BÀI GIỚI THIỆU NHÀ TRƯỜNG


Nhớ về một ngôi trường thân yêu Cuối tháng 8 năm 1960 tôi nhận được quyết định của Ty giáo dục Bắc Giang về làm Hiệu trưởng trường cấp II Quang Minh, là một trong 3 trường cấp II mới được thành lập của huyện Hiệp Hòa là trường cấp II Hoàng An, trường cấp II Xuân Cẩm và trường cấp II Quang Minh. Đến lúc này Huyện Hiệp Hòa có 4 trường cấp II. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cả huyện Hiệp Hòa chỉ có 1 trường cấp I Tiền Tiến. Hòa bình lập lại, 1954, Hiệp Hòa thành lập một trường cấp II đặt tại trung tâm huyện. Nay là trường THCS Đức Thắng. Trường cấp II Quang Minh nằm ở phía Bắc huyện Hiệp Hòa, tiếp nhận học sinh tốt nghiệp cấp I của 7 xã: Thái Sơn, Hòa Sơn, Quang Minh, Đại Thành, Hùng Sơn, Hợp Thịnh và Mai Trung. Theo chủ trương phát triển giáo dục của trên nhằm đào tạo cán bộ và nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của sự nghiệp Cách mạng của Đảng và đất nước, trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ban đầu nhà trường chỉ có 1 lớp 5 nằm trong trường cấp I Quang Minh do thầy Ngô Văn Triệu làm Hiệu trưởng. Trên tuyển thêm một giáo viên dạy lớp 5 là thầy Ngô Bá Trịnh, người Xuân Cẩm về dạy tất cả các môn tự nhiên và xã hội. Lúc đầu lớp 5 đặt tại Trại Cau ven sông Cầu, sau chuyển về Chùa thôn Hương Thịnh xã Quang Minh. Đầu năm học 1960-1961 tuyển thêm 2 lớp 5, nhà trường mới chính thức tách ra thành trường cấp II Quang Minh đặt tại chùa Hương Thịnh. Năm đầu tiên ngoài thày Nguyễn Bá Thiện là Hiệu trưởng, trên cử thêm 2 giáo viên là thày Nguyễn Khang ở Hợp Đức,Tân Yên và thày Nguyễn Văn Nhang người xã Hoàng An. Hai thày đều dạy cả tự nhiên và xã hội. Các thày đều là học sinh tốt nghiệp cấp III được tuyển dụng làm giáo viên dạy cấp II như rất nhiều giáo viên cấp II khác trong tỉnh, vì các trường trung cấp sư phạm chưa kịp đào tạo đủ giáo viên cho nhu cầu giáo dục. Tuy chưa được đào tạo sư phạm bài bản, song các thầy đều nhiệt tình, cố gắng tự học, tự nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để giảng dạy được tốt, ngoài ra ngành giáo dục cũng có nhiều hoạt động chỉ đạo rất tích cực như tổ chức cho giáo viên học tập chuyên môn, nghiệp vụ...Thời gian này phong trào “dạy tốt, học tốt” đang phát triển trong cả ngành giáo dục Miền Bắc. Trường cấp II Quang Minh thu nạp học sinh của 7 xã về học. Bà con nhân dân và các phụ huynh học sinh rất phấn khởi vì từ trước tới nay chỉ có các lớp bình dân học vụ. Sau Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp nhà nước mới dần dần phấn đấu mở mỗi xã một trường cấp I để con em học tập, nay trên mở trường cấp II, nên bà con rất vui mừng, ai có con đỗ vào cấp II đều quyết tâm tạo điều kiện cho con em học tập. Tuy đời sống kinh tế còn khó khăn, nhưng các bậc phụ huynh đều cố gắng nhiệt tình tham gia đóng góp tre, nứa, rơm rạ, công sức, xây dựng trường lớp. Các cụ đại diện Ban bảo trợ nhà trường như Cụ Thơ Dục, cụ Đông, cụ Đoan v.v.. không tiếc công sức, thời gian đi vận động nhân dân đóng góp cho nhà trường để từng bước có trường lớp, nhà tập thể cho giáo viên, làm cho cuộc sống của thày trò dạy và học thoải mái. