Tin tức : TIN MỚI / Ý nghĩa tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Ý nghĩa tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

29/12/2017

1. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12-1944 đến tháng 5-1945. Đây là tổ chức quân sự được công nhận là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 22-12-1944, sau này đã được chọn làm ngày thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Việt Nam Giải phóng quân là tên gọi của QĐND Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 11-1945. Việt Nam Giải phóng quân thành lập ngày 15-5-1945, tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (tháng 4-1945) họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang).

3. Vệ quốc đoàn: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã lâm vào tình thế hiểm nghèo, thù trong, giặc ngoài. Ở phía Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào giải giáp quân Nhật. Ở phía Nam, thực dân Anh mở đường cho thực dân Pháp tiến vào với âm mưu biến Việt Nam trở về thời kỳ thuộc địa. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành sách lược mềm dẻo “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để giữ vững nền độc lập non trẻ. Trước sức ép của quân Tưởng Giới Thạch, ta linh động đưa Đảng ta vào hoạt động bí mật, Đảng tuyên bố “tự giải tán”. Để đáp ứng yêu sách của quân Tưởng đòi giải tán quân đội chính quy, tháng 11-1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn (còn gọi là Vệ quốc quân). Lúc này quân số quân đội ta khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã “Nam tiến” để giúp quân dân miền Nam chống lại thực dân Pháp đang tấn công xâm lược trở lại ở Nam Bộ.

4. Quân đội Quốc gia Việt Nam: Ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội ta lúc này tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, Chính phủ ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị. Trong thời kỳ 1945-1950, có những người lính trong quân đội thực dân, đế quốc sang xâm lược Việt Nam, bị cảm hóa bởi cuộc kháng chiến vệ quốc chính nghĩa của quân dân ta đã tình nguyện gia nhập Quân đội ta, tham gia chiến đấu và công tác ở nhiều lĩnh vực như chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... Nhiều người được giao trọng trách và phong quân hàm sĩ quan. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Quân đội Quốc gia Việt Nam trong buổi ban đầu xây dựng lực lượng.

5. Quân đội nhân dân Việt Nam: Từ năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi "Quân đội nhân dân" là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ".

Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7-5-1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam trở nên quen thuộc với nhân dân từ đó đến nay. Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

c1hoason

Các tin khác
Xem thêm...

Ba công khai

Thư viện ảnh


  • 2014-09-24

  • 2014-09-24

  • 2014-09-24

  • 2014-09-24

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: