Hơn 40 năm gắn bó với bục giảng, bà Vũ Thị Thìn (SN 1949), thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có nhiều cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp giáo dục quê nhà. Nghỉ hưu từ năm 1998 nhưng bà Thìn vẫn tâm huyết rèn "nét chữ, nết người”, mở lớp dạy học miễn phí cho hàng trăm trẻ em trên địa bàn xã.
Một buổi lên lớp của bà Vũ Thị Thìn.
Tuy về hưu nhưng bà Thìn luôn trăn trở khi nhiều học sinh khó khăn không đủ điều kiện đến trường. Nghỉ hưu được thời gian ngắn, bà đề nghị với UBND xã, Trường Tiểu học Quang Minh vận động phụ huynh đưa con em chuẩn bị vào lớp 1 đến nhà để bà rèn chữ miễn phí.
Những ngày đầu, bà dạy hơn chục cháu ở ngay hiên nhà bằng chiếc bảng tận dụng từ cánh cửa cũ. Sau này, bà xin được gần chục bộ bàn ghế của Trường Tiểu học và mượn căn nhà cũ của hàng xóm làm lớp học. Từ đó lớp học của bà giáo Thìn ngày nào cũng có tiếng ê a học bài của bọn trẻ.
Bà Thìn tâm niệm: "Mình làm được điều gì có ích cho xã hội thì tận tâm hết sức. Tôi mở lớp dạy học không phải vì tiền mà muốn trẻ em nghèo sớm được học con chữ". Tiếng lành đồn xa, học trò của bà ngày đầu là những cháu vừa hết mẫu giáo chuẩn bị lên lớp 1, giờ đây còn có cả trẻ lớp 2, lớp 3, lớp 4. Hè năm nay, hơn 100 em theo học lớp bà Thìn miễn phí. Công việc dạy trẻ vất vả nhưng các con của bà và phụ huynh luôn thấy bà vui.
Chị Dương Thị Thanh, thôn Hương Thịnh cho biết: “Ở quê nhiều gia đình không có điều kiện dạy dỗ các cháu, lấy đâu tiền cho con học thêm. May có bà giáo Thìn rèn cho nên các cháu vào học lớp 1 không bị bỡ ngỡ. Hơn nữa, dịp hè được gửi con vào lớp của bà Thìn, chúng tôi yên tâm vì các cháu có chỗ chơi, chỗ học. Thầy cô giáo dạy chữ thì nhiều nhưng làm được như bà giáo Thìn thì hiếm lắm".
Không chỉ dạy trẻ bình thường, trong nhiều năm, bà Thìn còn dạy cả các cháu bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ ở trong thôn. Nhờ tấm lòng của bà, đã có 3 cháu hòa nhập cộng đồng, được đến trường như bao trẻ em khác.
Với những đóng góp cho ngành giáo dục, bà giáo Vũ Thị Thìn đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Với bà, phần thưởng quý giá nhất chính là sự trưởng thành của các thế hệ học trò, là nguồn động viên để bà tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Hơn 40 năm “chở đò”, bà giáo Thìn không
còn nhớ đã rèn chữ, rèn nết cho bao nhiêu em. Nhưng bằng tình yêu thương
đối với con trẻ, bằng cái tâm trong sáng, bà Thìn đã nhen lên ngọn lửa
say mê học tập cho những lứa học sinh nghèo nơi đây.