Ứng phó trước thảm họa là một kỹ năng mà cha mẹ nên trang bị cho trẻ, kể cả khi con còn đang ở cái tuổi bạn không bao giờ nghĩ rằng điều đó là cần thiết…
Những mối nguy hiểm rình rập
Hiện nay, dạy kỹ năng sống cho trẻ đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm. Họ đua nhau đưa con đến các lớp dạy kỹ năng sống mà không biết rằng đáng lẽ có thể dạy con ngay khi còn nhỏ.
Hẳn chúng ta còn nhớ hình ảnh những em bé cấp 1 của Nhật Bản trật tự nép mình dưới những gầm bàn ngay trong lớp học trong đợt động đất kinh hoàng cách đây không lâu. Không phải ngẫu nhiên trẻ em Nhật Bản bình tĩnh và có những ứng phó tuyệt vời như thế, đây là một kỹ năng mà học sinh Nhật được trang bị từ khi còn nhỏ.
Thực tế ở nước ta, đến lúc nhiều ngôi nhà bị chìm trong nước sau trận mưa dài ba ngày đêm, đến lúc động đất, cháy rừng, sương giá... gõ cửa từng gia đình, người ta mới nhận ra bản thân rất lúng túng, bất lực, và thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai. Ở nhiều gia đình cho rằng trẻ còn nhỏ không cần học, còn ở trường phần lớn chỉ dừng lại để học sinh “nghe qua cho biết”.
Xã hội càng hiện đại càng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với trẻ. Những tai nạn, những thảm họa động đất, sóng thần, lũ lụt, chìm tàu… không chừa một ai.
Những kĩ năng ứng phó với thảm họa nghe xa vời nhưng lại rất thiết thực trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tự nhiên. Con trẻ cần được rèn luyện phản xạ ứng phó thảm họa chủ quan hay khách quan để có thể tự xử lý tình huống bất ngờ xảy đến.
Vẫn biết, một khi thiên tai ập đến thì đến người lớn còn khó lòng thoát khỏi chứ huống chi là trẻ em. Song, có được kỹ năng ứng phó trước thảm họa, trẻ sẽ bình tĩnh hơn, tuân thủ theo những hướng dẫn của người lớn khi cứu nạn và rất có thể sẽ vượt qua được những giờ phút kinh hoàng ấy.
Không bao giờ là quá sớm
Chia sẻ về vấn đề này, ThS Tâm lý học Nguyễn Thị Trang Nhung (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý tưởng Việt) cho biết, tùy vào từng loại hình thảm họa khác nhau, trẻ sẽ được trang bị những kỹ năng ứng phó thích hợp.
Việc trang bị kỹ năng sống cho con càng sớm càng tốt. Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục kỹ năng sống cơ bản cho trẻ một cách khoa học và có chiến lược.
Theo ThS Tâm lý học Nguyễn Thị Trang Nhung, trước những tình huống nguy hiểm xảy ra, trẻ rất dễ hoảng sợ. Càng hoảng sợ thu mình vào một góc kẹt hoặc vùng vẫy, la hét, trẻ càng khó được tìm thấy, khó được cứu và càng dễ nguy hiểm hơn.
Vì vậy, hãy huấn luyện cho con trong mọi tình huống bất thường, kể cả khi không có cha mẹ ở bên, trẻ cần phải giữ bình tĩnh. Càng bình tĩnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, trước tiên là để lắng nghe hướng dẫn của người lớn.
Đặc biệt, đừng quên trang bị cho con những kỹ năng mềm như học bơi, hoặc nếu xảy ra hỏa hoạn thì cần dùng khăn ướt quấn quanh người, che mặt để bảo vệ đường hô hấp; nếu động đất, thay vì chạy, trẻ cần bình tĩnh nấp dưới những chiếc bàn vững chắc như bàn ăn, bàn làm việc để chống đỡ và bảo vệ đầu mình khỏi những đồ vật rơi xuống.
Nếu trẻ đã đi học, có thể dạy trẻ nhớ các số điện thoại khẩn cấp, cách kêu cứu. Nếu ở chung cư và xảy ra hỏa hoạn, động đất… cần cho bé biết không chạy ra thang máy mà phải sử dụng thang bộ.