRƯỜNG THPT HÀ HUY GIÁP

                                                                        Nguyễn Thanh Phú - Hiệu trưởng

 

I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

1. Thành lập trường

Vào đầu thập niên 80, xã Thới Đông cũ (nay thuộc huyện Cờ Đỏ) là xã vùng sâu của tỉnh Hậu Giang (nay là TP. Cần Thơ) giao thông chính là đường thủy, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn. Học sinh trong khu vực xã sau khi tốt nghiệp lớp 9 đa số phải nghỉ học và chỉ ở nhà để phụ giúp gia đình. Nhằm tạo điều kiện để học sinh tiếp tục học cấp III, Đảng ủy, chính quyền địa phương, cùng PHHS đã vào cuộc, vận động thành lập trường cấp III tại địa phương. Ban vận động gồm: Ông Lê Tấn Phương (Bí thư Đảng ủy), ông Nguyễn Văn Trị (Chủ tịch UBND xã) cùng các vị PHHS gồm: Ông Phạm Công Sở, ông Trần Văn Phú, ông Nguyễn Quan Quận, ông Trần Văn Hoài, ông Nguyễn Văn Tư, ông Tư Nhơn, ông Phan Quang Mâng, ông Bảy Bắc. Quyết tâm của Ban vận động đại diện cho nhân dân địa phương đã trở thành hiện thực, Năm học 1980 – 1981, ngành giáo dục cho phép mở phân hiệu cấp III, trực thuộc trường cấp III Ô Môn.

Buổi sáng ngày 5 tháng 9 năm 1980, vào lúc 8 giờ, gần 90 học sinh, các thầy giáo, đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục, tập trung đầy đủ, hân hoan, phấn khởi chào đón ngày khai giảng năm học đầu tiên của nhà trường, ngày khai sinh của trường THPT Hà Huy Giáp hiện nay.

2. Các giai đoạn trước đổi tên trường

Năm học 1982 – 1983 là năm học đầu tiên phân hiện cấp III trực thuộc trường cấp III Ô Môn có 01 lớp 12 đầu tiên gồm 33 học sinh. Năm học này, trường được phép tách riêng khỏi trường cấp III Ô Môn và mang tên trường cấp III Thới Đông. Toàn trường có 05 lớp học gồm 01 lớp 12, 02 lớp 11 và 02 lớp 10 cùng với 12 thầy cô giáo.

Năm học 1985 – 1986, trường cấp III Thới Đông được đổi tên thành trường PTTH Cờ Đỏ.

Từ năm học 1989-1990: trường cấp II Thới Đông sáp nhập với trường PTTH Cờ Đỏ thành lập trường cấp II – III Cờ Đỏ theo Quyết định số 88/TCCB – ngày 01/8/1989 của Giám đốc Sở Giáo dục Hậu Giang, cơ sở vật chất nhà trường lúc nayuf có 08 phòng lớp, toàn trường có 15 lớp (11 lớp cấp II và 04 lớp cấp III), gồm 689 học sinh và 21 thầy cô giáo.

Từ 1990 đến 1999 là giai đoạn rất khó khăn của nhà trường. Trong bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến tốt sau giai đoạn bao cấp, nhiều thầy cô giáo bỏ việc, cơ sở vật chất nhà trường chắp vá, không có sân chơi, bãi tập, chưa có hàng rào bao quanh. Đội ngũ thầy cô giáo thiếu trầm trọng, phải sử dụng giáo viên cấp II dạy cho cấp III. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp II hàng năm không vượt quá 70%, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm cáo nhất 59%. Có lúc tưởng chừng không duy trì được trường cấp III tại địa phương.

3. Từ khi mang tên trường THPT Hà Huy Giáp

Năm học 1999 – 2000, trường PTTH Cờ Đỏ được đổi tên thành trường THPT Hà Huy Giáp theo Quyết định số 1652/QĐ.UBT.TCCB ngày 28/6/1999 của UBND tỉnh Cần Thơ. Toàn trường có 24 phòng học với 53 lớp, tổng số học sinh là 2.189, trong đó cấp II có 42 lớp với 1.575 học sinh, cấp III có 11 lớp với 432 học sinh. Về đội ngũ có 72 CB-GV-CNV.

Đến năm học 2004 – 2005, toàn trường có 34 phòng học với 64 lớp, gồm 2.648 học sinh. Từ năm học 2000-2001 đến 2004-2005, toàn trường đã nỗ lực phấn đấu tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và đạt kết quả khả quan hơn giai đoạn trước đổi tên trường. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp II luôn trên 90%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2000-2001: 92,7%, năm 2001-2002: 68,4%, năm 2002-2003: 79,24%, năm 2003-2004: 91,92%, năm 2004-2005: 65,22%. Số học sinh giỏi cấp thành phố, số học sinh đỗ vào đại học cũng khả quan hơn nhưng không ổn định.

Từ năm 2005 – 2006: Bộ phận cấp II của trường THPT Hà Huy Giáp được tách thành trường THCS Cờ Đỏ. Trường THPT Hà Huy Giáp chỉ còn cấp III. Với quyết tâm giảm tỷ lệ học sinh yếu, tỷ lệ học sinh bỏ học thông qua việc phụ đạo học sinh yếu vào buổi chiều, tận dụng các nguồn xã hội hóa, khuyến học để giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Bên cạnh đó, sự đồng thuận thống nhất trong hội đồng sư phạm, sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm với quyết tâm cao của lực lượng giáo viên trường đã tạo nên sức mạnh tập thể trong việc giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, học sinh yếu. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2005-2006: 100%, năm 2006-2007: 98,1%, năm 2007-2008: 94,57%, năm 2008-2009: 93,06%, năm 2009-2010: 97,4%, năm 2010-2011: 100%, năm 2011-2012: 100%, năm 2012-2013: 100%, năm 2013-2014: 100%, năm 2014-2015: 100% . Tỷ lệ học sinh giói cấp thành phố, học sinh đỗ vào đại học và cao đẳng hàng năm đều tăng.