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền xã Quang Minh và các tổ chức đoàn thể của xã rất tận tình giúp đỡ cho sự phát triển của trường. Vì vậy trường cấp II Quang Minh đã từng bước phát triển, trưởng thành. Từ một lớp 5 ban đầu (1959), đến năm học 1960-1961 có 3 lớp (hai lớp 5 và một lớp 6); Năm học 1961-1962 có 5 lớp (Hai lớp 5, 2 lớp 6, 1lớp 7); Năm học 1962-1963 có 7 lớp (Ba lớp 5, hai lớp 6, hai lớp 7). Từ năm 1964 về sau, nhà trường ổn định có 9 lớp, mỗi khối 3 lớp. Về giáo viên, cũng được trên chăm lo chu đáo, cung cấp đầy đủ từ nguồn các trường sư phạm Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Bình...Các thầy mới ra trường đều trẻ, đầy nhiệt huyết như thầy Tuyến, thầy Giang, thầy Hoàn, thầy Hữu, thầy Chuyển, thầy Tự, cô Khoa, Cô Đức, cô Huệ, cô Thịnh....Tập thể giáo viên rất đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt, giúp đỡ , dìu dắt nhau vươn lên về tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ, nên mọi người đều tiến bộ không ngừng. Nhiều thầy và nhiều học sinh sau trưởng thành trở thành các cán bộ nòng cốt của các trường, của ngành giáo dục và các ngành khác. Thời gian này đất nước ta đang có cao trào thi đua sản xuất và chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Ngành giáo dục có phong trào thi đua học tập đuổi kịp trường cấp II Bắc Lý ở tỉnh Hà Nam. Cả nước có các phong trào: Trống Bắc Lý, Cờ ba nhất, Gió Đại Phong, Ba sẵn sàng, Năm xung phong...Vì vậy mọi người đều nô nức thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”. Thời kỳ sôi động nhất của nhà trường là từ khi trường chuyển về Hữu Định xã Quang Minh vào cuối năm 1961 (địa điểm hiện nay của trường), các hoạt động chuyên môn sư phạm rất sôi nổi. Trường có đội bóng chuyền, bóng đá, có đội văn nghệ hoạt hoạt động rất phong phú, các hoạt động ngoại khóa rất vui như cắm trại, hành quân vào Phúc Thuận, Thái Nguyên lấy tre nứa, vận chuyển gạch ngói, cát sỏi về xây dựng trường, nghiên cứu trồng khoai lang Trung Hòa, trồng cam Bố Hạ, trồng mía, chăn nuôi thỏ, gà Rốt, gà Lơ go, lợn Ioóc sai v.v..rất có kết quả. Nhà trường còn cung cấp cả giống cho nhân dân. Phong trào thi đua hai tốt “Dạy tốt học tốt” được đẩy mạnh. Trường có nhiều giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi như thày Tuyển, thày Khang, thày Giang đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Em Vọng, em Đầm, em Cung ....là học sinh giỏi nhiều môn. Em Nguyễn Văn Vọng còn là học sinh giỏi cấp tỉnh nên đã được thưởng một chiếc xe đạp mini Liên xô. Một thời kỳ rất sôi nổi, vui vẻ và vô tư không bao giờ quên. Từ năm 1964, 1965 trở đi; Đế quốc Mỹ leo thang dùng không quân đánh phá Miền Bắc ngày một ác liệt vào các cơ sở kinh tế, dân sinh, bệnh viện, trường học.Trường tiếp nhận nhiều con em sơ tán của các trường Cao đẳng mỹ thuật, Viện âm nhạc Việt Nam, Viện sử học Hà Nội ...nên số lượng học sinh và thày cô tăng lên. Thày trò nhà trường ngoài nhiệm vụ dạy tốt, học tốt còn phải lo sơ tán về các nơi hẻo lánh như chân Núi Ia, xóm Việt Cường, Trại Mới. Thày trò phải ra sức lao động đào hầm hào tránh máy bay, làm đường sơ tán, nhưng vẫn bảo đảm kết quả giáo dục. Liên tục những năm đó trường đều đạt trường Tiên tiến; tỉ lệ tốt nghiệp cao trên 90%. Học sinh ra trường ngoài một bộ phận lên