BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TÀI LIỆU
GIỚI THIỆU DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI
( Kèm theo Công văn số 465 /BGDĐT-VP ngày 31 /01/2018 của Bộ GDĐT)
Hà Nội, tháng 01 năm 2018
1.1 Vì sao phải đổi mới CT GDPT?. 1
1.2. Cơ sở khoa học của việc đổi mới CT GDPT. 1
1.3. Cơ sở pháp lí của việc đổi mới CT GDPT. 1
1.4. Quan điểm xây dựng CT GDPT mới 1
1.5. Phương pháp xây dựng CT GDPT mới 1
2. Những điểm mới của CT GDPT. 1
2.1. Phát triển phẩm chất và năng lực của người học. 1
2.3. Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. 1
3. Một số nội dung mới trong CT GDPT. 1
3.1. Dạy học tích hợp trong CT GDPT mới 1
3.2. Giáo dục hướng nghiệp trong CT GDPT mới 1
3.3. Giáo dục STEM trong CT GDPT mới 1
4. Tính kế thừa và phát triển của CT GDPT mới so với CT GDPT hiện hành. 1
4.3. Tiếp thu lí luận và kinh nghiệm quốc tế trong CT GDPT mới 1
II. TÓM TẮT DỰ THẢO CÁC CT MÔN HỌC.. 1
1. CT môn Tiếng Việt/ Ngữ văn. 1
2.1. CT môn Ngoại ngữ 1 – môn Tiếng Anh. 1
2.2. CT Làm quen tiếng Anh Lớp 1 và Lớp 2. 1
2.3. CT môn Ngoại ngữ 2 – môn Tiếng Pháp. 1
2.4. CT môn Ngoại ngữ 2 – môn Tiếng Nga. 1
2.5. CT môn Ngoại ngữ 2 – môn Tiếng Đức. 1
2.6. CT môn Ngoại ngữ 2 – môn Tiếng Trung Quốc. 1
2.7. CT môn Ngoại ngữ 2 – môn Tiếng Nhật 1
2.8. CT môn Ngoại ngữ 2 – môn Tiếng Hàn. 1
4. CT môn Giáo dục công dân. 1
5. CT môn Tự nhiên và xã hội 1
6. CT môn Lịch sử và Địa lí (lớp 4, lớp 5) 1
7. CT môn Lịch sử và Địa lí (THCS) 1
11. CT môn Khoa học tự nhiên. 1
17. CT môn Giáo dục thể chất 1
20. CT Hoạt động trải nghiệm/ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. 1
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới CT (CT), SGK (SGK) GDPT (GDPT) và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới CT, SGK GDPT, Bộ GDĐT tổ chức xây dựng CT GDPT mới.
Ngày 27/7/2017, bộ khung của CT là CT GDPT tổng thể đã được Ban Chỉ đạo Đổi mới CT, SGK GDPT của Bộ GDĐT thông qua, làm căn cứ biên soạn các CT môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học). Ngày 19/01/2018, dự thảo các CT môn học được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Để giúp cán bộ quản lí giáo dục, giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân tìm hiểu CT GDPT mới, Ban Phát triển CT GDPT biên soạn tài liệu này để giới thiệu những vấn đề chung thể hiện ở CT GDPT tổng thể và giới thiệu tóm tắt dự thảo các CT môn học. Tài liệu được biên soạn theo các chủ đề; mỗi chủ đề giải đáp một vấn đề cơ bản của CT hoặc vấn đề được nhiều người quan tâm.
Những người biên soạn tài liệu đã cố gắng trình bày, diễn giải các vấn đề một cách súc tích và dễ hiểu. Tuy nhiên, thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Tập thể biên soạn mong được độc giả góp ý cho những nội dung đã viết và bổ sung những vấn đề độc giả quan tâm để tài liệu được sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới CT, SGK GDPT.
Có người cho rằng CT GDPT cần được đổi mới vì CT hiện hành còn có nhiều hạn chế, bất cập. Hiểu như vậy có phần đúng nhưng chưa đầy đủ.
