Đó chính là chàng trai Nguyễn Thành Vinh (20 tuổi) quê ở Đức Hòa (Long An). Với kĩ năng ăn nói lưu loát truyền cảm, tự tin và vốn tiếng Anh trôi chảy, Vinhnhanh chóng tạothiện cảm với những ai mới tiếp xúc. Cậu chia: “Gia đình em kể lại rằng lúc sinh ra, hai mắt em lành lặn như các bạn khác. Thế rồi đến lúc được 19 tháng tuổi, trong một lần em cầm ly sữa đứng trên giường uống nhưng chẳng may em bị ngã xuống đất. Những mảnh vỡ từ ly thủy tinh đã đâm vào mắt em. Dù được cha đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng các bác sĩ không thể nào cứu được đôi mắt của em”.
Cuộc sống hôn nhân của ba mẹ không hạnh phúc khiến Vinh có phần bị thiệt thòi. Nhưng không như những gia đình ở quê khác, ba của Vinh vẫn cố gắng để cậu con trai được đi học trong môi trường phù hợp. Năm Vinh 6 tuổi, cha quyết định cho Vinh lên TPHCMhọc tập tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (trường dạy cho người khiếm thị - PV). Với cha Vinh, đó là một quyết định vô cũng khó khăn nhưng ông cho rằng đó là môi trường tốt nhất cho con mình.
Những ngày đầu xa gia đình, Vinh đã vô cùng sợ hãi và khóc rất nhiều nhưng sau đó cậu bắt đầu quen dần. Chính nhò sống trong môi trường tập thể này, cùng với những người bạn đồng cảnh ngộ, Vinh đã biết tự lập nhiều hơn, tự chăm sóc bản thân và bắt bầu việc học tập. Với bản lĩnh sẵn có, Vinh hòa nhập tốt và bắt đầu tìm lại được niềm vui trong học tập. Cũng chính từ đó, Vinh nhận ra rằng cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Học tập tốt nên đến lớp 2 thì Vinh được học trong môi trường hòa nhấp ở Trường tiểu học Trí Tri. Lên cấp 2, Vinnh học tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ và học THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5, TPHCM)
Trong suốt quá trình học, Vinh thích nhiều môn học như Toán, Hóa và Sinh học nhưng đặc biệtlà tiếng Anh. Khi Vinh lên 7 tuổi, Tổ chức từ thiện Loreto đã đến Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho các học sinh. Lúc ấy, Vinh như “bắt” được đúng khả năng tiềm tàng sẵn có trong bản thân của mình. Ở trường, không chỉ học chữ nổi mà Vinh còn mài mò tự học tiếng Anh. Bản thân đã rất tự tin nên Vinh học rất tiến bộ và khiến các thành viên trong Tổ chức Loreto đều ấn tượng với khả năng tiếng Anh của cậu học trò khiếm thị này.
Có kiên trì, ắt thành công
Sau khi tốt nghiệp THPT, Vinh nộp hồ sơ thi vào khoa ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Tuy nhiên, lúc đó trường chưa nhận thí sinh khiếm thị vào ngành Ngôn ngữ Anh (sau này nhận nhưng Vinh đã học ở trường khác). Không nản chí, Vinh tiếp tục tìm cơ hội học ngành này ở trường ĐH Tân Tạo - ngôi trường rất gần nhà của Vinh ở Long An.
Ban đầu, trường ĐH này cũng từ chối không nhận vì trường chưa có điều kiện để tiếp nhận một sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt như Vinh. Lần này, Vinh mạnh dạn chủ động xin gặp để thuyết phục ban giám hiệu trường. Vinh viết mail cho thầy hiệu phó bày tỏ nguyện vọng được học đại học. Sau đó, khi được gặp trực tiếp thầy, Vinh đã chia sẻ ước mơ trở thành người có ích cho xã hội và thuyết phục được thầy đồng ý cho Vinh trở thành sinh viên của trường.
Tại trường ĐH Tân Tạo, Vinh đã được học ngành Ngôn ngữ Anh như ước muốn trong vòng 2 năm. Và một cơ hội mở ra cho Vinh khi Trường ĐH quốc tế RMIT Việt Nam có chương trình học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vượt qua các ứng viên “nặng ký” ở các phần phỏng vấn trực tiếp, Vinh chính thức được trao học bổng toàn phần của Trường RMIT. Đặc biệt, trong phần thi xếp lớp tiếng Anh, Vinh xuất sắc đậu vào lớp tiếng Anh cấp độ cao nhất của trường.
Khi hỏi vì sao chọn học ở trường RMIT, Vinh chia sẻ rằng “ngay từ khi còn học ở lớp 12, em đã muốn vào học ở trường này nhưng chưa có cơ hội. Em nghĩ trường có đủ nguồn lực để giúp em có thể thực hiện được ước mơ đến với ngành Truyền thông, ngành em yêu thích từ bấy lâu. Chính vì yêu thích ngành này em mới quyết tâm theo học ngành Ngôn ngữ Anh vì tiếng Anh là nền tảng để làm truyền thông”.
Được biết, sau khi hoàn thành xong chương trình lớp tiếng Anh đầu vào, Vinh sẽ chính thức trở thành sinh viên ngành truyền thông của trường. Vinh cho biết, quan niệm sống của mình là phải lạc quan, bình tĩnh chọn thái độ đúng đắn để đối diện với khó khăn.