Thứ ba, 19/11/2024 18:18:50
“Mách” bố mẹ cách cùng con vượt “cơn lũ” tuổi dậy thì

Ngày: 15/05/2018

Trên đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - nguyên giảng viên Tâm lý Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội tại hội thảo “Cuộc chiến tuổi dậy thì”, do Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tổ chức ngày 12/5.

"Vừa ăn bánh su kem, vừa “bồi” thêm quả ớt"

PGS Nguyễn Thị Phương Hoa bắt đầu buổi hội thảo bằng câu chuyện hoàn toàn có thật, rút ra sau 6 năm là "nạn nhân" sống chung với "cơn lũ" tuổi dậy thì cùng cậu con trai.

“Tôi vốn là một chuyên gia tâm lý nhưng khi con tôi bước vào tuổi dậy thì, tôi đã “chết trong vòng 5 nốt nhạc" vì đứa con trai đầu lòng quá “hoàn hảo”: Lớp 6 bỏ nhà ra đi, nghiện game 20 tiếng/ngày, thường xuyên đánh nhau đến tóe máu mũi”, chị dẫn chứng.

Chị chia sẻ, vợ chồng mình đã rơi vào hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, khi hoang mang, tuyệt vọng, khi lại ngỡ ngàng, xúc động. Nó khiến chị luôn trong tư thế 3 sẵn sàng: Sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng ứng phó và sẵn sàng... "câm điếc" (khi tuổi dậy thì lên cơn cáu gắt)...

“Tôi đã lạy từ Thánh Ala đến ngài Mohammad nhưng cuộc sống gia đình vẫn bị chao đảo theo những thay đổi cả về tâm, sinh lý của con, bởi tôi đã không chuẩn bị tâm thế”, PGS Hoa hài hước nói.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - nguyên giảng viên Tâm lý Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Đình Cường).
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - nguyên giảng viên Tâm lý Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Đình Cường).

 

Câu chuyện tiếp theo PGS Hoa mang đến hội thảo là câu chuyện về một cậu bé lớp 9 chỉ quan tâm đến tình dục, nghiện xem clip sex và thủ dâm. Cậu nói với bố mẹ rằng: “Còn muốn nhìn và quan hệ tình dục thật”.

Tiếp đến là chuyện, chị chứng kiến cảnh một nữ sinh mặc đồng phục mua thuốc tránh thai khẩn cấp. Một đứa trẻ khác lớp 6 thắt cổ tay tự tử vì thất tình. Hay một học sinh cấp hai bám theo ống nước để trốn nhà đi với bạn trai.

Và cao trào hơn, đó là câu chuyện về một đứa trẻ đã khóc, chỉ muốn bỏ nhà ra đi vì bố mẹ ra sức đay nghiến vì con chỉ được huy chương đồng trong một kỳ thi học sinh giỏi...

PGS Hoa lý giải, nuôi con tuổi dậy thì giống như vừa được đút miếng bánh su kem vào miệng xong, chưa kịp thưởng thức đã bị bồi thêm quả ớt chỉ thiên. Cha mẹ sẽ được đi qua tất cả các cung bậc cảm xúc giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây vậy.

Đối đầu hay bơi cùng con qua “cơn lũ”?

Cũng theo PGS Hoa, khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ có hai xu hướng, một là thể hiện và lúc nào cũng hưng phấn như một quả bom sắp nổ, hai là im lặng và khép kín.

Dù trẻ phát triển theo xu hướng nào đi chăng nữa, cũng khiến các bậc phụ huynh phải "vò đầu bứt tóc". Bài toán đặt ra ở đây là làm sao giúp con vượt qua tuổi dậy thì một cách “an toàn” nhất?

“Tuổi dậy thì như một cơn lũ, dù muốn hay không cũng vẫn sẽ đến. Nếu phụ huynh đối đầu và chặn cơn lũ sẽ chỉ làm cho tức nước vỡ bờ, cách tốt nhất hãy cố gắng hiểu sau đó bơi cùng cơn lũ để đưa con vào bờ”, PGS Phương Hoa nói.

 


Phụ huynh học sinh đặt nhiều câu hỏi tại hội thảo. (Ảnh: Đình Cường)

Phụ huynh học sinh đặt nhiều câu hỏi tại hội thảo. (Ảnh: Đình Cường)

 

Trở lại với câu chuyện của bản thân, PGS Hoa cho biết, mình đã vượt qua “cơn lũ” tuổi dậy thì cùng với con trai bằng cách “bơi” cùng con. Đầu tiên là “cai” game bằng cách cho con chơi bóng đá và nghe nhạc.

“May mắn là con tôi thích bóng đã và hay nghe nhạc ngoại. Tôi đã hướng con sang niềm yêu thích khác ngoài game, bằng cách cho cháu xem toàn bộ các ban nhạc nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn.

Hồi đó, mỗi buổi thuê sân bóng đá có giá khoảng 600.000 đồng, tôi đồng ý cho thuê luôn. Con đá đến thở hồng hộc, không còn hơi sức để “cày” game nữa”, PGS Hoa kể lại.

Tại hội thảo, một số phụ huynh đã đặt câu hỏi về trường hợp của con mình. Một phụ huynh cho biết, con mình hiện đang học tại một trường cấp 2 ở Hà Nội, cháu cũng rơi vào khủng hoảng vì những bức xúc ở trường.

“Tôi cũng gần như phát điên với câụ con trai đang học cấp 3. Có những lúc tôi phải gặp cô giáo chủ nhiệm 5 lần/tuần, thường xuyên phải gặp hiệu trưởng và luôn nhận được tin nhắn phàn nàn của cô giáo”, một phụ huynh khác gần như phát khóc khi chia sẻ tại hội thảo.

PGS Hoa đã có giải pháp cho mỗi tình huống và cho rằng, bố mẹ thường chỉ thấy những thứ bên ngoài nhưng chưa hiểu được nguồn cơn nên chưa “vượt lũ” được cùng con.

Một số cha mẹ ở Việt Nam có suy nghĩ “đẻ ra con nên có quyền” thích đánh con thì đánh, thích chửi con thì chửi”, thậm chí cho rằng xin lỗi con sẽ làm mất uy quyền của người lớn.

Vậy nên, cha mẹ hãy thấu hiểu, hãy bình tĩnh đón nhận và cùng con vượt qua. Ngoài ra, cha mẹ nên hướng các con sang niềm yêu thích lành mạnh hơn nếu phát hiện thấy con có hành vi còn lệch chuẩn ở tuổi dậy thì, hãy nói với con hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm chứ không nên ngăn cấm.

“Ngoài ra, cha mẹ hãy dùng tình yêu để gần gũi với con hơn. Phụ huynh phàn nàn rằng, làm sao yêu thương và gần gũi để làm bạn, khi con chủ động "chặn" mình? Tôi nghĩ, chỉ có tình yêu là cách gần gũi con tốt nhất. Từ một người rất nóng tính, tôi đã trở nên ngọt ngào vô cùng vì cậu con trai này.

Thế nên bố mẹ đừng căng thẳng, hãy cứ “xông lên” để yêu đi, không nên ngồi yên để chờ con "tháo chặn" bố mẹ”, PGS Hoa nhấn mạnh.

Mỹ Hà - Mỹ Hạnh

c2maidinh
Tin liên quan