Ngày: 23/09/2014
Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams từng nói: “Trẻ em nên được giáo dục dựa theo nguyên tắc tự do”. Suốt hơn 200 năm phát triển, nền giáo dục Mỹ vẫn trung thành với triết lý đó. Những công dân Mỹ tương lai được định hình bởi giá trị cốt lõi là tự do đi kèm với tự chủ. Cũng chính vì thế mà giá trị của “giấc mơ Mỹ” đã và đang len lỏi đến tất cả “ngóc ngách” của thế giới.
“Tự do” gắn liền “tôn trọng” và “trách nhiệm”
Nền giáo dục Mỹ hướng đến việc đào tạo ra những con người tự do, có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống đang biến động từng ngày. Người Mỹ hiểu rằng việc “bó buộc” trẻ em trong những quyển sách “quốc định” chỉ khiến sức tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ bị giới hạn. Điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng sống của trẻ trong một thế giới hội nhập, đa dạng. Đó là lý do tại sao chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự phát hiện, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ “xung quanh một câu hỏi”.
Tuy nhiên, triết lý “tự do” không có nghĩa là thiếu sự tôn trọng hay thiếu bình đẳng. Cái tự do mà người Mỹ muốn có là tự do về tư tưởng - quyền được giữ quan điểm của bản thân. Nhưng phải tôn trọng ý kiến (hay sự tự do tư tưởng) của người khác. Chẳng hạn, nếu một sinh viên ngành sinh học không tin theo thuyết tiến hóa, anh ta được quyền giữ nguyên lập trường. Nhưng sinh viên này vẫn phải tìm hiểu học thuyết đó khi bước vào lớp như các bạn khác.
“Tự do” càng không có nghĩa là cứ việc gì mình không thích thì né tránh mà trái lại phải sống một cách có trách nhiệm. Trước hết là sống trách nhiệm với bản thân. Ví dụ, người Mỹ có thể theo học hầu như bất kỳ trường nào trong vô số đại học, tuy nhiên lựa chọn đó không được tùy tiện hay nhất thời mà phải được cân nhắc kỹ càng về lợi ích của bản thân: sở thích, nguyện vọng, ước mơ.
Bên cạnh đó là sự trách nhiệm với cộng đồng. Thầy cô giáo dạy các học sinh của mình rằng công dân Mỹ dù có đồng tình với những chủ trương, chính sách của chính phủ hay không thì cũng phải đi bỏ phiếu để thể hiện, đóng góp tiếng nói của mình. Những công dân của “chú Sam” luôn tin tưởng, kỳ vọng và nỗ lực thực hiện trách nhiệm đào tạo tất cả trẻ em Mỹ bằng cách dạy cho chúng hiểu rằng mỗi công dân đều có khả năng, trách nhiệm đóng góp ý tưởng đột phá cho đất nước.
Với quan niệm đó, nền giáo dục Mỹ được thiết kế sao cho cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ cá nhân. Một mặt học sinh có nhiều lựa chọn để đi theo con đường học tập riêng. Ở trong lớp, các em được khuyến khích nói lên lập trường của mình. Mặt khác, mỗi người học đều phải nghiêm túc chịu trách nhiệm với những gì mình đã chọn.
Nhà trường tự chủ - học trò nhiều lựa chọn
Chuyên gia giáo dục Antonella Corsi-Bunker thuộc Trường ĐH
Thế nên tính tự chủ của các trường đại học ở Mỹ rất cao. Điều này dễ thấy khi Mỹ không có hệ thống trường quốc gia. Hiến pháp giao trách nhiệm giáo dục cho chính quyền từng bang và địa phương thay vì cho chính phủ liên bang. Mỗi bang có sở giáo dục riêng quản lý các trường trong địa phận. Tuy nhiên, đây chưa phải là cơ quan “chỉ định” quyền lực, quyết định hoạt động của các trường. Chính quyền bang chỉ có quyền ban bố những tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của trường; khảo sát số lượng và trình độ giảng viên, hệ thống hạ tầng, quy mô trường học… Từ đó quy định trường có thể đào tạo tối đa bao nhiêu học viên để đảm bảo chất lượng tối thiểu, quyền lợi tối thiểu cho người học.
Trong khi đó, các đơn vị hành chính thấp hơn, bao gồm các cộng đồng địa phương - thường là thành phố hoặc thị trấn - mới là cơ quan có quyền bổ nhiệm các ban giám hiệu cho trường công lập. Ban giám hiệu này sẽ quyết định chương trình tuyển chọn đầu vào, phương pháp đào tạo giảng dạy, tổ chức hoạt động rèn luyện… sao cho phù hợp với nhu cầu của địa phương. Điều này đồng nghĩa trường công có sự độc lập đáng kể đối với các cấp quản lý trên cao. Các trường dân lập tư thục còn có quyền tự chủ cao hơn trường công lập.
Cấu trúc trên dẫn đến việc các loại hình đào tạo mở Mỹ rất đa dạng. Đơn cử như giáo dục sau bậc phổ thông, nước Mỹ có hơn 3.500 trường bao gồm các đại học, cao đẳng, cao đẳng cộng đồng, viện nghiên cứu, còn có cả loại hình đào tạo từ xa. Mỗi trường có thế mạnh và yêu cầu rất khác nhau, tạo ra sự đa dạng về mặt chọn lựa: Ai muốn theo học đều sẽ có cơ hội phù hợp với mình.
Người Mỹ dạy trẻ cách “tự đưa ra chọn lựa” ra sao?
Người Mỹ rất chú trọng việc rèn luyện tư duy độc lập cho trẻ nhỏ. Khi mới đi học, trẻ thường nhìn nhận thế giới một cách phiến diện, chỉ có đen-trắng, đúng-sai.
Nhiệm vụ đầu tiên của người thầy là giúp học sinh mở rộng tầm mắt để thấy được một thế giới đa chiều - một câu hỏi có nhiều đáp án, một hiện tượng có nhiều cách lý giải hay một bức ảnh sẽ có nhiều cái tên ở những góc cạnh khác nhau.
Đến lúc này trẻ có xu hướng cho rằng “mọi thứ đều đúng” hoặc ngược lại là “không có gì đúng cả”. Điều giáo viên cần làm là dạy trẻ cách quan sát, nhận xét, đánh giá sự việc theo từng góc nhìn cụ thể, từng mối quan hệ cụ thể (giả thuyết - kết luận; nguyên nhân - hệ quả…) để trẻ hình thành sự nhạy cảm trong việc nhìn nhận sự việc, hiện tượng.
Sau đó, quan trọng và cốt lõi, người Mỹ giúp con em họ hiểu rằng “góc nhìn nào cũng phải có lý lẽ riêng” - thể hiện tư duy độc lập, đầy tính phản biện. “Chỉ tay vào một con chó, học sinh có quyền kết luận đó là con mèo nếu em ấy chứng minh được điều ấy dưới góc nhìn cụ thể và bằng lý lẽ thuyết phục”. đây là giai thoại vui mà nhiều người thường dùng để mô tả cách dạy trẻ tại Mỹ.
Kết thúc các giai đoạn trên, học sinh Mỹ hiểu rằng không quan trọng ở việc “chọn cái gì” mà điều cốt yếu là “giải thích/chứng minh đó là lựa chọn tối ưu”. Đó là cách mà giáo dục Mỹ đào tạo ra các sản phẩm có thế giới quan cân bằng giữa chủ quan và khách quan, vừa biết tôn trọng ý kiến người khác vừa biết cách bảo vệ quan điểm của mình.