II. HƯỚNG PHẤN ĐẤU

Nhằm không ngừng củng cố và phát triển nhà trường trong thời gian tới cần phấn đấu theo các mục tiêu:

1. Phát triển đội ngũ

Trong giai đoạn 2010-2015 nhà trường phải hoàn thành chuẩn đối với cán bộ quản lý và có 15% giáo viên đào tạo sau đại học. Nâng cao trình độ, tay nghề của giáo viên, cán bộ quản lý đã là việc khó thì việc giữ chân các giáo viên giỏi xa nhà đến công tác tại địa phương (70%) lại là việc khó hơn, trong điều kiện giáo viên ở tập thể còn khó khăn, địa phương thuộc vùng kinh tế phát triển còn chậm. Việc ổn định lực lượng giáo viên cốt cán cũng là yêu cầu cấp thiết cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương.

2. Nâng cao chất lượng dạy và học

Tuyển sinh lớp 10 thực hiện theo hình thức xét tuyển lến đến trên 80%. Trong đó, số học sinh giỏi được tham gia thi tuyển vào trường chuyên Lý Tự Trọng hoặc THPT Châu Văn Liêm, nên mặc dù trúng tuyển nhưng số học sinh giỏi này không học tại trường, từ đó số học sinh giỏi có phần hạn chế bên cạnh số học sinh yếu kém lại rất nhiều.

a)     Giảm tỷ lệ học sinh yếu kém

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, số học sinh có điều kiện học thêm không nhiều. Nhà trường cần phối hợp với hội cha mẹ học sinh trong việc phụ đạo học sinh yếu. Việc đánh giá học tập, rèn luyện của học sinh yếu cũng không nhất thiết bó buộc theo khung của phân phối chương trình mà cần có sự thống nhất chung của tổ bộ môn nhằm tránh gây áp lực tâm lý, qua đó rèn luyện dần ý thức học tập cho học sinh yếu, tạo điều kiện để các em vươn lên trung bình ở cuối năm học.

b) Bồi dưỡng học sinh giỏi

Với thực trạng đầu vào học sinh giỏi không nhiều, số học sinh có điều kiện về kinh tế để đi học thêm ít. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài phải được xem là nhiệm vụ thường xuyên và vinh dự của nhà trường.

b)     Cải tiến hiệu quả dạy và học

Thông qua việc tự học, tự rèn, giáo dục ý thức học tập, cải tiến sinh hoạt tổ chuyên môn, cải tiến công tác quản lý phải được xem là hoạt động trọng tâm thường xuyên và phải được bổ sung, cải tiến thông qua việc kiểm tra, tổ chức tọa đàm. Bên cạnh đó, việc động viên, khen thưởng, xử lý kịp thời cũng không kém phần quan trọng nhằm ổn định tỷ lệ lên lớp thẳng đúng thực chất, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học của học sinh yếu, ổn định tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ vào đại học, cao đẳng là những mục tiêu cần phấn đấu liên tục.

3. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học

Về trang thiết bị: Phấn đấu trong vòng 3 đến 5 năm trang bị tương đối hoàn chính các thiết bị phục vụ cho việc dạy và học tất cả các môn học. Đặc biệt, chú ý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy và học tập để nâng cao hiệu quả đào tạo của nhà trường.

Về thư viện trường học; chú trọng việc xây dựng theo hướng đạt chuẩn, tăng cường đầu tư sách tham khảo, sách nghiên cứu, báo chí phục vụ mở mang kiến thức, nâng cao trình độ của giáo viên và học sinh.

4. Phát huy dân chủ hóa, xã hội hóa trong hoạt động nhà trường

a) Tăng cường dân chủ

Trường THPT Hà Huy Giáp về CSVC trang thiết bị còn nhiều khó khăn, giáo viên không ổn định, đa số đều trẻ nhưng trong các năm qua đã vượt khó vươn lên đạt được những thành tích nhất định so với khoảng thời gian trước phần lớn là nhờ ở sự đồng thuận trong hội đồng sư phạm, sự đoàn kết của các tổ bộ môn.

b) Xã hội hóa các hoạt động giáo dục của nhà trường

Đẩy mạnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thông qua việc tuyên truyền, phối hợp các biện pháp, chủ trương của nhà trường trong hoạt động giáo dục học sinh, giúp đỡ nhà trường xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Thành lập “Hội cựu học sinh trường THPT Hà Huy Giáp”   phối hợp tốt với hội khuyến học của địa phương để tranh thủ nguồn hỗ trợ của xã hội nhằm giúp đỡ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có tinh thần hiếu học, giúp đỡ cho đội ngũ giáo viên góp phần xây dựng xã hội học tập.

Với truyền thống đoàn kết, với tinh thần vượt khó, năng động, từ những thành tích ban đầu đạt được của thầy và trò trường THPT Hà Huy Giáp cùng với sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, chính quyền, sự tin yêu của nhân dân địa phương, chúng ta tin tưởng rằng nhà trường sẽ tiếp tục vững bước. đạt nhiều thành quả hơn, xứng đáng là trung tâm văn hóa của địa phương.