Tin tức : (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thăng Bình)/Tin tức - Sự kiện

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh sắp tới sẽ học những môn gì?

Ngày đăng : 28-10-2015

          Chiều 5/8, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình tổng thể là phương hướng và kế hoạch khái quát của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, bao gồm:

          Quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học, điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện được chương trình.

          Theo dự kiến, học sinh các cấp phổ thông sẽ chỉ phải học số lượng các môn học chỉ bằng khoảng một nửa số môn của hiện tại. Môn học tích hợp “ghép” một số môn lại với nhau, đồng thời cho phép học sinh được tự chọn môn học.

           Theo Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông và công bố tổng hợp các ý kiến đóng góp cho Dự thảo, Chương trình Giáo dục phổ thông sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi so với hiện tại. Cụ thể, thời lượng chương trình một năm học có 35 tuần thực học (3 tuần dành cho nội dung giáo dục của địa phương).

           Đối với cấp Tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

           Đối với cấp THCS: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Cấp THPT: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

           Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

           Cũng theo Dự thảo, ở bậc trung học, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm nhiều, chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và chỉ còn 4 môn đối với THPT. Các cấp học được chia thành các giai đoạn giáo dục khác nhau, bao gồm:

          Giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Thể dục, Giáo dục lối sống/ giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/ Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/ Khoa học xã hôi.

           Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn các môn: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Tự chọn trong môn học: Kĩ thuật/ Công nghiệm, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

           Với giai đoạn định hướng nghề nghiệp (THPT): Sẽ có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán, Công dân với tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý trong các môn Nghiên cứu khoa học kĩ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2.

           Có thể tự chọn trong nhóm các môn học: Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn 2, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Hoặc tự chọn trong môn học; Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Chuyên đề học tập.

            Nội dung cụ thể của dự thảo, mời xem file đính kèm.

Tổng hợp

data/12178807190808043389/tintuc/files/10.2015/ctgdpt.doc

Các tin khác

Xem thêm...