Ngày: 19/02/2016
LTS: Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, tình trạng học sinh không thực hiện quy định, nội quy kỷ luật của nhà trường xảy ra khá thường xuyên và vấn đề học sinh bỏ học dài ngày khiến giáo viên, Nhà trường đau đầu.
Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Văn Khánh mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Sau kì nghỉ Tết, khi trở lại trường lớp là lúc nhiều học sinh vi phạm nội quy của nhà trường như: Cách ăn mặc, tóc tai, móng tay, móng chân, tình trạng bạo lực học đường…Nhưng, có lẽ tình trạng chán học, bỏ học của một bộ phận học sinh khiến cho thầy cô lo lắng nhất.
Với tâm lí Tết là để cho con em mình thoải mái và cần xả hơi sau những tháng ngày học tập căng thẳng nên nhiều phụ huynh ít quan tâm đến việc học con em mình.
Một số em trước Tết còn rất ngoan hiền nhưng chỉ qua thời gian nghỉ Tết đã thay đổi hoàn toàn từ ngoại hình đến tâm tính.
Muôn vàn nỗi lo của Nhà trường sau Tết (Ảnh: baoquangngai.vn) |
Nhiều học sinh nữ khi vào trường học mà diện mái tóc nhiều màu, móng tay, móng chân sơn lòe loẹt. Thậm chí, nhiều em mới chỉ học ở bậc Trung học cơ sở đã trang điểm khuôn mặt đậm màu son phấn.
Học sinh nam thì có những mái tóc nham nhở, “lạ”, nhiều em còn chưa mặn mà với trường với lớp nên cứ la cà quán xá hoặc có đi học thì cũng không mang theo sách vở. Một số em thì chỉ ngồi hết tiết thứ 2 đợi ra chơi để trốn tiết.
Tình trạng kết bè phái trong học sinh cũng được nhân lên sau Tết. Nhiều em đã tiếp xúc, giao du với nhiều bạn bè xấu bên ngoài trường, rồi dẫn đến đến tình trạng mâu thuẫn cự cãi, thậm chí là đánh nhau giữa các học sinh trong trường và học sinh trong trường với thanh thiếu niên bên ngoài.
Nhưng, có lẽ sự khó khăn nhất đối với các đơn vị trường học và đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm lớp là tình trạng bỏ học sau Tết. Nhiều địa phương có tỉ lệ học sinh bỏ học cao thì sau Tết lại càng khiến thầy cô vất vả.
Bởi khi học sinh bỏ học thì thầy cô giáo phải đến nhà học sinh vận động các em trở lại lớp học, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách từ sự bất hợp tác của học sinh và phụ huynh.
Nhiều học sinh bỏ học sau Tết có nhiều lí do nhưng chủ yếu là do học sinh ham chơi, bị bạn bè xấu lôi kéo, một số em bị tiêm nhiễm những tệ nạn xã hội, một số em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn…
Xuất phát từ lương tâm của người thầy nên mỗi khi trong lớp có học sinh bỏ học là Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng cán bộ xã, thôn, ấp đến nhà vận động các em trở lại lớp.
Nhưng đa số những học sinh bỏ học đều bắt nguồn từ sự thờ ơ của chính phụ huynh. Nhiều khi thầy cô đến nhà học sinh vận động gặp cảnh cha mẹ các em đang mải mê bên bàn nhậu hay cãi nhau trên chiếu bạc không còn là chuyện hiếm nữa.
Nhiều em học sinh còn tụ tập xem người thân của mình đang đánh bài bạc. Chính từ sự mải mê của cha mẹ như vậy đã có những tác động rất lớn đến tâm lí của các em học sinh.
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên Đán là nhà trường, thầy cô ở một số địa phương lại tất bật với công việc trường lớp.
Không chỉ uốn nắn lại tư tưởng chưa phù hợp của một số em học sinh, về ngôn phong, cách ăn mặc của các em mà còn vất vả đi đi lại lại với những học sinh bỏ học.
Để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm nội qui nhà trường, chưa phù hợp với văn hóa truyền thống và tình trạng học sinh bỏ học sau Tết là đòi hỏi sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.
Một khi các bậc phụ huynh còn thờ ơ, chưa coi trọng việc học, việc giáo dục đạo đức của con em mình, coi việc dạy dỗ con cái là trách nhiệm của nhà trường, của xã hội thì việc giáo dục các em và việc vận động học sinh trở lại lớp học sẽ còn rất nhiều khó khăn và thử thách.
Nguyễn Văn Khánh