Thứ ba, 23/07/2024 05:38:23
Chặn bạo lực học đường nhờ phòng tư vấn và giáo viên chủ nhiệm

Nửa cuối tháng 3, ít nhất có ba vụ bạo lực học đường, trong đó có vụ nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) bị năm bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng, quay video. Nạn nhân chia sẻ thấy "cô đơn" khi nhiều lần bị đánh mà không dám nói với giáo viên hay bố mẹ, các bạn dù biết không dám lên tiếng.

Theo thầy Đỗ Văn Giảng, Trưởng văn phòng tư vấn học đường trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), không chỉ nữ sinh trường Phù Ủng thấy cô đơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 57,2% học sinh cuối cấp THCS lâm vào tình trạng này, 55,5% cảm thấy mệt mỏi, gần 80% khó tập trung học tập và hơn 82% có tâm trạng căng thẳng.

"Kết quả trên cho thấy hiện tượng trầm cảm, bi quan, sợ hãi luôn thường trực trong học sinh, khiến các em mất tự tin, chán nản, có thể dẫn đến hành vi dại dột, trong đó có bạo lực học đường", thầy Giảng nói và cho rằng nhà trường cần hình thành phòng tư vấn tâm lý nhằm giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn.

Được thành lập năm 1989 nhằm thu hút học sinh cá tính đặc biệt, bị các trường công lập từ chối, trường THPT Đinh Tiên Hoàng có phòng tư vấn tâm lý từ đầu những năm 2000, trở thành trường học miền Bắc đầu tiên có văn phòng này.

Trong những ngày đầu, Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm, nay là Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chọn một số giáo viên có kinh nghiệm, tập hợp thành nhóm để làm công tác tư vấn. Thầy Lâm mời một số chuyên gia ở các đại học về giúp bồi dưỡng cho giáo viên chủ nhiệm cách tiếp cận và hiểu học sinh.

Sau khoảng 10 năm, trường thành lập văn phòng tư vấn tâm lý học đường để bất kỳ học sinh nào gặp khó khăn trong học tập, đời sống đều có thể tìm đến nhờ giải quyết. Ở trường Đinh Tiên Hoàng, vấn đề hay gặp nhất là đánh nhau, yêu sớm, có thai, bị lạm dụng tình dục, bỏ học, nghỉ học nhiều... Trường từng có học sinh mang thai. Không yêu cầu bỏ hay giữ, cũng không đuổi học, nhà trường tư vấn để em tự lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho bản thân.

Với những học sinh nghỉ học quá số ngày quy định, các em sẽ không bị lưu ban, ngược lại văn phòng tư vấn học đường sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu để đưa quay trở lại lớp học.

Ngoài tư vấn tâm lý trực tiếp, trường Đinh Tiên Hoàng đưa những chương trình giáo dục kỹ năng, giá trị sống vào giảng dạy đại trà. Đây là trường đầu tiên đưa giá trị sống vào dạy cho học sinh nhằm giúp các em có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Văn phòng cũng tổ chức các buổi nói chuyện về những vấn đề học sinh quan tâm như yêu sớm, tình yêu tuổi học trò...

Phòng tâm lý học đường trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: D.T

Phòng tâm lý học đường trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: D.T

Tương tự trường Đinh Tiên Hoàng, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) mở Phòng tâm lý nhằm hạn chế vấn đề nổi cộm như đánh nhau, chán học, vướng mắc tình cảm hay gặp căng thẳng trong cuộc sống, học tập. "Những năm qua, trường chưa xảy ra vụ bạo lực nào giữa học sinh với nhau hay giữa giáo viên với học sinh", thạc sĩ Bùi Thị Nga, chuyên viên Phòng tâm lý, nói.

Phòng tâm lý của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiệm vụ tư vấn, tham vấn cá nhân hoặc nhóm cho học sinh, tổ chức các chương trình nhằm ngăn ngừa hành động tiêu cực. Trung bình, một học sinh được tham gia tối thiểu 2-3 chương trình mỗi năm. Ngoài ra, các em còn được giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, nâng cao đời sống cũng như trang bị kỹ năng ứng phó với các tình huống. Học sinh tiểu học được học một tiết mỗi tuần, cấp THCS học khoảng 20 tiết/năm.

Phòng tâm lý cũng tổ chức nhiểu buổi tập huấn chuyên đề cho cả giáo viên và phụ huynh. Nhà trường còn có câu lạc bộ để phụ huynh được học về kỹ năng sống, có buổi họp chuyên gia tâm lý đến nói chuyện, giúp phụ huynh hiểu con hơn, biết cách để hướng dẫn con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khẳng định phòng tư vấn tâm lý học đường với những chuyên viên có chuyên môn là cần thiết, cô Nga cho rằng giáo viên chủ nhiệm vẫn là người then chốt trong việc tháo gỡ vướng mắc của học sinh.

"Ví dụ ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước khi phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Phòng tâm lý, một giáo viên chủ nhiệm có thể chuyển biến được 1-3 học sinh mỗi năm. Họ gần gũi các em nhất nên sẽ dễ tiếp cận. Chỉ trường hợp cực kỳ đặc biệt, muốn gặp thầy cô tâm lý, giáo viên chủ nhiệm mới phối hợp", cô Nga nói.

Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái trong một giờ lên lớp. Ảnh: D.T

Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái trong một giờ lên lớp. Ảnh: D.T

Thầy Đỗ Văn Giảng cũng cho rằng giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi hành vi của học sinh bởi số em chủ động tìm tới phòng tư vấn tâm lý của trường không nhiều.

Ở ngôi trường từng được mệnh danh là "Đinh Kinh Hoàng", giáo viên chủ nhiệm được coi là "hiệu trưởng con". Họ phải quản lý và có trách nhiệm giáo dục hành vi đức dục nhằm hoàn thiện nhân cách cho học trò.

"Giáo viên chủ nhiệm bắt buộc nắm được tình hình của từng học sinh, hoàn cảnh, quá trình học tập, phát triển tâm sinh lý. Họ phải hiểu học sinh mà muốn hiểu thì phải tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi", thầy Giảng nói và cho biết trường Đinh Tiên Hoàng năm nào cũng khảo sát để phụ huynh và học sinh phối hợp giúp giáo viên hiểu các em hơn.

Khi đã hiểu học sinh, giáo viên chủ nhiệm có thể giới thiệu những em cá tính, rối nhiễu tâm lý lên phòng tư vấn. Bằng chuyên môn, các chuyên viên của văn phòng sẽ tìm hiểu vướng mắc của các em để cùng giáo viên chủ nhiệm tháo gỡ. Cách làm này, theo thầy Giang không phải chỉ nhìn vào hậu quả, hành vi của học sinh để đánh giá, quy kết mà là tìm hiểu căn nguyên để giải quyết tận gốc vấn đề. Tất nhiên, không phải tất cả học sinh gặp rối nhiễu đều có thể giải quyết được hết và quá trình thay đổi các em không phải một sớm một chiều.

Tác giả: hanoi

Xem thêm