CT GDPT hiện hành được ban hành theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội. CT hiện hành là một bước tiến so với các CT GDPT trước đó và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ lịch sử của một giai đoạn khá dài của đất nước. Kết quả giáo dục trong gần 20 năm qua nói chung và kết quả những kỳ thi quốc tế mà học sinh Việt Nam tham gia như các kỳ thi Olympic Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học cấp THPT, các kỳ thi học sinh giỏi cấp Tiểu học khu vực châu Á và Đông Nam Á và kỳ sát hạch cuối cấp trung học cơ sở (THCS) theo CT PISA năm 2015 đã chứng tỏ tác động tích cực của CT hiện hành trong giáo dục thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, đất nước và nhân loại đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu mới về phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người.
Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hoá còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.
Cũng trong 30 năm qua, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới CT GDPT nói riêng, giáo dục đào tạo nói chung để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.
GDPT nước ta cũng cần đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi của thực tế và bắt kịp xu thế chung của nhân loại.
a) Cơ sở thực tiễn
Cơ sở thực tiễn của việc đổi mới CT GDPT là sự phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế như đã trình bày ở trên và kết quả đối chiếu CT GDPT hiện hành với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những ưu điểm như đã trình bày ở phần trên, CT GDPT hiện hành có những hạn chế, bất cập chính sau đây:
– Mới chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa coi trọng hướng nghiệp.
– Quan điểm tích hợp và phân hoá chưa được quán triệt đầy đủ; các môn học được thiết kế chủ yếu theo kiến thức các lĩnh vực khoa học, chưa thật sự coi trọng yêu cầu về sư phạm; một số nội dung của một số môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản, còn nhiều kiến thức hàn lâm, nặng với học sinh.
– Nhìn chung, nội dung CT chưa thật sự thiết thực, chưa coi trọng kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
– Hình thức tổ chức giáo dục chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.
– Trong thiết kế CT, chưa quán triệt rõ mục tiêu, yêu cầu của hai giai đoạn giáo dục (giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp); chưa bảo đảm tốt tính liên thông trong từng môn học và giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học; còn hạn chế trong việc phát huy vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục; chưa đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục của các vùng khó khăn; việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện CT còn thiếu tính hệ thống.
CT GDPT mới cần khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên của CT hiện hành để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
b) Cơ sở lí luận
CT GDPT mới được xây dựng dựa trên những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội; đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại; thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng CT theo mô hình phát triển phẩm chất, năng lực của giáo dục Việt Nam và của các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội, đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại được thể hiện trong các Ct môn học và HĐGD.
Lí luận về phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm xây dựng CT theo mô hình phát triển phẩm chất, năng lực sẽ được trình bày ở phần sau của báo cáo này.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, xác định nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục của Nghị quyết là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lí luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.” Tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới hiện nay.
Để thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới CT, SGK GDPT (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 88).
Căn cứ Nghị quyết 88 của Quốc hội, ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới CT, SGK GDPT (sau đây gọi tắt là Quyết định 404).
Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ quy định mục tiêu đổi mới, các nguyên tắc, yêu cầu, định hướng, nội dung và lộ trình đổi mới, trách nhiệm của các Bộ, Ngành, cơ quan nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có những điểm sau:
– GDPT 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng;
– Đổi mới nội dung GDPT theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên;
– Thực hiện một CT GDPT thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; Bộ GDĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành CTGDPT […]; Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hoá và kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường;
– CT GDPT phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh;
– Tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng: phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập;
– Đổi mới căn bản phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Ngày 21/11/2017, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện CT, SGK mới, theo đó “thời gian bắt đầu triển khai áp dụng CT, SGK GDPT mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020–2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021–2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022–2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.”
Để triển khai việc xây dựng CT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và quy định của các Luật, các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/6/2017, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa CT GDPT; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Thẩm định CT GDPT. Nội dung Thông tư quy định về nội dung CT GDPT, nguyên tắc xây dựng CT GDPT, tiêu chuẩn CT tổng thể, tiêu chuẩn CT môn học, quy trình xây dựng CT GDPT, quy trình chỉnh sửa CT GDPT, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Thẩm định CT GDPT.
CT GDPT phải tuân thủ quy định của các văn bản trên và quy định của Luật Giáo dục, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
CT mới được xây dựng dựa trên những quan điểm về CT GDPT và việc xây dựng, phát triển CT GDPT như sau:
a) Vai trò của CT GDPT
– CT GDPT là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được ban hành theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để điều chỉnh hành vi của các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên, học sinh và các tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực GDPT; làm căn cứ để tổ chức công tác giáo dục, quản lí và giám sát chất lượng GDPT.