học cấp III, còn phần lớn các em đều thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp như: Sư phạm, Tài chính, Nông lâm nghiệp, Đường sắt, Thủy sản, v.v.. Một phần tòng quân vào Nam chiến đấu hoặc tham gia vào mặt trận sản xuất như Kế toán, Đội trưởng sản xuất, Ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp. Ai ai cũng một lòng cống hiến thật nhiều cho kháng chiến, cho Tổ quốc. Sau này có nhiều em đã trưởng thành trên mọi mặt trận sản xuất và chiến đấu. Nhiều em đã hiến dâng xương máu trở thành thương binh, một số là Liệt sĩ mãi mãi sống với tuổi Hai mươi. Chúng ta không khỏi tiếc thương và biết ơn những thầy giáo, học sinh đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Dó là Thầy giáo Đỗ Thanh Sang (Đoan Bái); Thầy Nguyễn Văn Bốn (Việt Yên); Học sinh Đỗ Xuân Vũ (Đại Thành).... Cũng từ cái nôi Quang Minh thân yêu, một số em đã lên học cấp III Hiệp Hòa rồi lên Đại học và được đi học ở các nước Xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Cu Ba v.v.. Sau này trở thành những nhà chuyên môn, có tri thức tiên tiến, hoạt động trên các mặt trận sản xuất và nghiên cứu khoa học như em Vọng, em Nghĩa, em Phú....Trong số các em phấn đấu trên mặt trận chống Mỹ cứu nước, nhiều em thành đạt, đóng góp nhiều cho công cuộc Giải phóng Miền Nam, có em trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt Ngụy, có 2 em đã trở thành Tướng lĩnh trong lực lượng Quân đội và Công an. Hơn nửa kỷ đã qua kể từ năm 1959, ngày khai sinh ra ngôi trường cấp II Quang Minh thân yêu. Bao lớp học sinh đã qua, từ những thiếu niên, thiếu nữ, nay đã thành các ông, các bà nội, ngoại. Qua bao thăng trầm phấn đấu vươn lên, nhiều người thành đạt trên mọi mặt trận, nhưng tựu trung, dù ở cương vị nào, là người nông dân, công nhân, nhà giáo, nhà báo, người lính .... đến cán bộ trung cấp, cao cấp trong quân đội, công an, trong các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, của nhà nước...tất cả đều đã hoàn thành nhiệm vụ, nay đã về nghỉ hưu, sống vui vẻ cùng các con, các cháu và gia đình, đều mang phong cách của mái trường cấp II Quang Minh. Các thầy đã qua công tác, rèn luyện phấn đấu đạt nhiều thành tựu, nay có thày đã về cõi vĩnh hằng, phần lớn đều già yếu nhưng vẫn luôn nhớ về về một thời trai trẻ sống và làm việc ở trường cấp II Quang Minh sôi động, vô tư, nhớ lớp học sinh thân yêu của mình và luôn mong có ngày gặp lại để cùng nhau ôn lại, nhớ lại những tình cảm thày trò trong “Một thời để nhớ”. Nay, mỗi khi nhớ lại một thời không thể nào nguôi sự bồi hồi nhớ về mái trường thân yêu, nhớ tới sự đùm bọc, giúp đỡ của Đảng bộ, Chính quyền địa phương, nhất là các bậc phụ huynh và các em học sinh ... Tất cả đọng lại trong tôi bao tình cảm, bao xúc cảm và càng thấm thía câu châm ngôn người xưa để lại: “Thế gian vạn sự giai hào ảnh, Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình”. Mong sao chúng ta giữ mãi những kỷ niệm tươi đẹp của một thời đã cùng nhau sống, làm việc, học tập, rèn luyện dưới mái trường cấp II Quang Minh thân yêu. 20-11-2013 Nguyễn Bá Thiện

Thăm dò ý kiến

Bạn biết cổng thông tin Demo qua đâu?

Qua báo đài
Qua bạn bè
Qua Internet
Khác

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: