Chút tâm tình với nghề đã chọn

Ngày đăng : 27-11-2012

Nhận nhiệm vụ của tập thể giao, chúng tôi đến huyện Vĩnh Thạnh với mục đích tìm gặp và giới thiệu với mọi người về cô Hoàng Thị Kiều Hạnh, giáo viên trường THCS thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, vừa nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có "thành tích đặc biệt xuất sắc đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn" - một giáo viên gần 30 năm trong ngành với khá nhiều những thành tích đạt được từ sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của cô và gia đình để có thể trụ được với nghề giáo, một nghề mà cô đã lựa chọn ngay từ khi còn rất trẻ.

Chúng tôi đến huyện Vĩnh Thạnh trong cái lạnh se se của thời tiết chuyển mùa. Sự rạo rực, nôn nao đến trường THCS thị trấn Thạnh An khiến con đường như dài thêm ra. Nhận nhiệm vụ của tập thể giao, chúng tôi đến huyện Vĩnh Thạnh với mục đích tìm gặp và giới thiệu với mọi người về cô Hoàng Thị Kiều Hạnh, giáo viên trường THCS thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, vừa nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có "thành tích đặc biệt xuất sắc đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn" - một giáo viên gần 30 năm trong ngành với khá nhiều những thành tích đạt được từ sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của cô và gia đình để có thể trụ được với nghề giáo, một nghề mà cô đã lựa chọn ngay từ khi còn rất trẻ.

Theo lời kể của cô Hoàng Thị Kiều Hạnh, bản thân cô vừa mới về lại Vĩnh Thạnh từ buổiHọp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức vào các ngày 08, 09/11/2012 tại Thủ đô Hà Nội. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, chúng tôi lại gặp cô ngay trong buổi Lễ mừng 50 năm thành lập trường Sao Mai - trường THPT Thạnh An, một ngôi trường có khoảng cách không xa so với trường THCS thị trấn Thạnh An. Tiếp chúng tôi, cô giáo Kiều Hạnh hết sức vui mừng và xúc động, sau vài câu chào hỏi, hiểu được mục đích và ý nghĩa của buổi gặp gỡ sáng nay, cô Hạnh bộc bạch ngay tâm tình của mình về những điều mà cô rất muốn được chia sẻ với mọi người, với chúng tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay - mà theo cô là ngày "có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời dạy học của mình", cô tâm sự:

Từ Sài Gòn mẹ đưa chị em tôi về quê ngoại - vùng đất Vĩnh Thạnh thân thương, một huyện xa nhất của thành phố Cần Thơ. Thật vất vả và khó khăn khi một mình phải tần tảo buôn bán, thân cò lận đận để nuôi 6 đứa con (ba tôi mất khi tôi 3 tuổi, em gái tôi mới 13 ngày tuổi ), nhưng mẹ không than phiền và luôn nhẫn nại làm việc nuôi sống và dạy dỗ anh chị em tôi nên người. Mẹ chính là người đầu tiên ủng hộ và động viên chị em tôi đi làm cô giáo.

27 năm thoáng qua như một giấc mơ, nhẹ nhàng như một làn gió đã đem đến cho chúng tôi hương vị ngọt mát, tóc đã điểm bạc mà kí ức của một thời áo trắng được cắp sách đến trường và được cầm viên phấn trắng đứng trên bục giảng như tràn về trong tôi. "Tiếng Cô" đầu tiên chúng tôi nghe được từ các em, thật bỡ ngỡ nhưng đáng yêu lạ kì để rồi tự hào và ghi khắc mãi trong tim. 47 tuổi đời 27 tuổi nghề, tôi đi dạy khi vừa tròn 20 tuổi, không có điều kiện học Đại học, Cao đẳng tôi được giới thiệu đi học khóa Sư phạm cấp tốc để phục vụ tại địa phương.

Cuộc đời dạy học ngày ấy không có được những may mắn và thuận lợi như cuộc sống hiện tại của bây giờ. Ngày chúng tôi vào nghề thật khó khăn vất vả, cơm áo, gạo tiền, áp lực công việc tưởng chừng như làm lung lay, chao đảo đi những ước mơ hoài bảo, niềm tự hào khi khoác trên mình chiếc áo của nhà mô phạm. Vì sinh kế đã có không ít bạn bè tôi phải ngậm ngùi từ giã nghề dạy học.

Chúng tôi hiện nay vẫn còn được đứng trên bục giảng là nhờ gia đình, Ban giám hiệu, quý thầy cô đồng nghiệp giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đứng vững trên bục giảng. Tôi luôn học hỏi ở quý thầy cô lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm sự nhiệt tình tham gia công tác, tính nhạy bén trong điều hành, chỉ đạo các hội thi, các phong trào do nhà trường, phòng giáo dục và các cấp tổ chức.

27 năm trong nghề dạy học là điểm son trong cuộc sống hiện tại của tôi và gia đình. Điều hạnh phúc nhất đối với tôi hiện nay là nhìn thấy các em học sinh của mình học giỏi, thành đạt từ ngôi trường nhỏ bé tại một địa phương vùng xa của thành phố Cần Thơ.

Hiện tại có nhiều học sinh của tôi đã có được học vị và những vị trí cao trong xã hội và cũng như thầy cô mình các em đã phục vụ cho quê hương đất nước, nhiều em làm việc cho các công ty trong và ngoài nước nhưng các em luôn nhớ đến quý thầy cô tại ngôi trường THCS thị trấn Thạnh An - huyện Vĩnh Thạnh - thành phố Cần Thơ, cái nôi đã nuôi dưỡng và cung cấp kiến thức cho các em thành người".

Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, vùng đất cô biết đến chỉ trên sách vở... thì trong những ngày qua việc được vinh dự tham gia buổi họp mặt nhà giáo nữ tiêu biểu đã giúp cô hiểu và càng thêm yêu mến hơn nữa vùng đất Hà Nội thân thương này. Chuyến đi đã để lại trong cô nhiều ấn tượng, lưu luyến và đầy kỉ niệm với bạn bè, đồng nghiệp trong ngành.

Chào từ giã cô Hạnh, chúng tôi ra về trong tâm trạng lưu luyến và đầy cảm xúc với những tâm tình mà cô đã chia sẻ với chúng tôi về bản thân cô, về ngôi trường cô đang công tác, về vùng đất Vĩnh Thạnh hiếu học, hiền hòa và mến khách, về những đồng nghiệp của cô đang ngày đêm góp chút công sức vào sự nghiệp "trồng người" rất đáng hoan nghênh và tự hào.

Xin chúc cô Hoàng Thị Kiều Hạnh và tập thể thầy cô giáo huyện Vĩnh Thạnh ngày càng gặt hái được những thành tích tốt đẹp để đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà sánh vai chung cùng sự phát triển của thành phố!

Vĩnh Hiên - CĐ ngành Giáo dục TP Cần Thơ

Xem thêm...