– Mặt khác, CT GDPT cũng là cam kết của Nhà nước bảo đảm các điều kiện thực hiện CT để người học đạt được các yêu cầu về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi quy định trong CT, đúng như yêu cầu được nêu trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng: “Trên cơ sở mục tiêu đổi mới GDĐT, cần xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, CT, ngành và chuyên ngành đào tạo. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở GDĐT; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo.”
b) Căn cứ xây dựng CT GDPT
CT GDPT được xây dựng dựa trên trên những căn cứ sau đây:
– Căn cứ pháp lí: quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT;
– Căn cứ thực tiễn: nhu cầu phát triển của đất nước; kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các CT GDPT đã có của Việt Nam; quyền của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
– Căn cứ lí luận: những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội; đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại; thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng CT theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
c) Định hướng của CT GDPT
– Mục tiêu giáo dục: bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học;
– Nội dung giáo dục: giáo dục những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên;
– Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục: áp dụng các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.
d) Tính hệ thống của CT GDPT
– CT GDPT bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau;
– CT GDPT bảo đảm liên thông với CT GD mầm non, CT GD nghề nghiệp và CT GD đại học.
e) Tính mở của CT GDPT
– CT bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
– CT chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả SGK và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện CT.
– CT bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học – công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Về kỹ thuật xây dựng CT, CT GDPT mới áp dụng hai phương pháp sau:
a) Phương pháp “sơ đồ ngược”
Quy trình xây dựng các CT GDPT truyền thống thường bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu và nội dung giáo dục. Đó là những CT theo định hướng tiếp cận nội dung. Việc xác định mục tiêu và nội dung giáo dục trong CT theo định hướng tiếp cận nội dung chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người xây dựng CT.
CT GDPT mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực. Để việc xác định nội dung giáo dục có cơ sở chắc chắn, người xây dựng CT phải lùi lại một bước, cụ thể hoá mục tiêu giáo dục bằng các chuẩn đầu ra, tức là những yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực mà người học cần đạt được.
Nhưng trước khi xác định mục tiêu giáo dục làm căn cứ xác định chuẩn đầu ra, người xây dựng CT phải lùi một bước, xác định nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Để xác định được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, người xây dựng CT phải lùi thêm một bước nữa, nghiên cứu nhu cầu phát triển của đất nước.
Nhưng để xác định được nhu cầu phát triển của đất nước thì trước đó phải đánh giá được bối cảnh trong nước và quốc tế ở giai đoạn tương ứng.
Quy trình làm việc như trên được các chuyên gia giáo dục quốc tế gọi là phương pháp sơ đồ ngược (back–mapping). Quy trình này bảo đảm cho CT phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
b) Phương pháp đánh giá tác động của chính sách
CT GDPT là một văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh hành vi xã hội, tác động đến đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và tác động đến sự phát triển của đất nước, cho nên nó phải được ban hành đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình này đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, bao gồm các bước như sau: (i) Đánh giá chính sách và việc thực thi chính sách hiện hành; (ii) Đề xuất chính sách mới; (iii) Đánh giá tác động của chính sách mới; (iv) Điều chỉnh đề xuất, ban hành chính sách mới; (v) Thực thi chính sách mới.
BAO CAO BA CÔNG KHAI NĂM HỌC 2016-2017
Thực hiện theo quy địnhBA CÔNG KHAI NĂM HỌC 2017 - 2018
THỰC HIỆN THEO QUY ĐỊNH VỀ BA CÔNG KHAI NĂM HỌC 2017 - 2018BÁO CÁO SƠ KẾT CHUYÊN MÔN KÌ 1 NĂM HỌC 2017 -
BÁO CÁO SƠ KẾT CHUYÊN MÔN KÌ 1 NĂM HỌC 2017 - 2018BẢNG TỔNG HỢP GIỜ DẠY HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2017
BẢNG TỔNG HỢP GIỜ DẠY HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2017 - 2018BA CÔNG KHAI NĂM HỌC 2014-2015
Ba công khai